ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 112/QĐ-UBND | Yên Bái, ngày 18 tháng 01 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NUÔI TRỒNG THủY SẢN TỈNH YÊN BÁI, GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015;
Căn cứ Quyết định số 332/QĐ-TTg ngày 03/03/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Căn cứ Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 16/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 2760/QĐ-BNN-TCTS ngày 22/01/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Quyết định số 1167/QĐ-BNN-TCTS ngày 28/5/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Chương trình hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Căn cứ Quyết định 992/QĐ-UBND ngày 10/6/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 27/2015/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc ban hành Quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016-2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 10/TTr-SNN ngày 12/01/2016 về việc đề nghị phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020, với các nội dung sau:
1. Tên Đề án
Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020.
2. Mục tiêu của Đề án
- Khai thác, sử dụng tối đa tiềm năng lợi thế diện tích mặt nước và các nguồn lực để phát triển nuôi trồng thủy sản; phát triển nhanh nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và khai thác tiềm năng du lịch; tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh, góp phần chuyển dịch cơ cấu trong nội ngành nông nghiệp; tạo việc làm, tăng thu nhập bền vững cho người dân.
- Duy trì diện tích nuôi trồng và thác thủy sản đạt 23.000 ha, phấn đấu đến năm 2020 sản lượng thủy sản đạt trên 11.000 tấn; tăng giá trị sản phẩm thu được bình quân trên đơn vị diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản từ 100 triệu đồng/ha năm 2015 lên trên 150 triệu đồng/ha mặt nước vào năm 2020; giá trị sản xuất ngành thủy sản theo giá hiện hành đạt trên 500 tỷ đồng/năm.
3. Nội dung của Đề án
3.1. Phạm vi thực hiện: Trên phạm vi toàn tỉnh Yên Bái.
3.2. Đối tượng thực hiện: Hộ gia đình, nhóm hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia sản xuất, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
3.3. Quy mô đầu tư nuôi trồng thủy sản:
- Nuôi cá thâm canh, bán thâm canh và quảng canh tại các ao, hồ:
+ Nuôi cá thâm canh: Thực hiện theo hình thức là nuôi cá mật độ cao, đầu tư thức ăn chính bằng thức ăn công nghiệp. Quy mô nuôi 300 ha tại các ao hồ có diện tích từ 0,1 ha đến 1,0 ha.
+ Nuôi cá bán thâm canh: Thực hiện theo hình thức đầu tư một phần thức ăn công nghiệp hoặc thức ăn phối chế tại chỗ. Diện tích được xác định nuôi theo hình thức bán thâm canh trên địa bàn tỉnh tại các hồ, đầm có diện tích trên 1,0 ha đến 5,0 ha, với tổng diện tích mặt nước nuôi là 600 ha.
+ Nuôi cá quảng canh: Thực hiện nuôi trồng đối với hồ, đầm có diện tích từ 5,0 ha trở lên; trên cơ sở chỉ đầu tư về con giống và dùng thức ăn tự nhiên sẵn có tại các hồ đầm. Diện tích được thực hiện nuôi theo hình thức quảng canh trên địa bàn tỉnh khoảng 580 ha.
- Nuôi cá ruộng: Phát triển nuôi cá ruộng kết hợp với cấy lúa tại các khu vực có điều kiện phù hợp để phát triển hình thức nuôi. Tổng diện tích được xác định nuôi cá ruộng trên địa bàn tỉnh là 800 ha.
- Nuôi cá lồng: Duy trì 690 lồng cá hiện có qua các năm, phát triển thêm 650 lồng cá để phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có gần 1.300 lồng nuôi cá. Địa điểm nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh được tập trung tại hồ Thác Bà và các hồ, đầm thủy lợi, thủy điện có điều kiện phát triển nuôi cá lồng.
- Nuôi cá chắn eo ngách (quây lưới): Duy trì 70 ha cá eo ngách hiện có, mở rộng thêm 400 ha, phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có gần 500 ha diện tích mặt nước nuôi cá chắn eo ngách trên hồ Thác Bà và ở các hồ, đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh.
- Nuôi thủy đặc sản:
+ Nuôi cá Hồi: Duy trì diện tích nuôi cá với quy mô trên 5.000 m3 nước (tương đương khoảng 0,1 ha) tại khu vực Cau Phạ (xã Cao Phạ - huyện Mù Cang Chải).
+ Nuôi cá Tầm: Duy trì số lượng 55 lồng cá Tầm quy mô 4.000 m3 nước, với thể tích 700 m3/lồng trên hồ Thác Bà.
+ Nuôi Ba ba: Phấn đấu đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 150 mô hình nuôi Ba ba thương phẩm quy mô 500 con/mô hình, được tập trung chủ yếu tại các huyện: Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên.
3.4. Cải tạo ruộng kém hiệu quả sang làm ao nuôi trồng thủy sản và đào mới ao nuôi trồng thủy sản: Diện tích thực hiện tại các địa phương có điều kiện trên địa bàn tỉnh, với quy mô trong giai đoạn 2016 - 2020 là 30 ha.
3.5. Phát triển sản xuất giống: Củng cố và hoàn thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở sản xuất, cung ứng giống thủy sản trên địa bàn tỉnh trên cơ sở theo hướng xã hội hóa; khuyến khích các hộ, doanh nghiệp xây dựng các cơ sở ương nuôi cá giống tại các huyện để phục vụ nhu cầu con giống thủy sản trên địa bàn tỉnh.
3.6. Liên kết phát triển sản xuất: Hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã trong nuôi trồng thủy sản để tăng cường sự hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, cung ứng dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời tạo ra khối lượng sản phẩm thủy sản hàng hóa lớn, tập trung, có chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
4. Giải pháp thực hiện
4.1. Giải pháp về giống thủy sản: Hoàn thiện các quy trình sản xuất giống, nghiên cứu lai tạo giống nuôi thủy sản có năng suất, chất lượng cao, cải tạo nguồn giống cũ, thay thế nhóm giống kém chất lượng; tập trung nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế tạo sản phẩm hàng hóa.
4.2. Giải pháp về kỹ thuật: Tăng cường chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản; tăng cường công tác tập huấn bồi dưỡng về công nghệ nuôi, giống mới và sử dụng thức ăn công nghiệp, bảo vệ môi trường phòng ngừa dịch bệnh; tập trung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho người nuôi trồng, hàng năm mở các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tới hộ dân.
4.3. Giải pháp về thức ăn: Hướng dẫn các hộ tận dụng nguồn nguyên liệu, các sản phẩm phụ của nông nghiệp để chế biến thức ăn tại chỗ nhằm giảm chi phí sản xuất; từng bước hình thành các cơ sở chế biến thức ăn công nghiệp. Trước mắt liên kết với các nhà sản xuất thức ăn để cung cấp cho người dân nuôi trồng thủy sản, nhằm giảm chi phí trong sản xuất.
4.4. Giải pháp về chế biến và tiêu thụ sản phẩm: Nghiên cứu, áp dụng hình thức sơ chế, chế biến sản xuất quy mô nhỏ, hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản bảo quản sản phẩm sau thu hoạch tại nông hộ để tạo giá trị gia tăng giúp ổn định sản xuất thông qua các đơn đặt hàng, các hợp đồng bao tiêu sản phẩm; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm thủy sản của tỉnh thông qua tất cả các kênh thông tin, truyền thông, các hội chợ thủy sản và qua du lịch.
4.5. Giải pháp về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản: Tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền để người dân nhận thức và không đánh đánh bắt thủy sản bằng các phương thức tận thu, hủy diệt nguồn lợi, đặc biệt là ở trên hồ Thác Bà; duy trì và tăng cường các đợt tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm nguồn lợi thủy sản theo quy định.
4.6. Giải pháp về cơ chế, chính sách:
- Hỗ trợ một lần cho hộ gia đình đóng mới lồng nuôi cá làm bằng khung sắt Ø48, đảm bảo kích thước tối thiểu: Chiều dài đạt 6m, chiều rộng đạt 5,5m, chiều sâu từ 3,5m trở lên; có 2 lớp lưới Nhật nilon, 1 lưới xung quanh, 1 lưới thức ăn sâu 1,5m, phao nhựa bằng thùng phi có dung tích từ 200 lít trở lên (tối thiểu 08 phi). Mức hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng.
- Hỗ trợ đặc biệt sau đầu tư (một lần) cho nhóm hộ, hợp tác xã đóng mới lồng nuôi cá có quy mô từ 30 lồng trở lên (về yêu cầu kỹ thuật của lồng cá như hỗ trợ cho hộ gia đình). Mức hỗ trợ 5 triệu đồng/lồng.
- Hỗ trợ một lần cho hộ gia đình nuôi cá bằng quây lưới ở các eo ngách có diện tích mặt nước từ 1,0 ha trở lên. Mức hỗ trợ 20.000 đồng/m2 lưới theo diện tích lưới cụ thể, kinh phí hỗ trợ không quá 60 triệu đồng/cơ sở.
- Hỗ trợ một lần cho hộ gia đình cải tạo ruộng kém hiệu quả chuyển thành ao nuôi cá. Mức hỗ trợ 50 triệu đồng/ha (các trường hợp có diện tích không đến 1,0 ha thì hỗ trợ theo tỷ lệ tương ứng), đồng thời hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/ha để mua cá giống.
- Hỗ trợ thả cá giống bổ sung nguồn lợi thủy sản hồ Thác Bà và các hồ chứa lớn khác, địa điểm thả cách bờ tối thiểu 0,5 km. Mức hỗ trợ 500 triệu đồng/năm.
- Hỗ trợ kinh phí mua thuốc phòng trị bệnh thủy sản cho các hộ gia đình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Mức hỗ trợ 300 triệu đồng/năm.
5. Nhu cầu vốn đầu tư và tiến độ đầu tư
5.1. Nhu cầu vốn đầu tư:
Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 là 157.165 triệu đồng (Một trăm năm mươi bảy tỷ, một trăm sáu mươi năm triệu đồng). Trong đó:
- Vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ: 16.150 triệu đồng, chiếm 10,3%.
- Vốn của các hộ dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp: 141.015 triệu đồng, chiếm 89,7%.
5.2. Tiến độ đầu tư:
ĐVT: Triệu đồng
Nguồn vốn | Giai đoạn 2016- 2020 | Năm 2016 | Năm 2017 | Năm 2018 | Năm 2019 | Năm 2020 |
Tổng | 157.165 | 23.878 | 34.299 | 32.996 | 32.996 | 32.996 |
Vốn Ngân sách | 16.150 | 2.675 | 3.485 | 3.330 | 3.330 | 3.330 |
Vốn của dân, các tổ chức | 141.015 | 21.203 | 30.814 | 29.666 | 29.666 | 29.666 |
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Chủ trì với các Sở, Ngành, các địa phương có liên quan để triển khai thực hiện Đề án.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn khác để đầu tư hỗ trợ thực hiện có hiệu quả nội dung trong Đề án.
- Hướng dẫn, giúp đỡ các huyện xây dựng và thực hiện các nội dung chi tiết trong Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020.
- Tổng hợp và đánh giá kết quả thực hiện Đề án định kỳ hàng năm và 5 năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Chỉ đạo các xã, các đơn vị, các cá nhân và doanh nghiệp của địa phương lập kế hoạch chi tiết, đồng thời phê duyệt kế hoạch và tổ chức thực hiện theo nội dung Đề án.
- Hướng dẫn giúp đỡ nhân dân thực hiện các nội dung phát triển nuôi trồng thủy sản tại địa phương.
- Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển thủy sản.
- Bố trí bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương để tổ chức thực hiện các nội dung, chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản.
3. Các Sở, Ngành có liên quan:
Các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương để thực hiện nội dung của Đề án.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.