TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1072/QĐ-TLĐ | Hà Nội, ngày 01 tháng 9 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÔNG ĐOÀN
ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
- Căn cứ Luật Công đoàn năm 1990; Điều lệ Công đoàn Việt Nam;
- Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002;
- Căn cứ Luật Kế toán năm 2003;
- Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2008;
- Căn cứ Nghị quyết hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa X;
- Theo đề nghị của Ban Tài chính Tổng Liên đoàn tại Tờ trình số 146/Tr-BTC ngày 08 tháng 8 năm 2011.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành Quy chế quản lý Tài chính Công đoàn.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, thay thế Quy chế quản lý Tài chính - Tài sản công đoàn ban hành kèm theo Quyết định số 1488/QĐ-TLĐ ngày 23 tháng 10 năm 2001 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Điều 3: Các ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn, LĐLĐ các tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành TW; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH |
QUY CHẾ
QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÔNG ĐOÀN.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1072/QĐ-TLĐ ngày 01 tháng 09 năm 2011 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn).
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Tài chính công đoàn là điều kiện đảm bảo cho tổ chức công đoàn hoạt động thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ nhằm xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng lớn mạnh, góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Điều 2: Tài chính công đoàn được quản lý theo nguyên tắc thống nhất, tập trung, dân chủ, công khai, minh bạch, có phân công, phân cấp quản lý, gắn quyền hạn và trách nhiệm của công đoàn các cấp.
Chương II
QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÔNG ĐOÀN
Điều 3: Thu, chi tài chính công đoàn.
1. Thu tài chính công đoàn, bao gồm:
- Thu đoàn phí công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
- Thu kinh phí công đoàn theo quy định của Pháp luật; kinh phí do ngân sách Nhà nuớc cấp hỗ trợ.
- Thu khác.
2. Chi tài chính công đoàn, bao gồm:
- Chi trả lương cán bộ công đoàn chuyên trách; phụ cấp trách nhiệm, kiêm nhiệm của cán bộ công đoàn.
- Chi các hoạt động công đoàn.
- Chi thăm hỏi, giúp đỡ đoàn viên và làm công tác xã hội do công đoàn tổ chức.
- Chi khen thưởng các tập thể, cán bộ, đoàn viên và những người có công xây dựng tổ chức Công đoàn.
Điều 4: Tài chính công đoàn được tổ chức quản lý theo các cấp sau đây:
1. Cấp Tổng dự toán TW, bao gồm: Số thu, chi của Tổng Liên đoàn; thu, chi tài chính công đoàn các đơn vị sự nghiệp, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn.
2. Cấp Tổng dự toán LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành TW, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, bao gồm: Số thu, chi của LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành TW; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn và thu, chi tài chính công đoàn của đơn vị sự nghiệp, đơn vị trực thuộc.
3. Cấp Tổng dự toán công đoàn cấp trên cơ sở, bao gồm: Số thu, chi của công đoàn cấp trên cơ sở và thu, chi tài chính công đoàn của đơn vị sự nghiệp, đơn vị trực thuộc.
4. Cấp cơ sở, nghiệp đoàn, bao gồm: Số thu, chi của tất cả các công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn.
Điều 5: Năm tài chính công đoàn tính từ 01 tháng 01 đến 31 tháng 12 năm dương lịch.
Điều 6: Dự toán thu, chi tài chính công đoàn của công đoàn các cấp, các đơn vị được xây dựng hàng năm. Khi dự toán đã được công đoàn cấp trên duyệt, các cấp, các đơn vị phải có biện pháp tổ chức thực hiện.
- Thu tài chính công đoàn phải đảm bảo thu đúng, thu đủ và kịp thời.
- Chi tài chính công đoàn phải thực hiện theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức do Nhà nước và Tổng Liên đoàn quy định; được Thủ trưởng đơn vị dự toán quyết định chi. Công đoàn các cấp, các đơn vị không được đặt ra các khoản thu, chi trái với quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn. Người đứng đầu công đoàn các cấp, Thủ trưởng các đơn vị dự toán chịu trách nhiệm tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng tài chính công đoàn của cấp mình.
Điều 7: Các khoản thu, chi tài chính công đoàn phải được hạch toán kế toán, quyết toán đầy đủ, kịp thời theo chế độ kế toán HCSN do Nhà nước quy định và hướng dẫn của Tổng Liên đoàn.
Các đơn vị kế toán công đoàn được mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước. Đối với các đơn vị có số thu, chi tài chính không lớn có thể nhờ tài khoản của chuyên môn để quản lý thu, chi tài chính công đoàn.
Mỗi đơn vị kế toán chỉ được mở một quỹ tiền mặt. Hàng tháng đơn vị phải kiểm kê, lập biên bản kiểm kê quỹ tiền mặt.
Trường hợp đơn vị kế toán nhờ tài khoản chuyên môn quản lý, thu, chi tài chính công đoàn, kế toán công đoàn phải sao, kê chứng từ để làm căn cứ ghi sổ kế toán, lập báo cáo quyết toán, phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm toán của công đoàn.
Điều 8: Dự toán, quyết toán thu, chi tài chính năm của công đoàn các cấp phải báo cáo với Ban Chấp hành, UBKT đồng cấp.
Điều 9: Thời hạn báo cáo dự toán, quyết toán thu, chi tài chính công đoàn quy định như sau:
1. Dự toán thu, chi tài chính công đoàn năm sau của LĐLĐ các tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành TW; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn báo cáo về Tổng Liên đoàn trước ngày 30/11. Quyết toán thu, chi tài chính công đoàn năm trước, báo cáo về Tổng Liên đoàn trước ngày 31/3.
2. LĐLĐ các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành TW, CĐ Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn quy định cụ thể thời gian nộp báo cáo dự toán, quyết toán của cấp dưới, đơn vị trực thuộc cho phù hợp với quy định trên.
Điều 10: Kết thúc năm tài chính, tích lũy tài chính công đoàn được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng.
Điều 11: Phân cấp quản lý tài chính công đoàn.
- Ban Thường vụ, Ban Chấp hành công đoàn cơ sở có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ thu, chi, quản lý tài chính theo phân cấp của Tổng Liên đoàn; xây dựng dự toán; tổ chức thực hiện dự toán; quyết toán; công khai dự toán, quyết toán thu, chi tài chính công đoàn; xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế chi tiêu của công đoàn cơ sở.
- Ban Thường vụ các công đoàn cấp trên cơ sở, Thủ trưởng các đơn vị dự toán có trách nhiệm xây dựng dự toán, tổ chức thực hiện dự toán; quyết toán; công khai dự toán, quyết toán. Thực hiện nhiệm vụ thu, chi, quản lý tài chính công đoàn theo phân cấp của Tổng Liên đoàn và công đoàn cấp trên; kiểm tra, hướng dẫn đơn vị cấp dưới thực hiện nhiệm vụ thu, chi, quản lý tài chính công đoàn và nộp kinh phí lên công đoàn cấp trên. Phê duyệt báo cáo dự toán, quyết toán của các đơn vị cấp dưới.
- Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn quyết định nguyên tắc, xây dựng, xét duyệt, phân bổ dự toán tài chính công đoàn hàng năm. Phê duyệt dự toán, quyết toán của các đơn vị cấp dưới. Kiểm tra, hướng dẫn đơn vị cấp dưới thực hiện nhiệm vụ thu, chi, quản lý tài chính công đoàn, thực hiện nộp kinh phí về Tổng Liên đoàn; ban hành các văn bản về thu, phân phối, sử dụng, quản lý tài chính công đoàn theo quy định của pháp luật. Tổng hợp báo cáo Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn dự toán, quyết toán thu, chi tài chính công đoàn hàng năm.
- Thẩm quyền phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư tài chính từ nguồn tài chính công đoàn thực hiện theo quy định hiện hành của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Chương III
QUẢN LÝ TÀI SẢN CÔNG ĐOÀN
Điều 12: Tài sản công đoàn do các cấp công đoàn quản lý, sử dụng bao gồm bất động sản và động sản. Những tài sản hình thành do nguồn vốn của công đoàn, do nước ngoài tài trợ, do Nhà nước chuyển giao quyền sở hữu cho công đoàn, là tài sản thuộc sở hữu của công đoàn. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ sở hữu các tài sản đó và giao cho các đơn vị quản lý, sử dụng. Những tài sản của Nhà nước giao cho công đoàn quản lý, sử dụng, là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, Tổng Liên đoàn là người đại diện chủ sở hữu sử dụng những tài sản đó và giao cho các đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng.
Điều 13: Tài sản công đoàn ở các đơn vị phải thực hiện chế độ quản lý, sử dụng tài sản theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và quy định của Tổng Liên đoàn.
Điều 14: Khi tiếp nhận, điều chuyển, thanh lý tài sản công đoàn phải thực hiện đúng quy trình và nguyên tắc theo quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn.
1. Điều chuyển tài sản của công đoàn sang các đơn vị khác ngoài tổ chức Công đoàn theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, LĐLĐ các tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành TW; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn; các đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn đang quản lý, sử dụng tài sản phải xin ý kiến của Tổng Liên đoàn .
2. Điều chuyển tài sản trong nội bộ cơ quan và giữa các công đoàn cấp trên cơ sở, công đoàn cơ sở cùng một LĐLĐ tỉnh, thành phố hay Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn do Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành TW; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn quyết định sau khi có ý kiến của đơn vị có tài sản điều chuyển và đơn vị tiếp nhận.
3. Điều chuyển tài sản giữa LĐLĐ tỉnh, thành phố hay Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn này sang LĐLĐ tỉnh, thành phố, hay Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty khác trực thuộc Tổng Liên đoàn do Tổng Liên đoàn quyết định sau khi có ý kiến của đơn vị có tài sản điều chuyển và đơn vị tiếp nhận.
Điều 15: Phân cấp quản lý đầu tư, mua sắm, thanh lý tài sản công đoàn như sau:
1. Về đầu tư XDCB, mua sắm và thanh lý tài sản công đoàn.
Việc đầu tư XDCB, mua sắm tài sản của các cơ quan công đoàn phải tuân thủ trình tự, thủ tục, thanh, quyết toán theo quy định của Nhà nước về đầu tư XDCB và mua sắm, thanh lý tài sản. Khi báo cáo quyết toán chi đầu tư, mua sắm tài sản trong báo cáo quyết toán thu, chi tài chính công đoàn của đơn vị với công đoàn cấp trên trực tiếp, phải kèm theo hồ sơ quyết toán đầu tư XDCB, mua sắm tài sản.
1.1. Thẩm quyền của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn:
- Phê duyệt chủ trương mua ôtô; đầu tư XDCB; mua sắm tài sản bằng nguồn tài chính công đoàn theo quy định hiện hành của Tổng Liên đoàn.
- Phê duyệt cho thanh lý tài sản do Tổng Liên đoàn quyết định d?u tu, mua s?m.
1.2. Thẩm quyền của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành TW, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn:
- Quyết định đầu tư, mua sắm, thanh lý tài sản theo phân cấp của Tổng Liên đoàn.
- Phân cấp quyết định đầu tư, mua sắm, thanh lý tài sản bằng nguồn tài chính công đoàn cho các đơn vị trực thuộc và cấp dưới.
1.3. Thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư XDCB, mua sắm tài sản của Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp, trực thuộc Tổng Liên đoàn.
- Dự án XDCB, mua sắm tài sản cố định bằng nguồn tài chính công đoàn do Tổng Liên đoàn phê duyệt.
- Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp quyết định đầu tư các dự án XDCB, mua sắm tài sản bằng nguồn quỹ phát triển sự nghiệp của đơn vị mình từ 500 triệu đồng trở xuống (trừ ôtô).
- Tài sản do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn quyết định đầu tư, mua sắm, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn quyết định cho thanh lý. Tài sản do Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng Liên đoàn quyết định đầu tư, mua sắm, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp quyết định việc thanh lý.
Chương IV
TỔ CHỨC BỘ MÁY NGHIỆP VỤ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÔNG ĐOÀN
Điều 16: Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, trực tiếp là đồng chí Chủ tịch chịu trách nhiệm quản lý tài chính công đoàn cấp mình. Đồng thời chịu sự kiểm tra của UBKT các cấp, của bộ máy nghiệp vụ quản lý tài chính công đoàn cấp trên, sự giám sát của đoàn viên, CNVCLĐ. Chủ tịch công đoàn các cấp là Chủ tài khoản của cấp tổng dự toán, Chủ tịch công đoàn cơ sở là Chủ tài khoản của đơn vị dự toán cơ sở. Chủ tịch công đoàn các cấp có thể ủy quyền ký Chủ tài khoản cho Phó Chủ tịch, ủy viên thường vụ phụ trách công tác tài chính.
Điều 17: Tổ chức bộ máy nghiệp vụ quản lý tài chính công đoàn.
1. Tổ chức bộ máy quản lý tài chính công đoàn của cấp Tổng dự toán TW; Cấp Tổng dự toán LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành TW; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn là Ban Tài chính.
Ban Tài chính LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành TW; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn vừa làm nhiệm vụ của cấp tổng dự toán vừa làm nhiệm vụ của đơn vị dự toán cơ quan LĐLĐ tỉnh, thành phố; Cơ quan Công đoàn ngành TW; Cơ quan Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.
2. Cấp Tổng dự toán Công đoàn cấp trên cơ sở, Ban Thường vụ phân công người làm công tác kế toán chuyên trách hoặc kiêm nhiệm. Ban Chấp hành công đoàn cơ sở phân công người làm công tác kế toán công đoàn kiêm nhiệm.
3. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc công đoàn cỏc c?p tổ chức phòng kế toán hoặc phân công người làm công tác kế toán.
4. Trưởng ban Tài chính, Trưởng phòng kế toán trực tiếp làm nhiệm vụ của Kế toán trưởng và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Kế toán trưởng theo quy định của pháp luật.
5. Người được phân công làm công tác kế toán chuyên trách hoặc kiêm nhiệm trong các đơn vị kế toán công đoàn làm nhiệm vụ của Kế toán trưởng.
Điều 18: Kế toán công đoàn chuyên trách phải có nghiệp vụ kế toán từ trung cấp kế toán trở lên và am hiểu công tác công đoàn. Người làm kế toán kiêm nhiệm phải am hiểu nghiệp vụ kế toán.
Người làm kế toán không được kiêm thủ quỹ, thủ kho, mua sắm vật tư, hàng hóa. Lãnh đạo đơn vị không được bố trí những người thân trong gia đình (bố, mẹ, vợ, chồng, con) làm công tác tài chính, kế toán thủ quỹ, thủ kho tại đơn vị.
Kế toán trưởng, người làm nhiệm vụ Kế toán trưởng, kế toán, thủ quỹ công đoàn kiêm nhiêm được hưởng chế độ phụ cấp theo quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn.
Điều 19: Khi thành lập đơn vị mới phải tổ chức bộ máy kế toán. Khi giải thể, sát nhập hoặc chia tách đơn vị, Thủ trưởng và Trưởng ban Tài chính, hoặc trưởng phòng hay người phụ trách kế toán phải hoàn thành quyết toán mới được điều động đi nơi khác. Khi thay đổi Chủ tài khoản, kế toán công đoàn phải thực hiện việc bàn giao giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Cán bộ mới chịu trách nhiệm về công tác kế toán, quản lý tài chính kể từ ngày nhận bàn giao.
Điều 20: Nhiệm vụ của Ban Tài chính, phòng hoặc bộ phận kế toán của công đoàn các cấp.
1. Nhiệm vụ của Ban Tài chính Tổng Liên đoàn:
- Nghiên cứu chế độ tài chính, kế toán của Nhà nước để vận dụng xây dựng, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện chế độ thu, phân phối, sử dụng, quản lý tài chính, hoạt động kinh tế và đầu tư XDCB của công đoàn.
- Thực hiện nhiệm vụ của đơn vị kế toán tổng dự toán: Xây dựng, tổ chức thực hiện dự toán, quyết toán, quản lý tài chính của cấp tổng dự toán Tổng Liên đoàn. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công đoàn các cấp việc xây dựng dự toán, tổ chức thực hiện dự toán, quyết toán, quản lý tài chính công đoàn của công đoàn cấp dưới theo quy định của pháp luật và của Tổng Liên đoàn.
- Tham mưu thực hiện nhiệm vụ của chủ sở hữu tài sản công đoàn đầu tư cho hoạt động kinh tế, chủ quản đầu tư xây dựng của công đoàn và quản lý tài chính nguồn viện trợ không hoàn lại của công đoàn theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ tài chính, kế toán cho công đoàn cấp dưới.
2. Nhiệm vụ của Ban Tài chính LĐLĐ các tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn:
- Chỉ đạo, hướng dẫn các công đoàn cấp dưới, các đơn vị trực thuộc xây dựng và thực hiện dự toán thu, chi tài chính hàng năm; xét duyệt và tổng hợp dự toán, quyết toán năm báo cáo Ban Thường vụ, Ban Chấp hành cấp mình trước khi gửi về Tổng Liên đoàn xét duyệt.
- Thực hiện công tác kế toán, thống kê, tổng hợp tình hình thu, chi và quản lý tài chính, tài sản theo quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn.
- Thực hiện chức năng giám đốc tài chính, thông qua công tác tài chính giúp Ban Thường vụ chỉ đạo thực hiện các mặt công tác của công đoàn.
- Tổ chức kiểm tra tài chính công đoàn cấp dưới, các đơn vị trực thuộc.
- Tham mưu giúp Ban Thường vụ tổ chức quản lý và hướng dẫn công đoàn cấp dưới hoạt động kinh tế công doàn.
- Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tài chính công đoàn cấp dưới, và các đơn vị trực thuộc.
- Thực hiện nhiệm vụ quản lý chi tiêu, quản lý tài chính, tài sản và làm công tác kế toán của cơ quan LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành TW; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.
3. Nhiệm vụ của Kế toán công đoàn cấp trên cơ sở:
- Chỉ đạo, hướng dẫn các công đoàn cơ sở, các đơn vị trực thuộc xây dựng và thực hiện dự toán hàng năm; xét duyệt và tổng hợp dự toán, quyết toán của công đoàn cấp dưới trình Ban Thường vụ, Ban Chấp hành công đoàn cấp mình, gửi cấp trên xét duyệt.
- Thực hiện công tác kế toán, thống kê về kết quả thu, chi tài chính và tổ chức kiểm tra tài chính của công đoàn cấp dưới .
- Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tài chính của công đoàn cấp mình và cấp dưới.
4. Nhiệm vụ của Kế toán công đoàn cơ sở:
- Lập dự toán hàng năm báo cáo Ban Thường vụ, Ban Chấp hành công đoàn cơ sở, gửi cấp trên xét duyệt.
- Tổ chức thực hiện dự toán, làm công tác kế toán, thống kê, lập báo cáo quyết toán báo cáo Ban Thường vụ, Ban Chấp hành công đoàn cơ sở, gửi cấp trên xét duyệt. Phục vụ công tác kiểm tra, kiểm toán thu, chi tài chính công đoàn.
Chương V
KIỂM TRA, THANH TRA, KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 21: Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan quản lý tài chính công đoàn các cấp, các đơn vị dự toán của công đoàn có trách nhiệm tự kiểm tra việc thực hiện các chế độ về thu, chi và quản lý tài chính của công đoàn cấp mình và kiểm tra cấp dưới. Thực hiện công khai tài chính theo quy định của pháp luật và của Tổng Liên đoàn.
Điều 22: Tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác tài chính công đoàn được khen thưởng theo quy định của Tổng Liên đoàn, nếu có sai phạm thì tùy theo mức độ vi phạm mà xử lý theo pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.