THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/2006/QĐ-TTG | Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT "CHƯƠNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2020"
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001 - 2010;
Căn cứ Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 04 tháng 3 năm 2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;
Căn cứ Quyết định số 188/2005/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 04 tháng 3 năm 2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp cụng nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;
Căn cứ Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2005 số 09/2005/NQ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt "Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020" (sau đây gọi tắt là Chương trình) với những nội dung chủ yếu sau đây:
I. MỤC TIÊU:
1. Mục tiêu tổng quát:
Tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi, chủng vi sinh vật, các chế phẩm công nghệ sinh học nông nghiệp mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao phục vụ tốt nhu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản hàng hoá, tăng nhanh tỷ lệ nông, lâm, thuỷ sản chế biến phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
2. Mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn:
a) Giai đoạn 2006 - 2010:
- Tạo ra hoặc tiếp nhận và làm chủ được một số công nghệ sinh học hiện đại và ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất, phù hợp với điều kiện cụ thể của ngành nông nghiệp Việt Nam.
- Hình thành và từng bước phát triển ngành công nghiệp sinh học nông nghiệp để sản xuất các sản phẩm, hàng hoá chủ lực ở quy mô công nghiệp với chất lượng và sức cạnh tranh cao phục vụ tốt cho việc tiêu dùng và xuất khẩu.
- Chọn tạo được một số giống cây trồng, vật nuôi bằng kỹ thuật sinh học phân tử và áp dụng vào sản xuất; chọn tạo được một số dòng cây trồng biến đổi gen trong phạm vi phòng thí nghiệm và thử nghiệm trên đồng ruộng.
- Tăng cường được một bước cơ bản trong việc xây dựng tiềm lực cho công nghệ sinh học nông nghiệp thông qua đào tạo được đội ngũ cán bộ công nghệ sinh học chuyên sâu, có trình độ cao và chất lượng tốt cho một số lĩnh vực chủ yếu; đào tạo phổ cập lực lượng ứng dụng công nghệ sinh học ở các cơ sở sản xuất; hoàn thành việc xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống các phòng thí nghiệm trọng điểm, hiện đại; tiếp tục đầu tư nâng cấp và mở rộng mạng lưới các phòng thí nghiệm thông thường ứng dụng công nghệ sinh học nông nghiệp.
b) Giai đoạn 2011 - 2015:
- Phát triển mạnh mẽ công nghệ sinh học hiện đại, trong đó tập trung mạnh vào công nghệ gen; tiếp cận các khoa học mới như: hệ gen học, tin sinh học, protein học, biến dưỡng học, công nghệ nano trong công nghệ sinh học nông nghiệp; đưa công nghệ sinh học nông nghiệp nước ta đạt trình độ khá trong khu vực.
- Đào tạo được nguồn nhân lực chuyên sâu cho một số lĩnh vực công nghệ sinh học mới; tập trung đầu tư nâng cấp và hiện đại hoá một số phòng thí nghiệm công nghệ sinh học nông nghiệp đạt trình độ tiên tiến của thế giới.
- Đưa một số giống cây trồng biến đổi gen vào sản xuất; ứng dụng thành công nhân bản vô tính ở động vật.
- Phát triển mạnh ngành công nghiệp sinh học nông nghiệp, tạo lập thị trường thuận lợi để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và dịch vụ các sản phẩm, hàng hoá chủ lực của công nghệ sinh học nông nghiệp phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
- Công nghệ sinh học nông nghiệp đóng góp từ 20 đến 30% tổng số đóng góp của khoa học và công nghệ vào sự gia tăng giá trị của ngành nông nghiệp.
c) Tầm nhìn đến 2020:
- Công nghệ sinh học nông nghiệp nước ta đạt trình độ của nhóm các nước hàng đầu trong khối ASEAN và ở một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến của thế giới.
- Diện tích trồng trọt các giống cây trồng mới tạo ra bằng các kỹ thuật của công nghệ sinh học chiếm trên 70%, trong đó diện tích trồng trọt các giống cây trồng biến đổi gen chiếm 30 - 50%; trên 70% nhu cầu về giống cây sạch bệnh được cung cấp từ công nghiệp vi nhân giống; trên 80% diện tích trồng rau, cây ăn quả sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học; đáp ứng được cơ bản nhu cầu vắc xin cho vật nuôi.
- Công nghệ sinh học nông nghiệp đóng góp trên 50% tổng số đóng góp của khoa học và công nghệ vào sự gia tăng giá trị của ngành nông nghiệp.
II. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU:
1. Nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R - D), triển khai sản xuất thử sản phẩm (P) phục vụ phát triển công nghệ sinh học nông nghiệp:
a) Cây trồng nông nghiệp:
- Nghiên cứu cơ bản về công nghệ gen và công nghệ tế bào như: lập bản đồ gen, hệ gen, tách chiết gen, nghiên cứu sự biểu hiện tính trạng của gen biến nạp nhờ các các công nghệ chuyển gen khác nhau để tạo cơ sở khoa học cho công tác chọn tạo giống cây trồng biến đổi gen; nghiên cứu quy luật hình thành và phát sinh mô sẹo phôi hoá và phôi vô tính ở một số cây kinh tế quan trọng.
- Nghiên cứu ứng dụng nhằm tạo được một số giống cây trồng mới bằng công nghệ gen (công nghệ chuyển gen và phương pháp chỉ thị phân tử) với các đặc tính nông, sinh học ưu việt như: có năng suất, chất lượng tốt; sức kháng sâu, bệnh và sức chống chịu cao trước các điều kiện bất lợi của môi trường. Đến năm 2010, đưa một số giống cây trồng mới (gồm : 5 giống lúa thuần, 3 giống lúa lai, 2 giống ngô lai) là sản phẩm của công nghệ tế bào và phương pháp chỉ thị phân tử vào sản xuất đại trà. Đến năm 2011, một số giống biến đổi gen (như: bông, ngô, đậu tương) được đưa vào sản xuất.
- Triển khai và phát triển công nghiệp vi nhân giống trên quy mô toàn quốc để sản xuất thử sản phẩm và sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm, hàng hoá chủ lực, đáp ứng tốt nhu cầu về giống cây trồng chất lượng cao, sạch bệnh.
- Nghiên cứu ứng dụng để sản xuất KIT chẩn đoán một số bệnh của cây trồng.
- Xác lập "dấu tay di truyền" (finger printing) cho các giống cây đặc sản bản địa của Việt Nam để làm cơ sở cho việc bảo tồn quỹ gen quý hiếm, bảo hộ giống, xây dựng thương hiệu; đánh giá đa dạng di truyền của hệ cây trồng ở Việt Nam.
b) Cây lâm nghiệp:
- Nghiên cứu ứng dụng, tạo được một số giống cây lâm nghiệp mới bằng công nghệ gen (công nghệ chuyển gen và phương pháp chỉ thị phân tử) với đặc tính lâm, sinh học ưu việt như: có năng suất, chất lượng tốt; sức kháng sâu hại thân, hại lá và sức chống chịu cao trước các điều kiện bất lợi của môi trường. Tạo được 2 - 4 dòng keo và bạch đàn ngắn ngày, sinh trưởng nhanh, có chất lượng gỗ tốt và hàm lượng lignin thấp. Xây dựng thư viện axít deoxyribonucleic (ADN) cho một số loại cây lâm nghiệp và cây bản địa.
- Ứng dụng công nghệ tế bào trong chọn tạo và nhân giống cây lâm nghiệp. Tạo được 2-3 giống keo và tràm đa bội thể, sinh trưởng nhanh, có chất lượng gỗ tốt và sức chống chịu sâu, bệnh cao. Phát triển công nghiệp vi nhân giống và đáp ứng đủ nhu cầu về giống cây lâm nghiệp vào năm 2015.
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi sinh để sản xuất các chế phẩm bảo vệ thực vật, phân vi sinh phục vụ chăm sóc và bảo vệ cây trồng lâm nghiệp. Đến năm 2010, nghiên cứu tạo được 2 - 3 chế phẩm bảo vệ thực vật và phân bón chức năng đặc thù cho cây lâm nghiệp; đến năm 2015, phát triển ở quy mô công nghiệp các chế phẩm bảo vệ thực vật và phân bón chức năng dùng cho cây lâm nghiệp.
c) Vật nuôi:
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ gen (công nghệ chuyển gen và phương pháp chỉ thị phân tử) để tạo ra một số giống vật nuôi (gia cầm, lợn, bò) mới: ở mỗi loài tạo được 1 - 2 dòng có năng suất, chất lượng tốt, sức chống chịu và kháng bệnh cao trước các điều kiện bất lợi của môi trường.
- Nghiên cứu cải tiến và ứng dụng các công nghệ tế bào động vật tiên tiến để nâng cao hiệu quả sinh sản của vật nuôi phục vụ tốt cho công tác lưu giữ, bảo quản, bảo tồn các tế bào sinh dục và đánh giá chất lượng vật nuôi; ứng dụng phương pháp cắt phôi và cải tiến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm phục vụ lĩnh vực sinh sản động vật. Ứng dụng rộng rãi các công nghệ tinh, phôi đông lạnh trong việc lưu giữ, bảo quản và bảo tồn lâu dài quỹ gen bản địa, quý hiếm ở vật nuôi. Ứng dụng công nghệ gen để xác định giới tính phôi bò ở 7 ngày tuổi.
- Nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi và thức ăn chăn nuôi chức năng; phấn đấu để sản xuất và đáp ứng được nhu cầu cơ bản về vắc xin cho vật nuôi vào năm 2015.
d) Vi sinh vật:
- Nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử và sản xuất ở quy mô công nghiệp các chế phẩm vi sinh vật, các chế phẩm bảo vệ thực vật có hiệu quả kinh tế cao. Xây dựng quy trình sản xuất và phát triển các chế phẩm bảo vệ thực vật phun cho cây và bón cho đất để có thể kiểm soát được 10 loại dịch hại quan trọng; có 10 sản phẩm được thương mại hoá. Xây dựng mô hình để ứng dụng rộng rãi các chế phẩm bảo vệ thực vật trên rau, cà phê, chè, hoa, nho, bông.
- Nghiên cứu khai thác hệ vi sinh vật đất để phục hồi, ổn định và nâng cao độ phì của đất trồng. Xây dựng được 1 - 2 quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh vật cải tạo đất và mô hình sử dụng chế phẩm; xây dựng được 1 - 2 cơ sở sản xuất chế phẩm vi sinh vật cải tạo đất.
- Nghiên cứu các công nghệ, chế phẩm và giải pháp phục vụ công tác bảo quản; đẩy mạnh ứng dụng chúng trong bảo quản sau thu hoạch, bảo quản lâu dài và chế biến nông sản.
- Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học để xử lý nước thải sinh hoạt; xử lý ô nhiễm môi trường ở khu vực chăn nuôi, làng nghề, nông thôn, nhà máy chế biến thực phẩm và chế biến cao su. Tạo được 5 quy trình xử lý phụ phẩm để chế biến phế thải nông nghiệp; 5 mô hình xử lý bã mía, phế thải chăn nuôi; 5 mô hình xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải từ quá trình chế biến công nghiệp.
2. Hình thành và phát triển ngành công nghiệp sinh học nông nghiệp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và dịch vụ các sản phẩm, hàng hoá chủ lực trong lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp:
- Thành lập và khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào các hoạt động chuyển giao và tiếp nhận công nghệ; ứng dụng mạnh mẽ và có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để sản xuất, kinh doanh và dịch vụ các sản phẩm, hàng hoá chủ lực do công nghệ sinh học nông nghiệp tạo ra, phục vụ tốt cho tiêu dùng và xuất khẩu.
- Hình thành và phát triển mạnh ngành công nghiệp sinh học nông nghiệp, tạo lập thị trường thuận lợi để thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào dự án sản xuất sản phẩm, hàng hoá chủ lực ở quy mô công nghiệp (dự án KT - KT). Đẩy mạnh việc sản xuất, kinh doanh và dịch vụ các sản phẩm, hàng hoá do công nghệ sinh học nông nghiệp tạo ra ở một số lĩnh vực quan trọng như: công nghiệp sản xuất giống cây trồng nông nghiệp, cây lâm nghiệp, cây công nghiệp, cây hoa, cây cảnh; công nghiệp vi sinh, sản xuất nấm ăn; công nghiệp sản xuất giống vật nuôi; công nghiệp sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học; công nghiệp sản xuất kít chẩn đoán và vắc xin để điều trị bệnh cho cây trồng, vật nuôi; công nghiệp bảo quản sau thu hoạch.
3. Xây dựng tiềm lực để phát triển công nghệ sinh học nông nghiệp:
a) Đào tạo nguồn nhân lực:
- Gửi một số cán bộ khoa học đã có học vị tiến sĩ, thạc sĩ đến các nước có nền công nghệ sinh học phát triển để đào tạo lại với thời hạn từ 6 tháng đến 1 năm.
- Gửi nghiên cứu sinh đến các nước có nền công nghệ sinh học phát triển để đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ theo các nội dung nghiên cứu của Chương trình.
- Đào tạo trong nước các kỹ sư công nghệ sinh học nông nghiệp; mở chuyên ngành đào tạo sau đại học về công nghệ sinh học nông nghiệp ở trong nước để đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ theo các nội dung nghiên cứu của Chương trình.
- Đào tạo trong nước các kỹ thuật viên về công nghệ sinh học để triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình tại các địa phương, doanh nghiệp.
- Việc đào tạo nguồn nhân lực cho công nghệ sinh học nông nghiệp trong giai đoạn 2006 - 2010 cần đạt được kết quả sau: đào tạo lại 50 cán bộ; đào tạo mới 60 - 80 tiến sĩ, 200 - 250 thạc sĩ; đào tạo mới 500 - 1.000 kỹ thuật viên.
b) Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật; hiện đại hoá máy móc, thiết bị:
- Đầu tư chiều sâu để nâng cấp hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học và đào tạo thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; bổ sung máy móc, thiết bị tiên tiến và hiện đại hoá các phòng thí nghiệm thuộc hệ thống này để tăng cường năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại vào sản xuất và đời sống.
- Hoàn thiện đầu tư và đưa vào sử dụng hai phòng thí nghiệm trọng điểm về công nghệ tế bào động vật (thuộc Viện Chăn nuôi) và công nghệ tế bào thực vật (thuộc Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam); bổ sung vào "Đề án Xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm" để đầu tư xây dựng mới một phòng thí nghiệm trọng điểm về công nghệ gen dành cho khu vực phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào); trên cơ sở các phòng thí nghiệm trọng điểm này, thành lập và phát triển các trung tâm xuất sắc về công nghệ sinh học nông nghiệp.
- Xây dựng, nối mạng và đưa vào hoạt động hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin quốc gia về công nghệ sinh học nông nghiệp; hệ thống thư viện bao gồm các ấn phẩm cơ bản trong lĩnh vực này dưới dạng sách, tạp chí và thư viện điện tử, bảo đảm cung cấp và chia sẻ đầy đủ các thông tin cơ bản nhất, mới nhất về công nghệ sinh học nông nghiệp giữa các đơn vị và cán bộ làm việc trong lĩnh vực này.
4. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp:
- Thực hiện khoảng 50 đề tài, dự án hợp tác với các tổ chức và cá nhân các nhà khoa học nước ngoài nhằm tận dụng kiến thức, công nghệ, máy móc, thiết bị tiên tiến và các sự giúp đỡ khác của thế giới để phát triển nhanh, mạnh và giải quyết được một số vấn đề quan trọng, bức xúc của công nghệ sinh học nông nghiệp ở Việt Nam.
- Đẩy mạnh việc chuyển giao, tiếp nhận, làm chủ và ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, thành tựu khoa học mới của thế giới về công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam.
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHÍNH:
1. Đẩy mạnh việc triển khai và thực hiện có hiệu quả các đề tài nghiên cứu, dự án sản xuất, khuyến khích chuyển giao công nghệ, tạo lập thị trường thuận lợi, thúc đẩy mạnh mẽ việc hình thành và phát triển ngành công nghiệp sinh học nông nghiệp:
- Đẩy mạnh việc triển khai, thực hiện các đề tài: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R - D); các dự án sản xuất thử sản phẩm (dự án P); dự án sản xuất sản phẩm hàng hoá chủ lực ở quy mô công nghiệp (dự án KT - KT) và các dự án hợp tác quốc tế về công nghiệp sinh học nông nghiệp được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt hoặc xem xét hỗ trợ (trên cơ sở đề nghị của Ban Điều hành Chương trình và ý kiến đánh giá, thẩm định của Hội đồng tư vấn khoa học). Việc tuyển chọn, tổ chức triển khai thực hiện, đánh giá, nghiệm thu kết quả của các đề tài, dự án trên phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt và chặt chẽ các quy định hiện hành của Nhà nước về hoạt động khoa học - công nghệ.
- Tạo lập thị trường thuận lợi, thúc đẩy mạnh mẽ việc hình thành và phát triển ngành công nghiệp sinh học nông nghiệp để sản xuất, kinh doanh, dịch vụ các sản phẩm, hàng hoá chủ lực ở quy mô công nghiệp, có chất lượng và sức cạnh tranh cao trên thị trường, phục vụ tốt việc tiêu dùng và xuất khẩu.
- Khuyến khích chuyển giao, tiếp nhận và nhập khẩu các công nghệ mới, có hiệu quả kinh tế; đưa nhanh và ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp vào sản xuất và đời sống. Thúc đẩy mạnh việc thành lập các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích họ hoạt động và đầu tư vào lĩnh vực chuyển giao công nghệ, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ các sản phẩm, hàng hoá do công nghệ sinh học nông nghiệp tạo ra. Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp được hưởng những chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành của Nhà nước về vay vốn, thuế và quyền sử dụng đất đai.
2. Vốn để thực hiện Chương trình; tăng cường và đa dạng các nguồn vốn đầu tư để phát triển công nghệ sinh học nông nghiệp:
a) Tổng vốn ngân sách nhà nước để triển khai, thực hiện các nội dung của Chương trình trong 10 năm tới (giai đoạn 2006 - 2015) dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng (bình quân mỗi năm khoảng 100 tỷ đồng). Nguồn vốn này chi cho việc thực hiện các nhiệm vụ về nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sản xuất thử các sản phẩm, hỗ trợ các dự án sản xuất các sản phẩm, hàng hoá chủ lực ở quy mô công nghiệp; cho tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, máy móc, thiết bị; cho đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế và một số nội dung khác có liên quan thuộc Chương trình. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập kế hoạch vốn ngân sách nhà nước hàng năm và dài hạn phục vụ việc thực hiện các nội dung của Chương trình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ.
Từ năm 2006, trên cơ sở tổng nguồn vốn đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối, bố trí mỗi năm 100 tỷ đồng từ vốn ngân sách nhà nước cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổ chức thực hiện các nội dung của Chương trình.
b) Các hình thức đầu tư và hỗ trợ đầu tư cho công nghệ sinh học nông nghiệp bao gồm:
- Đầu tư cho các đề tài nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (R - D); cho mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực cho công nghệ sinh học nông nghiệp được sử dụng 100% vốn ngân sách nhà nước chi cho phát triển sự nghiệp khoa học - công nghệ, sự nghiệp kinh tế và vốn từ các nguồn hợp tác quốc tế.
- Các dự án sản xuất thử nghiệm sản phẩm (dự án P) trong lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp được áp dụng theo các quy định hiện hành cho các dự án P cấp nhà nước (do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý), trong đó mức thu hồi là 60% tổng kinh phí của dự án.
- Các dự án sản xuất sản phẩm hàng hoá chủ lực ở quy mô công nghiệp, có chất lượng và sức cạnh tranh cao trờn thị trường (dự án KT - KT) phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu trong lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp thuộc chương trình kỹ thuật - kinh tế về công nghệ sinh học được hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước theo các quy định hiện hành của bốn chương trình kỹ thuật - kinh tế (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối) có tính đến đặc thù của công nghệ sinh học nông nghiệp.
c) Tăng cường và đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư để thực hiện Chương trình và phát triển công nghệ sinh học nông nghiệp: ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, để triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Chương trình, cần tích cực huy động thêm vốn từ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc mọi thành phần kinh tế; vốn từ các tổ chức, cá nhân có liên quan ở trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư hoặc tài trợ cho phát triển công nghệ sinh học nông nghiệp của nước ta; vốn từ các nguồn hợp tác quốc tế (viện trợ không hoàn lại thông qua các dự án hợp tác song phương, đa phương, vốn vay ODA để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, mua máy móc, thiết bị và đào tạo nhân lực cho công nghệ sinh học nông nghiệp...).
3. Đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vật chất kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực cho công nghệ sinh học nông nghiệp:
- Đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sinh học nông nghiệp; đẩy nhanh tốc độ hiện đại hoá các máy móc, thiết bị nghiên cứu và phân tích thuộc hệ thống các phòng thí nghiệm tại các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sinh học nông nghiệp.
- Đẩy mạnh công tác đào tạo lại, đào tạo mới đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ ở trong nước và nước ngoài về các trình độ: tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, kỹ sư công nghệ, kỹ thuật viên; đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực để triển khai, thực hiện cú hiệu quả Chương trình và phục vụ tốt cho việc phát triển công nghệ sinh học nông nghiệp ở nước ta.
4. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học nông nghiệp:
- Đẩy mạnh công tác xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi trong đầu tư phát triển công nghệ sinh học nông nghiệp; cơ chế, chính sách nhằm thu hút nhân tài như chế độ tiền lương hoặc phụ cấp cho các cán bộ làm việc trong lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp; bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để hỗ trợ và thúc đẩy phát triển và ứng dụng rộng rãi công nghệ sinh học phục vụ đời sống nông dân nông dân, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
- Thực thi đầy đủ và nghiêm túc các quy định về sở hữu trí tuệ trong việc bảo hộ quyền tác giả và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (bản quyền giống cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật, quy trình công nghệ...) đối với lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp.
5. Tăng cường hợp tác quốc tế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và mọi người dân về vai trò quan trọng của công nghệ sinh học nông nghiệp:
- Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp; chủ động và tích cực xây dựng các chương trình, đề tài, dự án hợp tác song phương và đa phương với các nước có nền công nghệ sinh học phát triển để tranh thủ tối đa sự giúp đỡ về trí tuệ và tài trợ về tiền, của của các nước này cho việc phát triển công nghệ sinh học nông nghiệp ở nước ta.
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và mọi người dân về vai trò quan trọng của công nghệ sinh học đối với sự phát triển của loài người nói chung và của ngành nông nghiệp nói riêng. Thường xuyên phổ biến đến mọi người dân các kiến thức, thành tựu khoa học và công nghệ mới nhất về công nghệ sinh học, các kết quả ứng dụng nổi bật của công nghệ sinh học nông nghiệp vào sản xuất và đời sống trên các phương tiện thông tin đại chúng.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ, ngành và địa phương có liên quan tổ chức thực hiện các nội dung của Chương trình, định kỳ hàng năm báo cáo kết quả với Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Ban Điều hành Chương trình để tổ chức thực hiện các nội dung của Chương trình do Bộ trưởng làm Trưởng ban, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách lĩnh vực làm Phó Trưởng ban, đại diện lãnh đạo Vụ Khoa học công nghệ làm Ủy viên Thư ký; các uỷ viên khác là đại diện các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện cấp Vụ (Sở) của một số Bộ, ngành và địa phương có liên quan (Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dõn thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dõn thành phố Hồ Chí Minh). Ban Điều hành Chương trình làm việc theo Quy chế do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Trưởng Ban Điều hành Chương trình ban hành.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối, bố trí đủ kinh phí trong kế hoạch hàng năm cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổ chức thực hiện đúng tiến độ và có hiệu quả các nội dung của Chương trình.
3. Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc xây dựng và tăng cường tiềm lực về cơ sở vật chất, kỹ thuật, máy móc, thiết bị cho hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ về công nghệ sinh học nông nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đối với việc nghiên cứu công nghệ sinh học nông nghiệp; xây dựng cơ chế đầu tư và quy chế hoạt động của trung tâm xuất sắc và các quy định có liên quan đến sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp.
4. Bộ Công nghiệp phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc quy hoạch phát triển ngành công nghiệp sinh học nông nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư và hoạt động trong ngành công nghiệp sinh học nông nghiệp.
5. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ sinh học nông nghiệp và ngành công nghiệp sinh học nông nghiệp.
6. Các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp có nhu cầu tham gia thực hiện các nội dung của Chương trình liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp mình tiến hành đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được xem xét.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.