UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/2002/UB-QĐ | Lạng sơn, ngày 04 tháng 03 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT: "CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU XOÁ ĐÓI GIẢM NGHÈO VÀ VIỆC LÀM GIAI ĐOẠN 2001-2005" CỦA TỈNH LẠNG SƠN.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND các cấp ngày 21/6/1994;
Căn cứ Quyết định số 143/QĐ-TTg ngày 27/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt "Chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo và chương trình việc làm giai đoạn 2001-2005".
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số: 27/LĐTBXH-TT ngày 10/01/2002.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Phê duyệt "Chương trình mục tiêu xoá đói giảm nghèo và việc làm giai đoạn 2001-2005" của tỉnh Lạng Sơn.
I/ Mục tiêu chương trình:
1. Mục tiêu tổng quát của Chương trình mục tiêu xoá đói giảm nghèo và việc làm của tỉnh Lạng sơn giai đoạn 2001-2005 là: Tạo điều kiện thuận lợi, phù hợp để hỗ trợ giải quyết việc làm, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo, xã nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị và nâng cao tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn, tạo thêm cơ hội việc làm cho người lao động, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, xoá đói giảm nghèo một cách vững chắc.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2005:
a) Xoá đói giảm nghèo:
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) xuống dưới 11%, bình quân mỗi năm giảm từ 2% trở lên (tương đương 3.000 hộ/năm), đảm bảo cơ bản không còn hộ đói.
- Các xã nghèo cơ bản có đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu (Thuỷ lợi nhỏ, trường học, trạm y tế, đường dân sinh, điện, nước sinh hoạt, chợ...).
- Hết năm 2002 không còn hộ nghèo diện chính sách người có công với cách mạng, đảm bảo mức sống của các hộ chính sách người có công bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư cùng địa bàn.
b) Giải quyết việc làm:
- Mỗi năm tạo việc làm cho 8.000 - 10.000 lao động.
- Giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị từ 6,2% xuống còn 4,8% và nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn từ 72,1% lên 78%.
II/ Nội dung chương trình:
1. Lĩnh vực xoá đói giảm nghèo:
a) Các chính sách:
Thực hiện các chính sách của Trung ương và địa phương về hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo, xã nghèo trong lĩnh vự y tế, giáo dục, trợ giúp đối tượng nghèo về nhà ở, chính sách khuyến khích áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, công cụ lao động...
b) Các hoạt động hỗ trợ trực tiếp xoá đói giảm nghèo:
- Các hoạt động XĐGN chung, gồm:
+ Tín dụng cho hộ nghèo vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh;
+ Hướng dẫn người nghèo cách làm ăn, khuyến nông, khuyến lâm...
+ Xây dựng mô hình xoá đói giảm nghèo ở các xã vùng III, vùng biên giới;
- Các hoạt động XĐGN cho các xã nghèo (xã có 25% hộ nghèo trở lên và chưa đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu) không thuộc Chương trình 135.
+ Xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã nghèo ( thuỷ lợi nhỏ, trường học, trạm y tế, đường dân sinh, điện, nước sinh hoạt, chợ );
+ Hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề các xã nghèo;
+ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác xoá đói giảm nghèo và cán bộ các xã nghèo;
+ Ngăn chặn việc dân di cư, xây dựng vùng kinh tế mới ở các xã nghèo;
+ Dự án định canh, định cư ở các xã nghèo;
2 - Lĩnh vực việc làm:
a) Các hoạt động nhằm mục tiêu phát triển việc làm:
- Phát triển kinh tế xã hội nhằm ổn định việc làm cho những người đã có việc làm và tạo thêm việc làm mới.
- Tăng cường các hoạt động hỗ trợ trực tiếp để tạo việc làm bằng các giải pháp cụ thể.
b) Các hoạt động trực tiếp:
- Tổ chức quản lý giải quyết cho vay theo các dự án nhỏ giải quyết việc làm (GQVL) từ quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, từ ngân sách tỉnh trích lập quỹ GQVL.
- Đa dạng hoá các chương trình đào tạo nghề đồng thời khẩn trương thực hiện dự án đầu tư xây dựng trường dậy nghề của tỉnh, Trung tâm dạy nghề của tỉnh hội Phụ nữ để đáp ứng yêu cầu học nghề của người lao động địa phương;
- Nâng cao năng lực và hoạt động của các trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐTBXH, Liên đoàn Lao động tỉnh;
- Thực hiện điều tra, thống kê thực trạng và nhu cầu Lao động - Việc làm trên các lĩnh vực: Nông lâm nghiệp, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ du lịch hàng năm.
- Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý lao động, việc làm từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn;
III/ Thời gian thực hiện:
Chương tình trình mục tiêu quốc gia xoá đói giảm nghèo và việc làm thực hiện trong 5 năm ( 2001 - 2005 ).
IV/ Nguồn vốn của chương trình:
Dự kiến nguồn vốn huy động của chương trình khoảng 261,175 tỷ đồng, bao gồm các lĩnh vực sau:
1 - Lĩnh vực xoá đói giảm nghèo: Dự kiến huy động khoảng 207,75 tỷ.
Gồm các nguồn:
- Ngân sách TW: 175,75 tỷ đồng.
- Ngân sách địa phương: 32 tỷ đồng.
2 - Lĩnh vực việc làm: Dự kiến khoảng 47,175 tỷ đồng, gồm các nguồn:
- Ngân sách TW:10,675 tỷ đồng.
- Ngân sách địa phương: 36,5 tỷ đồng.
V/ Tổ chức quản lý và thực hiện chương trình:
Chương trình mục tiêu xoá đói giảm nghèo và việc làm vận hành theo cơ chế phối hợp liên ngành dươí sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và sự điều hành quản lý của UBND tỉnh và được phân công trách nhiệm như sau:
1 - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm :
Là cơ quan thường trực giúp UBND tỉnh quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện chương trìmh. Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị trong tỉnh tổng hợp chung toàn bộ tình hình thực hiện kế hoạch hành động chương trình XĐGN và việc làm trên phạm vi toàn tỉnh; chủ trì phối hợp hoạt động với các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình XĐGN và việc làm cho 5 năm, từng năm. Đồng thời trực tiếp hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ:
- Xây dựng mô hình XĐGN ở các vùng đặc biệt (vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng biên giới );
- Đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác XĐGN và cán bộ các xã nghèo;
- Tổ chức cho vay vốn từ quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm;
- Thực hiện dự án trường đào tạo nghề;
- Điều tra, thống kê lao động và xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động;
- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác quản lý Lao động-Việc làm và nâng cao năng lực, hiệu quả các Trung tâm Dịch vụ-Việc làm.
2 - Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì:
- Phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá cân đối, bố trí đảm bảo kế hoạch ngân sách hàng năm để thực hiện chương trình trên cơ sở thống nhất với Sở LĐTBXH theo quy định hiện hành.
- Phối hợp với Sở LĐTBXH, các Sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn các huyện thị lồng ghép các chương trình khác có liên quan với chương trình mục tiêu XĐGN và việc làm trên cùng một địa bàn từ khâu xây dựng kế hoạch đến chỉ đạo thực hiện.
3 - Sở Tài chính vật giá chủ trì:
- Phối hợp với Sở Kế hoạch & Đầu tư bố trí và bảo đảm ngân sách Nhà nước cấp hàng năm ( bao gồm ngân sách TW, ngân sách địa phương ) cho chương trình theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
- Hướng dẫn và giám sát thực hiện quản lý tài chính đối với các nguồn vốn huy động cho chương trình đã được duyệt.
- Tổ chức cấp phát đầy đủ, kịp thời đúng dự toán mục tiêu đã được duyệt.
4 - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì:
- Cụ thể hoá hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đối tượng nghèo về công cụ lao động, khoa học kỹ thuật; phối hợp với các ngành Lao động - TB&XH, Uỷ ban Dân số gia đình và Trẻ em, các ngành hữu quan khác và UBND các huyện, thị xã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ:
- Xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã nghèo;
- Hỗ trợ phát triển ngành nghề ở các xã nghèo;
- Hướng dẫn người nghèo cách làm ăn, xây dựng mô hình trang trại, mô hình VAC... thông qua hệ thống khuyến nông, khuyến lâm và kinh nghiệm các hộ làm ăn khá, giỏi.
- Định canh, định cư ở các xã nghèo;
- Ngăn chặn việc dân di cư , xây dựng vùng kinh tế mới ở các xã nghèo;
5 - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì:
Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các Sở, Ban, Ngành liên quan và UBND các huyện thị, chỉ đạo ngân hàng phục vụ người nghèo các huyện, thị; tăng cường hướng dẫn nông dân cách làm dự án, vay vốn, cách đầu tư có hiệu quả, tổ chức thực hiện dự án tín dụng cho hộ nghèo vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh.
6 - Kho bạc Nhà nước tỉnh:
Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các Sở, Ban, Ngành có liên quan chỉ đạo Kho bạc Nhà nước các huyện, thị tổ chức quản lý quỹ cho vay vốn các dự án nhỏ GQVL từ Quỹ Quốc gia GQVL, Quỹ GQVL trích từ ngân sách của tỉnh .
7 - Sở Y tế chủ trì:
Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các Sở, Ban, Ngành có liên quan; các huyện, thị nghiên cứu triển khai thực hiện chính sách khám, chữa bệnh cho người nghèo.
8 - Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì:
Phối hợp với các ngành chức năng liên quan tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với trẻ em thuộc hộ nghèo, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông trung học thông qua việc lồng ghép và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Giáo dục - Đào tạo.
9 - Uỷ ban Dân số - Gia đình và trẻ em chủ trì:
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn trong việc quản lý, tổ chức thực hịên các dự án ổn định dân cư, xây dựng vùng kinh tế mới ở các xã nghèo.
10 - Sở Khoa học - Công nghệ và môi trường chủ trì:
Phối hợp với các ngành chức năng liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện cơ cấu hỗ trợ việc chuyển giao khoa học, công nghệ để thúc đẩy GQVL phù hợp với việc phát triển vùng nghèo, xã nghèo.
11 - Uỷ ban nhân dân các huyện, thị:
Tổ chức xây dựng và thực hiện các nội dung của chương trình mục tiêu XĐGN và việc làm tại địa bàn mình; Báo cáo định kỳ với UBND tỉnh và các sở, ban ngành quản lý chương trình về tình hình thực hiện chương trình.
12 - Sở Văn hoá thông tin, Đài phát thanh truyền hình, Báo Lạng Sơn:
Phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chủ trương của Đảng, Nhà nước về XĐGN và việc làm. Tăng cường đưa thông tin về những mô hình làm kinh tế giỏi, về vay vốn tạo việc làm có hiệu quả...
13 - Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội:
Phát động phong trào toàn dân tham gia XĐGN, GQVL, tham gia thực hiện chương trình mục tiêu XĐGN và việc làm từ tỉnh, huyện đến các xã, phường, thị trấn.
Điều 2: Thành lập Ban quản lý Chương trình mục tiêu XĐGN và việc làm để giúp UBND tỉnh triển khai thực hiện chương trình.
Điều 3: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 4: Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành thuộc tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.