ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 105/2005/QĐ-CT | Bình Dương, ngày 10 tháng 06 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI CHẾ ĐỘ HỖ TRỢ MAI TÁNG PHÍ VÀ HỖ TRỢ TỔ CHỨC LỄ TANG CHO CÁN BỘ CÔNG CHỨC VÀ ĐỐI TƯỢNG CHÍNH SÁCH CÓ CÔNG KHI TỪ TRẦN
(Không đưa tin trên báo đài)
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
- Căn cứ nghị định số 62/2001/NĐ-CP ngày 12/9/2001 của Chính phủ về việc tổ chức tang lễ;
- Căn cứ vào tình hình đời sống thực tế của Cán bộ, công chức và các đối tượng chính sách có công với cách mạng của tỉnh;
- Căn cứ ý kiến chấp thuận của Thường trực Tỉnh uỷ tại Thông báo số 511-TB/TU ngày 31/5/2005;
Điều 1: Ban hành Quy định tạm thời về chế độ hỗ trợ mai táng phí và hỗ trợ kinh phí tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức và đối tượng người có công với cách mạng khi từ trần ( kèm theo).
Điều 2: Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc VN tỉnh và các đoàn thể; Thủ trưởng Bộ chỉ huy Quân sự, Công an tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Quyết định có hiệu lực, kể từ ngày ký./.
Nơi nhận : | CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN |
VỀ VIỆC HỖ TRỢ CHẾ ĐỘ MAI TÁNG PHÍ VÀ HỖ TRỢ TỔ CHỨC LỄ TANG CHO CÁN BỘ CÔNG CHỨC VÀ ĐỐI TƯỢNG CHÍNH SÁCH CÓ CÔNG KHI TỪ TRẦN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 105/2005/QĐ-CT ngày 10/6/2005)
- Căn cứ nghị định số: 62/2001/NĐ-CP ngày 12/9/2001 của Chính phủ về việc tổ chức tang lễ;
- Nhằm thực hiện tốt công tác chính sách theo quy định của nghị định 28/CP ngày 29/4/1995 và nghị định 06/CP ngày 27/01/1997 của Chính phủ;
- Để giải quyết một phần khó khăn cho gia đình cán bộ, công chức viên chức (CCVC) và gia đình đối tượng chính sách khi từ trần trong tình hình thực tế hiện nay. UBND tỉnh ban hành quy định tạm thời về việc hổ trợ thêm chi phí mai táng và tổ chức lễ tang như sau :
I- ĐỐI TƯỢNG, NGHI LỄ VÀ CHI PHÍ LỄ TANG:
1- Đối tượng 1:
Đối tượng từ trần là : Thường vụ Tỉnh ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh; các đ/c cán bộ cao cấp của Trung ương (đã nghỉ hưu và đang cư trú tại Bình Dương); cán bộ quân đội, công an có cấp hàm từ Thiếu tướng trở lên; cán bộ cách mạng lão thành đã được công nhận (đương chức hoặc đã nghỉ hưu và có hộ khẩu thường trú tại Bình Dương). Được hỗ trợ như sau:
- Tiền mai táng phí : 2.000.000 đ
- Tiền chi phí lễ tang : 20.000.000 đ
- Được mai táng ở khu từ trần trong NTLS tỉnh (hoặc huyện).
- Được thông báo trên Báo, Đài PTTH Bình Dương nơi trang trọng (kèm theo ảnh) và khi Ban Tổ chức lễ tang có yêu cầu thì Đài PTTH Bình Dương có trách nhiệm liên hệ với Đài PTTH TP.Hồ Chí Minh để thông báo.
* Được thành lập Ban Tổ chức lễ tang với thành phần gồm : Đại diện Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, Sở Lao động-TBXH, Cơ quan chủ quản, chính quyền địa phương (xã, phường, thị trấn) nơi người từ trần cư trú. Tùy theo tình hình thực tế có thể thêm hoặc bớt thành viên cho phù hợp. Ban Tổ chức lễ tang do đ/c Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng ban lễ tang.
2- Đối tượng 2:
- Đối tượng từ trần là : Tỉnh Ủy viên,Giám đốc Sở, Trưởng các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan quân sự, cơ quan công an (hoặc tương đương cấp tỉnh); Bí thư huyện, thị ủy; Anh hùng LLVT nhân dân; Anh hùng LĐ; cán bộ quân đội, công an có cấp hàm Đại tá; Giám đốc doanh nghiệp nhà nước hạng 1 hoặc hạng đặc biệt (đương chức hoặc đã nghỉ hưu), Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chuyên viên cao cấp. Được hỗ trợ như sau :
- Tiền mai táng phí : 2.000.000 đ
- Tiền chi phí lễ tang : 17.000.000 đ
- Được mai táng ở khu từ trần trong NTLS tỉnh hoặc huyện.
- Được thông báo trên Báo, Đài PTTH Bình Dương nơi trang trọng (kèm theo ảnh).
* Được thành lập Ban Tổ chức lễ tang, thành phần gồm : Đối với các đối tượng từ trần là : Giám đốc Sở, Trưởng các ban, ngành, đoàn thể; cơ quan quân sự, cơ quan công an cấp tỉnh hoặc tương đương (đương chức hoặc đã nghỉ hưu) Đại diện UBMTTQVN tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, Sở Lao động-TBXH, cơ quan chủ quản, chính quyền địa phương (xã, phường, thị trấn) nơi người từ trần cư trú. Nếu người từ trần không phải là Thường vụ Tỉnh ủy hoặc Tỉnh ủy viên thì đ/c Thường vụ hoặc Tỉnh ủy viên phụ trách khối đó làm Trưởng Ban lễ tang.
3- Đối tượng 3:
* Đối tượng từ trần là : Phó Giám đốc Sở; Phó các ban, ngành, đoàn thể; cơ quan quân sự, cơ quan công an cấp tỉnh hoặc tương đương (không là Tỉnh ủy viên); Thường vụ Huyện, Thị ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND, Chủ tịch UBMTTQVN huyện, thị (đương chức hoặc đã nghỉ hưu); cán bộ được tặng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng trở lên; chuyên viên chính có hệ số lương từ 5,42 trở lên; cán bộ Tiền khởi nghĩa; Nhà giáo nhân dân; Thầy thuốc nhân dân; Nghệ sĩ nhân dân; Giám đốc doanh nghiệp nhà nước hạng II. Được hỗ trợ như sau :
- Tiền mai táng phí : 2.000.000 đ
- Tiền chi phí lễ tang : 15.000.000 đ
- Được thông báo trên Báo, Đài PTTH Bình Dương nơi trang trọng (kèm theo ảnh).
- Được mai táng ở khu từ trần trong NTLS tỉnh hoặc huyện.
- Được thành lập Ban Tổ chức lễ tang : Do cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp đó lập và Thủ trưởng đơn vị đó làm Trưởng Ban tổ chức lễ tang , kết hợp cùng chính quyền địa phương (xã, phường, thị trấn) nơi người từ trần cư trú (nếu đã nghỉ hưu).
4- Đối tượng 4 :
Đối tượng từ trần là: Trưởng, Phó phòng các Sở, ban, ngành, đoàn thể; cơ quan công an, cơ quan quân sự cấp tỉnh hoặc tương đương cấp tỉnh; Huyện, Thị ủy viên; Trưởng, phó các ban, ngành, đòan thể ,cơ quan quân sự, cơ quan công an cấp huyện hoặc tương đương cấp huyện; Bí thư, Phó Bí thư; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND, Chủ tịch UBMTTQVN xã, phường, thị trấn; cán bộ quân đội, công an có cấp hàm Thượng tá (đương chức hoặc nghỉ công tác); thương binh hạng 1, người hưởng chính sách như thương binh hạng 1, bệnh binh hạng 1, người hưởng chính sách mất người nuôi dưỡng, chồng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; nhà giáo ưu tú, thầy thuốc ưu tú, nghệ sĩ ưu tú (đương chức hoặc đã nghĩ hưu). Được hỗ trợ như sau :
- Tiền mai táng phí : 2.000.000 đ
- Tiền chi phí lễ tang : 10.000.000 đ
5- Đối tượng 5 :
Đối tượng từ trần là: Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh các hạng còn lại; thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp; người có công với cách mạng, người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị bắt tù đày, cán bộ HĐKC, thanh niên xung phong (không hưởng trợ cấp nào khác và không thuộc diện quy định ở các điểm 1, 2, 3, 4 phần I); cán bộ quân đội, công an có cấp hàm Trung tá (đương chức hoặc đã nghỉ hưu); CB hưu trí, mất sức lao động đang hưởng trợ cấp hàng tháng (Không thuộc diện quy định ở các điểm 1,2,3,4 phần I). Được hỗ trợ như sau :
- Tiền mai táng phí : 2.000.000 đ
- Tiền chi phí lễ tang : 8.000.000 đ
6- Đối tượng 6:
Đối tượng từ trần là : Cán bộ công chức, viên chức đang công tác ở các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể (từ cấp huyện trở lên); công chức xã, cán bộ chuyên trách ( trừ các chức danh đã nêu ở điểm 4, phần I ), cán bộ không chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn; quân nhân, công nhân viên quốc phòng; cán bộ, chiến sĩ cơ quan công an (từ cấp huyện trở lên),. Được hỗ trợ như sau :
- Tiền mai táng phí : 2.000.000 đ
- Tiền chi phí lễ tang : 6.000.000 đ
7- Đối tượng 7:
Đối tượng từ trần là : Các trại viên, học viên thuộc các trung tâm Bảo trợ xã hội do cơ quan Lao động-TBXH đang quản lý; người lao động bị tai nạn lao động,bệnh nghề nghiệp đang hưởng trợ cấp hàng tháng được hỗ trợ chi phí mai táng mức 5.000.000 đồng.
Những đối tượng có quy định ở nhiều mức hỗ trợ khác nhau thì chỉ được hỗ trợ ở một mức cao nhất.
* Đối với các huyện, thị: Đối tượng và thành phần Ban lễ tang tương tự như cấp tỉnh nhưng do huyện, thị tổ chức. Tùy theo điều kiện và tình hình thực tế của địa phương, UBND huyện, thị có thể thêm những quy định cho phù hợp nhưng không trái với quy định này.
- Đối với các đối tượng đã nghỉ chế độ (không còn công tác) từ trần là cán bộ quân đội, công an có cấp hàm từ Thượng tá trở lên; cán bộ Tiền khởi nghĩa; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng LLVT nhân dân; Anh hùng LĐ thì :
Thành phần Ban lễ tang gồm :
Đại diện Huyện, Thị ủy; UBND; UBMTTQVN, Phòng Lao động-TBXH, BCH quân sự, BCH Hội Cựu chiến binh (nếu người từ trần là quân nhân), công an (nếu người từ trần là công an), BCH Hội LH phụ nữ (nếu người từ trần là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng); cơ quan chủ quản, chính quyền địa phương (xã, phường, thị trấn) nơi người từ trần cư trú. Tùy theo tình hình thực tế mà có thể thêm hoặc bớt thành viên cho phù hợp. Ban Tổ chức lễ tang do đ/c Huyện, Thị ủy viên làm Trưởng ban.
II- Chi phí LỄ VIẾNG :
1- Đoàn lãnh đạo của Tỉnh viếng : Do văn phòng Tỉnh ủy hoặc văn phòng UBND, HĐND chịu trách nhiệm chuẩn bị chi phí không vượt quá 2.000.000 đ.
2- Đoàn của lãnh đạo huyện, thị viếng : Do văn phòng Huyện, Thị ủy hoặc văn phòng UBND, HĐND chịu trách nhiệm chuẩn bị chi phí không vượt quá 1.000.000 đ.
3- Đoàn của lãnh đạo xã, phường, thị trấn viếng : Do văn phòng UBND, HĐND chịu trách nhiệm chuẩn bị chi phí không vượt quá 300.000 đ
Ngoài ra, Ban Tổ chức lễ tang cấp tỉnh và huyện, thị được chi phí mua sắm : Tràng hoa (dùng chung cho các đoàn viếng, các đoàn đến viếng chỉ chuẩn bị băng riêng cho đoàn mình), trái cây, nhang đèn, sổ tang, bút giấy đăng ký đoàn viếng,…chi phí không vượt quá 1.500.000 đ và do Ban lễ tang hoặc gia đình kê khai, quyết toán với cơ quan Lao động-TBXH nơi cấp tiền mai táng phí và chi phí lễ tang cho người từ trần. Các xã, phường, thị trấn nơi tổ chức lễ tang chịu trách nhiệm về phần âm thanh, máy móc.
4- Đoàn của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể viếng :
- Cấp Tỉnh được chi phí cho lễ viếng không quá 300.000đ
- Cấp huyện, thị được chi phí từ 200.000đ - 300.000đ (Kinh phí do đơn vị quyết toán với cơ quan Tài chính cùng cấp trong kinh phí khoán chi).
Đối với các đám tang có Ban Tổ chức lễ tang, đề nghị các đoàn đến viếng không sử dụng tràng hoa riêng mà dùng chung tràng hoa do Ban Tổ chức lễ tang chuẩn bị.
III- VIỆC QUẢN LÝ CẤP PHÁT KINH PHÍ :
1- Đối với các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan quân sự, cơ quan công an cấp tỉnh (đối với cán bộ đương chức): khi có người từ trần thì quan hệ với Sở Lao động-TBXH để nhận mai táng phí và tiền hỗ trợ tổ chức lễ tang theo quy định. Sở Lao động-TBXH có trách nhiệm dự toán và quyết toán kinh phí với Sở Tài chính. Kinh phí được bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh.
2- Đối với doanh nghiệp nhà nước : kinh phí được chi trong quỹ phúc lợi của doanh nghiệp.
3- Đối với các huyện, thị : Phòng Lao động-TBXH có trách nhiệm dự toán chi cho các đối tượng thuộc huyện, thị quản lý, chi trả và quyết toán kinh phí với Phòng Tài chính huyện, thị, nội dung chi này do ngân sách huyện, thị đảm nhận. Phòng Tài chính huyện, thị có trách nhiệm đưa vào dự toán chi ngân sách hàng năm để trình UBND, HĐND cùng cấp phê duyệt.
Chi phí lễ viếng cho các đoàn của lãnh đạo cấp tỉnh, huyện, thị, xã, phường, thị trấn thực hiện quyết toán với cơ quan tài chính cùng cấp.
Trường hợp phải chi phí cao hơn hoặc phát sinh ngoài quy định này thì cơ quan Lao động-TBXH có văn bản trình với UBND cùng cấp để xem xét giải quyết.
IV- THỜI GIAN VÀ NƠI AN TÁNG :
1- Thời gian tổ chức lễ tang : Theo đúng quy định
2- Nơi an táng :
- Nếu thân nhân của đối tượng từ trần có yêu cầu đối tượng được chôn cất ở khu từ trần NTLS Tỉnh thì địa điểm do Sở Lao động-TBXH sắp xếp, nếu ở Khu từ trần NTLS Huyện thì do UBND huyện sắp xếp.
- Hiện nay theo quy định của nhà nước, NTLS chỉ được dành riêng cho việc an táng liệt sĩ. Do đó, việc an táng cán bộ từ trần trong NTLS chỉ có tính chất tạm thời, nên gia đình không được xây mộ để sau này cải táng đưa về Nghĩa trang từ trần.
- Việc an táng phải theo quy định của địa phương như : an táng ở các nghĩa trang nhân dân (ở các huyện, thị, xã, phường, thị trấn) không được an táng trên đất thổ cư,…nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường.
Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề gì chưa phù hợp, đề nghị có ý kiến đề xuất để UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh.
Văn bản này có hiệu lực kể từ ngày ký, các văn bản trái với quy định của văn bản này đều bãi bỏ.
(Không đưa tin trên báo đài)
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.