BỘ GIÁO DỤC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1118/QĐ | Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 1987 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUYỀN HẠN, NHIỆM VỤ KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT HỌC SINH CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC
- Căn cứ Nghị định số 87/HĐBT ngày 9/6/1987 của Hội đồng Bộ trưởng qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Giáo dục;
- Theo đề nghị của ông Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, ông Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông, ông Vụ trưởng Vụ tổ chức và cán bộ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Nay ban hành quy định về quyền hạn, nhiệm vụ khen thưởng và kỷ luật học sinh các trường phổ thông.
Điều 2: Quy định này áp dụng cho học sinh tất cả các trường phổ thông trong cả nước kể từ ngày ký và ban hành. Những quy định cũ trái với quy định này đều bãi bỏ
Điều 3: Ông Chánh văn phòng, các ông Thủ trưởng các đơn vị tổ chức thuộc Bộ Giáo dục, các ông Giám đốc Sở Giáo dục chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC |
QUY ĐỊNH
VỀ QUYỀN HẠN, NHIỆM VỤ, KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT HỌC SINH CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1118/QĐ ngày 2 tháng 12 năm 1987 của Bộ Giáo dục)
“Quy định về quyền hạn, nhiệm vụ, khen thưởng và kỷ luật học sinh các trường phổ thông” được ban hành nhằm mục đích mở rộng dân chủ trong nhà trường, nâng cao ý thức tự chủ, tự giáo dục của mỗi học sinh, khuyến khích học sinh tích cực học tập và rèn luyện, đưa các hoạt động của học sinh vào nề nếp, kỷ cương. Tất cả học sinh trong trường phổ thông phải luôn luôn cố gắng, chăm chỉ học tập, lao động và rèn luyện để trở thành người công dân tốt, người lao động mới phát triển toàn diện theo mục tiêu đào tạo mà Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ VI đã chỉ ra và được Bộ Giáo dục cụ thể hóa trong văn bản về muc tiêu và kế hoạch đào tạo của trường phổ thông.
Học sinh phổ thông có những quyền hạn và nhiệm vụ sau đây:
I. Quyền hạn của học sinh.
1. Được xã hội, nhà trường, gia đình tôn trọng, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục theo những quy định hiện hành của Nhà Nước và của Bộ giáo dục.
2. Được học tập, lao động, rèn luyện theo những quy định của Đảng và Nhà nước; theo mục tiêu và kế hoạch đào tạo và những quy định khác của BộGiáo dục để trở thành con người xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người công dân, người lao động, người chiến sĩ tốt, phát triển toàn diện, có các phẩm chất và năng lực cần thiết để tham gia xây dựng và báo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
3. Được quyền làm chủ, độc lập và sáng tạo trong các hoạt động học tập, lao động, rèn luyện nhằm thực hiện tốt mục tiêu và kế hoạch đào tạo.
Được tạo điều kiện thuận lợi để học tập, lao động, rèn luyện, vui chơi giải trí nhằm phát triển trí tuệ, năng khiếu, thể lực và trau dồi đạo đức.
4. Được quyền tham gia các công việc chung của lớp, của trường, thảo luận và đóng góp ý kiến vào các mặt công tác, về khen thưởng, về kỷ luật học sinh, được quyền khiếu nại về các viêc làm sai; được trả lời về các việc đã khiếu nại hoặc các vấn đề đã nêu lên; được biết các thông tin cần thiết về các việc có liên quan trực tiếp đến mình (khen thưởng, kỷ luật, thi, chọn nghề )
5. Được tạo điều kiện thuận lợi phấn đấu gia nhập Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh Niên cộng sản Hồ Chí Minh và thực hiện tốt nhiệm vụ đội viên, đoàn viên theo điều lệ của các tổ chức đó. Học sinh phổ thông được Đội thiếu niên tiền phon Hồ Chí Minh và Đoàn Thanh Niên Cộng sản Hồ Chí Minh bảo vệ quyền lợi theo đúng Điều lệ của Đội Thiếu niên, Đoàn Thanh niên và pháp luật Nhà nước.
6. Được quyền ứng cử và bầu cử trong các tổ chức của học sinh mà mình là thành viên.
7. Được quyền đóng góp ý kiến với giáo viên, với Ban Giám hiệu Nhà trường, với các cấp quản lý giáo dục và các cơ quan, các tổ chức khác.
8. Được xin nhập học, chuyển trường theo những quy định của các cấp quản lý giáo dục.
9. Học sinh dân tộc ít người, học sinh là con liệt sĩ, thương binh, học sinh có tật, học sinh có năng khiếu được đặc biệt quan tâm chăm sóc, giáo dục và được hưởng các ưu tiên theo chính sách của Đảng và Nhà nước.
10. Học sinh được quyền tham gia các bảo hiểm xã hội.
II. Nhiệm vụ của học sinh.
Những nhiệm vụ chung của học sinh các trường phổ thông:
1. Học sinh phổ thông trong độ tuổi thiếu niên và nhi đồng phải tự giác, nghiêm chỉnh thực hiện 5 Điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng:
• Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
• Học tập tốt, lao động tốt
• Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
• Giữ gìn vệ sinh thật tốt
• Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm
2. Học sinh phổ thông trong độ tuổi thanh niên phải tự giác, nghiêm chỉnh thực hiện 5 điều Bác hồ dạy thanh niên:
- Phải luôn nâng cao chí khí cách mạng “Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nàocũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, không sợ gian khổ hy sinh, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và anh dũng chiến đấu.
Phải tin tưởng sâu sắc ở lực lượng và trí tuệ cuả tập thể, của nhân dân. Tăng cường đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do.
- Luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị, chống kiêu căng tự mãn, chống lãng phí xa hoa. Thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh để giúp nhau cùng tiến bộ mãi.
- Ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân.
- Luôn luôn chú ý dìu dắt và giáo dục thiếu niên và nhi đồng, làm gương tốt về mọi mặt cho đàn em noi theo.
3. Học sinh phổ thông phải thực hiện nghĩa vụ của một thành viên trong gia đình, phường, xã, địa phương và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
A. Nhiệm vụ của học sinh phổ thông cấp I.
1. Đi học đều, đúng giờ. Nghỉ học phải xin phép. Giữ trật tự và chú ý nghe thầy giáo, cô giáo giảng bài. Tự học bài, làm bài đầy đủ trước khi đến lớp. Khi kiểm tra không nhắc bài cho bạn, không chép bài của bạn.
2. Tham gia đầy đủ và làm tốt nhiệm vụ trực nhật. Lao động tập thể, chăm chỉ làm việc nhà giúp đỡ gia đình.
3. Giữ gìn sách giáo khoa, bàn ghế và các tài sản khác của lớp của trường. Giữ gìn đồ dùng của mình, của bạn. Bảo vệ và chăm sóc cây trồng, vật nuôi, vật có ích. Không viết, vẽ lên sách giáo khoa, lên bàn, lên tường. Không trèo cây, bẻ cành, hái hoa nơi công cộng.
4. Luôn giữ gìn thân thể và quần áo sạch sẽ, không uống nước lã, không đi chân đất đến trường. Hăng hái tập thể dục hàng ngày, tham gia các trò chơi vui khỏe, các hoạt động văn nghệ.
Không vứt rác, làm bẩn lớp học, sân trường, những nơi công cộng.
5. Tích cực tham gia các sinh hoạt của tập thể lớp, của Sao, của đội. Làm tốt các việc được giao.
6. Đoàn kết và giúp đỡ bạn. Nhường nhịn và chăm sóc em nhỏ. Thật thà trong học tập, sinh hoạt.
Không nói dối, không nói tục, chửi bậy, không bắt nạt bạn học và trẻ nhỏ.
7. Kính trọng, vâng lời thầy giáo, cô giáo, cán bộ, nhân viên nhà trường, anh chị em phụ trách. Kính trọng, vâng lời, giúp đỡ ông bà, bố mẹ, anh chị, người già, người tàn tật, người có khó khăn. Chào hỏi, nói năng lễ phép với mọi người. Tôn trọng người nước ngoài.
Cảm ơn người giúp đỡ mình. Xin lỗi khi làm phiền người khác.
8. Thực hiện đầy đủ các yêu cầu về học tập lao động và rèn luyện của thầy giáo, cô giáo. Tuân theo kỷ luật của trường, lớp, đội.
Thực hiện đúng các quy tắc đi lại trên đường phố, các quy định nơi công cộng.
B. Nhiệm vụ của học sinh phổ thông cấp II.
Trên cơ sở thực hiện tốt những nhiệm vụ của học sinh phổ thông cấp I, học sinh phổ thông cấp II có những nhiệm vụ sau:
1. Tự giác học tập tốt ở lớp, ở nhà. Trong lớp chú ý nghe giảng và tích cực tham gia vào bài học. Giữ gìn trật tự trong lớp. Học bài, làm bài đầy đủ trước khi đến lớp. Không “quay cóp”. Nắm vững và vận dụng kiến thức vào đời sống.
2. Tham gia đầy đủ các hoạt động lao động, sinh hoạt hướng nghiệp, chuẩn bị nghề. Đảm bảo kỷ luật và an toàn lao động. Giúp đỡ bố mẹ trong công việc gia đình.
3. Quý trọng mọi sản phẩm lao động, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa. Tiết kiệm thời gian và tiền của. Tuyệt đối không phá hoại, không lấy cắp tài sản chung hoặc của riêng của người khác.
4. Giữu vệ sinh cá nhân thật tốt. đầu tóc, quần áo luôn sạch sẽ, gọn gàng. Không đi chân đất đến trường, không hút thuốc.
Góp phần chủ động làm sạch đẹp trường, lớp và giữ vệ sinh nơi công cộng.
5. Tích cực luyện tập thể dục, thể thao theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể. Hăng hái tham gia các hoạt động vui khỏe, thể thao, văn hóa, văn nghệ. Không xem, không nghe, không lưu truyền văn hóa phẩm phản đông, đồi trụy.
6. Tham gia tích cực vào các hoạt động tập thể, hoạt động công ích của trường, lớp, Đội, Đoàn. Hoàn thành tốt các việc được giao.Phấn đấu trở thành đội viên thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đội viên gương mẫu, Đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đoàn viên tích cực.
7. Trung thực, khiêm tốn, đoàn kết giúp đỡ bạn. Thẳng thắn đấu tranh xây dựng tập thể, mạnh dạn đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực trong lớp, trong trường, ngoài trường.
8. Tích cực tham gia phong trào “Nói lời hay làm việc tốt”. Kính trọng, lễ phép với thầy giáo, cô giáo, cán bộ nhân viên nhà trường, bố mẹ và người lớn tuổi. Giúp đỡ người già, người tàn tật, người có khó khăn. Làm gương tốt cho các em nhỏ noi theo. Cấm nói tục, chửi bậy, gây gỗ đánh nhau.
9. Thực hiện tốt các yêu cầu về học tập và rèn luyện của thầy giáo, cô giáo. Tôn trọng và nghiêm chỉnh thực hiện nghị quyết của tập thể, kỷ luật của nhà trường.
10. Tuân theo pháp luật, những quy định về bảo vệ môi trường, bảo vệ di tích văn hóa, lịch sử và danh lam thắng cảnh. Thực hiện các quy tắc sinh hoạt nơi công cộng.Tham gia bảo vệ trật tự và an toàn xã hội.
C. Nhiệm vụ của học sinh phổ thông trung học.
Trên cơ sở thực hiện tốt những nhiệm vụ của học sinh phổ thông cấp I và cấp II. Học sinh phổ thông trung học có những nhiệm vụ sau:
1. Chăm chỉ, tự giác học tập để nắm vững hệ thống kiến thức cơ bản. Trau dồi phương pháp học tập và khả năng tự học, tự mở rộng kiến thức của mình. Trung thực trong học tập, không “quay cóp”.
Tích cực vận dụng kiến thức vào lao động sản xuất và đời sống.
2. Tích cực tham gia lao động công ích, lao động sản xuất, hướng nghiệp, học nghề. Giữ kỷ luật, an toàn trong thực hành kỹ thuật và lao động. Chăm chỉ lao động giúp gia đình. Sẵn sàng tham gia lao động theo yêu cầu xã hội.
3. Giữ gìn và bảo vệ và tài sản xã hội chủ nghĩa. Thực hành tiết kiệm, không lãng phí, không đua đòi ăn diện. Tích cực đấu tranh chống hành vi phá hoại hoặc lấy cắp tài sản chung.
4. Giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh chung thật tốt. Tích cực luyện tập thể dục, thể thao. Không uống rượu, không uống thuốc.Nghiêm túc luyện tập quân sự. Sẵn sàng làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.
5. Tích cực tham gia hoạt động tập thể, hoạt động chính trị- xã hội, hoạt động văn hóa, văn nghệ. Thường xuyên tìm hiểu các sự kiện chính trị trong nước và trên thế giới. Sử dụng thời gian hợp lý và có ích. Không xem, không nghe, không lưu truyền và không làm theo văn hóa phẩm phản động, đồi trụy.
6. Đoàn kết, đấu tranh xây dựng tập thể học sinh xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn và phát huy các truyền thống tốt đẹp của tập thể. đề cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Phấn đấu trở thành đoàn viên thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đoàn viên tích cực.
7. Sống trung thực, thẳng thắng, khiêm tốn, chân thành và tôn trọng bạn bè. Xây dựng tình bạn nam, nữ trong sáng và lành mạnh. Văn minh lịch sự trong giao tiếp với mọi người. Không gây gỗ, đánh nhau.
8. Kính trọng và biết ơn thầy giáo, cô giáo, ông bà, bố mẹ và anh chị anh em. Tôn trọng và quan tâm với mọi người.Làm gương cho các em nhỏ noi theo. Tuyệt đối không có hành vi xúc phạm tới thầy giáo, cô giáo và các người khác.
9. Nghiêm túc thực hiện những yêu cầu về học tập và rèn luyện. Tuân theo kỷ luật của nhà trường. Tôn trọng và bảo vệ danh dự của nhà trường, của thầy giáo, cô giáo và tập thể học sinh.
10. Triệt để chấp hành chủ trương của đảng chính sách và pháp luật của Nhà nước. Tự giác thực hiện các quy tắc sinh hoạt nơi công cộng. Tham gia bảo vệ và trật tự an toàn xã hội.
III. Khen thưởng - kỷ luật.
A. KHEN THƯỞNG:
Những học sinh thực hiện tốt nhiệm vụ hoặc có những hành động đặc biệt dũng cảm, những việc làm tốt đáng nêu gương sẽ được khen thưởng với các mức độ sau:
1. Khen trước lớp: Là hình thức khen do giáo viên chủ nhiệm quyết định và thực hiện đối với các học sinh có những thành tích xuất sắc về từng việc, có ảnh hưởng tốt trong lớp.
+ Thưởng phiếu khen: Là hình thức khen do GVCN các lớp 1, lớp 2 thực hiện đối với học sinh chăm ngoan, hăng hái làm nhiều việc tốt, học tập đạt kết quả cao, tiến bộ nhanh trong học tập, trong sửa chữa những nhược điểm, thiếu sót về hành vi, nếp sống.
+ Ghi tên vào bảng danh dự của lớp: Là hình thức khen do GVCN các lớp cấp I thực hiện 2 tháng 1 lần đối với các học sinh đạt kết quả xếp loại các mặt giáo dục cao nhất lớp. Những học sinh có thành tích nổi bật đáng nêu gương cho cảc lớp về từng mặt giáo dục cũng có thể được ghi tên vào bảng danh dự.
2. Khen trước toàn trường: Là hình thức do hiệu trưởng quyết định và thực hiện đối với các học sinh có thành tích xuất sắc về từng việc cụ thể có ảnh hưởng tốt trong trường. Những học sinh có thành tích xuất sắc về từng mặt giáo dục trong một học kỳ hay cả năm học nhưng không đủ tiêu chuẩn để được công nhận là học sinh khá, giỏi cũng có thể được hiệu trưởng khen trước toàn trường.
Khen trước toàn trường có thể được hiệu trưởng biểu dương bằng lời, hoặc vừa được biểu dương bằng lời, vừa được cấp giấy khen.
3. Tặng danh hiệu “Học sinh khá”: Là hình thức khen do hiệu trưởng quyết định và cấp giấy khen cho các học sinh được xếp loại các mặt giáo dục từ khá trở lên trong một học kỳ hoặc cả năm học. Tùy theo khả năng, trường hoặc lớp có thể trao tặng phần thưởng.
4. Tặng danh hiệu “Học sinh giỏi”: Là hình thức khen do hiệu trưởng quyết định và cấp giấy khen và trao tặng phần thưởng cho các học sinh được xếp loại các mặt giáo dục đạt loại tốt hoặc giỏi trong 1 học kỳ hoặc cả năm học.
5. Ghi tên vào bảng danh dự của trường: Là hình thức khen do hiệu trưởng quyết định và thực hiện vào cuối học kỳ, cuối năm học. Những học sinh tiêu biểu trong học tập, tu dưỡng và rèn luyện đạo đức, lao động, thể dục thể thao, những học sinh đặc biệt tích cực tham gia hoạt động tập thể, công tác xã hội sẽ được ghi tên vào bảng danh dự của trường.
6. Tặng danh hiệu “Học sinh xuất sắc”: Là hình thức khen do hiệu trưởng và hội đồng giáo dục nhà trường xét chọn và đề nghị cơ quan quản lý giáo dục cấp trên cấp giấy khen hoặc bằng khen và tặng phần thưởng cho các học sinh liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi trong 1 cấp học hay bậc học. Hình thức khen thưởng này chỉ thực hiện đối với học sinh các lớp cuối cấp học, bậc học. Danh sách học sinh các trường phổ thông cơ sở được đề nghị lên Sở giáo dục tặng danh hiệu “Học sinh xuất sắc” phải do các PGD tập hợp, xét chọn và đề nghị. Danh sách học sinh phổ thông các cấp được đề nghị lên BGD tặng danh hiệu “Học sinh xuất sắc” phải do các SGD tập hợp, xét chọn và đề nghị.
Tặng huy hiệu vàng, huy hiệu bạc: Là hình thức khen thưởng do BGD trao cho những học sinh tốt nghiệp phổ thông cơ sở, phổ thông trung học đạt kết quả xuất sắc.
7. Tặng danh hiệu “Lớp học tiên tiến”: Là hình thức khen thưởng do PGD xét chọn và quyết định công nhận cho các lớp phổ thông cơ sở hăng hái thi đua học tập và rèn luyện, tích cực tham gia quản lý các hoạt động của lớp, đoàn kết giúp nhau cùng tiến bộ sau mỗi năm học.
8. Tặng danh hiệu “Tập thể học sinh xã hội chủ nghĩa”: Là hình thức khen thưởng do SGD và đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh (thành phố) xét chọn, quyết định công nhận và tặng cờ cho các lớp của trường PTTH đạt thành tích cao trong việc xây dựng tập thể vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập và rèn luyện sau mỗi năm học.
9. Khen thưởng đặc biệt:
a) Học sinh phổ thông các cấp đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi các bộ môn văn hóa, các bộ môn thể thao trong “Hội khỏe Phù Đổng”, các bộ môn kỹ thuật trong các hội thi “Khéo tay kỹ thuật”, trong các “Hội diễn nghệ thuật” các cấp sẽ dược các cơ quan quản lí giáo dục tương ứng cấp giấy khen, bằng khen và phần thưởng.
b) Tất cả học sinh trong đội tuyển quốc gia đi dự thi học sinh giỏi trong các kì thi quốc tế sẽ được BGD cấp bằng khen và phần thưởng.
c) Những học sinh có thành tích đặc biệt, đột xuất (ví dụ như dũng cảm cứu người bị nạn, dũng cảm đấu tranh bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, đấu tranh chống tiêu cực, chống thiên tai, địch họa, sáng chế, phát minh trong khoa học kỹ thuật...) thì tùy theo ý nghĩa và tác dụng của hành động, hiệu trưởng nhà trường sẽ khen thưởng hay đề nghị cơ quan quản lí giáo dục cấp trên (PGD, SGD, BGD)
d) Những học sinh tiêu biểu của huyện, tỉnh, thành phố sẽ được PGD, SGD đề nghị UBND huyện, UBND Tỉnh (Thành phố, đặc khu, bộ trưởng BGD ) cấp giấy khen, bằng khen và phần thưởng.
Những học sinh tiêu biểu của cả nước sẽ được BGD đề nghị Hội đồng Bộ Trưởng cấp giấy khen, bằng khen và phần thưởng.
B. KỶ LUẬT:
Những học sinh nào có vi phạm và có khuyết điểm trong việc thực hiện các nhiệm vụ được quy định trong văn bản này, có hành vi thiếu đạo đức trong quan hệ với mọi người,hoạc vi phạm những chuẩn mực đạo đức xã hội sẽ bị kỷ luật. Tùy theo mức độ và phạm vi ảnh hưởng của khuyết điểm, học sinh sẽ phải nhận một trong các hình thức kỷ luật sau:
1. Khiển trách trước lớp: Là hình thức kỷ luật do GVCN quyết định và thực hiện đối với những học sinh phạm các khuyết điểm: Lười biếng trong học tập, lao động và rèn luyện, ý thức tổ chức và kỷ luật kém, có thái độ kém văn hóa hoặc hành vi thiếu đạo đức với thầy giáo cô giáo, đối với bạn bè, đối với cha mẹ và người xung quanh... có tác hại đến danh dự và uy tín của lớp, bị GV đuổi ra khỏi lớp một tiết học để hiệu trưởng giáo dục.
2. Khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường: Là hình thức kỷ luật do hiệu trưởng và hội đồng kỷ luật nhà trường quyết định và thực hiện đối với những học sinh mắc những khuyết điểm trên 1 cách có hệ thống, có mức độ nghiêm trọng hơn, hoặc phạm khuyết điểm dù chỉ 1 lần nhưng có mức độ nghiêm trọng như: đánh nhau, ăn cắp, xúc phạm tới thầy giáo, cô giáo, có ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của trường.
3. Cảnh cáo trước toàn trường: Là hình thức kỷ luật do hội đồng kỷ luật nhà trường quy định đề nghị HT quyết định và thực hiện đối với những học sinh tái phạm những khuyết điểm đã bị khiển trách trước hội đồng kỷ luật, hoặc mắc khuyết điểm lần đầu nhưng có mức độ nghiêm trọng như: đánh nhau có tổ chức, ăn cắp, gian dối trong học tập, lao động và sinh hoạt 1 cách có hệ thống,có ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín, danh dự của nhà trường.
4. Đuổi học 1 tuần lễ: Là hình thức kỷ luật do hội đồng kỷ luật nhà trường đề nghị, HT quyết định và thực hiện, có báo cáo lên cơ quan quản lý giáo dục cấp trên để biết. Đuổi học 1 tuần lễ đối với những học sinh vi phạm các khuyết điểm: đã bị cảnh cáo trước toàn trường nhưng không bị hối lỗi và sửa chữa khuyết điểm, có ảnh hưởng xấu tới những học sinh khác, hoặc phạm khuyết điểm lần đầu nhưng có mức độ nghiêm trọng, làm tổn thương tới danh dự của nhà trường, của thầy giáo, cô giáo và tập thể học sinh.
5. Đuổi 1 năm học: Là hình thức kỷ luật do hội đồng kỷ luật đề nghị, HT quyết định và thực hiện sau khi được cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp quản lý trường học duyệt y. Hình thức kỷ luật này được thông báo cho chính quyền địa phương nơi học sinh cư trú biết để giáo dục. Đuổi 1 năm học đối với những học sinh phạm các khuyết điểm: tái phạm khuyết điểm nhiều lần sau khi bị đuổi học 1 tuần lễ, hoặc mắc khuyết điểm lần đầu nhưng gây tác hại nghiêm trọng như phạm tội hình sự, dùng vũ khí đánh nhau có tổ chức... có ảnh hưởng xấu tới những học sinh khác, làm tổn thương nghiêm trọng tới danh dự của nhà trường, của tập thể giáo viên, học sinh. Những học sinh phạm pháp phải chịu trách nhiệm hình sự trước cơ quan hành pháp Nhà nước.
Tất cả các hình thức kỷ luật kể trên đều được nhà trường thông báo cho gia đình biết để giáo dục.
Các hình thức kỷ luật: cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học 1 tuần lễ, đuổi 1 năm học phải ghi vào học bạ của học sinh chịu kỷ luật.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.