ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1079/2005/QĐ-UB | Bến Tre, ngày 14 tháng 4 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ ĐẢM BẢO AN TOÀN VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG CÁC CÔNG TRÌNH LÂN CẬN TRONG HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26-11- 2003;
- Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26-11-2003;
- Căn cứ Công văn số: 1249/BXD-GĐ ngày 16-8-2004 cuả Bộ Xây dựng về việc an toàn các công trình lân cận khi thi công các công trình mới;
- Xét đề nghị của Sở Xây dựng tỉnh Bến Tre tại Tờ trình số: 28/TT-SXD ngày 25-3-2005,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường các công trình lân cận trong hoạt động xây dựng áp dụng trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành. Những quy định trước đây trái với Quyết định này được bãi bỏ.
Điều 3. Các Ông (Bà) Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban ngành, địa phương trong tỉnh và các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUI CHẾ
VỀ ĐẢM BẢO AN TOÀN VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG CÁC CÔNG TRÌNH LÂN CẬN TRONG HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1079/2005/QĐ-UB ngày 14-4-2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng
Qui chế này qui định những diều kiện đối với các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động xây dựng và những yêu cầu nhằm đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường khi đầu tư xây dựng hoặc phá dỡ công trình có công trình lân cận trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong qui chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1) Công trình xây dựng: Là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước được xây dựng theo thiết kế. Công trình xây dựng bao gồm công trình xây dựng công cộng, nhà ở, công trình công nghiệp, giao thông, thuỷ lợi, năng lượng và các công trình khác.
2) Công trình lân cận: Là những công trình có phạm vi gây ra và chịu ảnh hưởng khi thực hiện các hoạt động xây dựng.
3) Cải tạo công trình: Là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các công việc về đầu tư nâng cấp, đầu tư mở rộng, đầu tư thêm về quy mô công trình hiện có.
4) Bảo trì công trình: Là hoạt động bắt buộc theo luật pháp đối với chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng công trình nhằm đảm bảo cho các bộ phận, hạng mục công trình tiếp tục thực hiện các chương trình chức năng đã xác định. Bảo trì công trình được phân thành 4 cấp: Duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ, sửa chữa vừa và sửa chữa lớn.
5) An toàn công trình: Tình trạng điều kiện xây dựng không xảy ra nguy hiểm, sự cố đối với công trình đang xây dựng và các công trình xung quanh.
6) Vệ sinh môi trường: Những biện pháp phòng bệnh, giữ gìn, tăng cường sức khoẻ cho con người hay một sinh vật tồn tại, phát triển với những điều kiện tự nhiên, xã hội và trong quan hệ với con người, sinh vật ấy.
7) Chủ đầu tư: Là người chủ sở hữu hoặc được giao quản lý sử dụng vốn, huy động vốn để thực hiện đầu tư xây dựng công trình theo qui định của pháp luật.
8) Hoạt động xây dựng: Bao gồm lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng công trình, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, thi công xây dựng công trình, giám sát thi công xây dựng công trình, quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng và các hoạt động khác có liên quan đến xây dựng công trình.
Điều 3. Quy định về trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ của các đối tượng tham gia hoạt động xây dựng trong việc đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường cho các công trình lân cận.
1) Quy định chung:
Các đối tượng tham gia hoạt động xây dựng có trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ thực hiện đầu tư xây dựng công trình theo qui định của Luật Xây dựng và các hướng dẫn, quy định hiện hành của cấp có thẩm quyền. Đối với việc đầu tư xây dựng công trình có các công trình lân cận, các đối tượng tham gia hoạt động xây dựng có trách nhiệm cụ thể như sau:
a) Các đối tượng tham gia các hoạt động xây dựng phải đủ năng lực thực hiện hoạt động của mình; trước khi khởi công xây dựng công trình chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng, trừ các trường hợp được miễn cấp giấp phép xây dựng theo qui định của Luật Xây dựng và các hướng dẫn, quy định của cấp có thẩm quyền;
b) Phải có biện pháp bảo vệ công trình lân cận bao gồm công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng và các công trình xây dựng khác trong vùng ảnh hưởng. Nếu gây hư hại cho các công trình đó thì phải bồi thường thiệt hại;
c) Không được làm ô nhiễm nguồn nước, không khí và gây tiếng ồn quá giới hạn cho phép;
d) Không được phép thực hiện các hoạt động xây dựng ngoài phạm vi sử dụng mặt bằng của mình kể cả phần ngầm và không gian bên trên. Trong trường hợp cá biệt phải được tổ chức, cá nhân quản lý hoặc sở hữu khác cho phép.
2) Quyền và nghĩa vụ của nhà thầu khảo sát xây dựng:
a) Nhà thầu khảo sát xây dựng có các quyền sau đây:
- Yêu cầu chủ đầu tư cung cấp số liệu, thông tin liên quan đến nhiệm vụ khảo sát;
- Từ chối thực hiện các yêu cầu ngoài nhiệm vụ khảo sát;
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
b) Nhà thầu khảo sát xây dựng có các nghĩa vụ sau đây:
- Chỉ được ký kết hợp đồng thực hiện các công việc khảo sát phù hợp với điều kiện năng lực hoạt động và thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết;
- Thực hiện đúng nhiệm vụ khảo sát được giao, bảo đảm chất lượng và chịu trách nhiệm về kết quả khảo sát;
- Đề xuất hoặc bổ sung nhiệm vụ khảo sát khi phát hiện các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến giải pháp thiết kế;
- Bảo vệ môi trường trong khu vực khảo sát;
- Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp;
- Bồi thường thiệt hại khi thực hiện không đúng nhiệm vụ khảo sát, phát sinh khối lượng do việc khảo sát sai thực tế, sử dụng thông tin, tài liệu, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng không phù hợp và các hành vi vi phạm khác gây thiệt hại do lỗi của mình gây ra;
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
3) Điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện thiết kế xây dựng công trình
a) Tổ chức thực hiện thiết kế công trình phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có đăng ký hoạt động thiết kế công trình;
- Có đủ điều kiện năng lực hoạt động thiết kế xây dựng công trình;
- Cá nhân đảm nhận chức danh chủ nhiệm thiết kế, chủ trì thiết kế phải có năng lực hành nghề thiết kế xây dựng và có chứng chỉ hành nghề phù hợp với yêu cầu của loại, cấp công trình.
b) Cá nhân hành nghề độc lập thiết kế xây dựng công trình phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có năng lực hành nghề, có chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng;
- Có đăng ký hành nghề hoạt động thiết kế xây dựng công trình.
c) Đối với việc thiết kế xây dựng nhả ở riêng lẻ:
- Nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích xây dựng sàn lớn hơn 250m2, từ 3 tầng trở lên hoặc nhà ở trong các khu di sản văn hoá, di tích lịch sử - văn hoá thì việc thiết kế phải do tổ chức, cá nhân thiết kế có đủ năng lực hoạt động thiết kế xây dựng hoặc năng lực hành nghề thiết kế xây dựng thực hiện;
- Nhà ở riêng lẻ có quy mô nhỏ hơn nhà ở quy định tại điểm a khoản này thì cá nhân, hộ gia đình được tổ chức thiết kế nhưng phải phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế, tác động của công trình đến môi trường và an toàn của các công trình lân cận.
Điều 4. Điều kiện cấp giấy phép xây dựng công trình trong đô thị:
Việc cấp giấy phép xây dựng công trình trong đô thị phải đảm bảo việc bảo vệ môi trường, an toàn công trình và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
1) Phù hợp với quy hoạch xây dựng chi tiết được duyệt;
2) Đảm bảo các quy định về chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, thiết kế đô thị, các yêu cầu về an toàn đối với công trình xung quanh, bảo đảm hành lang bảo vệ các công trình giao thông, thuỷ lợi, đê điều, năng lượng, khu di sản văn hoá, di tích lịch sử - văn hoá và khu vực bảo vệ công trình khác theo qui định của pháp luật;
3) Các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn di sản văn hoá, di tích lịch sử - văn hoá phải bảo đảm mật độ xây dựng, đất trồng cây xanh, nơi để xe các loại, không làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường;
4) Công trình sửa chữa, cải tạo không được làm ảnh hưởng đến công trình lân cận về kết cấu, khoảng cách đến các công trình xung quanh, cấp nước, thoát nước, thông gió, ánh sáng, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ;
5) Đảm bảo khoảng cách theo quy định đối với công trình vệ sinh, kho chứa hoá chất độc hại, các công trình khác có khả năng gây ô nhiễm môi trường, không làm ảnh hưởng đến người sử dụng các công trình liền kề xung quanh;
6) Khi xây dựng, cải tạo các đường phố phải xây dựng hệ thống tuy nen ngầm để lắp đặt đồng bộ hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật; cốt xây dựng mặt đường phải tuân theo cốt xây dựng của quy hoạch xây dựng và thiết kế đô thị;
7) Đối với công trình nhà cao tầng cấp đặc biệt, cấp I phải có thiết kế tầng hầm, trừ các trường hợp khác có yêu cầu riêng về thiết kề tầng hầm.
8) Đối với các công trình, xây dựng tạm: Việc xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ trong vùng đã có quy hoạch xây dựng được duyệt và công bố nhưng chưa thực hiện thì chỉ được cấp giấy phép xây dựng tạm có thời hạn theo thời hạn thực hiện quy hoạch; chủ công trình xây dựng phải có giấy cam kết tự phá dỡ công trình khi Nhà nước thực hiện quy hoạch xây dựng.
Điều 5. Điều kiện khởi công xây dựng công trình
Công trình xây dựng chỉ được khởi công khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
1) Có mặt bằng xây dựng để bàn giao toàn bộ hoặc từng phần theo tiến độ xây dựng do chủ đầu tư xây dựng công trình và nhà thầu thi công xây dựng thoả thuận;
2) Có giấy phép xây dựng đối với những công trình theo quy định phải có giấy phép xây dựng, trừ trường hợp sau thời gian và nội dung quy định của Luật Xây dựng mà cơ quan cấp giấy phép không có ý kiến trả lời bằng văn bản;
3) Có thiết kế bản vẽ thi công của hạng mục, công trình đã được phê duyệt;
4) Có hợp đồng xây dựng;
5) Có đủ nguồn vốn để đảm bảo tiến độ xây dựng công trình theo tiến độ đã được phê duyệt trong dự án đầu tư xây dựng công trình;
6) Có biện pháp để đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công xây dựng;
7) Đối với khu đô thị mới, tuỳ theo tính chất, quy mô phải xây dựng xong toàn bộ hoặc từng phần các công trình hạ tầng kỹ thuật thì mới được khởi công xây dựng công trình.
Chương II
AN TOÀN TRONG XÂY DỰNG MỚI, BẢO TRÌ, CẢI TẠO VÀ PHÁ DỠ CÔNG TRÌNH CÓ CÁC CÔNG TRÌNH LÂN CẬN
Điều 6. Quy định về quản lý an toàn lao động trên công trình xây dựng
1) Nhà thầu thi công xây dựng phải lập các biện pháp an toàn cho người và công trình trên công trường xây dựng. Trường hợp các biện pháp an toàn liên quan đến nhiều bên thì phải được các bên thỏa thuận.
2) Các biện pháp an toàn, nội quy về an toàn phải được thể hiện công khai trên công trường xây dựng để mọi người biết và chấp hành. Ở những vị trí nguy hiểm trên công trường phải bố trí người hướng dẫn, cảnh báo đề phòng tai nạn.
3) Nhà thầu thi công xây dựng, chủ đầu tư và các bên có liên quan phải thường xuyên kiểm tra giám sát công tác an toàn lao động trên công trường. Khi phát hiện có vi phạm về an toàn lao động thì phải đình chỉ thi công xây dựng. Người để xảy ra vi phạm về an toàn lao động thuộc phạm vi quản lý của mình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
4) Nhà thầu xây dựng có trách nhiệm đào tạo, hướng dẫn, phổ biến các quy định về an toàn lao động. Đối với các công việc nghiêm ngặt về an toàn lao động thì người lao động phải có giấy chứng nhận đào tạo an toàn lao động. Nghiêm cấm sử dụng người lao động chưa được đào tạo và chưa được hướng dẫn về an toàn lao động.
5) Nhà thầu xây dựng có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các trang bị bảo hộ lao động, an toàn lao động cho người lao động theo quy định khi sử dụng lao động trên công trường.
6) Khi có sự cố về an toàn lao động, nhà thầu thi công xây dựng và các bên có liên quan có trách nhiệm xử lý và báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn lao động theo quy định của pháp luật đồng thời chịu trách nhiệm khắc phục và bồi thường những thiệt hại do nhà thầu không đảm bảo an toàn lao động gây ra.
Điều 7. An toàn lao động trong xây dựng mới, bảo trì và cải tạo công trình
Khi thi công xây dựng mới công trình, nhà thầu thi công xây dựng và các bên tham gia hoạt động xây dựng phải đảm bảo các quy định về an toàn lao động cho công trình đang thi công và các công trình lân cận cụ thể sau đây:
1) An toàn tuyệt đối cho người lao động và các đối tượng có liên quan;
2) An toàn cho máy móc, thiết bị thi công. Máy móc, thiết bị phục vụ phải được kiểm định an toàn trước khi đưa vào sử dụng.
3) An toàn cho công trình liền kề.
a) Phải có lưới bảo vệ, lan can an toàn, phải có an toan cháy nổ, phải có an toàn về sử dụng điện, phải có tổ chức mặt bằng thi công công trình;
b) Không gây tiếng ồn lớn hoặc chấn động quá giới hạn cho phép, phải có biện pháp cách ly tránh làm ảnh hưởng đến người xung quanh;
c) Công trình xây cao hơn lân cận phải có giàn giáo độc lập che chắn, không để vật tư, vật liệu rơi vãi, chồng lấn, không được tạo dốc mái thoát nước trực tiếp lên phạm vị không gian sử dụng công trình, nhà lân cận;
d) An toàn về điện, nước trên công trình: Đường dây điện phải bọc cao su an toàn, khi đi qua vị trí đang thi công, đường vận chuyển phải mắc lên cao hoặc luồn vào ống bảo vệ được chôn sâu dưới mặt đất ít nhất 40cm. Các ống dẫn nước phải chôn sâu dưới đất ít nhất 30 cm;
đ) An toàn trong công tác đất:
- Chỉ được phép đào đất hố móng, đường hào theo đúng thiết kế thi công đã được duyệt, trên cơ sở tài liệu khảo sát địa chất địa hình, có biện pháp kỹ thuật an toàn thi công trong quá trình đào;
- Đào đất các công trình trong khu vực có tuyến ngầm (Cáp ngầm, đường ống dẫn nước, dẫn hơi…) hoặc đào đất các công trình có tuyến ngầm trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung, hệ thống giao thông phải có văn bản cho phép của cơ quan quản lý; khi thi công phải có biện pháp, bảng biểu lưu ý, cử cán bộ chịu trách nhiệm về an toàn lao động trong suốt quá trình thi công; khi thi công xong phải hoàn trả mặt bằng xung quanh tuyến đúng hiện trạng ban đầu;
- Không đào đất hố móng dạng hàm ếch lấn sang nền móng công trình lân cận; phải có biện pháp chắn giữ vách, thành hố móng, xử lý tiêu nước thường xuyên cho hố móng ngăn không để xảy ra sạt lở đất nền nhà lân cận; không san, đắp đất trực tiếp lên phạm vi công trình lân cận;
- Nền móng công trình phải xây tường chắn chịu được tải độc lập của công trình đang xây dựng. Không được làm móng chồng, lấn nhà liền kề.
e) Mọi hoạt động trong thi công xây dựng làm ảnh hưởng lân cận phải được sự thỏa thuận của đôi bên.
Điều 8. An toàn lao động khi phá dỡ công trình
1) Các trường hợp công trình phải được phá dỡ:
Công trình thuộc một trong các trường hợp sau đây phải phá dỡ:
- Công trình hết niên hạn sử dụng theo thiết kế, trừ trường hợp được cơ quan thẩm định chất lượng xác định còn bảo đảm an toàn và tiếp tục được sử dụng; cơ quan thẩm định chất lượng phải xác định rõ thời gian được tiếp tục sử dụng và chịu trách nhiệm của mình trước pháp luật;
- Nhà ở bị hư hỏng nặng, xuống cấp có nguy cơ sập đổ bao gồm: nhà chung cư cao tầng có chất lượng con lại của các kết cấu chính dưới 70%; nhà chung cư từ 4 đến 8 tầng có chất lượng còn lại của các kết cấu chính dưới 60%; nhà chung cư từ 2 đến 3 tầng có chất lượng còn lại của các kết cấu chính dưới 50%; các loại nhà ở khác có chất lượng các kết cấu chính dưới 40%;
- Công trình, nhà ở vi phạm qui hoạch, vi phạm hành lang bảo vệ các công trình quốc phòng, an ninh, hạ tầng kỹ thuật, các di tích lịch sử văn hoá; xây dựng lấn chiếm đất công, đất thuộc quyền sử dụng của người khác; không giấy phép hoặc sai giấy phép đối với khu vực phải cấp giấy phép theo qui định có quyết định thu hồi đất, quyết định phá dỡ.
2) An toàn lao động trong phá dỡ công trình
Khi phá dỡ công trình, nhà thầu thi công và các bên có liên quan phải thực hiện theo giải pháp phá dỡ được duyệt và tuân thủ các quy định cụ thể sau đây:
1) Phải tiến hành khảo sát đánh giá đúng tình trạng của nền móng, tường cột, dầm, sàn trần và các kết cấu khác của nhà và công trình đó. Kết quả khảo sát phải lập thành văn bản để làm căn cứ thiết kế thi công;
2) Phải di chuyển hết người ở và tài sản ra khỏi nhà thì mới được phá dỡ;
3) Có biện pháp chống đỡ các kết cấu có khả năng sụp đổ bất ngờ khi tháo dỡ các công trình hoặc các bộ phận có liên quan đến kết cấu đó;
4) Việc phá dỡ nhà ở phải có rào ngăn, biển báo, có biện pháp bảo đảm an toàn chung cho các công trình xung quanh, hạ tầng kỹ thuật thuộc diện không bị phá dỡ;
5) Khi tháo ô văng hoặc các bộ phận công trình cheo leo, trên cao phải làm giàn giáo, sàn che chắn bên dưới, trường hợp thi công tháo dỡ trên các bộ phận khác của công trình phải có biện pháp bảo đảm an toàn;
6) Không phá tảng, mảng lớn cấu kiện giật đổ trực tiếp trên sàn, xuống nền; khi di chuyển vật liệu thừa, vật liệu thải từ trên cao (trên 3m) xuống phải có máng trượt hoặc các thiết bị nâng hạ khác, miệng dưới máng trượt đặt cách mặt đất không quá 1m; không đổ vật liệu thừa, thãi từ trên cao xuống khi bên dưới chưa có rào chắn, chưa đặt biển báo, chưa có người cảnh giới;
7) Không phá dỡ các cấu kiện chịu lực của nhà liền kề có trước; không sử dụng vách nhà kế bên làm chỗ tì chịu giàn giá đỡ, làm ván khuôn xây dựng công trình khi chưa được sự đồng ý, cũng như không bảo đảm an toàn cho nhà lân cận.
Chương III
VỆ SINH MÔI TRƯỜNG TRONG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH CÓ CÁC CÔNG TRÌNH LÂN CẬN
Điều 9. Quy định về quản lý môi trường xây dựng
1) Nhà thầu thi công xây dựng phải thực hiện các biện pháp đảm bảo về môi trường cho người lao động trên công trường và bảo vệ môi trường xung quanh, bao gồm có biện pháp chống bụi, chống ồn, xử lý phế thải và thu dọn hiện trường. Đối với các công trình xây dựng trong khu vực đô thị thì còn phải thực hiện các biện pháp bao che, thu dọn phế thải đưa đến nơi quy định;
2) Trong quá trình vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải phải có biện pháp che chắn đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường;
3) Nhà thầu thi công xây dựng, chủ đầu tư có trách nhiệm kiểm tra giám sát việc thực hiện bảo vệ môi trường, đồng thời chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường. Trường hợp nhà thầu thi công xây dựng không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường thì chủ đầu tư, cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường có quyền đình chỉ thi công xây dựng và yêu cầu nhà thầu thực hiện đúng biện pháp bảo vệ môi trường;
4) Người để xảy ra các hành vi làm tổn hại về môi trường trong quá trình thi công xây dựng công trình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
Điều 10. Vệ sinh môi trường trong thi công xây dựng công trình
Nhà thầu thi công xây dựng và các bên có liên quan phải có biện pháp phù hợp đảm bảo vệ sinh, môi trường; tạo điều kiện sinh hoạt bình thường của các hộ dân, cơ quan, tổ chức xung quanh khi thi công xây dựng công trình và phải đảm bảo các quy định cụ thể sau đây:
1) Khi thi công xây dựng mới, cải tạo và vận hành các công trình theo quyến (đường sắt, đường ôtô, kênh, tuyến cấp thoát nước, cáp quang, đường điện…) phải tái tạo, đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật ban đầu đã có;
2) Đất xây dựng bị phá huỷ trong quá trình thi công công trình trên tuyến phải được tái tạo lại hiện trạng ban đầu;
3) Nước thải (nước bẩn, nước thải độc hại) từ các công trình ra ngoài, vào hệ thống thoát nước chung của đô thị phải được xử lý theo TCVN về nước thải, tiêu chuẩn thải;
4) Trong quá trình thi công nếu có khả năng gây ô nhiễm, tiếng ồn, khói bụi, khí và nước thải độc hại thì đơn vị thi công phải có trách nhiệm khử độc hại, làm giảm tiếng ồn dưới mức qui định;
5) Đối với những công trình xây dựng trong khu vực đô thị ngoài biện pháp chống bụi, chống ồn, xử lý phế thải và thu dọn hiện trường còn phải dọn phế thải đưa đến nơi quy định;
6) Không được thựa hiện việc phá dỡ nhà ở trong khu vực dân cư trong khoảng thời gian từ 12 đến 13 giờ và từ 23 giờ đến 6 giờ để đảm bảo giờ nghỉ ngơi của dân cư xung quanh, trừ trường hợp phải phá dỡ khẩn cấp;
7) Nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây: Xả rác thải, nước thải, khí thải, chất độc không đúng qui định, gây ô nhiễm môi trường; chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khu vực thuộc sở hữu riêng làm ảnh hưởng đến trật tự, môi trường sống xung quanh; quảng cáo, viết vẽ trái qui định lên nhà ở, công trình công cộng.
Chương IV
QUẢN LÝ, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ
Điều 11. Quản lý
Cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng, về an toàn lao động, về môi trường theo phân cấp và Ủy ban nhân dân địa phương có trách nhiệm quản lý, hướng dẫn các đơn vị tham gia hoạt động thi công xây dựng trên địa bàn thực hiện việc đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh môi trường theo qui chế này.
Điều 12. Kiểm tra và xử lý vi phạm
1) Các đơn vị, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng thực hiện sai các nội dung quy định theo Quy chế này thì phải chịu một trong các hình thức xử phạt hành chính như cảnh cáo hoặc phạt tiền. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và thực hiện bắt buộc các biện pháp khắc phục hậu quả.
2) Thẩm quyền, thủ tục, hình thức và mức xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo nội dung quy định tại Nghị định số: 126/2004/NĐ-CP ngày 26-5-2004 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà và Thông tư số: 01/2005/TT-BXD ngày 21-01-2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 126/2004/NĐ-CP ngày 26-5/2004 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 13. Quy chế này đươc áp dụng thực hiện sau 15 ngày kể từ ngày Ủy ban nhân dân tỉnh ký quyết định. Những quy định trước đây của Ủy ban nhân dân tỉnh nếu trái với quy chế này đều bãi bỏ.
Điều 14. Giám đốc các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, các đơn vị và cá nhân có liên quan có trách nhiệm triển khai tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn, vướng mắc đề nghị kịp thời phản ảnh về Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.