ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1137/QĐ-UBND | Đồng Nai, ngày 16 tháng 4 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH TIÊU CHUẨN VÀ QUY TRÌNH XÉT CÔNG NHẬN CHỢ ĐẠT TIÊU CHUẨN VĂN MINH/VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ và Nghị định 114/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 2327/TTr-SCT ngày 19/12/2013; Công văn số 431/SCT-TM ngày 14/3/2013 của Sở Công Thương Đồng Nai,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này:
1. Tiêu chuẩn xét công nhận chợ văn minh/văn hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
2. Quy trình xét công nhận chợ văn minh/văn hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương, Sở Tài chính, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa và Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY TRÌNH
CÔNG NHẬN CHỢ ĐẠT TIÊU CHUẨN VĂN MINH/ VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1137/QĐ-UBND ngày 16/4/2013 của UBND tỉnh Đồng Nai)
I. VỀ XÉT CÔNG NHẬN:
1. Chợ văn minh: Chợ đạt từ 95 đến 100 điểm được xét công nhận chợ đạt tiêu chuẩn chợ văn minh. Các chợ đạt tổng số điểm trên nhưng không đạt số điểm tối đa đã quy định đối với một trong các tiêu chuẩn II.4, III.3, III.4, IV.6 và IV.7 sẽ không được xét, công nhận.
2. Chợ văn hóa: Chợ đạt từ 90 đến dưới 95 điểm được xét công nhận chợ đạt tiêu chuẩn chợ văn hóa. Các chợ đạt tổng số điểm trên nhưng không đạt số điểm tối đa đã quy định đối với một trong các tiêu chuẩn II.4, III.3, III.4 và IV.6 sẽ không được xét, công nhận.
II. CƠ QUAN CÔNG NHẬN:
1. Chợ đạt tiêu chuẩn văn minh: UBND tỉnh là cơ quan ra quyết định công nhận chợ đạt tiêu chuẩn văn minh.
2. Chợ đạt tiêu chuẩn văn hóa: UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa (cấp huyện) là cơ quan ra quyết định công nhận chợ đạt tiêu chuẩn văn minh.
III. QUY TRÌNH CÔNG NHẬN:
1. Đối với chợ đề nghị đạt tiêu chuẩn chợ văn minh:
- Ban Quản lý chợ/Tổ Quản lý chợ căn cứ tiêu chuẩn chợ văn minh tự chấm điểm và gửi hồ sơ về Sở Công Thương Đồng Nai.
* Hồ sơ gồm:
+ Công văn đề nghị công nhận chợ đạt tiêu chuẩn chợ văn minh.
+ Bảng tự chấm điểm có xác nhận của đại diện các ngành hàng.
+ Biên bản họp giữa Ban Quản lý chợ/Tổ Quản lý chợ với đại diện ngành hàng đang kinh doanh tại chợ, UBND phường/xã nơi chợ đang hoạt động và đại diện của Chi bộ, của nghiệp đoàn, Chi hội Phụ nữ của chợ (nếu có) thống nhất bảng chấm điểm của chợ.
+ Văn bản đề nghị của UBND cấp huyện.
+ Các tài liệu có liên quan đến các tiêu chuẩn nêu trên - Ban Quản lý lưu giữ tại chợ và xuất trình cho Đoàn thẩm tra khi Đoàn đến làm việc.
* Số lượng: 02 bộ
- Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của Ban/Tổ Quản lý chợ (tính theo dấu công văn đến đóng trên hồ sơ), Sở Công Thương Đồng Nai tiến hành thành lập Đoàn thẩm tra.
- Thành phần Đoàn thẩm tra bao gồm: Sở Công Thương chủ trì, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Y tế, Chi Cục Thú y tỉnh, Phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng và Công an PCCC nơi chợ đang hoạt động.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, tính từ ngày kết thúc việc thẩm tra, chợ đạt từ 95 điểm trở lên, đồng thời phải đạt số điểm tối đa đã quy định đối với các tiêu chuẩn II.4, III.3, III.4, IV.6 và IV.7, Sở Công Thương lập tờ trình trình UBND tỉnh quyết định cấp Giấy chứng nhận công nhận chợ đạt tiêu chuẩn văn minh hoặc lập văn bản thông báo đến Ban/Tổ chợ quản lý biết những tiêu chuẩn chưa đạt để Ban/Tổ Quản lý chợ có giải pháp khắc phục, đồng gửi thành viên Đoàn.
* Hồ sơ xét công nhận gồm:
+ Tờ trình của Sở Công Thương.
+ Bộ hồ sơ của Ban/Tổ Quản lý chợ.
+ Biên bản của Đoàn thẩm tra.
+ Các tài liệu có liên quan.
Trường hợp chợ không đạt, Sở Công Thương có trách nhiệm lập văn bản thông báo đến Ban/Tổ chợ biết những tiêu chuẩn chưa đạt để Ban/Tổ Quản lý chợ có giải pháp khắc phục, đồng gửi thành viên đoàn.
2. Đối với chợ đề nghị đạt tiêu chuẩn chợ văn hóa:
Ban/Tổ Quản lý chợ căn cứ tiêu chuẩn chợ văn minh/văn hóa tự chấm điểm và gửi hồ sơ về Phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng.
* Hồ sơ gồm:
+ Công văn đề nghị công nhận chợ đạt tiêu chuẩn văn hóa.
+ Bảng tự chấm điểm có xác nhận của đại diện các ngành hàng.
+ Biên bản họp giữa Ban/Tổ Quản lý chợ với đại diện ngành hàng đang kinh doanh tại chợ, UBND phường/xã nơi chợ đang hoạt động và đại diện của Chi bộ, của nghiệp đoàn, Chi hội Phụ nữ của chợ (nếu có) thống nhất bảng chấm điềm của chợ.
+ Các tài liệu có liên quan đến các tiêu chuẩn nêu trên - Ban Quản lý lưu giữ tại chợ và xuất trình cho Đoàn thẩm tra khi Đoàn đến làm việc.
* Số lượng: 02 bộ
- Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của Ban/Tổ Quản lý chợ (tính theo dấu công văn đến đóng trên hồ sơ), Phòng Kinh tế/Kinh tế -Hạ tầng tiến hành thành lập đoàn thẩm tra.
- Thành phần Đoàn thẩm tra bao gồm: Phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng chủ trì, Văn phòng UBND cấp huyện, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Quản lý đô thị, Công an PCCC cấp huyện và UBND xã (phường) nơi chợ đang hoạt động.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, tính từ ngày kết thúc việc thẩm tra, chợ đạt từ 90 điểm đến dưới 95 điểm, đồng thời phải đạt số điểm tối đa đã quy định đối với các tiêu chuẩn II.4, III.3, III.4, IV.6, Phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng lập tờ trình trình UBND cấp huyện ra quyết định công nhận hoặc lập văn bản thông báo đến Ban/Tổ Quản lý chợ biết những điều kiện chưa đạt để Ban/Tổ Quản lý chợ có biện pháp khắc phục, đồng gửi thành viên Đoàn.
* Hồ sơ trình xét công nhận gồm:
+ Tờ trình của Phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng;
+ Bộ hồ sơ của Ban/Tổ Quản lý chợ;
+ Biên bản của Đoàn thẩm tra;
+ Các tài liệu có liên quan.
IV. KINH PHÍ DUY TRÌ CÁC TIÊU CHUẨN KHI ĐẠT CHUẨN CHỢ VĂN MINH/VĂN HÓA
Để các chợ có khoản kinh phí duy trì và phát huy các tiêu chuẩn đã đạt được, đối với các chợ do Nhà nước đầu tư, UBND cấp huyện được trích để cấp cho các chợ đạt chuẩn văn minh/văn hóa bằng 10% tổng số thu phí hoa chi của chợ hàng năm. Sở Tài chính hướng dẫn việc chi và quyết toán phần kinh phí này.
Đối với các chợ còn lại khoản kinh phí trên được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo các quy định về quản lý tài chính hiện hành.
Ban Quản lý/Tổ Quản lý các chợ có trách nhiệm giữ vững danh hiệu chợ văn minh/văn hóa đã được công nhận thông qua việc thường xuyên kiểm tra việc duy trì các tiêu chuẩn đã đạt, đảm bảo sử dụng kinh phí được cấp đúng mục đích, đúng quy định.
V. THU HỒI GIẤY CHỨNG NHẬN CHỢ ĐẠT TIÊU CHUẨN VĂN MINH/VĂN HÓA
Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất (theo đơn phản ánh hoặc khiếu nại tố cáo - nếu có), Sở Công Thương/Phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng chủ trì mời các đơn vị có liên quan tiến hành thẩm tra lại các tiêu chuẩn tại chợ đã đạt tiêu chuẩn văn minh/văn hóa và thông báo kết quả thẩm tra cho Ban/Tổ Quản lý chợ. Trường hợp chợ không duy trì được các tiêu chuẩn đã có, Sở Công Thương/Phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng lập tờ trình trình UBND tỉnh/UBND cấp huyện ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đã cấp cho chợ đồng thời ngưng cấp kinh phí nêu tại Mục IV.
TIÊU CHUẨN CHỢ VĂN MINH/VĂN HÓA ÁP DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1137/QĐ-UBND ngày 16/4/2013 của UBND tỉnh Đồng Nai)
I. TIÊU CHUẨN VỀ BAN QUẢN LÝ CHỢ/TỔ QUẢN LÝ CHỢ: (30 điểm)
1. Văn phòng làm việc của Ban Quản lý/Tổ Quản lý chợ sạch sẽ, ngăn nắp, gọn gàng; có bảng hiệu chợ, cờ Tổ quốc được treo đúng nơi quy định. (2 điểm)
2. Chấp hành tốt chủ trương, chính sách, luật pháp của Nhà nước và những quy định của địa phương. Hoàn thành tốt nhiệm vụ, chương trình kế hoạch hằng năm của đơn vị, thực hiện tốt Quy chế dân chủ tại đơn vị. Tích cực tham gia, đóng góp, ủng hộ các cuộc vận động từ thiện xã hội của đơn vị và địa phương. (4 điểm)
3. Có nội quy phòng cháy - chữa cháy. Có nội quy chợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt; niêm yết công khai tại nơi dễ xem; cán bộ - công nhân viên đeo bảng tên và không có mùi rượu, bia trong giờ làm việc, không hút thuốc lá tại nơi kinh doanh, nơi làm việc. (2 điểm)
4. Có hộp thư hoặc sổ góp ý ở nơi thuận tiện cho người đóng góp ý kiến. (2 điểm)
5. Có sơ đồ bố trí các khu vực kinh doanh trong chợ. (2 điểm)
6. Cán bộ, nhân viên của ban, tổ, đội quản lý phải được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. Riêng Trưởng ban/Tổ trưởng Quản lý chợ phải học qua lớp Quản lý chợ và có giấy chứng nhận. (5 điểm)
7. Cán bộ, công nhân viên không bị vi phạm kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên. (4 điểm)
8. Đảm bảo không có hộ kinh doanh lấn chiếm lòng lề đường và những khu vực cấm kinh doanh. (2 điểm)
9. Làm đầu mối để các hộ kinh doanh tại chợ có sự gắn kết và tạo sự đồng thuận, đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong nội bộ Ban/Tổ Quản lý chợ và các hộ kinh doanh tại chợ. (3 điểm)
10. Không có quảng cáo trái phép. (2 điểm)
11. Chợ có trang bị cân đối chứng và đặt nơi thuận tiện để người mua tự kiểm tra trọng lượng hàng hóa mua tại chợ. (2 điểm)
II. TIÊU CHUẨN ĐỐI VỚI CÁC HỘ KINH DOANH TẠI CHỢ: (25 điểm)
1. Các hộ, thương nhân kinh doanh tại chợ có thái độ tận tình, vui vẻ, hòa nhã với khách hàng, có phong cách văn minh, lịch sự. (6 điểm)
2. Có ít nhất 80% thương nhân kinh doanh tại chợ được tham dự các lớp tập huấn về “Kỹ năng bán hàng”. (5 điểm)
3. 100% thương nhân kinh doanh cố định tại chợ có đăng ký kinh doanh và kinh doanh đúng ngành hàng; cam kết không nói thách, cam kết bán đúng giá; đảm bảo cân đúng, cân đủ; không mua bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đúng quy định về tem, nhãn, xuất xứ.(6 điểm)
4. Có ít nhất 90% hàng hóa kinh doanh trong chợ phải được niêm yết giá cả rõ ràng, dễ thấy (trừ hàng tự sản xuất, tự tiêu thụ). Có trang bị dụng cụ đo lường chuẩn xác, được cơ quan có thẩm quyền kiểm định. (8 điểm)
III. TIÊU CHUẨN ĐỐI VỚI QUẦY, SẠP TRƯNG BÀY HÀNG HÓA: (20 điểm)
1. Diện tích quầy, sạp tại các chợ hiện hữu tối thiểu: 3m2. (3 điểm)
2. Các quầy, sạp phải có bảng hiệu; kích cỡ, màu sắc bảng hiệu được trình bày và treo thống nhất trong toàn khu vực hoặc ngành hàng hoặc toàn chợ. (5 điểm)
3. Hàng hóa kinh doanh trong chợ được trưng bày gọn gàng, đẹp mắt theo từng ngành hàng, nhóm hàng, không bố trí gần nhau các loại hàng hóa có ảnh hưởng xấu đến nhau. Không trưng bày hàng hóa lấn chiếm lối đi trong chợ. Từng hộ kinh doanh chịu trách nhiệm giữ sạch sẽ, sự thông thoáng phía trước vị trí quầy sạp của mình. (6 điểm)
4. Đối với khu vực kinh doanh hàng thực phẩm tươi sống phải đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm; bề mặt quầy, sạp phải được làm bằng gạch men hoặc bằng thép không gỉ; các trang thiết bị, dụng cụ bán hàng phải đảm bảo yêu cầu an toàn; có hệ thống thoát nước dọc theo các quầy, sạp.(6 điểm)
IV. TIÊU CHUẨN AN TOÀN VÀ VỆ SINH: (25 điểm)
1. Hàng hóa kinh doanh trong chợ của hộ kinh doanh phải được bảo vệ an toàn. Có lực lượng bảo vệ thường xuyên trong và ngoài giờ chợ hoạt động để giữ gìn an ninh trật tự tại chợ. (2 điểm)
2. Bảo đảm an toàn cho khách hàng, không để xảy ra hiện tượng trộm cắp, móc túi, bán hàng rong gây mất trật tự trong và ngoài khu vực chợ. (2 điểm)
3. Không chiếm dụng trái phép lòng đường, lề đường, vỉa hè để kinh doanh và sử dụng làm bãi giữ xe. (3 điểm)
4. Có giấy xác nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy hoặc hồ sơ phòng cháy chữa cháy được cơ quan PCCC có thẩm quyền phê duyệt; Có lực lượng phòng cháy chữa cháy và được trang bị đầy đủ các phương tiện phòng, chống cháy nổ, thường xuyên luyện tập các phương án phòng cháy chữa cháy, không để xảy ra cháy, nổ. (2 điểm)
5. Có trục đường chính thuận tiện giao thông mua bán, lối đi thông thoáng. Xe cứu hoả tiếp cận chợ dễ dàng. Có lối thoát hiểm đúng theo quy định. (3 điểm)
6. Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ trong và ngoài khuôn viên chợ. Có hệ thống thoát nước tốt, không gây ngập úng; không xả rác bừa bãi, không đổ nước bẩn ra lối đi trong chợ và ngoài khu vực chợ. Khu bán hàng thực phẩm tươi sống phải thông thoáng, khô ráo và đảm bảo thường xuyên được làm vệ sinh. (5 điểm)
7. Chợ có nhà vệ sinh công cộng được bố trí ở khu vực thuận tiện, hợp lý và thường xuyên được dọn dẹp sạch sẽ. Có phòng vệ sinh cho nam và nữ riêng; các thùng rác được bố trí ở nơi thích hợp và phải có nắp đậy. (2 điểm)
8. Tổ chức giữ xe cho khách theo đúng giá đã niêm yết, không được để tình trạng chạy xe trong chợ. (3 điểm)
9. Có cây xanh, cây kiểng tạo mảng xanh tại trụ sở làm việc của Ban/Tổ Quản lý và nơi kinh doanh. (2 điểm)
Tổng số: 100 điểm./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.