BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 109/2008/QĐ-BNN | Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ HƯỞNG LỢI ÁP DỤNG ĐỐI VỚI DỰ ÁN TRỒNG RỪNG PHÒNG HỘ ĐẦU NGUỒN TẠI CÁC TỈNH QUẢNG TRỊ, THỪA THIÊN HUẾ, QUẢNG NAM, QUẢNG NGÃI VÀ PHÚ YÊN VAY VỐN CỦA NGÂN HÀNG HỢP TÁC QUỐC TẾ NHẬT BẢN (JBIC)
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Luật bảo vệ và phát triển rừng ngày 14 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật bảo vệ và phát triển rừng;
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 05/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng;
Căn cứ Hiệp định tín dụng chuyên ngành ký hiệu VN VI-8 ký ngày 30 tháng 3 năm 1999 giữa Quỹ hợp tác kinh tế hải ngoại (Nhật Bản) và Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 152/2001/QĐ-TTg ngày 09 tháng 10 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế và chính sách đầu tư trồng rừng phòng hộ đầu nguồn các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Phú Yên vay vốn của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC);
Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng;
Căn cứ Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 40/2005/QĐ-BNN ngày 07 tháng 7 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy chế về khai thác gỗ và lâm sản khác;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Lâm nghiệp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hưởng lợi áp dụng đối với Dự án trồng rừng phòng hộ đầu nguồn tại các tỉnh: Quảng Trị; Thừa Thiên Huế; Quảng Nam; Quảng Ngãi và Phú Yên vay vốn của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Trưởng Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Quảng Trị; Thừa Thiên Huế; Quảng Nam; Quảng Ngãi, Phú Yên và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
QUY CHẾ
HƯỞNG LỢI ÁP DỤNG ĐỐI VỚI DỰ ÁN TRỒNG RỪNG PHÒNG HỘ ĐẦU NGUỒN TẠI CÁC TỈNH QUẢNG TRỊ, THỪA THIÊN HUẾ, QUẢNG NAM, QUẢNG NGÃI VÀ PHÚ YÊN VAY VỐN CỦA NGÂN HÀNG HỢP TÁC QUỐC TẾ NHẬT BẢN (JBIC)
(ban hành kèm theo Quyết định số 109/2008/QĐ-BNN ngày 11 tháng 11 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Văn bản này quy định về cơ chế hưởng lợi áp dụng đối với dự án trồng rừng phòng hộ đầu nguồn tại các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Phú Yên vay vốn của Ngân hàng hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC).
2. Đối tượng áp dụng
a) Các đối tượng được Nhà nước giao đất, giao rừng (sau đây gọi tắt là chủ rừng); các đối tượng nhận khoán để quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng phòng hộ sau giai đoạn đầu tư, gồm:
- Ban quản lý rừng phòng hộ, đơn vị lực lượng vũ trang và các lâm trường quốc doanh (Công ty lâm nghiệp);
- Hộ gia đình, cá nhân;
- Cộng đồng dân cư thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc hoặc đơn vị tương đương (gọi là cộng đồng dân cư thôn);
b) Ủy ban nhân dân cấp xã (đối với những diện tích rừng phòng hộ tạm thời chưa giao, khoán cho các tổ chức và các đối tượng khác).
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Các thuật ngữ trong Quy chế này được hiểu như sau:
1. Dự án trồng rừng JBIC: là Dự án trồng rừng phòng hộ đầu nguồn tại 5 tỉnh miền Trung (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Phú Yên) vay vốn của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản được xây dựng trên cơ sở Hợp phần trồng rừng thuộc Dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn và cải thiện mức sống III (SPL – III).
2. Giai đoạn sau đầu tư: là giai đoạn sau khi dự án kết thúc, sau ngày 30 tháng 12 năm 2008.
3. Rừng JBIC: gồm rừng trồng mới, rừng tự nhiên được bảo vệ; rừng tự nhiên khoanh nuôi có trồng hoặc không trồng bổ sung do dự án trồng rừng JBIC đầu tư.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện dự án: gồm Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Phú Yên.
5. Chủ rừng: gồm các tổ chức, cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình cá nhân được Nhà nước giao rừng để sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.
6. Bên nhận khoán: gồm cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân ký hợp đồng dài hạn để quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.
7. Hiện trường trung bình hoặc khó khăn: là loại hiện trường gắn với khả năng tiếp cận hiện trường (cự ly gần, xa, địa hình, …v.v.) và năng suất chất lượng rừng ở mỗi hiện trường do UBND tỉnh thực hiện dự án xem xét quyết định.
Điều 3. Giao rừng cho chủ rừng để quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng lâu dài.
UBND tỉnh hoặc UBND huyện quyết định giao rừng cho các đối tượng sau giai đoạn đầu tư theo Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật bảo vệ và phát triển rừng (sau đây gọi là NĐ 23/2006/NĐ-CP); Thông tư số 38/2007/TT-BNN ngày 25 tháng 4 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về trình tự, thủ tục giao rừng cho thuê rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn.
Điều 4. Hợp đồng quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng giữa các Chủ đầu tư với Bên nhận khoán.
1. Các tổ chức nhà nước (Bên giao khoán) căn cứ điều kiện thực tế xác định những diện tích rừng để tiến hành ký hợp đồng khoán quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng với Bên nhận khoán. Khung hạn mức giao khoán do hai bên xem xét, quyết định theo quy định tại Điều 8, Điều 13, Điều 14 của Nghị định 163/1999/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 1999 của Chính phủ về giao đất cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp và theo quy định hiện hành của Luật đất đai.
2. Thời hạn hợp đồng: trên cơ sở thực tế công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng tại địa phương, thời hạn hợp đồng do Bên giao khoán và Bên nhận khoán xem xét, quyết định theo quy định hiện hành.
3. UBND tỉnh thực hiện dự án ban hành mẫu hợp đồng trên cơ sở mẫu hợp đồng tại Phụ lục của quy chế này để tổ chức thực hiện.
Điều 5. Quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng
1. UBND các cấp và Chủ rừng chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng đất và rừng theo Luật bảo vệ và phát triển rừng, Nghị định số 23/2006/NĐ-CP , Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp (sau đây gọi tắt là Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg), Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng (sau đây gọi tắt là Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg), Quyết định số 40/2005/QĐ-BNN ngày 07 tháng 7 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy chế về khai thác gỗ và lâm sản khác (sau đây gọi tắt là Quyết định số 40/2005/QĐ-BNN) và các quy định hiện hành khác.
2. UBND các tỉnh thực hiện dự án thu hồi một phần đầu tư và sử dụng kinh phí này để phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương theo quy định hiện hành của pháp luật.
Chương 2.
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CHỦ RỪNG
Điều 6. Quyền của Chủ rừng
1. Được khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ trong rừng phòng hộ theo quy định tại Điều 5; Điều 6 Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg; Điều 32, Điều 33 Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg và được hưởng lợi theo quy định tại Điều 8 của Quy chế này.
2. Được Nhà nước bồi thường thiệt hại về rừng khi Nhà nước có quyết định thu hồi rừng.
3. Cá nhân được trao đổi và để kế thừa quyền quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng theo quy định của pháp luật và được hưởng các quyền theo quy định tại Điều 73, Điều 76 của Luật đất đai.
4. Chủ rừng là tổ chức Nhà nước được khoán cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn bảo vệ và phát triển rừng.
Điều 7. Nghĩa vụ của Chủ rừng
1. Có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ theo pháp luật bảo vệ và phát triển rừng và các quy định khác có liên quan đến quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Bảo tồn và phát triển rừng được giao, phải thực hiện tái tạo rừng sau khi khai thác. Tuân thủ Quy chế khai thác gỗ và lâm sản khác theo Quyết định số 40/2006/QĐ-BNN .
2. Sử dụng phần lợi ích kinh tế thu được để xây dựng Quỹ bảo vệ và phát triển rừng theo quy định tại Nghị định số 05/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng.
Điều 8. Phân chia giá trị sản phẩm gỗ khai thác, tỉa thưa giữa Chủ rừng (các tổ chức, cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình cá nhân) với Nhà nước
1. Trên cơ sở thực tế từng loại hiện trường, UBND các tỉnh thực hiện dự án quyết định tỷ lệ phân chia giá trị sản phẩm gỗ cụ thể giữa Chủ rừng với nhà nước theo khung hưởng lợi dưới đây:
a) Đối với sản phẩm gỗ khai thác và tỉa thưa từ rừng trồng mới
Giá trị sản phẩm gỗ sau khi nộp thuế và bù đắp các chi phí khai thác khác, vận chuyển đến nơi tiêu thụ, được phân chia như sau:
- Đối với cây phù trợ:
Chủ rừng được hưởng 100% sản phẩm khai thác từ cây phù trợ, cây trồng xen, sản phẩm tỉa thưa theo thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Quyết định số 40/2006/QĐ-BNN .
Đồng thời có trách nhiệm bổ sung hay trồng lại cây trồng chính của rừng phòng hộ ngay sau khi khai thác cây phù trợ (theo hướng dẫn của cơ quan lâm nghiệp địa phương).
- Đối với cây trồng chính (cây bản địa):
Chủ rừng được khai thác gỗ là cây trồng chính của rừng phòng hộ (sau khi đã khai thác cây trồng phù trợ và cây trồng chính đã đủ điều kiện tạo rừng phòng hộ đảm bảo chức năng phòng hộ và đến tuổi khai thác) theo phương thức chặt chọn với cường độ khai thác không quá 20% khi rừng phòng hộ được phép khai thác theo quy định và theo thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Quyết định số 40/2006/QĐ-BNN. Giá trị sản phẩm gỗ sau khi nộp thuế và bù đắp các chi phí khai thác, vận chuyển đến nơi tiêu thụ được phân chia như sau: Chủ rừng được hưởng 90 – 95%, phần còn lại nộp ngân sách xã
b) Đối với sản phẩm gỗ khai thác và tỉa thưa từ rừng tự nhiên được bảo vệ và khoanh nuôi.
Chủ rừng được khai thác gỗ theo phương thức chặt chọn với cường độ khai thác không quá 20% khi rừng phòng hộ được phép khai thác trừ động vật, thực vật rừng quý hiếm được quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Giá trị sản phẩm gỗ sau khi nộp thuế và bù đắp các chi phí khai thác, vận chuyển đến nơi tiêu thụ được phân chia như sau: Chủ rừng được hưởng 85 – 90%, phần còn lại nộp ngân sách xã.
2. UBND các tỉnh thực hiện dự án ban hành Quy chế về quản lý, sử dụng phần giá trị sản phẩm gỗ thu được đối với ngân sách xã, bao gồm cả việc thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển rừng ở cấp huyện và cấp xã.
3. Khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tự bỏ vốn đầu tư trồng rừng phòng hộ sau chu kỳ đầu, sản phẩm rừng được khai thác, sử dụng theo pháp luật và các quy định hiện hành và được hưởng 100% giá trị sản phẩm sau khi nộp thuế (nếu có).
4. Nếu Chủ rừng khoán rừng lại cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, thì Chủ rừng được hưởng tỷ lệ giá trị sản phẩm gỗ sau khai thác, tỉa thưa tại Điều 11 của Quy chế này.
Chương 3.
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA BÊN NHẬN KHOÁN
Điều 9. Quyền của Bên nhận khoán
1. Được khai thác gỗ theo Hợp đồng khoán, theo khoản 5 của Điều 15 Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg và các quy định hiện hành liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất và rừng, được hưởng lợi theo quy định tại Điều 11 của Quy chế này.
2. Được lấy củi, khai thác tre nứa và các lâm sản ngoài gỗ khác. Khai thác tận thu cây chết, cây sâu bệnh, v.v… theo hợp đồng khoán và quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 của Điều 15 Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg.
Điều 10. Nghĩa vụ của Bên nhận khoán
1. Quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng theo hợp đồng, đúng mục đích, đúng kế hoạch ghi trong hợp đồng khoán và các quy định hiện hành liên quan đến quản lý và bảo vệ rừng. Căn cứ vào tình hình cụ thể Chủ rừng và Bên nhận khoán ký Hợp đồng (theo mẫu hợp đồng tại Phụ lục đính kèm)
2. Nếu vi phạm hợp đồng gây thiệt hại cho Bên giao khoán thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Phân chia giá trị sản phẩm gỗ khai thác, tỉa thưa giữa Bên nhận khoán với Chủ rừng (Bên giao khoán)
1. Trên cơ sở thực tế từng loại hiện trường trung bình hay khó khăn, UBND các tỉnh thực hiện dự án quyết định tỷ lệ phân chia giá trị sản phẩm gỗ khai thác giữa Bên nhận khoán với Bên giao khoán theo khung hưởng lợi sau đây:
a) Đối với sản phẩm gỗ khai thác và tỉa thưa rừng trồng mới
Giá trị sản phẩm gỗ sau khi nộp thuế và bù đắp các chi phí khai thác, vận chuyển đến nơi tiêu thụ được phân chia như sau:
- Đối với cây phù trợ:
Bên nhận khoán được hưởng 100% sản phẩm khai thác từ cây phù trợ, cây trồng xen, sản phẩm tỉa thưa nhưng phải đảm bảo độ tàn che của rừng trên 0,6 sau khi tỉa thưa.
- Đối với cây trồng chính (cây bản địa):
Giá trị sản phẩm gỗ sau khi nộp thuế được phân chia theo tỷ lệ như sau:
Bên nhận khoán đã nhận kinh phí hỗ trợ của Dự án để trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng thì được hưởng 80 – 90%, phần còn lại nộp Bên giao khoán.
b) Đối với sản phẩm gỗ khai thác và tỉa thưa từ rừng tự nhiên bảo vệ và khoanh nuôi.
Bên nhận khoán được khai thác gỗ theo phương thức chặt chọn với cường độ khai thác không quá 20% khi rừng phòng hộ được phép khai thác theo thiết kế do Bên giao khoán lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Giá trị sản phẩm gỗ sau khi nộp thuế và bù đắp các chi phí khai thác, vận chuyển đến nơi tiêu thụ được phân chia như sau:
- Rừng nghèo kiệt Bên nhận khoán được hưởng 95%, phần còn lại nộp Bên giao khoán.
- Rừng phục hồi sau nương rẫy hoặc sau khai thác với cây gỗ có đường kính phổ biến dưới 20 cm. Bên nhận khoán được hưởng 75-85%, phần còn lại nộp Bên giao khoán.
- Rừng có trữ lượng ở mức trung bình hoặc giàu, lớn hơn 100m3/ha: từ lúc nhận khoán đến khi khai thác mỗi năm bên nhận khoán được hưởng 2%, phần còn lại nộp Bên giao khoán.
2. Giá trị sản phẩm gỗ nộp cho Bên giao khoán được sử dụng chủ yếu cho công tác quản lý, bảo vệ, và phát triển rừng. Được theo dõi và thanh quyết toán theo chế độ hiện hành của Nhà nước.
3. Trong trường hợp Bên nhận khoán tự bỏ vốn đầu tư trồng rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng theo hợp đồng hoặc theo thỏa thuận với Bên giao khoán, Bên nhận khoán được hưởng 100% giá trị sản phẩm sau khi nộp thuế (nếu có).
Chương 4.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Trách nhiệm của UBND các tỉnh
1. Giao rừng cho các đối tượng theo quy định của pháp luật
2. Quy định hiện trường trung bình hay khó khăn
3. Quyết định tỷ lệ phân chia giá trị sản phẩm gỗ thu được giữa các đối tượng theo quy định của quy chế này phù hợp với thực tế của địa phương, gồm:
a) Chủ rừng và Nhà nước;
b) Bên nhận khoán, Chủ rừng và Nhà nước;
c) UBND huyện và UBND xã liên quan.
4. Ban hành văn bản hướng dẫn quy chế này phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, cần quy định một điều khoản thưởng/phạt áp dụng trong quá trình thực hiện việc quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng theo quy định của pháp luật hiện hành.
5. Hướng dẫn UBND cấp huyện sử dụng giá trị sản phẩm gỗ thu được từ rừng để thành lập quỹ bảo vệ và phát triển rừng theo Nghị định số 05/2008/NĐ-CP .
6. Theo dõi diễn biến tài nguyên rừng báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định. Thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật bảo vệ và phát triển rừng.
Điều 13. Trách nhiệm của UBND các huyện
1. Giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân tại địa phương theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Chỉ đạo UBND các xã có rừng và các cơ quan liên quan quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng. Hướng dẫn UBND xã sử dụng giá trị sản phẩm gỗ thu được từ rừng để thành lập quỹ bảo vệ và phát triển rừng theo Nghị định số 05/2008/NĐ-CP .
3. Sử dụng công khai, minh bạch, có hiệu quả giá trị kinh tế thu được từ rừng JBIC cho mục đích xây dựng quỹ bảo vệ và phát triển rừng.
Điều 14. Trách nhiệm của UBND các xã
1. Phổ biến quy chế này và các quy định, chính sách liên quan về quản lý bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng đến cộng đồng dân cư thôn liên quan.
2. Sử dụng công khai, minh bạch có hiệu quả giá trị kinh tế thu được từ rừng cho mục đích xây dựng Quỹ bảo vệ và phát triển rừng theo quy định tại Nghị định số 05/2008/NĐ-CP .
| KT. BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC
HỢP ĐỒNG GIAO KHOÁN RỪNG GIỮA TỔ CHỨC CÓ RỪNG JBIC VÀ CÁC TỔ CHỨC, HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN VÀ CỘNG ĐỒNG
(kèm theo Quyết định số 109/2008/QĐ-BNN ngày 11 tháng 11 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
Tên tổ chức … | HỢP ĐỒNG MẪU VỀ GIAO NHẬN |
| …………….., ngày … tháng … năm ………. |
Căn cứ vào Luật bảo vệ và phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004.
Căn cứ vào Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật bảo vệ và phát triển rừng.
Căn cứ vào Quyết định số ……………/2008/QĐ-BNN ngày … tháng …. năm …. của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Về việc ban hành quy chế hưởng lợi áp dụng đối với dự án trồng rừng JBIC.
Căn cứ vào đề nghị được nhận khoán quản lý bảo vệ rừng và kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng JBIC sau giai đoạn đầu tư đã được Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt (1)
Hôm nay, ngày … tháng …. năm ………. tại ………………………………………………………
Chúng tôi gồm:
Bên A (Tên của tổ chức có rừng JBIC) (2)
Do ông (bà) ………………………. Chức vụ ………………………… làm đại diện
Địa chỉ ………………………………. Điện thoại ……………… Fax ………… Email …………….
Bên B (Tên của bên nhận khoán quản lý bảo vệ rừng) (3)
Do ông (bà) ………………………………………………………………… làm đại diện
Địa chỉ ……………………… Có CMTND số ……………………. Do Công an tỉnh …………… cấp ngày ………… tháng …………. năm …..
Điện thoại ………. Fax ……………… Email …………………………………………………………
Hai bên thỏa thuận ký hợp đồng Giao khoán quản lý bảo vệ rừng với các điều, khoản sau đây:
Điều 1. Diện tích, địa điểm của những khu rừng được giao cho Bên B quản lý và bảo vệ
1. Diện tích rừng ……………………………………………….. ha, đối tượng rừng (rừng trồng, rừng tự nhiên là rừng phòng hộ); trạng thái rừng: ………………………………………………….
Tại ………………. lô …………………. khoảnh …………. tiểu khu …………………………… (4)
2. Vị trí, ranh giới và đặc điểm khu rừng ghi trong biểu và bản đồ kèm theo.
Điều 2. Thời hạn của hợp đồng khoán quản lý và bảo vệ rừng.
Thời hạn nhận khoán quản lý bảo vệ rừng là …. năm, kể từ ngày … tháng … năm …. đến ngày …. tháng ….. năm ……. (5)
Hợp đồng sẽ được gia hạn khi thời hạn trên kết thúc nếu trong thời gian thực hiện hợp đồng Bên B tuân thủ nghiêm túc mọi điều khoản của hợp đồng và mong muốn được gia hạn hợp đồng.
Điều 3. Các quyền của Bên A
Được nhận từ Bên B ………….. % của giá trị gỗ khai thác sau khi nộp thuế và các chi phí khai thác vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
Điều 4. Nghĩa vụ của Bên A
1. Cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật về bảo vệ, quản lý và phát triển rừng JBIC cho Bên B.
2. Liên hệ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc cho phép thu hoạch và khai thác các lâm sản từ rừng JBIC và cho phép sử dụng đất rừng JBIC (nếu cần thiết).
3. Kịp thời chỉ đạo và cho phép Bên B thu hoạch và khai thác gỗ và các lâm sản ngoài gỗ từ rừng JBIC.
Điều 5. Những hỗ trợ khác của Bên A cho Bên B (8)
Ứng trước vốn và vật tư hỗ trợ cho Bên B khi Bên B có nguyện vọng để phục vụ cho việc khai thác và vận chuyển lâm sản từ rừng JBIC. Bên B sẽ hoàn trả số tiền đó sau khi thu được tiền bán lâm sản (một hợp đồng riêng biệt sẽ được ký giữa hai bên về khoản hỗ trợ này).
Điều 6. Quyền của Bên B
1. Được thu hái các lâm sản ngoài gỗ như quả, hoa, dầu, nhựa thông, song mây, mật ong, vv… trong quá trình quản lý và bảo vệ rừng theo luật pháp và các quy định hiện hành và các hướng dẫn của Bên A và được hưởng toàn bộ sản phẩm sau khi nộp thuế (nếu có).
2. Được khai thác cây gỗ chết khô, cây đổ gẫy, cây sâu bệnh trong rừng JBIC theo luật pháp và các quy định hiện hành và các hướng dẫn của Bên A, được hưởng toàn bộ giá trị sản phẩm sau khi nộp thuế (nếu có).
3. Được lấy củi trong rừng JBIC nhưng không làm hư hại rừng theo luật pháp và các quy định hiện hành và các hướng dẫn của Bên A và được hưởng toàn bộ giá trị của sản phẩm sau khi nộp thuế (nếu có).
4. Được khai thác tre nứa theo luật pháp và các quy định hiện hành và các hướng dẫn của Bên A và được hưởng toàn bộ giá trị của sản phẩm sau khi nộp thuế (nếu có).
5. Được khai thác gỗ theo pháp luật và các quy định hiện hành, các hướng dẫn của Bên A và được hưởng ………. % của giá trị gỗ khai thác sau khi nộp thuế và các chi phí khai thác vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
6. Được hưởng 100% giá trị của gỗ khai thác sau khi nộp thuế (nếu có) trong trường hợp Bên B đầu tư trồng và quản lý và khai thác các loại cây với sự cho phép của Bên A.
7. Được sử dụng đất rừng để canh tác cây hàng năm và cây lâu năm theo các quy định của pháp luật hiện hành và với sự cho phép của Bên A.
8. Được di chúc một phần hoặc toàn bộ hợp đồng khoán cho thành viên trong gia đình (cùng sống tại xã) và với sự cho phép của Bên A. (6)
Điều 7. Nghĩa vụ của bên B
1. Quản lý bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng JBIC theo hướng dẫn của Bên A và theo luật pháp và các quy định hiện hành liên quan đến quản lý và bảo vệ rừng.
2. Xin phép và theo các hướng dẫn của Bên A trước khi khai thác và thu hoạch gỗ và các lâm sản ngoài gỗ từ rừng JBIC hoặc trồng các loại cây khác trên đất rừng JBIC.
3. Phải xin phép Bên A nếu Bên B muốn sử dụng một phần đất của rừng JBIC để canh tác cây hàng năm và cây lâu năm.
4. Theo dõi giám sát sự thiệt hại, sự phá hoại, sự phát triển và sử dụng rừng JBIC không đúng mục đích do các nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan và báo cáo kịp thời lên các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và Bên A.
5. Phục hồi và cải thiện những khu rừng JBIC bị hư hại do các nguyên nhân bất khả kháng theo yêu cầu và hướng dẫn của Bên A (Một hợp đồng riêng biệt sẽ được ký giữa Bên A và Bên B nếu công việc có liên quan đến vấn đề nguyên vật liệu và nhân công) (7).
Điều 8. Sửa đổi hợp đồng
1. Bất cứ sự thay đổi và điều chỉnh nào của hợp đồng này sẽ phải được sự thỏa thuận đồng ý bằng văn bản giữa các bên.
2. Mọi sự thay đổi và điều chỉnh sẽ có hiệu lực thông qua việc ký hợp đồng sửa đổi hoặc biên bản ghi nhớ (phụ lục hợp đồng).
Điều 9. Chấm dứt hợp đồng
Hợp đồng có thể bị chấm dứt trong các trường hợp sau:
(a) Khi thời hạn hợp đồng chấm dứt và Bên B không muốn kéo dài hợp đồng;
(b) Khi Bên B yêu cầu Bên A chấm dứt hợp đồng. Bên B sẽ phải thông báo cho Bên A bằng văn bản về đề nghị chấm dứt hợp đồng ít nhất trước 6 tháng;
(c) Khi Bên A nhận thấy Bên B không đủ khả năng thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ ghi trong hợp đồng;
(d) Khi Bên A nhận thấy Bên B không tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn của Bên A về quản lý và bảo vệ rừng;
Trong trường hợp hợp đồng bị chấm dứt vì các lý do (c) và (d), Bên A sẽ phải thông báo cho Bên B bằng văn bản ít nhất 6 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng.
Điều 10. Giải quyết tranh chấp
Hai bên cam kết giải quyết hoặc làm sáng tỏ mọi tranh chấp phát sinh trong hoặc ngoài quá trình thực hiện hợp đồng thông qua thương lượng. Trong trường hợp tranh chấp không thể giải quyết thông qua thương lượng thì vụ việc sẽ được giải quyết theo pháp luật và các quy định hiện hành.
Điều 11. Hiệu lực của hợp đồng
Hợp đồng này có hiệu lực kể từ ngày ký trừ khi bị chấm dứt trước thời hạn như được ghi trong điều 9.
Hợp đồng được lập thành … bản có giá trị pháp lý như nhau, mỗi bên giữ 01 bản và các bản còn lại được gửi đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền liên quan theo quy định của Pháp luật.
Các bên có mặt tại đây thống nhất ký vào bản hợp đồng này.
ĐẠI DIỆN BÊN A | ĐẠI DIỆN BÊN B |
NGƯỜI LÀM CHỨNG
(Ký tên – nếu có)
......................................................................................................................................
......................................................................................................................................
1. Quyết định phê duyệt kế hoạch quản lý bảo vệ rừng được phê duyệt của cấp có thẩm quyền ghi rõ số, ngày, tháng, năm và trích yếu nội dung của quyết định.
2. Bên Giao khoán quản lý bảo vệ rừng ghi rõ họ, tên, chức vụ của người làm đại diện
3. Bên Nhận khoán quản lý bảo vệ rừng nếu là hộ gia đình thì ghi tên chủ hộ, địa chỉ nơi đăng ký hộ khẩu thường trú; nếu là cá nhân thì ghi tên cá nhân, địa chỉ nơi đăng ký thường trú, số CMND, tài khoản (nếu có); nếu là tổ chức thì ghi tên tổ chức, địa chỉ trụ sở chính, họ, tên, chức vụ người đại diện, số tài khoản.
4. Vị trí, địa điểm khu rừng giao ghi rõ tên xã, phường, thị trấn; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tiểu khu, khoảnh và lô (nếu có). Trường hợp giao nhiều lô rừng thì phải có bảng kê cho từng lô rừng kèm theo.
5. Thời hạn sử dụng rừng ghi theo quyết định giao rừng của UBND và được ghi bằng số và bằng chữ.
6. Ghi thêm các quyền khác được nêu trong quyết định của UBND tỉnh và/hoặc các quyết định của Bên A (nếu có). Quyền “Được nhận tiền công quản lý bảo vệ rừng từ Bên A” có thể được thêm vào nếu Bên A thấy cần thiết.
7. Ghi thêm các nghĩa vụ khác được nêu trong quyết định của UBND tỉnh và/hoặc các quyết định của Bên A (nếu có).
8. Mục này có thể được bỏ nếu Bên A không có đủ năng lực để thực hiện.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.