ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1131/QĐ-UBND |
Lào Cai, ngày 25 tháng 4 năm 2015 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16/12/2002;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 18/6/2014;
Căn cứ Văn bản số 1608/TTg-QHQT ngày 05/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt bổ sung danh mục dự án UNICEF tài trợ chính thức giai đoạn 2012-2016;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 102/TTr-SKH ngày 13/4/2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình đổi mới phương pháp lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm các cấp trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Chịu trách nhiệm phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quy trình theo đúng quy định Nhà nước hiện hành.
- Căn cứ quy trình, ban hành sổ tay hướng dẫn chi tiết lập kế hoạch các cấp để các đơn vị triển khai thực hiện.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã/phường/thị trấn, Trưởng Ban quản lý Dự án Bạn hữu trẻ em tỉnh Lào Cai và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
ĐỔI
MỚI PHƯƠNG PHÁP LẬP KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI HÀNG NĂM CÁC CẤP TRÊN
ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 1131/QĐ-UBND ngày 25/4/2015 của UBND tỉnh Lào Cai)
I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU CỦA ĐỔI MỚI QUY TRÌNH
Trong nền kinh tế thị trường, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KHPT KTXH) hàng năm cấp tỉnh, huyện và xã/phường/thị trấn (sau đây gọi là xã) đã trở thành công cụ điều hành phát triển kinh tế, huy động và phân bổ hợp lý các nguồn lực của địa phương phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, huyện và xã. Để đáp ứng điều đó, bên cạnh việc đổi mới về phương pháp lập kế hoạch, nội dung bản kế hoạch cần phải tiến hành đổi mới quy trình lập kế hoạch. Cụ thể, xác định các bước lập kế hoạch hàng năm cấp tỉnh, huyện, xã giúp các cán bộ làm công tác kế hoạch các cấp có thể triển khai trong thực tế xây dựng KHTPT KTXH và thay thế dần cách lập KH cũ có nhiều điểm không phù hợp hiện nay.
Quá trình đổi mới quy trình lập KHPT KTXH hàng năm cấp tỉnh, huyện và xã cần đảm bảo các yêu cầu sau:
Thứ nhất, quy trình mới về xây dựng KHPT KTXH các cấp phải bảo đảm tính khoa học, lô gíc và phản ánh các nội dung về các phương pháp mới trong xây dựng KHPT KTXH.
Thứ hai, thu hút sự tham gia của tất cả các ngành, các cấp có liên quan trong việc cung cấp thông tin đến phân tích đánh giá tình hình, xác định mục tiêu trong kỳ kế hoạch và các giải pháp thực hiện, cân đối nguồn lực tổng thể để thực hiện kế hoạch, đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch và sự đồng thuận cao trong bản kế hoạch.
Thứ ba, tăng cường sự phối hợp và đối thoại, thảo luận giữa các cấp về các nội dung kế hoạch, đặc biệt là các chỉ tiêu được giao (trong đó quan trọng nhất là các chỉ tiêu về thu chi ngân sách) và các giải pháp thực hiện nhằm thực hiện đúng quy trình xây dựng kế hoạch theo quy định hiện nay.
Thứ tư, việc xác định mục tiêu bước đầu thể hiện định hướng dựa vào kết quả: mục tiêu có phân cấp rõ rệt thành mục tiêu chung - mục tiêu cụ thể - đầu ra - hoạt động, trong đó các hoạt động phải chỉ rõ được nhu cầu về nguồn lực và phân công trách nhiệm thực hiện rõ rệt.
Thứ năm, hệ thống các chỉ tiêu thống kê và kế hoạch về phát triển KTXH được xây dựng theo một phương pháp chung, thống nhất, phản ánh thực chất tình hình KTXH trên địa bàn và dự báo khả năng thực hiện trong kỳ kế hoạch một cách khoa học, hạn chế tính hình thức, thành tích trong cung cấp số liệu thống kê và xác định chỉ tiêu kế hoạch.
Thứ sáu, các giải pháp được xây dựng trên cơ sở biết rõ các thông tin toàn diện về tất cả các loại nguồn lực; có sự ưu tiên hóa nhất định nhằm đảm bảo cân đối giữa mục tiêu và khả năng thực hiện. Các giải pháp đề ra phải có sự phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng. Thực hiện các mục tiêu, giải pháp của kế hoạch cũng là căn cứ để HĐND các cấp (nếu có) theo dõi, giám sát hoạt động của UBND các cấp.
Quy trình đổi mới phương pháp lập Kế hoạch phát triển (KHPT) kinh tế xã hội (KTXH) hàng năm cấp tỉnh, huyện và xã (sau đây gọi là KHPT KTXH các cấp) được áp dụng thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai.
Đối với các địa phương, đơn vị đang thực hiện áp dụng thí điểm các quy trình lập Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo các Chương trình/dự án do các tổ chức quốc tế, phi chính phủ... tài trợ tiến hành áp dụng thống nhất quy trình này và lồng ghép các mục tiêu ưu tiên vào nội dung chi tiết của các bản kế hoạch đảm bảo hài hòa mục tiêu và các yêu cầu của nhà tài trợ. Trong quá trình triển khai thực hiện sẽ được rút kinh nghiệm, cập nhật, hoàn thiện quy trình.
III. CĂN CỨ LẬP KHPT KTXH HÀNG NĂM CẤP TỈNH, HUYỆN VÀ XÃ
Kế hoạch phát triển (KHPT) kinh tế xã hội (KTXH) hàng năm cấp tỉnh, huyện và xã (sau đây gọi là KHPT KTXH các cấp) được lập trên cơ sở:
Luật Đầu tư công ngày 18/6/2014; Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ; Văn bản chỉ đạo, hướng dẫn lập KHPT KTXH hàng năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT), Bộ Tài chính (Bộ TC), các Bộ ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh/huyện, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các Sở, ngành khác.
Chiến lược phát triển KTXH; Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH của vùng Trung du miền núi Bắc bộ; Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH của tỉnh, huyện/thành phố, xã và Quy hoạch phát triển ngành; KHPT KTXH 5 năm của tỉnh, huyện/thành phố, xã và Kế hoạch phát triển (KHPT) 5 năm của ngành; Các chương trình dự án, đề án phát triển của ngành và địa phương.
Kết quả đánh giá thực trạng phát triển KTXH năm báo cáo trong bối cảnh của kế hoạch 5 năm và dự kiến các nguồn lực phát triển trong KH của năm kế hoạch.
Dự báo tác động của tình hình chính trị, kinh tế thế giới và các tác động bên ngoài đến sự phát triển của đất nước, của ngành và địa phương trong năm kế hoạch.
IV. CÁC NGUYÊN TẮC TRONG LẬP KHPT KTXH CẤP TỈNH, HUYỆN VÀ XÃ
1. Lập kế hoạch dựa trên kết quả
Nguồn lực là hạn chế, tuy nhiên việc xây dựng KHPT KTXH phải tập trung vào phấn đấu đạt được một số mục tiêu mong muốn nhất, bao gồm mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế và phát triển con người, trong đó nhấn mạnh ưu tiên nhóm người có nguy cơ đối mặt với rủi ro và tổn thương cao như phụ nữ, trẻ em và các nhóm dân tộc thiểu số. Muốn vậy, nội dung KHPT KTXH cần thể hiện tính ưu tiên (vấn đề ưu tiên, mục tiêu ưu tiên và giải pháp ưu tiên) nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực.
Lập kế hoạch dựa trên kết quả cho phép mỗi tỉnh/huyện/xã xây dựng KHPT KTXH địa phương xuất phát từ các mục tiêu/nhiệm vụ ưu tiên của năm KH. Từ đó lựa chọn phương thức hành động (giải pháp ưu tiên thực hiện) hợp lý nhất để đạt các mục tiêu/nhiệm vụ ưu tiên đã xác định. Điều này tạo điều kiện thực hiện theo dõi, đánh giá KH theo kết quả, đảm bảo gắn kết KH và nguồn lực, thu hút sự tham gia của các bên trong suốt quá trình lập, thực hiện và theo dõi/đánh giá KH.
2. Lập kế hoạch có sự tham gia
Kế hoạch trong cơ chế thị trường không dựa trên nguyên tắc mệnh lệnh nên việc xây dựng và thực hiện kế hoạch phải dựa trên nguyên tắc đồng thuận. Khi lập KHPT KTXH, có hai hình thức tham gia trực tiếp và tham gia gián tiếp (thông qua các kênh đại diện cho tiếng nói của các bên liên quan) và theo cả ba chiều: theo chiều dọc từ trên xuống (sự chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin trong quá trình lập KH và trao đổi, đối thoại, phản hồi trong quá trình phê duyệt kế hoạch từ các cơ quan quản lý cấp trên), từ dưới lên (đề xuất và ưu tiên hóa các nhu cầu từ phía cộng đồng, ra quyết định phân bổ ngân sách được cấp cho các mục tiêu ưu tiên) và theo chiều ngang (sự phối hợp giữa các cơ quan cùng cấp trong cung cấp thông tin, phân tích thực hạng, xác định mục tiêu và phối hợp hành động để thực hiện KH).
Như vậy, lập kế hoạch có sự tham gia đảm bảo cộng đồng phản ánh nhu cầu cũng như khả năng đóng góp nguồn lực thực hiện các giải pháp can thiệp, đồng thời nâng cao năng lực trong giải quyết vấn đề của chính họ, đều này có ý nghĩa đặc biệt quan họng với nhóm người dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em và dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, huy động sự tham gia của các bên có liên quan đặc biệt là cộng đồng và các nhóm dễ bị tổn thương trong lập KHPT KTXH đảm bảo thông tin chất lượng tốt hơn góp phần xác định đúng vấn đề và mục tiêu ưu tiên. Điều này giúp cho việc huy động nguồn lực thực hiện KH thuận lợi hơn.
3. Lập kế hoạch gắn kết với nguồn lực
Không thể thực hiện kế hoạch mà không có nguồn lực. Nếu việc xác định mục tiêu kế hoạch được gắn với dự báo về khả năng nguồn lực hiện có và có thể huy động được, thì việc lựa chọn mục tiêu ưu tiên chiến lược sẽ có cơ sở. Từ đó, tính thực tiễn và khả thi của kế hoạch sẽ được tăng cường, sự tham gia của các bên hữu quan sẽ được cải thiện về mặt chất, đồng thời, trách nhiệm của các bên (nhất là trong việc cam kết nguồn lực) sẽ được nâng cao đáng kể. Khi đó, công tác theo dõi và đánh giá (TDĐG) thực hiện kế hoạch sẽ đi vào chiều sâu, và thực sự trở thành một cơ chế để tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong lập và thực hiện kế hoạch.
4. Lập kế hoạch theo dõi và đánh giá
Muốn một kế hoạch có hiệu lực thực thi, đòi hỏi khi tổ chức thực hiện cần được phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các bên và phải có thước đo kết quả thực hiện của các bên. Muốn vậy, ngay từ khâu lập KH đã phải xây dựng KH TDĐG theo kết quả. KH này sẽ làm rõ từng chỉ tiêu KHPT sẽ được theo dõi bằng những chỉ số khách quan nào, nguồn thông tin lấy từ đâu, ai là người có trách nhiệm thu thập, cung cấp thông tin, tần suất thu thập ra sao, chế độ biểu mẫu báo cáo thông tin như thế nào và cho ai, các thông tin được báo cáo sẽ được sử dụng và xử lý như thế nào v.v... Khi có một hệ thống TDĐG như thế, một mặt các bên liên quan, mà trước hết là các cơ quan công quyền, sẽ có quyền chủ động lớn hơn trong việc sắp xếp thực hiện nhiệm vụ được giao, nhưng mặt khác sẽ phải chịu trách nhiệm lớn hơn trước những kết quả đạt được. Nếu những kết quả đó chính là kết quả mà bản KH nhằm đạt đến thì hệ thống TDĐG theo kết quả này là một công cụ đắc lực để tăng cường tính hiệu lực của KH.
V. NHIỆM VỤ CỦA CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TRONG LẬP KHPT KTXH CẤP TỈNH, HUYỆN VÀ XÃ TRONG QUI TRÌNH ĐỔI MỚI
1. Nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp ở địa phương
a) Nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân huyện
- Ban hành các văn bản hướng dẫn các Phòng ban quản lý ngành cấp huyện và các xã triển khai xây dựng, thực hiện và TDĐG KHPT KTXH ở địa phương.
- Chỉ đạo phòng Tài chính Kế hoạch (TCKH) chủ trì phối hợp với các Phòng, ban, ngành cấp huyện và các xã lập KHPT KTXH hàng năm phù hợp với mục tiêu phát triển chung của tỉnh và điều kiện cụ thể của huyện; Dự kiến điều chỉnh KHPT KTXH huyện trong trường hợp cần thiết, trình Hội đồng nhân dân (HĐND - nếu có) cùng cấp quyết định; Báo cáo UBND tỉnh, Sở KH&ĐT bản KHPT KTXH và điều chỉnh KHPT KTXH hàng năm của huyện (nếu có).
- Căn cứ vào Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, Nghị quyết của HĐND huyện (nếu có), tổ chức triển khai thực hiện và điều hành KHPT KTXH huyện; Báo cáo UBND tỉnh, Sở KH&ĐT và HĐND huyện (nếu có) công tác tổ chức triển khai thực hiện và điều hành KHPT KTXH huyện.
- Theo dõi, đánh giá, kiểm tra và báo cáo kết quả việc thực hiện KHPT KTXH huyện theo quy định.
b) Nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân xã
- Ban hành các văn bản hướng dẫn các bộ phận chuyên môn, đoàn thể, các đơn vị liên quan trên địa bàn xã và các thôn triển khai xây dựng, thực hiện và TDĐG KHPT KTXH ở địa phương.
- Chỉ đạo Tổ công tác KH chủ trì phối hợp với các bộ phận chuyên môn, đoàn thể, các đơn vị liên quan trên địa bàn xã và các thôn lập KHPT KTXH hàng năm xã phù hợp với mục tiêu phát triển chung của huyện và điều kiện cụ thể của xã; Dự kiến điều chỉnh KHPT KTXH xã trong trường hợp cần thiết, trình Hội đồng nhân dân (HĐND) cùng cấp quyết định; Báo cáo UBND huyện, phòng TCKH bản KHPT KTXH và điều chỉnh KHPT KTXH hàng năm của xã (nếu có).
- Căn cứ vào Nghị quyết của HĐND huyện (nếu có), Nghị quyết của HĐND cấp xã tổ chức triển khai thực hiện và điều hành KHPT KTXH xã; Báo cáo HĐND xã, UBND huyện và phòng TCKH công tác tổ chức triển khai thực hiện và điều hành KHPT KTXH xã.
- Theo dõi, đánh giá, kiểm tra và báo cáo kết quả việc thực hiện KHPT KTXH xã theo quy định.
2. Nhiệm vụ của Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn về lập, tổ chức thực hiện và TDĐG KHPT KTXH của tỉnh, ngành và cấp huyện. Ban hành các văn bản hướng dẫn, hướng dẫn bổ sung lập KH và khung kế hoạch định hướng cho các ngành và huyện.
- Chủ trì triển khai lập KHPT KTXH cấp tỉnh; Báo cáo UĐND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua và ban hành KHPT KTXH hàng năm cấp tỉnh; Tham mưu UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh KHPT KTXH trong trường hợp cần thiết.
- Chịu trách nhiệm chính về hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật và đảm bảo chất lượng lập KH theo qui trình mới. Phối hợp với các Sở ngành xây dựng khung TDĐG thực hiện KHPT KTXH cấp tỉnh. Hướng dẫn các huyện xây dựng khung TDĐG thực hiện KHPT KTXH cấp huyện
- Theo dõi, đánh giá và kiểm tra việc thực hiện KHPT KTXH địa phương; Báo cáo định kỳ việc thực hiện KHPT KTXH địa phương cho UBND tỉnh, Bộ KHĐT và các các cơ quan liên quan theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức kiểm tra, thanh tra theo thẩm quyền việc thực hiện KH của các Sở, ngành và các huyện, thành phố. Kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với các vi phạm về lập, tổ chức triển khai thực hiện và theo dõi, đánh giá thực hiện KH.
3. Nhiệm vụ của Sở Tài chính
- Cung cấp các văn bản, chính sách liên quan đến nguồn lực tài chính các Sở ban ngành và phòng TCKH huyện. Tham mưu UBND tỉnh phương án phân bổ ngân sách cho các Sở ban ngành, huyện
- Chủ trì và phối hợp Sở KH&ĐT hướng dẫn Sở ban ngành, phòng TCKH huyện chỉ đạo, hướng dẫn các phòng ban quản lý ngành cấp huyện và UBND cấp xã xây dựng dự toán ngân sách hàng năm theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện kiểm tra, thẩm tra dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách của các Sở ngành và huyện
4. Nhiệm vụ của các Sở, ngành
- Ban hành các văn bản hướng dẫn, hướng dẫn bổ sung lập KH và khung KH định hướng cho các phòng ban ngành của Sở và các huyện.
- Chủ trì lập KHPT thuộc phạm vi quản lý và điều chỉnh KH theo thẩm quyền; Báo cáo Bộ ngành chủ quản và Sở KHĐT KHPT ngành.
- Phối hợp với Sở KH&ĐT và Sở TC xây dựng Khung TDĐG thực hiện KHPT ngành theo phương thức đảm bảo sự gắn kết giữa KH ngành ở cấp tỉnh với KH ngành cấp huyện và cấp xã. Hướng dẫn các phòng ban ngành cấp huyện xây dựng KH có sự tham gia và TDĐG thực hiện KH.
- Tổ chức triển khai thực hiện, TDĐG KHPT ngành, lĩnh vực. Phối hợp với Sở KHĐT và UBND các huyện, thành phố trong quá trình lập, thực hiện và TDĐG KH.
5. Nhiệm vụ của các tổ chức và cá nhân
- Tổ chức và cá nhân được yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung lập KHPT KTXH phải cung cấp đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp.
- Trực tiếp tham gia lập KHPT KTXH xã theo đúng chức năng và thực hiện tuyên truyền, vận động người dân tham gia lập KHPT KTXH thôn bản và cấp xã.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.