BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 108/2002/QĐ-QLLĐNN | Hà Nội, ngày 23 tháng 8 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 108/QĐ-QLLĐNN NGÀY 23 THÁNG 8 NĂM 2002 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ CHỈ ĐẠO NGHIỆP VỤ QUẢN LÝ LAO ĐỘNG CỦA BAN QUẢN LÝ LAO ĐỘNG THUỘC ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI MALAYSIA ĐỐI VỚI ĐẠI DIỆN CÁC DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG VIỆT NAM TẠI MALAYSIA
CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ LAO ĐỘNG VỚI NƯỚC NGOÀI
Căn cứ Quyết định số 728/LĐTBXH-QĐ ngày 04/7/1994 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục quản lý lao động với nước ngoài;
Căn cứ Quyết định số 459/2000/QĐ-BLĐTBXH ngày 28/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội về việc ban hành Quy chế phân cấp quản lý công chức;
Căn cứ Quyết định số 876/2002/QĐ-BLĐTBXH ngày 30/7/2002 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội về việc thành lập Ban quản lý lao động tại Malaysia;
Xét đề nghị của Trưởng phòng tổ chức cán bộ và đào tạo, Trưởng ban quản lý lao động và chuyên gia Việt Nam tại Malaysia.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này bản "Quy định tạm thời về chỉ đạo nghiệp vụ quản lý lao động của Ban quản lý lao động thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đối với đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam tại Malaysia".
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. Trưởng Ban quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Quy định tạm thời này.
Điều 3: Chánh Văn phòng cục, Trưởng phòng tổ chức cán bộ và đào tạo, Trưởng ban Quản lý lao động thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, Giám đốc các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Trần Văn Hằng (Đã ký) |
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ CHỈ ĐẠO NGHIỆP VỤ QUẢN LÝ LAO ĐỘNG CỦA BAN QUẢN LÝ LAO ĐỘNG TẠI MALAYSIA ĐỐI VỚI ĐẠI DIỆN CÁC DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG VIỆT NAM TẠI MALAYSIA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 108/QĐ-QLLĐNN ngày 23/8/2002 của Cục trưởng Cục Quản lý lao động với nước ngoài)
I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Ban quản lý lao động và chuyên gia thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia (sau đây gọi là Ban quản lý lao động) có trách nhiệm hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tiếp cận thị trường lao động, ký kết hợp đồng cung ứng lao động theo đúng pháp luật Việt Nam và pháp luật Malaysia. Hướng dẫn, kiểm tra đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam tại Malaysia (sau đây gọi là doanh nghiệp) xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến hợp tác lao động, giải quyết các tranh chấp lao động, thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, của doanh nghiệp.
Điều 2: Doanh nghiệp đưa lao động sang làm việc tại Malaysia phải cử đại diện tại Malaysia để quản lý lao động.
Đại diện của doanh nghiệp chịu trách nhiệm quản lý lao động, chịu sự chỉ đạo của doanh nghiệp và chỉ đạo, kiểm tra của Ban quản lý lao động.
Doanh nghiệp phải báo cáo địa chỉ, số điện thoại liên lạc của đại diện tại Malaysia với Cục quản lý lao động với nước ngoài, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và Ban quản lý lao động.
Điều 3: Đại diện các doanh nghiệp phải là người thông thạo tiếng Anh, am hiểu chính sách, phong tục tập quán, pháp luật của Malaysia, có phẩm chất đạo đức, năng lực và kinh nghiệm quản lý. Khi cử đại diện quản lý lao động, doanh nghiệp phải báo cáo bằng văn bản (kèm theo hồ sơ gồm sơ yếu lý lịch, giấy khám sức khoẻ, bản sao văn bằng chứng chỉ...) về việc cử đại diện gửi Cục Quản lý lao động với nước ngoài và Ban quản lý lao động biết để phối hợp quản lý.
II- NỘI DUNG VÀ NHIỆM VỤ CHỈ ĐẠO NGHIỆP VỤ CỦA BAN QUẢN LÝ LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI ĐẠI DIỆN DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG
Điều 4: Nội dung và nhiệm vụ chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ của Ban quản lý lao động đối với các đại diện doanh nghiệp bao gồm:
1. Hướng dẫn đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tiếp cận, tìm hiểu, xác định đối tác và ngành nghề có nhu cầu tiếp nhận lao động, tư vấn về nội dung hợp đồng cung ứng lao động trước khi doanh nghiệp ký kết với phía đối tác Malaysia.
2. Hướng dẫn, kiểm tra các đại diện doanh nghiệp xử lý những vụ việc phát sinh trong công tác quản lý lao động, tổ chức đời sống văn hoá, tinh thần cho người lao động và các vấn đề liên quan khác.
3. Vào tuần đầu hàng tháng, Ban quản lý lao động tổ chức giao ban với các đại diện doanh nghiệp. Nội dung giao ban gồm:
- Đại diện doanh nghiệp báo cáo tình hình lao động của đơn vị mình về số lượng, tăng giảm, những tranh chấp lao động (nếu có), những vấn đề nảy sinh cần giải quyết;
- Ban quản lý lao động thông báo về thực trạng tình hình thị trường lao động.
- Phổ biến các chính sách mới về lao động và những vấn đề liên quan của Nhà nước Việt Nam và Malaysia.
- Trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, khai thác thị trường.
Nếu đại diện doanh nghiệp vắng mặt phải báo cáo bằng văn bản những nội dung trên gửi Ban quản lý lao động.
4. Ban quản lý lao động sẽ căn cứ vào tinh thần, trách nhiệm làm việc, số lượng các buổi dự họp giao ban và hiệu quả công tác để đánh giá hoạt động của các đại diện doanh nghiệp, có công văn gửi về doanh nghiệp.
Điều 5: Nhiệm vụ của các đại diện doanh nghiệp xuất khẩu lao động tại Malaysia bao gồm:
1. Kiểm tra điều kiện để tiếp nhận lao động.
2. Cùng với các đối tác tổ chức tốt việc đón lao động Việt Nam sang đến nơi làm việc chu đáo và an toàn.
3. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng lao động.
4. Thống kê đầy đủ và báo cáo đến các cơ quan hữu quan về sự biến động về số lượng lao động của doanh nghiệp mình đưa đi theo hợp đồng đã ký với Công ty môi giới và chủ sử dụng (tăng giảm, giới tính, số lượng đang làm việc, loại công việc, đã ra ngoài hợp đồng, đã về nước, được gia hạn hợp đồng, chết và vi phạm pháp luật);
5. Cùng với đối tác Malaysia giải quyết vấn đề tranh chấp lao động, các vụ việc xảy ra như tai nạn lao động, thiệt hại tính mạng và vi phạm pháp luật. Những vụ việc vượt quá quyền hạn phải đề xuất biện pháp xử lý và báo cáo nhanh cho doanh nghiệp và ban quản lý lao động biết để xin ý kiến chỉ đạo;
6. Giải quyết thủ tục cho lao động về nước khi kết thúc hợp đồng. Trường hợp lao động về nước trước hạn, cần làm việc với đối tác xác định rõ nguyên nhân và yêu cầu đối tác giải quyết chế độ cho người lao động theo đúng chính sách hiện hành. Trước khi người lao động về nước, cần làm đầy đủ hồ sơ pháp lý đảm bảo cho việc thanh lý hợp đồng giữa doanh nghiệp cung ứng lao động và người lao động. Khi kết thúc hợp đồng, nếu người lao động có nguyện vọng ở lại làm việc và đối tác có nhu cầu thì có trách nhiệm hướng dẫn cho người lao động gia hạn hợp đồng.
7. Giải quyết các vấn đề phát sinh đối với lao động đã phá vỡ hợp đồng ra làm ngoài bất hợp pháp;
8. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng tháng và báo cáo đột xuất về tình hình lao động đối với doanh nghiệp và Ban quản lý lao động. Khi về nước ngắn hạn do yêu cầu công tác, phải báo cáo với Ban quản lý lao động biết để chủ động trong việc theo dõi và xử lý công việc.
III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6: Quy định này có hiệu lực từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, Quy định này sẽ được xem xét bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tế.
Điều 7: Trưởng ban quản lý lao động có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo đại diện các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện quy định này và báo cáo đại sứ Việt Nam tại Malaysia, Cục quản lý lao động với nước ngoài để theo dõi, chỉ đạo.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.