THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1083/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 14 tháng 08 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH TỔNG THỂ BẢO TỒN, TÔN TẠO VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ KHU DI TÍCH THÀNH CỔ LOA (TỶ LỆ 1/2000)
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật di sản văn hoá số 28/2001/QH20 ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Luật đất đai số 13/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật du lịch số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa (Tỷ lệ 1/2000).
1. Phạm vi và quy mô lập quy hoạch
Phạm vi quy hoạch thuộc các khu vực liên quan đến Khu di tích thành Cổ Loa và phụ cận, trên địa bàn các xã Cổ Loa, Dục Tú, Việt Hùng, Uy Nỗ, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
- Phía Tây Bắc giáp đường quy hoạch nối Khu đô thị 34 đi Khu công nghiệp Đông Anh.
- Phía Đông Bắc giáp đường Cổ Loa - Yên Viên.
- Phía Đông Nam giáp ranh giới Khu di tích thành Cổ Loa.
- Phía Nam và Tây Nam giáp đường liên khu vực Cầu Đuống đi thị trấn Đông Anh.
Quy mô khoảng 860 ha, có thể điều chỉnh trong quá trình lập quy hoạch, trên cơ sở đảm bảo tuân thủ các quy hoạch được duyệt và yêu cầu thực tế bảo tồn Khu di tích.
2. Mục tiêu quy hoạch:
Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Cổ Loa, hướng tới xây dựng và tôn vinh Khu di tích thành Cổ Loa trở thành “Công viên Lịch sử - Sinh thái - Nhân văn” của Thủ đô Hà Nội, phù hợp với quy hoạch phân khu tại khu vực và quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Xác định chức năng và chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích, khu dân cư, khu vực bảo vệ môi trường sinh thái. Tổ chức không gian và bố trí hệ thống hạ tầng phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và phát triển Khu di tích thành Cổ Loa.
Định hướng kế hoạch tổng thể quản lý và đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa Khu di tích thành Cổ Loa; xác định lộ trình và các nhóm giải pháp chính để triển khai các dự án.
Làm căn cứ pháp lý cho công tác quản lý và triển khai các dự án bảo tồn, tôn tạo, chỉnh trang tổng thể không gian khu di tích theo đồ án quy hoạch được duyệt.
Quy định quản lý kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan khu di tích, các biện pháp bảo vệ di tích, hạn chế không tăng trưởng dân số và tăng cường trách nhiệm quản lý của chính quyền các cấp, cơ quan liên quan.
3. Tính chất
- Là khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
- Là một trong những công viên chính của thành phố Hà Nội, trung tâm du lịch văn hóa - lịch sử có nhiều nét đặc trưng văn hóa.
4. Đối tượng nghiên cứu
- Các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng đã và chưa được Nhà nước xếp hạng, gắn liền với lịch sử và văn hóa sống của dân cư trong di tích Cổ Loa, gồm: Hệ thống thành Cổ Loa, các di chỉ khảo cổ, hệ thống các đình, đền, chùa, điếm, nhà ở dân gian cổ...
- Các giá trị văn hóa phi vật thể: Lễ hội truyền thống, văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán, truyền thuyết dân gian...
- Các yếu tố liên quan khác về kinh tế, xã hội, dân cư, môi trường, các thể chế và chính sách có liên quan khác...
5. Các nội dung và yêu cầu nghiên cứu chủ yếu
a) Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực di tích thành Cổ Loa
- Nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng tổng hợp
Sơ lược về lịch sử hình thành và phát triển qua các thời kỳ và nhận diện các giá trị nổi trội của Khu di tích thành Cổ Loa trong hệ thống di tích quốc gia.
Điều kiện tự nhiên và các vùng cảnh quan liên quan đến lịch sử phát triển khu di tích.
Đánh giá thực trạng triển khai quy hoạch chi tiết khu vực di tích Cổ Loa tỷ lệ 1/2000, các quy hoạch và dự án liên quan đến khu di tích và hiện trạng công tác quản lý bảo tồn và đầu tư xây dựng, xác định các nội dung kế thừa và các nội dung cần phải điều chỉnh hướng tới quy hoạch Khu di tích Cổ Loa cân bằng giữa 3 yếu tố lịch sử, sinh thái và nhân văn.
Tình trạng di tích, các khu vực có tiềm năng về khảo cổ, các vùng cảnh quan xung quanh di tích và tình trạng lấn chiếm di tích, lấn chiếm vùng bảo vệ di tích. Công tác bảo tồn, quản lý, khai thác di tích vào đời sống dân cư và phát triển kinh tế khu vực.
Đặc điểm về kinh tế, xã hội, các hoạt động liên quan đến văn hóa phi vật thể và các động lực phát triển, quy mô dân số, đất đai trong khu di tích. Thực trạng sử dụng đất, không gian kiến trúc cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, môi trường. Đánh giá các tác động từ đô thị hóa đến quần thể khu di tích.
Thực trạng đào tạo nguồn nhân lực và công tác thông tin quảng bá, khai thác du lịch và phát triển kinh tế xã hội.
Phân tích mối quan hệ về chức năng, không gian cảnh quan, hạ tầng đô thị của khu di tích với quy hoạch xây dựng huyện Đông Anh và thành phố Hà Nội. Dự báo quy mô dân số, quy mô khách du lịch, ngưỡng dân số trong khu di tích nhằm giảm tối đa các tác hại đến di tích. Dự báo các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật áp dụng phù hợp đối với khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
- Định hướng quy hoạch bảo tồn, tôn tạo di tích
+ Đề xuất giải pháp bảo tồn cấu trúc di sản vật thể khu di tích, gồm các di tích lịch sử - văn hóa và cảnh quan thiên nhiên có giá trị trên cơ sở các luận cứ lịch sử, khoa học và thực tế.
Xác định danh mục, ranh giới bảo vệ quần thể di tích thành Cổ Loa, gồm 03 vòng thành lũy (Thành Nội, Thành Trung và Thành Ngoại), cổng thành, đình, đền, điếm, miếu và các di chỉ khác.
Các giải pháp bảo tồn, tôn tạo cảnh quan khu vực di tích phù hợp để tôn vinh, chống xuống cấp và không làm mất đi giá trị di tích.
+ Đề xuất giải pháp phục hồi, bảo tồn tôn tạo các cảnh quan xung quanh di tích và các giải pháp đối với khu vực lấn chiếm di tích.
- Định hướng tổ chức không gian và thiết kế đồ thị
+ Đề xuất cơ cấu phân khu chức năng và nguyên tắc định hướng không gian tổng thể khu di tích, phù hợp với không gian tổng thể thành phố Hà Nội.
+ Đề xuất các giải pháp khai thác không gian di tích phát triển du lịch.
Lựa chọn một số điểm trong khu vực có giá trị nội hàm cao về văn hóa - lịch sử Khu di tích thành Cổ Loa, để có thể nghiên cứu phục dựng ở mức độ cho phép tái hiện hình ảnh lịch sử nhằm phục vụ du lịch.
Khôi phục một số làng xóm tiêu biểu theo cấu trúc không gian truyền thống khu vực gắn với kiến trúc cổ, làng nghề truyền thống; xây dựng hệ thống các điểm dịch vụ gắn với không gian văn hóa dân gian của các khu dân cư và kiến tạo những tuyến, trục chính phục vụ phát triển du lịch.
+ Đề xuất các giải pháp tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan nhằm nâng cao chất lượng sống khu dân cư.
Rà soát và xác định vị trí, quy mô các công trình công cộng hiện hữu, xây mới phục vụ khu dân cư và cả khách du lịch, nhưng không được ảnh hưởng đến cấu trúc chung khu di tích.
Thiết lập các không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng để duy trì nét giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống.
Giải pháp cải tạo chỉnh trang các khu dân cư, các khu vực tiếp giáp với di tích và các vùng cảnh quan sinh thái.
Giải pháp đối với công tác giãn dân trong các khu vực bảo tồn, các khu dân cư phải giải tỏa.
+ Đề xuất các giải pháp không gian khu vực sinh thái cảnh quan tự nhiên.
Khôi phục, cải tạo và làm mới hệ thống mặt nước trong khu di tích, đảm bảo liên kết hệ thống nước trong khu dân cư, hệ thống Hào Thành, đầm, sông Hoàng Giang với sông Đuống, sông Hồng và đầm Vân Trì.
Thiết lập các khu vực sinh thái cảnh quan tự nhiên, gồm vùng sinh thái nông nghiệp, công viên cây xanh, vườn hoa gắn với khu dân cư và các di tích...
+ Đề xuất các giải pháp thiết kế đô thị
- Quy hoạch sử dụng đất
Thiết lập quy hoạch sử dụng đất, bổ sung quỹ đất cần thiết cho các chức năng phục vụ công tác bảo tồn và tôn vinh giá trị di tích.
Đề xuất các chỉ tiêu áp dụng về dân số, khách du lịch, sử dụng đất, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật cho khu di tích.
Xác định quy mô, tính chất, chức năng và các chỉ tiêu sử dụng đất cho từng loại đất khác nhau đã được quy hoạch không gian trong khu di tích, nhưng phải đảm bảo tính linh hoạt để quản lý đất đai hiệu quả đối với các di chỉ dưới lòng đất. Phân kỳ các giai đoạn thực hiện.
- Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và môi trường
Cải tạo, chỉnh trang hệ thống giao thông hiện có đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân và du khách nhưng không ảnh hưởng đến công tác bảo tồn di tích. Kết nối mạng lưới giao thông hợp lý bên trong và ngoài khu di tích.
Đề xuất hệ thống thoát nước, cao độ xây dựng phù hợp để giải quyết thoát nước khu di tích và các giải pháp hạ tầng kỹ thuật khác đáp ứng nhu cầu sử dụng.
Đánh giá môi trường chiến lược.
b) Đối với Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa
- Cập nhật các nội dung đánh giá hiện trạng trong quy hoạch phân khu. Khảo sát và đánh giá thực trạng đào tạo nguồn nhân lực và công tác thông tin quảng bá, khai thác du lịch và phát triển kinh tế, xã hội. Đánh giá thực trạng công tác quản lý bảo tồn và đầu tư xây dựng tại khu di tích.
- Xây dựng kế hoạch tổng thể đầu tư xây dựng và bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá Khu di tích thành Cổ Loa, đề xuất các nhóm giải pháp về:
+ Đầu tư xây dựng, phát triển không gian và hạ tầng kỹ thuật khu di tích, đề xuất danh mục các dự án, hình thức quản lý dự án, lộ trình và tổng mức đầu tư.
+ Danh mục các dự án liên quan đến công tác tu bổ di tích như đền bù giải phóng mặt bằng các công trình thuộc ranh giới bảo vệ di tích, các dự án tu bổ di tích, di chỉ hiện có, các dự án khảo cổ...
+ Danh mục các dự án bảo tồn các giá trị di sản văn hóa môi trường cảnh quan đô thị và thiên nhiên gắn liền với di tích, các giải pháp sưu tầm, phân loại hiện vật và xây dựng nội dung trưng bày.
- Xây dựng tổng thể cơ chế quản lý và tổ chức thực hiện, đề xuất các nhóm giải pháp về:
+ Chương trình trọng điểm và dự án ưu tiên đầu tư.
+ Cơ chế quản lý đầu tư đối với các di tích đã được xếp hạng và di tích khác, công tác khoanh vùng bảo vệ di tích, các dự án đầu tư xây dựng khác, nhà ở, đất đai và các hoạt động du lịch, văn hóa và lễ hội, cơ chế thực hiện công tác giải phóng mặt bằng di dời dân cư.
+ Chương trình hoạt động phát huy giá trị di tích và phát triển du lịch theo hướng bền vững. Định hướng loại hình du lịch, xây dựng và thiết lập hệ thống sản phẩm cho du lịch văn hóa, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng gắn với du lịch, thiết lập các tuyến du lịch, bảo vệ môi trường du lịch.
+ Chương trình an sinh xã hội về các lĩnh vực văn hóa - giáo dục, kinh tế - việc làm; xây dựng mạng lưới đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội cho các hoạt động dân sinh và du lịch; thu hút và mở rộng sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội trong quá trình xây dựng và bảo tồn; xây dựng và phát triển bộ máy tổ chức điều hành và khai thác các dịch vụ du lịch.
+ Chương trình đào tạo nguồn nhân lực và thông tin quảng bá, đề xuất nội dung và quy mô nhân lực tham gia, đề xuất các dự án về đào tạo nguồn nhân lực tham gia quản lý các dự án tư bổ di tích, các dự án đầu tư xây dựng thành phần trong khu di tích; kế hoạch về thông tin quảng bá phát huy giá trị di tích, phát triển du lịch; xây dựng chương trình hoạt động, đề xuất khung sáng kiến về các giải pháp tổng thể để gia tăng giá trị của di tích.
+ Giải pháp về công tác quản lý: Đối với lĩnh vực xây dựng cơ bản trong các khu vực bảo tồn di tích, khu vực dân cư, khu vực bảo vệ sinh thái nông nghiệp; đối với các hoạt động du lịch, nghiên cứu di tích; đối với hoạt động khác như văn hóa, lễ hội, dân sinh.
c) Quy chế quản lý đầu tư xây dựng và bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa
- Các quy định quản lý chung
Các quy định về phạm vi và đối tượng áp dụng đối với các hạng di tích cấp quốc gia và cấp thành phố, các đối tượng tham gia bảo vệ di tích gồm các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.
Các quy định về các loại hình di tích phải bảo tồn như thành Cổ Loa, đình, đền, chùa, nhà ở, di chỉ...
Các quy định về nguyên tắc bảo tồn, sử dụng di tích nhằm giữ gìn nguyên vẹn và lâu dài quần thể di tích vừa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống hiện đại của cộng đồng dân cư, phát triển kinh tế xã hội và phù hợp với quy định của quốc gia, quốc tế về công tác bảo tồn di tích; đề xuất các hành vi bị nghiêm cấm gây tổn thương đến di tích.
Các quy định về nguyên tắc đầu tư xây dựng cải tạo và xây dựng mới, để quản lý về sử dụng đất, kiến trúc, hạ tầng để không ảnh hưởng đến cấu trúc và cảnh quan chung của khu di tích.
- Các quy định quản lý cụ thể
Các quy định cụ thể về khu vực bảo vệ và tu bổ di tích trong khu vực bảo vệ theo yêu cầu của Luật di sản.
Các quy định cụ thể về tu bổ và tôn tạo di tích, di chỉ riêng lẻ.
Các quy định cụ thể về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị khu di tích.
Các quy định cụ thể quản lý đầu tư xây dựng.
Trách nhiệm của các Sở, Ban, ngành và chính quyền các cấp.
Các vấn đề về thanh tra, kiểm tra, khen thưởng, xử lý vi phạm và các điều khoản thi hành khác có liên quan
6. Thành phần hồ sơ, sản phẩm:
a) Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực di tích thành Cổ Loa:
- Phần văn bản: Thuyết minh tổng hợp, dự thảo quy định quản lý và các bản vẽ A3 về phân vùng quản lý.
- Phần bản vẽ:
Sơ đồ vị trí và giới hạn khu đất - tỷ lệ 1/10.000 - 1/25.000.
Bản đồ hiện trạng sử dụng đất, kiến trúc, cảnh quan và đánh giá đất xây dựng - tỷ lệ 1/2000.
Bản đồ hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường - tỷ lệ 1/2000
Bản đồ quy hoạch mặt bằng sử dụng đất - tỷ lệ 1/2000.
Sơ đồ tổ chức không gian quy hoạch kiến trúc, cảnh quan - tỷ lệ 1/2000.
Các bản vẽ thiết kế đô thị - tỷ lệ thích hợp.
Bản đồ quy hoạch giao thông và chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng - tỷ lệ 1/2000.
Các bản đồ quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác - tỷ lệ 1/2000.
Bản đồ kỹ thuật đường dây đường ống kỹ thuật - tỷ lệ 1/2000.
Bản đồ đánh giá môi trường chiến lược - tỷ lệ 1/2000.
b) Đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa:
- Phần văn bản: Thuyết minh tổng hợp và dự thảo tờ trình.
- Phần bản vẽ: Gồm các bản vẽ A3 liên quan.
c) Quy chế quản lý đầu tư xây dựng và bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa.
- Phần văn bản: Thuyết minh tổng hợp và dự thảo tờ trình.
- Phần bản vẽ: Gồm các bản vẽ A3 có liên quan.
7. Tổ chức thực hiện
- Cơ quan tổ chức lập quy hoạch: Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.
- Cơ quan phê duyệt quy hoạch: Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (Thủ tướng Chính phủ ủy quyền tại văn bản số 3278/VPCP-KTN ngày 22 tháng 5 năm 2009).
- Cơ quan thẩm định: Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Thời gian thực hiện: 12 tháng sau khi Nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức thực hiện lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa (Tỷ lệ 1/2000).
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.