ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1065/QĐ-UBND | Lâm Đồng, ngày 19 tháng 05 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 NĂM HỌC 2014-2015 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 753/TTr-SGDĐT ngày 12 tháng 5 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2014-2015 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (có Kế hoạch kèm theo)
Điều 2. Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chính, chủ động phối hợp với các sở, ngành và các địa phương để triển khai Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2014-2015.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ngành: Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Công an tỉnh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lâm Đồng, Công ty Điện lực Lâm Đồng, Công ty TNHH 1 thành viên cấp thoát nước Lâm Đồng; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
KẾ HOẠCH
TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG NĂM HỌC 2014 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1065 ngày 16 tháng 5 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)
I. Mục đích, yêu cầu
1. Tạo điều kiện thuận lợi và giảm áp lực thi cử cho học sinh vùng sâu vùng xa trong việc tuyển sinh vào lớp 10; thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh trung học cơ sở.
2. Đảm bảo an toàn, nghiêm túc, công bằng đối với công tác tuyển sinh tại địa phương.
II. Đối tượng và điều kiện dự tuyển
1. Đối tượng tuyển sinh là người học đã tốt nghiệp trung học cơ sở chương trình giáo dục phổ thông hoặc chương trình giáo dục thường xuyên có độ tuổi theo quy định tại Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
2. Tốt nghiệp THCS tại Lâm Đồng hoặc có hộ khẩu tại Lâm Đồng.
3. Học sinh học chương trình Tiếng Pháp: Thực hiện tuyển sinh theo hướng dẫn của Ban điều hành chương trình Tiếng Pháp. Những học sinh đủ điều kiện xét tuyển vào lớp 10 Chương trình Tiếng Pháp được xem xét tuyển vào học lớp 10 trường THPT Chuyên Thăng Long, chuyên Tiếng Pháp và học chương trình tăng cường tiếng Pháp, số còn lại sẽ tham gia tuyển sinh vào học các trường THPT trên địa bàn.
III. Chế độ ưu tiên, khuyến khích
1. Chế độ ưu tiên
a) Cộng 3 điểm cho một trong các đối tượng:
- Con liệt sĩ;
- Con thương binh mất sức lao động 81% trở lên;
- Con bệnh binh mất sức lao động 81% trở lên;
- Con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên”.
b) Cộng 2 điểm cho một trong các đối tượng:
- Con của Anh hùng lực lượng vũ trang, con của Anh hùng lao động, con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
- Con thương binh mất sức lao động dưới 81%;
- Con bệnh binh mất sức lao động dưới 81%;
- Con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%”.
c) Cộng 1 điểm cho một trong các đối tượng:
- Người có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số;
- Người dân tộc thiểu số;
- Người học đang sinh sống, học tập ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.
2. Chế độ khuyến khích
a) Đạt giải cá nhân trong kỳ thi học sinh giỏi các bộ môn văn hóa:
- Giải nhất cấp tỉnh: cộng 2,0 điểm.
- Giải nhì cấp tỉnh: cộng 1,5 điểm.
- Giải ba cấp tỉnh: cộng 1,0 điểm.
b) Đạt giải cá nhân hoặc đồng đội do ngành giáo dục và đào tạo phối hợp với các ngành từ cấp tỉnh trở lên tổ chức ở cấp trung học cơ sở trong các kỳ thi văn nghệ; thể dục thể thao; hội thao giáo dục quốc phòng; thi vẽ; thi viết thư quốc tế; thi giải toán trên máy tính cầm tay, thi giải toán trên mạng, thi tiếng anh trên mạng; thi thí nghiệm thực hành một trong các bộ môn vật lí, hóa học, sinh học; thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; thi vận dụng kiến thức giải quyết tình huống thực tiễn
- Giải cá nhân:
+ Đạt giải quốc gia hoặc giải nhất cấp tỉnh hoặc huy chương vàng: cộng 2,0 điểm.
+ Đạt giải nhì cấp tỉnh hoặc huy chương bạc: cộng 1,5 điểm.
+ Đạt giải ba cấp tỉnh hoặc huy chương đồng: cộng 1,0 điểm.
- Giải đồng đội (hội thao giáo dục quốc phòng, bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, cầu mây, điền kinh, tốp ca, song ca...):
+ Chỉ cộng điểm đối với giải quốc gia.
+ Số lượng cầu thủ, vận động viên, diễn viên của giải đồng đội từ 02 đến 22 người theo quy định cụ thể của ban tổ chức từng giải.
- Mức điểm khuyến khích được cộng cho các cá nhân trong giải đồng đội được thực hiện như đối với giải cá nhân.
- Những học sinh đạt nhiều giải khác nhau trong các cuộc thi chỉ được hưởng một mức cộng điểm của loại giải cao nhất.
c) Học sinh được cấp chứng nhận nghề phổ thông trong kỳ thi do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức ở cấp trung học cơ sở:
+ Loại giỏi: cộng 1,5 điểm.
+ Loại khá: cộng 1,0 điểm.
+ Loại trung bình: cộng 0,5 điểm.
d) Đối với phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển, điểm cộng thêm cho đối tượng được hưởng ưu tiên, khuyến khích không quá 6 điểm.
đ) Đối với phương thức xét tuyển, điểm cộng thêm cho đối tượng được hưởng ưu tiên, khuyến khích không quá 4 điểm.
IV. Địa bàn và phương thức tuyển sinh:
1. Địa bàn tuyển sinh: tuyển sinh vào các trường THPT theo địa bàn huyện, thành phố.
2. Phương thức tuyển sinh:
2.1. Xét tuyển
2.1.1. Địa bàn tuyển sinh
a) Huyện Lạc Dương:
- Trường THPT Langbiang: tuyển học sinh có hộ khẩu thường trú tại các địa bàn xã Đung K’Nớ, xã Lát và thị trấn Lạc Dương.
- Trường THCS&THPT Đa Sar: tuyển học sinh có hộ khẩu thường trú tại các địa bàn xã Đạ Sar, xã Đạ Nhim và xã Đạ Chais.
b) Huyện Đam Rông:
- Trường THPT Đạ Tông: tuyển sinh các học sinh có hộ khẩu thường trú thuộc 03 xã: Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’rông.
- Trường THCS-THPT Phi Liêng: tuyển sinh các học sinh có hộ khẩu thường trú thuộc 2 xã Phi Liêng, Đạ K’Nàng, một phần học sinh thuộc 2 xã Liêng Srônh, Rô Men.
- Trường THPT Phan Đình Phùng: các học sinh có hộ khẩu thường trú thuộc xã Đạ Rsal, một phần học sinh thuộc 2 xã Liêng Srônh, Rô Men.
c) Huyện Đạ Huoai:
- Trường THPT Đạ Huoai: tuyển sinh các học sinh có hộ khẩu thường trú tại xã: Madaguôi, Đạ Huoai, Đạ Tồn, thị trấn Madaguôi.
- Trường THPT Đạm Ri: tuyển sinh các học sinh có hộ khẩu thường trú thuộc các xã: Phước Lộc, Hà Lâm, ĐạPloa, Đoàn Kết, ĐạM’ri, thị trấn ĐạM’ri.
d) Huyện Cát Tiên:
- Trường THPT Cát Tiên: tuyển sinh các học sinh thuộc các trường: THCS Quảng Ngãi, THCS Đồng Nai, THCS Phù Mỹ, THCS Đức Phổ.
- Trường THPT Gia Viễn: tuyển sinh các học sinh thuộc các trường: THCS Gia Viễn, THCS Nam Ninh, THCS Tiên Hoàng, PTCS Đồng Nai Thượng.
- Trường THPT Quang Trung: tuyển sinh các học sinh thuộc các trường: THCS Phước Cát 1, THCS Phước Cát 2.
đ) Huyện Di Linh:
- Trường THPT Hòa Ninh: tuyển sinh các học sinh có hộ khẩu thường trú tại các xã: Hòa Bắc, Hòa Nam, thôn 13 đến thôn 16 xã Hòa Ninh.
- Trường THPT Nguyễn Huệ: tuyển sinh các học sinh có hộ khẩu thường trú tại các xã: Đinh Trang Thượng, Tân Thượng, Tân Lâm.
- Trường THPT Nguyễn Viết Xuân: tuyển sinh các học sinh có hộ khẩu thường trú tại các xã: Sơn Điền, Gia Bắc, Tam Bố, Gia Hiệp, Đinh Lạc.
- Trường THPT Lê Hồng Phong: tuyển sinh các học sinh có hộ khẩu thường trú tại các xã: Hòa Trung, Đinh Trang Hòa, Liên Đầm, thôn 01 đến thôn 12 xã Hòa Ninh.
e) Thành phố Đà Lạt:
- Trường THPT Tà Nung: tuyển sinh các học sinh có hộ khẩu thường trú tại xã Tà Nung và xã Mê Linh (huyện Lâm Hà).
- Trường THCS-THPT Xuân Trường: tuyển sinh các học sinh có hộ khẩu thường trú tại xã Xuân Trường, xã Trạm Hành và học sinh xã Xuân Thọ có nguyện vọng dự tuyển vào trường.
g) Huyện Đức Trọng:
- Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm: tuyển sinh các học sinh có hộ khẩu thường trú tại các xã: Tà Hine, Đà Loan, Ninh Loan, Tà Năng, Đa Quyn.
h) Huyện Lâm Hà:
- Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng: tuyển sinh các học sinh thuộc các trường: THCS Hoài Đức (thuộc xã Hoài Đức); THCS Tân Thanh, trường THCS Lê Văn Tám (thuộc xã Tân Thanh); THCS Phúc Thọ (thuộc xã Phúc Thọ).
i) Huyện Bảo Lâm:
- Trường THPT Lộc Thành: tuyển sinh các học sinh thuộc các trường: THCS Lộc Thành, THCS Lộc Thành B, THCS Lộc Nam, THCS cấp I-II Tà Ngào, PTCS Tân Lạc, HS trường DTNT có hộ khẩu tại xã Lộc Nam, Lộc Thành và Tân Lạc.
- Trường THPT Lộc Bắc: tuyển sinh các học sinh thuộc các trường: THCS&THPT Lộc Bắc, HS trường DTNT có hộ khẩu thường trú tại xã Lộc Bắc, Lộc Bảo.
k) Huyện Đạ Tẻh:
- Trường THPT Lê Quý Đôn: tuyển sinh các học sinh có hộ khẩu thường trú tại các xã: Hà Đông, Mỹ Đức, Quốc Oai, Đạ Pal, thôn 4 đến thôn 7 xã Quảng Trị, thôn 8 đến thôn 10 thị trấn Đạ Tẻh, thôn 3a, 3b, 4a, 4b, 5 của xã Triệu Hải.
- Trường THPT Đạ Tẻh: tuyển sinh các học sinh có hộ khẩu thường trú tại các xã còn lại thuộc địa bàn huyện Đạ Tẻh.
l) Các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp Hướng nghiệp tuyển sinh theo địa bàn huyện, thành phố.
2.1.2. Điểm xét tuyển:
a) Điểm tính theo kết quả rèn luyện và học tập mỗi năm học của học sinh trung học cơ sở được tính như sau:
- Hạnh kiểm tốt, học lực giỏi: 10 điểm.
- Hạnh kiểm khá, học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt, học lực khá: 9 điểm.
- Hạnh kiểm khá, học lực khá: 8 điểm.
- Hạnh kiểm trung bình, học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt, học lực trung bình: 7 điểm.
- Hạnh kiểm khá, học lực trung bình hoặc hạnh kiểm trung bình, học lực khá: 6 điểm.
- Các trường hợp còn lại: 5 điểm.
b) Điểm xét tuyển là tổng số điểm của:
- Điểm tính theo kết quả rèn luyện và học tập của 4 năm học ở trung học cơ sở.
- Điểm cộng thêm cho đối tượng ưu tiên, khuyến khích.
c) Nếu nhiều người học có điểm bằng nhau thì lấy tổng điểm trung bình cả năm học lớp 9 của tất cả các môn có tính điểm trung bình để xếp từ cao xuống thấp; nếu vẫn có trường hợp bằng điểm nhau thì phân biệt bằng tổng điểm trung bình cả năm của môn Toán và môn Ngữ văn của năm học lớp 9.
2.2. Thi tuyển: Áp dụng cho các trường: Trường THPT chuyên Thăng Long và Trường THPT Chuyên Bảo Lộc.
2.2.1. Địa bàn tuyển sinh
a) Trường THPT chuyên Bảo Lộc:
- Tuyển sinh học sinh trên địa bàn các huyện (TP): Di Linh, Bảo Lâm, Bảo Lộc, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Cát Tiên.
- Học sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại trường THPT chuyên Bảo Lộc.
b) Trường THPT chuyên Thăng Long:
-Tuyển sinh học sinh trên địa bàn các huyện (TP): Đam Rông, Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương, Đà Lạt, Lạc Dương. Riêng các môn Địa lý, Tin học, tuyển sinh trên địa bàn toàn tỉnh.
- Học sinh nộp hồ sơ tại trường THPT Chuyên Thăng Long.
2.2.2. Điều kiện dự tuyển
Ngoài quy định về đối tượng tuyển sinh tại Mục II nêu trên, học sinh đăng ký dự tuyển vào trường chuyên còn phải có đủ các điều kiện sau:
- Xếp loại hạnh kiểm, học lực cả năm học của các lớp cấp trung học cơ sở từ khá trở lên.
- Xếp loại tốt nghiệp THCS từ khá trở lên.
- Học sinh phải đủ điểm trúng tuyển vào trường THPT theo nguyện vọng 1 đối với các trường tuyển sinh bằng phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển hoặc trúng tuyển vào các trường THPT công lập tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển.
- Học sinh và gia đình có bản cam kết trúng tuyển vào trường THPT chuyên sẽ không được xét tuyển sinh vào các trường công lập.
2.2.3. Các lớp tuyển sinh
- Trường THPT chuyên Thăng Long: Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh và Tiếng Pháp.
- Trường THPT chuyên Bảo Lộc: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Tiếng Anh.
2.2.4. Tổ chức tuyển sinh
a) Vòng 1: Tổ chức sơ tuyển đối với những học sinh có hồ sơ dự tuyển hợp lệ và đủ điều kiện dự tuyển theo quy định.
b) Vòng 2: Tổ chức thi tuyển đối với học sinh đã qua sơ tuyển vòng 1. Việc thi tuyển vào trường chuyên kết hợp với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
c) Ngày thi, môn thi, lịch thi
- Ngày thi: 26/6/2014
- Địa điểm thi: tại trường THPT chuyên Thăng Long và THPT chuyên Bảo Lộc.
- Môn thi và hình thức của đề thi
+ Môn thi: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và 01 môn chuyên.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vào trường chuyên được kết hợp với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT đại trà nên học sinh dự thi vào trường Chuyên chỉ thi thêm 2 môn là: môn Tiếng Anh và môn chuyên.
+ Đề thi môn Tiếng Anh (không chuyên) dưới hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài: 60 phút.
+ Đề thi môn chuyên dưới hình thức tự luận. Riêng môn Ngoại ngữ dưới hình thức kết hợp trắc nghiệm và tự luận.
+ Thời gian làm bài môn chuyên: môn Hóa học và môn Ngoại ngữ là 120 phút, các môn khác là 150 phút.
2.2.6. Điểm xét tuyển
Điểm xét tuyển vào lớp chuyên là tổng số điểm các bài thi không chuyên, điểm bài thi môn chuyên tương ứng với lớp chuyên (đã tính hệ số).
2.2.7. Nguyên tắc xét tuyển
Chỉ xét tuyển đối với thí sinh được tham gia thi tuyển, đã thi đủ các bài thi quy định, không vi phạm Quy chế trong kỳ thi tuyển sinh và các bài thi đều đạt điểm lớn hơn 2 (thang điểm 10).
2.2.8. Cách xét tuyển
Căn cứ điểm xét tuyển vào lớp chuyên, xét từ cao xuống thấp để tuyển đủ chỉ tiêu được giao cho từng môn chuyên. Trường hợp xét đến chỉ tiêu cuối cùng có nhiều thí sinh có điểm xét tuyển bằng nhau thì tiếp tục xét chọn thí sinh theo thứ tự ưu tiên sau: Có điểm thi môn chuyên đăng ký dự thi cao hơn; có điểm trung bình môn chuyên đăng ký dự thi năm học lớp 9 cao hơn; có điểm trung bình các môn học cuối năm lớp 9 cao hơn.
2.3. Kết hợp thi tuyển với xét tuyển
2.3.1. Đối tượng áp dụng
- Áp dụng cho các trường trung học phổ thông còn lại trong tỉnh.
- Học sinh muốn vào học lớp 10 THPT ở các trường tuyển sinh bằng hình thức thi tuyển kết hợp xét tuyển ngoài việc căn cứ vào điểm tính theo kết quả rèn luyện và học tập các năm học THCS phải dự thi thêm 02 môn Toán, Ngữ Văn để làm căn cứ xét tuyển.
2.3.2. Điểm tính theo kết quả rèn luyện và học tập: điểm tính theo kết quả rèn luyện và học tập mỗi năm học của học sinh trung học cơ sở được tính như sau:
- Hạnh kiểm tốt, học lực giỏi: 5 điểm.
- Hạnh kiểm khá, học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt, học lực khá: 4,5 điểm.
- Hạnh kiểm khá, học lực khá: 4 điểm.
- Hạnh kiểm trung bình, học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt, học lực trung bình: 3,5 điểm.
- Hạnh kiểm khá, học lực trung bình hoặc hạnh kiểm trung bình, học lực khá: 3 điểm.
- Các trường hợp còn lại: 2,5 điểm.
2.3.3. Thời gian thi, môn thi, hình thức thi, thời gian làm bài thi
- Thời gian thi: Ngày 24/06/2014
- Môn thi: Toán và Ngữ văn.
- Hình thức thi: tự luận.
- Thời gian làm bài thi: 120 phút/môn thi.
- Nội dung đề thi trong phạm vi chương trình trung học cơ sở do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, chủ yếu ở lớp 9.
2.3.4. Điểm xét trúng tuyển: điểm xét tuyển là tổng điểm của:
- Tổng số điểm của hai bài thi đã nhân đôi.
- Điểm tính theo kết quả rèn luyện, học tập của 4 năm học ở trung học cơ sở (nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó).
- Điểm cộng thêm cho đối tượng được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích.
- Thí sinh trúng tuyển không có bài thi nào bị điểm 0.
2.4. Tuyển sinh vào trường phổ thông dân tộc nội trú
2.4.1. Đối tượng xét tuyển sinh
- Học sinh là con em dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, con em gia đình các dân tộc định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Học sinh là con em dân tộc thiểu số ở các vùng khác nếu được UBND tỉnh quy định là vùng có nhu cầu đào tạo nguồn cán bộ cho các dân tộc. Tỉ lệ tuyển sinh số học sinh này do UBND tỉnh quy định.
- Tuyển sinh không quá 5% trong tổng số học sinh được tuyển là con em dân tộc Kinh định cư lâu dài ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
2.4.2. Địa bàn tuyển sinh:
- Trường THCS-THPT Dân tộc nội trú Liên huyện phía nam tuyển sinh học sinh trên địa bàn các huyện: Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Cát Tiên, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc.
- Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh tuyển sinh học sinh các huyện: Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương, Đam Rông và thành phố Đà Lạt.
- Đối với học sinh lớp 9 tốt nghiệp các trường DTNT sau khi tuyển sinh vào trường DTNT tỉnh và trường DTNT liên huyện phía Nam, số còn lại sẽ được xét tuyển thẳng vào các trường THPT trên địa bàn học sinh có hộ khẩu thường trú.
2.4.3. Điều kiện dự tuyển
- Những học sinh đăng ký dự xét tuyển phải có hồ sơ hợp lệ theo quy định và có đủ các điều kiện sau đây:
- Đã tốt nghiệp trung học cơ sở.
- Trong độ tuổi quy định.
- Có đủ sức khỏe để học tập.
- Học sinh dân tộc gốc Tây Nguyên có học lực từ trung bình trở lên, hạnh kiểm từ khá trở lên (ở năm học cuối cấp). Đối với học sinh các dân tộc khác định cư lâu dài ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn phải có học lực và hạnh kiểm từ khá trở lên (ở năm học cuối cấp).
- Ưu tiên xét tuyển các học sinh dân tộc đã tốt nghiệp THCS tại các trường PTDTNT huyện, THCS&THPT PTDTNT liên huyện.
2.4.4. Phương thức xét tuyển
- Điểm tuyển sinh là điểm tính theo phương thức tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển.
- Xét theo điểm tuyển sinh từ cao xuống thấp và lấy đủ chỉ tiêu được giao.
- Xét theo đối tượng, khu vực đảm bảo học sinh dân tộc 95%, dân tộc Kinh không quá 5%. Đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa các dân tộc (ưu tiên dân tộc gốc Tây nguyên 80% và 15% dân tộc khác).
V. Hội đồng xét tuyển
1. Thành phần:
- Chủ tịch là Hiệu trưởng hoặc Phó hiệu trưởng.
- Phó chủ tịch là Phó hiệu trưởng.
- Thư ký và một số ủy viên.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn:
- Kiểm tra hồ sơ tuyển sinh.
- Căn cứ chỉ tiêu được giao và điểm xét tuyển, điểm thi tuyển, lấy từ điểm cao xuống cho đến đủ chỉ tiêu.
- Lập biên bản và danh sách học sinh trúng tuyển. Biên bản, danh sách học sinh trúng tuyển phải có đủ họ tên, chữ ký của tất cả thành viên và chủ tịch hội đồng.
- Được sử dụng con dấu của nhà trường vào các văn bản của hội đồng.
VI. Thời gian thực hiện
a) Từ 15/5 đến 20/5/2014 các trường có cấp THCS nhận đơn xét tuyển hoặc dự thi của học sinh tại các Phòng Giáo dục và Đào tạo, phân loại theo nguyện vọng, thu nhận lệ phí thi và lệ phí xét tuyển sinh.
b) Từ 21/5 đến 25/5/2014: Các trường có cấp THCS phân loại hồ sơ dự tuyển của học sinh gửi về trường THPT (sau ngày 25/5/2014 các trường THPT không nhận bất kỳ một hồ sơ dự thi nào).
c) Tổ chức tuyển sinh:
- Thi tuyển sinh ngày 24/6/2014, thi vào trường chuyên ngày 26/6/2014.
- Từ 25/6 đến 04/7/2014: Hội đồng chấm thi làm việc.
- Từ 05/7 đến 22/7/2014: xét tuyển sinh vào trường THPT.
- Từ 23/7 đến 30/7/2014: các trường ngoài công lập nhận đơn xin dự tuyển và tiến hành xét tuyển sinh.
VII. Tổ chức thực hiện
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Căn cứ các quy chế và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ động chuẩn bị và triển khai kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 theo chức năng và nhiệm vụ của ngành, đảm bảo công tác tuyển sinh được tổ chức chu đáo, an toàn và đúng quy chế;
- Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lâm Đồng tổ chức tuyên truyền trong giáo viên, học sinh, các lực lượng xã hội và phụ huynh học sinh có nhận thức đầy đủ về những yêu cầu đổi mới trong công tác tuyển sinh vào lớp 10;
- Thành lập các Hội đồng tuyển sinh; Hội đồng coi thi, chấm thi, Hội đồng sao in đề thi tuyển sinh và thành lập Hội đồng chấm phúc khảo theo đúng quy định;
- Tổ chức, thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh tại các trường THPT;
- Phê duyệt kết quả tuyển sinh của từng trường THPT, trường phổ thông DTNT.
2. Công an tỉnh
Xây dựng kế hoạch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để bảo vệ an toàn, bí mật cho Hội đồng ra đề thi, in sao đề thi và việc giao đề thi, bài thi; đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho các Hội đồng coi thi, chấm thi và các thành viên làm công tác thi. Các lực lượng tham gia bảo vệ công tác thi phải thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và trách nhiệm đối với từng nội dung nhiệm vụ được giao.
3. Sở Y tế
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo bố trí đủ cán bộ y tế, thuốc và các phương tiện khác phục vụ Hội đồng thi; chỉ đạo, hướng dẫn cán bộ y tế tham gia các Hội đồng coi thi để giải quyết kịp thời các sự cố về sức khỏe xảy ra trong thời gian thi nhằm bảo đảm quyền lợi của học sinh.
4. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính viễn thông trên địa bàn có kế hoạch và biện pháp ưu tiên để đảm bảo thông tin liên lạc, đồng thời có biện pháp kiểm soát thông tin trong suốt thời gian tổ chức kỳ thi.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
Có trách nhiệm chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường THCS phối hợp với các trường THPT trên địa bàn chuẩn bị các điều kiện để triển khai tốt công tác tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2014-2015.
6. Điện lực Lâm Đồng, Công ty TNHH 1 thành viên cấp thoát nước Lâm Đồng
Có kế hoạch và biện pháp ưu tiên để đảm bảo cung cấp điện, nước tại các địa điểm đặt các Hội đồng ra đề thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi.
7. Đài Phát thanh và Truyền hình Lâm Đồng, Báo Lâm Đồng
Chủ động phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác tuyên truyền, thông báo rộng rãi cho nhân dân và thí sinh biết các nội dung liên quan công tác tuyển sinh.
8. Các Phòng Giáo dục và Đào tạo
- Có trách nhiệm phối hợp với các trường THPT trên địa bàn triển khai phân luồng học sinh trong quá trình xét tuyển.
- Chỉ đạo các trường có cấp THCS tuyên truyền phổ biến công tác tuyển sinh đến học sinh và phụ huynh, thu nhận và hướng dẫn học sinh làm đơn xin xét tuyển hoăc thi tuyển, lập danh sách học sinh đăng ký thi tuyển gửi về trường THPT theo nguyện vọng.
9. Các trường THPT, phổ thông dân tộc nội trú
- Thành lập hội đồng xét tuyển;
- Thu nhận đơn học sinh, kiểm tra điều kiện dự thi và lập danh sách đăng ký;
- Chuẩn bị tốt cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết phục vụ công tác thi khi trường được đặt Hội đồng coi thi;
- Phổ biến rộng rãi thông tin về công tác tuyển sinh (phương thức và chỉ tiêu tuyển sinh vào các ban trong nhà trường ...) đến phụ huynh học sinh, học sinh và nhân dân địa phương./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.