BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1127-QĐ/TC | Hà Nội, ngày 21 tháng 05 năm 1979 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ HỆ THỐNG TỔ CHỨC QUẢN LÝ NGÀNH GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VIỆT NAM
Căn cứ Nghị định số 172-CP ngày 01-11-1973 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các Bộ trong lĩnh vực quản lý kinh tế;
Căn cứ vào chế độ phân cấp quản lý đường bộ hiện nay;
Để tăng cường việc quản lý ngành giao thông đường bộ trong cả nước;
Xét đề nghị của ông Cục trưởng Cục quản lý đường bộ và ông Vụ trưởng Vụ lao động tiền lương.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. – Công bố bản Quy định về hệ thống tổ chức quản lý ngành giao thông đường bộ Việt
Điều 2. – Những quy định trước đây trái với bản quy định này đều bãi bỏ. Các đoạn bảo dưỡng đường bộ được tổ chức theo quyết định số 533-VP ngày 25-4-1963 nay đổi thành đoạn đường bộ.
Điều 3. – Các ông cục trưởng Cục quản lý đường bộ, giám đốc Sở giao thông vận tải, trưởng Ty giao thông vận tải, cán bộ lãnh đạo các cấp của ngành giao thông đường bộ, vụ trưởng các vụ và chánh văn phòng Bộ chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI |
VỀ HỆ THỐNG TỔ CHỨC QUẢN LÝ NGÀNH GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VIỆT
I. NHIỆM VỤ CƠ BẢN CỦA CỤC QUẢN LÝ ĐƯỜNG BỘ
Điều 1. – Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ giao thông vận tải, Cục quản lý đường bộ chịu trách nhiệm thống nhất quản lý ngành giao thông đường bộ Việt
Điều 2. – Cục quản lý đường bộ là cơ quan tham mưu của Bộ, đồng thời là cơ quan quản lý ngành giao thông đường bộ trong cả nước kể cả đường trung ương và địa phương, có những nhiệm vụ cơ bản như sau:
1. Tham gia xây dựng quy hoạch cải tạo và phát triển hệ thống giao thông đường bộ trong cả nước phù hợp với đường lối phát triển kinh tế, hiện đại hóa quốc phòng, và cải thiện dân sinh của Đảng và Nhà nước.
2. Xây dựng kế hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm về việc quản lý và phát triển hệ thống giao thông đường bộ, bao gồm cả việc nâng cấp, cải tạo, sửa chữa và tiêu chuẩn hóa các tuyến đường hiện có và phát triển các tuyến đường mới trong cả nước.
Lập bảng cân đối về tiền vốn, vật tư và thiết bị kỹ thuật toàn ngành, kể cả trung ương và địa phương.
Tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả nhiệm vụ kế hoạch được giao, chịu trách nhiệm trước Nhà nước và trước Bộ Giao thông vận tải về việc thực hiện những nhiệm vụ kế hoạch đó trên hệ thống đường quốc lộ, bằng cách tự đảm nhiệm việc bảo dưỡng, trung tu, đại tu đường cầu..và làm trách nhiệm của cơ quan chủ đầu tư để hợp đồng với các lực lượng khác thi công những công trình mới có khối lượng lớn hoặc có cấu trúc phức tạp.
Căn cứ vào trách nhiệm, quyền hạn của mình để chỉ đạo giải quyết những vấn đề cần thiết cho cơ quan giao thông vận tải địa phương thực hiện những nhiệm vụ kế hoạch trên các hệ thống đường địa phương.
3. Xác định tiêu chuẩn kỹ thuật của các cấp đường trung ương và địa phương. Căn cứ vào tiêu chuẩn đã được quy định, định kỳ kiểm tra phân định lại cấp đường.
4. Tổ chức và chỉ đạo việc bảo quản, sửa chữa, nắn tuyến, gia cố, hoàn thiện các tuyến đường trung ương và địa phương hiện có. Có biện pháp hiệu nghiệm để giữ vững cấp bậc kỹ thuật của đường, không ngừng nâng cao chất lượng, năng lực thông qua và hiệu quả kinh tế của các tuyến đường, bảo đảm cho công việc giao thông và vận tải công cộng ngày một thuận lợi hơn, chi phí lưu thông ngày một giảm bớt và nhất là bảo đảm sự thuận lợi cho yêu cầu phát triển công nghiệp, xây dựng các vùng kinh tế mới và phát triển phong trào giải phóng đôi vai.
5. Nghiên cứu chế độ đăng ký đường bộ trong cả nước. Căn cứ vào chế độ đã định tổ chức việc đăng ký hệ thống đường bộ trong cả nước; kể cả việc kiểm tra đăng ký những tuyến đường mới và việc kiểm tra đăng ký định kỳ đối với các tuyến đường sẵn có. Biên soạn và phát hành các đồ biểu giao thông đường bộ.
6. Kết hợp với các cơ quan khoa học kỹ thuật để nghiên cứu và biên soạn các quy trình quản lý kỹ thuật về đường bộ kể cả nền đường, mặt cầu, cầu, phà vượt sông và những công trình kiến trúc khác hai bên đường, phù hợp với tiêu chuẩn của quốc tế, phù hợp với nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương. Giám sát việc thực hiện đúng những quy định đó.
7. Xây dựng các chế độ quản lý kỹ thuật về bảo dưỡng và sửa chữa đường bộ trong cả nước. Tổ chức và kiểm tra, giám sát việc thực hiện những chế độ đó, đảm bảo tình trạng kỹ thuật của đường luôn luôn được tốt, năng lực thông qua của đường ngày càng được nâng cao.
8. Nghiên cứu để quy định hệ thống tín hiệu thống nhất trên đường. Bảo đảm việc xây dựng thống nhất trong mạng lưới đường bộ của cả nước những tín hiệu đó.
Phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện mọi biện pháp cần thiết để những tín hiệu đó phát huy được tác dụng đảm bảo an toàn giao thông đúng với những quy định của luật giao thông đường bộ hiện hành.
9. Kết hợp với Viện kỹ thuật giao thông và các cơ quan khoa học kỹ thuật khác để nghiên cứu các biện pháp khoa học kỹ thuật cần thiết nhằm từng bước khắc phục một cách tận gốc những nguyên nhân tự nhiên gây hư hại cầu đường như lầy lội, sụt lở, va trôi, xói mòn… tổ chức thực hiện những biện pháp đó.
10. Có kế hoạch và biện pháp có hiệu quả để từng bước đổi mới trang bị kỹ thuật trong công tác bảo dưỡng, sửa chữa và quản lý khai thác đường bộ.
11. Chuẩn bị các dự án quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan Nhà nước và của nhân dân trong việc sử dụng, bảo vệ và tham gia xây dựng sự nghiệp giao thông đường bộ, kể cả việc sử dụng và bảo vệ đất đai, các công trình kiến trúc và cây trồng hai bên đường.
Tổ chức việc trồng cây, sử dụng một cách hợp lý, khoa học và có lợi nhất đất hai bên đường.
12. Nghiên cứu xây dựng các chế độ quản lý kinh tế thích hợp với đặc điểm của công tác quản lý và khai thác đường bộ, bảo đảm thực hiện thống nhất những chế độ đó.
13. Phối hợp với các ngành có liên quan để xác định những biện pháp thích hợp nhằm không ngừng phát triển và cải tạo hệ thống giao thông nông thôn, kịp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và văn hóa ở các huyện, nhất là ở các huyện miền núi và vùng kinh tế mới. Chỉ đạo việc tổ chức thực hiện các biện pháp đó.
14. Tổ chức lực lượng dự phòng và ứng cứu về đảm bảo giao thông trong mọi trường hợp cần thiết.
15. Tổ chức việc khai thác và sản xuất vật liệu và dụng cụ chuyên dùng, kể cả việc sản xuất những cấu kiện bê tông đúc sẵn như cọc tiêu, cống, dằm cầu.
Tổ chức việc sửa chữa thiết bị và tự sản xuất lấy một phần phụ tùng sửa chữa thay thế.
16. Tổ chức việc mua sắm, đặt hàng và cung cấp vật tư, dụng cụ, thiết bị chuyên dùng theo kế hoạch đã được Nhà nước duyệt và theo chế độ chung được Nhà nước quy định.
17. Tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và công nhân kỹ thuật kịp đáp ứng yêu cầu phát triển của nhiệm vụ.
Bảo đảm thực hiện đúng đắn chính sách cán bộ và chính sách lao động của Đảng và Nhà nước. Tổ chức tốt đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, công nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp.
18. Trực tiếp quản lý hệ thống đường quốc lộ, đảm bảo hoàn thiện và nâng cao năng lực thông qua của hệ thống đường quốc lộ.
Điều 3.- Cục quản lý đường bộ thông qua các khu đường bộ để quản lý hệ thống đường quốc lộ, và thông qua các cơ quan giao thông vận tải địa phương để quản lý hệ thống đường địa phương.
II. TỔ CHỨC QUẢN LÝ ĐƯỜNG BỘ ĐỊA PHƯƠNG
Điều 4. – Quản lý tốt hệ thống giao thông đường bộ của các tỉnh, thành (bao gồm cả đường liên tỉnh, đường hàng tỉnh, đường hàng huyện và đường hàng xã) là một trong những nhiệm vụ trung tâm của các Sở, Ty giao thông vận tải. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này các Sở, Ty giao thông vận tải chú trọng xây dựng các công ty công trình giao thông để xây dựng các tuyến đường mới và đoạn đường bộ để quản lý các tuyến đường hiện có. Đồng thời phải hết sức chú trọng việc xây dựng, chỉ đạo lực lượng giao thông đường bộ của các huyện để quản lý tốt các tuyến đường hàng huyện, đường hàng xã và phải có trách nhiệm kết hợp với lực lượng trung ương để đảm bảo giao thông thông suốt trên tất cả các tuyến đường thuộc vùng lãnh thổ của mình (kể cả đường quốc lộ và đường địa phương) trong mọi trường hợp có thiên tai địch họa và tình huống công tác đặc biệt khác.
Điều 5. – Đoạn đường bộ là đơn vị kinh tế sự nghiệp độc lập, chịu trách nhiệm quản lý các tuyến đường hàng tỉnh và đường liên tỉnh,
Đoạn đường bộ chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Sở, Ty giao thông vận tải, đồng thời chịu sự chỉ đạo về các mặt kỹ thuật, nghiệp vụ của Cục quản lý đường bộ.
Tổ chức nội bộ của đoạn có hạt đường bộ, đội trung tu, đội công trình, bến phà, xưởng, kho vật tư.
Điều 6. – Quản lý tốt hệ thống giao thông đường bộ của huyện – bao gồm cả việc quản lý các tuyến đường hàng huyện và đường hàng xã – là một trong những nhiệm vụ trung tâm của bộ môn giao thông vận tải của huyện.
Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, bộ môn giao thông vận tải huyện được tổ chức đội công trình giao thông huyện để trực tiếp quản lý các tuyến đường hàng huyện. Đồng thời, phải hết sức chú trọng việc xây dựng và chỉ đạo lực lượng nhân dân làm đường và bảo vệ đường ở các xã, do Ủy ban nhân dân xã và các hợp tác xã nông nghiệp phụ trách.
Điều 7.- Đội công trình giao thông huyện chịu trách nhiệm quản lý các tuyến đường hàng huyện và là lực lượng kỹ thuật chủ lực trong việc xây dựng các tuyến đường mới của huyện.
Đội công trình giao thông huyện là một đơn vị kinh tế cơ sở, do Ủy ban nhân dân huyện quyết định thành lập theo đề nghị của bộ môn giao thông vận tải huyện, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Ủy ban nhân dân huyện và sự chỉ đạo về kỹ thuật, nghiệp vụ của Sở, Ty giao thông vận tải.
III. TỒ CHỨC QUẢN LÝ ĐƯỜNG QUỐC LỘ
Điều 8. – Để quản lý tốt đường quốc lộ thành lập các khu đường bộ, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Cục quản lý đường bộ:
1. Khu đường bộ I, ký hiệu là khu I, trụ sở đóng tại Yên Bái;
2. Khu đường bộ II, ký hiệu là khu II, trụ sở đóng tại thành phố Thái Nguyên (Bắc Thái);
3. Khu đường bộ III, ký hiệu là khu III, trụ sở đóng tại thành phố Hà Nội;
4. Khu đường bộ IV, ký hiệu là khu IV, trụ sở đóng tại thành phố Vinh (Nghệ Tĩnh);
5. Khu đường bộ V, ký hiệu là khu V, trụ sở đóng tại thành phố Đà Nẵng (Quản Nam – Đà Nẵng);
6. Khu đường bộ VI, ký hiệu là khu VI, trụ sở đóng tại thành phố Hồ Chí Minh;
7. Khu đường bộ VII, ký hiệu là khu VII, trụ sở đóng ở tỉnh Hậu Giang.
Trong trường hợp cần thiết sẽ thiết lập những khu đặc biệt khác có quy định riêng.
Khu đường bộ là đơn vị kinh tế cơ sở của Cục quản lý đường bộ, có tư cách pháp nhân, có tài sản riêng, được sử dụng dấu riêng, được mở tài khoản ở ngân hàng, chịu trách nhiệm:
1. Quản lý tốt, tổ chức tốt việc bảo dưỡng và sửa chữa các tuyến đường quốc lộ trong phạm vi quản hạt của mình, bảo đảm tình trạng kỹ thuật của đường, cầu, các phương tiện vượt sông, các phương tiện đảm bảo giao thông, hệ thống thông tin tín hiệu và các công trình kiến trúc khác hai bên đường luôn luôn được tốt, giao thông thông suốt, an toàn và thuận lợi.
2. Bảo đảm thực hiện mọi biện pháp cần thiết nhằm sử dụng và khai thác đường (kể cả các công trình kiến trúc và đất hai bên đường) một cách kinh tế nhất và an toàn nhất.
3. Bảo đảm thực hiện một cách có hiệu quả nhất những biện pháp cần thiết nhằm không ngừng nâng cao năng lực thông qua của cả mạng đường đang quản lý kể cả việc nâng cấp,cai tuyến, xây dựng mới các công trình có tính chất hoàn thiện, đổi mới các phương tiện vượt sông và tiêu chuẩn hóa hệ thống đường quốc lộ với tư cách của cơ quan chủ đầu tư. Trong trường hợp cần thiết, tổ chức lực lượng để tự đảm nhận lấy một phần.
4. Xây dựng lực lượng dự phòng, kết hợp với địa phương tổ chức việc ứng cứu bảo đảm giao thông trong những trường hợp cần thiết, kể cả việc ứng cứu đối với các địa phương.
5. Phối hợp, kết hợp và hỗ trợ với lực lượng giao thông đường bộ địa phương trong các lĩnh vực điều tra về thủy văn – địa chất, khảo sát thiết kế, thí nghiệm vật liệu xây dựng, quy hoạch cải tạo và phát triển mạng lưới đường bộ ở vùng lãnh thổ sản xuất đá và cấu kiện bê tông, sửa chữa xe máy và sản xuất phụ tùng thay thế, đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật.
6. Với sự ủy nhiệm thường xuyên của Bộ và của Cục quản lý đường bộ trực tiếp liên hệ với Ủy ban nhân dân và các cơ quan giao thông vận tải địa phương để giải quyết mọi biện pháp cần thiết nhằm không ngừng hoàn thiện mạng lưới đường bộ trên từng vùng lãnh thổ (kết hợp đường quốc lộ với đường địa phương) cũng như giải quyết mọi biện pháp cần thiết để quản lý, khai thác và sử dụng mạng lưới đường bộ trên từng vùng lãnh thổ một cách hợp lý nhất, có lợi nhất, đảm bảo giao thông liên tục trong mọi tình huống.
Điều 9. – Để thực hiện nhiệm vụ, khu đường bộ có các đơn vị nội bộ là phân khu đường bộ, và những đơn vị cơ sở kinh doanh độc lập hoặc sự nghiệp phụ thuộc khác.
Điều 10. – Phân khu đường bộ là đơn vị kinh tế nội bộ của khu đường bộ, có tư cách pháp nhân không đầy đủ, được sử dụng dấu riêng, có tài khoản phụ ở ngân hàng.
Tổ chức nội bộ của phân khu đại thể được xây dựng theo những quy định ở điều 5 đối với các đoạn đường bộ địa phương. Phạm vi quản hạt của phân khu được xác định theo tuyến là chính, kết hợp với địa phận của tỉnh hoặc thành phố. Trừ trường hợp đường quá dài mới chia thành nhiều phân khu hoặc đường quá ngắn mới tổ chức ghép với tỉnh khác.
Phân khu đường bộ do Cục trưởng Cục quản lý đường bộ thiết lập, chịu sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của khu đường bộ và chịu sự giám sát của Sở hoặc Ty giao thông vận tải địa phương, quan hệ chặt chẽ với Ủy ban nhân dân và cơ quan giao thông vận tải địa phương.
Điều 11. – Do đặc điểm của các tuyến đường quốc lộ, đường giao thông huyết mạch chủ yếu của cả nước nhưng cũng đồng thời là đường giao thông huyết mạch chủ yếu của địa phưong và cũng là công trình phúc lợi chủ yếu của nhân dân địa phương nên Ủy ban nhân dân các địa phương hết sức coi trọng việc quản lý tốt các tuyến đường quốc lộ. Các cơ quan giao thông vận tải địa phương coi các phân khu như cơ sở của mình để tăng cường giám sát, tạo điều kiện thuận lợi cho các phân khu thực hiện tốt những nhiệm vụ đã quy định và phối hợp công tác trong những trường hợp cần thiết.
Điều 12. – Các đơn vị cơ sở kinh doanh độc lập thực hiện chế độ hạch toán kinh tế, có tư cách pháp nhân, được sử dụng dấu riêng, có tài khoản riêng ở ngân hàng do khu đường bộ trực tiếp quản lý theo sự ủy nhiệm của cục quản lý đường bộ, gồm có.
- Công ty cầu đường,
- Công ty khảo sát thiết kế,
- Nhà máy đại tu thiết bị,
- Cơ sở sản xuất vật liệu chuyên dùng,
- Mỏ đá,
- Xưởng vật tư thiết bị,
- Ban kiến thiết.
Các đơn vị sự nghiệp do khu đuờng bộ trực tiếp quản lý gồm có:
- Trường đào tạo công nhân kỹ thuật,
- Viện điều dưỡng.
Điều 13. – Tổ chức cụ thể của các khu đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải căn cứ vào tình hình thực tế để quyết định.
IV. TỔ CHỨC CƠ QUAN CỤC
Điều 14. – Cục quản lý đường bộ do cục trưởng cục Quản lý đường bộ trực tiếp lãnh đạo, và các cục phó được phân công theo từng lĩnh vực công tác hoặc phụ trách các khu cầu đường quan trọng nhất.
Bộ máy hoạt động của Cục gồm có các phòng kỹ thuật, nghiệp vụ và một số đơn vị cơ sở trực thuộc do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.