ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 108/2006/QĐ-UBND | Đồng Xoài, ngày 01 tháng 11 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC MỞ LỚP ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG VÀ CỬ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC ĐI ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước;
Căn cứ Nghị định 117/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước;
Căn cứ Quyết định 161/2003/QĐ-TTg ngày 04/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về trình tự, thủ tục mở lớp đào tạo, bồi dưỡng và cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC MỞ LỚP ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG VÀ CỬ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC ĐI ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 108/2006/QĐ-UBND ngày 01 tháng 11 năm 2006 của UBND tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về trình tự, thủ tục, điều kiện, thẩm quyền quyết định mở lớp đào tạo, bồi dưỡng; trình tự, thủ tục, điều kiện, thẩm quyền cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng.
Điều 2. Đối tượng điều chỉnh
1. Các lớp tại Quy định này là các lớp mở để đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức, diện dự nguồn cán bộ có sử dụng kinh phí mở lớp từ nguồn ngân sách nhà nước và những lớp mở theo nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của địa phương không sử dụng kinh phí mở lớp từ ngân sách nhà nước mà sử dụng kinh phí từ nguồn thu học phí của học viên, do các cơ sở đào tạo trong tỉnh mở hoặc do các cơ sở đào tạo trong tỉnh liên kết với các cơ sở đào tạo khác (sau đây gọi chung là mở lớp). Bao gồm:
a) Các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ;
b) Các lớp đào tạo, bồi dưỡng về hành chính nhà nước;
c) Các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức bổ trợ khác.
2. Cán bộ, công chức, viên chức tại Quy định này bao gồm:
a) Cán bộ, công chức hành chính thuộc các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã;
b) Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh; viên chức trong các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã;
c) Cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (gọi chung là cán bộ, công chức cấp xã).
3. Quy định này không áp dụng đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng sau:
a) Các lớp đào tạo học vấn;
b) Các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên của Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh, Trường Trung học Y tế tỉnh và các cơ sở đào tạo khác mà học viên không phải là cán bộ, công chức, viên chức quy định tại khoản 2 Điều này.
Điều 3. Điều kiện mở lớp và cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng
1. Mở lớp:
a) Có chức năng đào tạo, bồi dưỡng hoặc liên kết mở lớp đào tạo, bồi dưỡng theo quy định;
b) Có đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 5 bản Quy định này;
c) Có đủ điều kiện đảm bảo về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cho việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng;
d) Tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo bản Quy định này.
2. Cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng:
a) Phải có tên trong Đề án đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan, đơn vị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
b) Có đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 9 bản Quy định này;
c) Tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo bản Quy định này.
Điều 4. Trình tự, thủ tục
1. Mở lớp:
a) Xây dựng Đề án, Tờ trình mở lớp;
b) Thẩm định, thẩm tra Đề án, Tờ trình mở lớp;
c) Quyết định phê duyệt Đề án hoặc văn bản thuận chủ trương của cơ quan có thẩm quyền (gọi chung là quyết định mở lớp).
2. Cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng:
a) Xây dựng Tờ trình cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng;
b) Thẩm định việc cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng;
c) Quyết định cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng.
Chương II
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC MỞ LỚP
Điều 5. Hồ sơ mở lớp
1. Đề án mở lớp:
Đề án mở lớp do các cơ quan, đơn vị đề nghị mở lớp xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định. Đề án bao gồm những nội dung sau:
a) Sự cần thiết và cơ sở pháp lý cho việc mở lớp;
b) Thực trạng trình độ của đối tượng cần được đào tạo,bồi dưỡng và nhu cầu cần đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực;
c) Chỉ tiêu cần đào tạo, bồi dưỡng;
d) Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ giảng viên, báo cáo viên;
đ) Hình thức đào tạo, bồi dưỡng, phương thức liên kết (đối với việc mở lớp bằng hình thức liên kết);
e) Thời gian thực hiện, tiến độ thực hiện Đề án;
g) Biện pháp tổ chức thực hiện Đề án.
2. Tờ trình mở lớp:
Nội dung của Tờ trình mở lớp:
a) Sự cần thiết và cơ sở pháp lý cho việc mở lớp;
b) Nội dung chính của Đề án mở lớp.
3. Các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc mở lớp.
Điều 6. Thẩm định Đề án mở lớp
1. Sở Nội vụ là cơ quan tham mưu UBND tỉnh về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm thẩm định Đề án mở lớp.
2. Nội dung thẩm định gồm:
a) Sự cần thiết và cơ sở pháp lý cho việc mở lớp;
b) Mục tiêu của việc mở lớp;
c) Tính khả thi của việc mở lớp;
d) Các điều kiện đảm bảo cho việc tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng.
3. Văn bản thẩm định của Sở Nội vụ phải kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định mở lớp theo một trong ba trường hợp sau:
a) Thống nhất việc mở lớp;
b) Không thống nhất việc mở lớp;
c) Chưa thống nhất việc mở lớp, cần phải chỉnh sửa, bổ sung Đề án hoặc cần nghiên cứu thêm một số nội dung trong Đề án.
Điều 7. Quyết định mở lớp
1. Đối với các lớp mở có sử dụng kinh phí mở lớp từ nguồn ngân sách nhà nước:
Trên cơ sở văn bản thẩm định Đề án của Sở Nội vụ và ý kiến của Hội đồng Đào tạo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm thẩm tra thủ tục, hồ sơ mở lớp trình UBND tỉnh quyết định một trong ba trường hợp sau:
a) Thuận chủ trương mở lớp;
b) Không thuận chủ trương mở lớp;
c) Chưa đủ điều kiện, cơ sở để mở lớp.
2. Đối với các lớp mở không sử dụng kinh phí mở lớp từ nguồn ngân sách nhà nước:
Trên cơ sở văn bản thẩm định Đề án của Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm thẩm tra thủ tục, hồ sơ mở lớp trình UBND tỉnh quyết định một trong ba trường hợp tại khoản 1 Điều này.
Điều 8. Gửi hồ sơ và xử lý hồ sơ mở lớp
1. Đối với các lớp mở để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hoặc diện dự nguồn cán bộ cho tỉnh có sử dụng kinh phí mở lớp từ nguồn ngân sách nhà nước:
Cơ quan đề nghị mở lớp phải gửi đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Quy định này đến Sở Nội vụ và UBND tỉnh vào tháng 9 hàng năm.
Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Nội vụ có trách nhiệm thẩm định, tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng Đào tạo tỉnh và Ban thường vụ Tỉnh ủy quyết định về chủ trương vào tháng 11 hàng năm.
Sau khi có ý kiến của Hội đồng Đào tạo tỉnh và Ban thường vụ Tỉnh ủy, Sở Nội vụ và Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh quyết định theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Quy định này.
2. Đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng không sử dụng kinh phí mở lớp từ nguồn ngân sách nhà nước:
Cơ quan đề nghị mở lớp phải gửi đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Quy định này đến Sở Nội vụ và UBND tỉnh. Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Nội vụ và Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm thẩm định, thẩm tra, tham mưu UBND tỉnh quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Quy định này.
Chương III
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CỬ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC ĐI ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
Điều 9. Hồ sơ cử cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng
1. Hồ sơ cử cán bộ, công chức đi học:
a) Tờ trình đề nghị cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng;
b) Danh sách trích ngang cán bộ, công chức, viên chức, bao gồm các nội dung: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; chức vụ, đơn vị công tác và các nội dung khác theo yêu cầu (nếu có);
c) Thông báo trúng tuyển, nhập học (đối với trường hợp phải thông qua thi tuyển) hoặc thông báo chiêu sinh (đối với trường hợp đi học không qua thi tuyển) của cơ sở đào tạo.
2. Đối với trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo trình độ sau đại học, cơ quan, đơn vị gửi hồ sơ và phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền trước khi cán bộ, công chức, viên chức đi ôn, dự tuyển.
Hồ sơ đề nghị cho cán bộ, công chức, viên chức đi ôn, dự tuyển: ngoài hồ sơ theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này còn phải có thêm thông báo chiêu sinh của cơ sở đào tạo và hồ sơ dự tuyển theo yêu cầu của cơ sở đào tạo.
Điều 10. Quyết định cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng
1. Đối với việc cử cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đi đào tạo: do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định sau khi có ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
2. Việc cử cán bộ, công chức, viên chức đi ôn, dự tuyển, đi học trình độ sau đại học: do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý thực hiện theo khoản 1 Điều này.
3. Việc cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp (đối với cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện) và trung học chuyên nghiệp (đối với cán bộ, công chức cấp xã) tại các lớp không do tỉnh mở hoặc các lớp do tỉnh mở nhưng không sử dụng kinh phí mở lớp từ ngân sách nhà nước: do thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã ra quyết định sau khi có ý kiến thoả thuận của Sở Nội vụ.
4. Việc cử cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện và cán bộ, công chức cấp xã đi đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp tại các lớp do tỉnh mở có sử dụng kinh phí mở lớp từ ngân sách nhà nước và cán bộ, công chức cấp xã đi đào tạo trình độ đại học tại các lớp không sử dụng kinh phí mở lớp từ ngân sách nhà nước: do Giám đốc Sở Nội vụ quyết định.
5. Cử cán bộ, công chức, viên chức đi bồi duỡng:
a) Đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ từ Phó Giám đốc Sở hoặc tương đương trở lên: do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.
b) Đối với cán bộ, công chức, viên chức còn lại do Giám đốc Sở Nội vụ quyết định.
Điều 11. Gửi hồ sơ và xử lý hồ sơ cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng
1. Cử cán bộ, công chức, viên chức đi ôn, dự tuyển sau đại học:
a) Đối với những trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh sau khi có ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy:
Cơ quan, đơn vị gửi đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Quyết định này về Sở Nội vụ trước 30 ngày tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ dự tuyển. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Nội vụ có trách nhiệm tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến. Sau khi có ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Sở Nội vụ có trách nhiệm tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.
b) Đối với những trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh:
Cơ quan, đơn vị gửi đầy đủ hồ sơ theo bản Quy định này về Sở Nội vụ trước 20 ngày tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ dự tuyển. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Nội vụ có trách nhiệm tham mưu, trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.
2. Cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng:
a) Đối với những trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh sau khi có ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy:
Cơ quan, đơn vị gửi đầy đủ hồ sơ theo bản Quy định này về Sở Nội vụ trước 30 ngày tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ nhập học. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Nội vụ có trách nhiệm tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến. Sau khi có ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Sở Nội vụ có trách nhiệm tham mưu, trình UBND tỉnh quyết định.
Riêng đối với trường hợp đi học sau đại học đã được Ban thường vụ Tỉnh ủy đồng ý cho đi ôn, dự tuyển: thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.
b) Đối với những trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh:
Cơ quan, đơn vị gửi đầy đủ hồ sơ theo bản Quy định này về Sở Nội vụ trước 15 ngày tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ nhập học. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Nội vụ có trách nhiệm tham mưu, trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.
c) Đối với những trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định của Giám đốc Sở Nội vụ:
Cơ quan, đơn vị gửi đầy đủ hồ sơ theo bản Quy định này về Sở Nội vụ trước 10 ngày tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ nhập học. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Nội vụ có trách nhiệm ra quyết định cử cán bộ, công chức, viên chức đi học hoặc trả lời bằng văn bản nếu không đồng ý.
d) Đối với những trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sau khi có ý kiến thoả thuận của Sở Nội vụ:
Cơ quan, đơn vị gửi đầy đủ hồ sơ theo bản Quy định này về Sở Nội vụ trước 10 ngày tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ nhập học. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Nội vụ có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho cơ quan, đơn vị đề nghị.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Giám đốc Sở Nội vụ kiểm tra, theo dõi việc thực hiện các quy định về trình tự, thủ tục mở lớp và cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng theo bản Quy định này.
Việc sửa đổi, bổ sung bản Quy định này do Giám đốc Sở Nội vụ trình UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.