UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 105/2000/QĐ-UB | Bắc Ninh, ngày 18 tháng 10 năm 2000 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, THU HÚT VÀ SỬ DỤNG NHÂN TÀI TỈNH BẮC NINH
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH:
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;
Căn cứ Nghị quyết số: 19/2000/NQ-HĐND ngày 20/7/2000 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy định chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài tỉnh Bắc Ninh;
Xét đề nghị của Trưởng ban Ban Tổ chức chính quyền tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này quy định chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài tỉnh Bắc Ninh.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bị bãi bỏ.
Điều 3: Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, các Sở, Ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã căn cứ Quyết định thi hành ./.
Nơi nhận: | TM. UBND TỈNH BẮC NINH |
QUY ĐỊNH
CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, THU HÚT VÀ SỬ DỤNGNHÂN TÀI TỈNH BẮC NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 105/2000/QĐ-UB ngày 18 tháng 10 năm 2000 của UBND tỉnh Bắc Ninh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài là một chủ trương lớn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước của tỉnh Bắc Ninh.
Việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể nhân dân và các địa phương trong tỉnh.
Điều 2: Quy định chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài nhằm động viên, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để những người có tài năng phát huy tốt nhất năng lực, trí tuệ của mình, yên tâm gắn bó với nhiệm vụ được giao, đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Điều 3: Chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tải trong quy định này được áp dụng cho các đối tượng sau đây:
Cá nhân đạt giải trong các cuộc thi Quốc gia.
Cá nhân tham dự, đạt giải trong các cuộc thi Quốc tế.
Người được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ trực tiếp hướng dẫn, giảng dạy, tập huấn những cá nhân đạt giải Quốc gia, Quốc tế.
Người đi học Thạc sĩ, Tiến sĩ.
Người có học hàm Giáo sư, Phó giáo sư, học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân, Nhà giáo nhân dân, Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ nhân, nhà quản lý giỏi, người có tay nghề cao.
Sinh viên tốt nghiệp các trường Đại học hệ chính quy đạt loại giỏi.
Các tổ chức, cá nhân có những công nghệ sản xuất sản phẩm đặc biệt được áp dụng vào thực tiễn tỉnh Bắc Ninh đem lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội.
Các đối tượng quy định nêu trên đã, đang và sẽ tự nguyện công tác lâu dài trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Điều 4: Kinh phí thực hiện chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài do ngân sách Nhà nước cấp và vận động các nguồn tài trợ khác.
Chương II
CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, THU HÚT VÀ SỬ DỤNG NHÂN TÀI
Điều 5: Chế độ khen thưởng những người có thành tích xuất sắc:
1. Đối với cá nhân đạt giải trong các cuộc thi Quốc gia:
a. Đạt giải nhất hoặc Huy chương vàng thưởng 3 triệu đồng
b. Đạt giải nhì hoặc Huy chương bạc thưởng 2 triệu đồng
c. Đạt giải ba hoặc Huy chương đồng thưởng 1,5 triệu đồng
d. Đạt giải khuyến khích thưởng 1 triệu đồng
2. Đối với cá nhân tham dự các cuộc thi Quốc tế:
a. Được hỗ trợ ban đầu là 3 triệu đồng.
b. Nếu đạt giải được thưởng các mức sau:
Đạt giải nhất hoặc Huy chương vàng thưởng 6 triệu đồng
Đạt giải nhì hoặc Huy chương bạc thưởng 4 triệu đồng
Đạt giải ba hoặc Huy chương đồng thưởng 3 triệu đồng
Đạt giải khuyến khích thưởng 2 triệu đồng
3. Đối với những người được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ hướng dẫn, giảng dạy, tập huấn cho những cá nhân dự thi đạt các giải trên được thưởng số tiền tương ứng như cá nhân đạt giải.
4. Tỉnh thành lập giải thưởng Lý Thái Tổ để hàng năm thưởng cho các tổ chức hoặc cá nhân trong và ngoài tỉnh có những công nghệ sản xuất sản phẩm đặc biệt, được áp dụng vào thực tiễn ở tỉnh Bắc Ninh đem lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội (giải thưởng do Hội đồng khoa học tỉnh xem xét, quyết định theo quy chế) mức thưởng cho một công nghệ sản xuất đặc biệt từ 5 đến 10 triệu đồng.
Điều 6: Chế độ đào tạo trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ:
1. Đối với những người được cấp có thẩm quyền cử đi học theo kế hoạch:
a. Được hỗ trợ các khoản: Tiền học phí, tiền tài liệu, tiền đi đường từ cơ quan đến nơi học, tiền nội trú (nếu có).
b. Khi có bằng tốt nghiệp được hỗ trợ thêm:
Thạc sĩ: 10 triệu đồng
Tiến sĩ: 20 triệu đồng
2. Đối với những người tự nguyện đi học (không nằm trong kế hoạch đào tạo của cơ quan có thẩm quyền) sau khi tốt nghiệp, vẫn tiếp tục làm việc lâu dài tại Bắc Ninh (từ 10 năm trở lên) được hỗ trợ:
Thạc sĩ: 10 triệu đồng
Tiến sĩ: 20 triệu đồng
Điều 7. Đối với cán bộ ở ngoài tỉnh có học hàm, học vị hoặc nhà quản lý giỏi, người có tay nghề cao được Hội đồng khoa học cấp tỉnh công nhận mà tỉnh có nhu cầu, sinh viên tốt nghiệp Đại học chính quy loại giỏi nếu tự nguyện về Bắc Ninh công tác lâu dài (từ 10 năm trở lên) sẽ được trợ cấp ban đầu:
1. Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân, Nhà giáo nhân dân, Nghệ sỹ nhân dân: 15 triệu đồng.
2. Thạc sĩ, Nghệ nhân, nhà quản lý giỏi, người có tay nghề cao: 10 triệu đồng
3. Sinh viên tốt nghiệp Đại học hệ chính quy đạt loại giỏi: 5 triệu đồng
Ngoài ra, những trường hợp có nhu cầu về đất ở sẽ được ưu tiên giải quyết (áp dụng hình thức trả chậm) ưu tiên, sắp xếp việc làm cho vợ (chồng), con để họ có điều kiện yên tâm công tác lâu dài ở Bắc Ninh.
Điều 8: Chế độ sử dụng nhân tài:
1. Việc sắp xếp, bố trí, sử dụng phải đảm bảo đúng người, đúng việc, đúng trình độ chuyên môn để họ phát huy cao nhất năng lực, trí tuệ của mình trong công việc.
2. Chú trọng, ưu tiên khi xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, tạo điều kiện cho họ đóng góp, cống hiến được nhiều nhất tài năng, trí tuệ của mình.
3. Đối với những người hết tuổi lao động, nếu cơ quan đơn vị có nhu cầu sử dụng và bản thân họ tự nguyện ở lại thì được tiếp tục công tác theo quy định của pháp luật.
4. Cơ quan, đơn vị quản lý nhân tài tạo điều kiện thuận lợi để họ được học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước nhằm nâng cao kiến thức, trình độ, tay nghề để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9: Ban Tổ chức chính quyền có trách nhiệm:
1. Chủ trì phối hợp với các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và hướng dẫn thực hiện quy định này.
2. Quản lý, sử dụng khoản kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt phục vụ cho việc đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài.
Điều 10: Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm:
1. Chủ trì phối hợp với Ban Tổ chức chính quyền, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh và các cấp, các ngành liên quan lập dự toán kinh phí theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài hàng năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Hướng dẫn cụ thể việc quản lý, sử dụng kinh phí phục vụ cho đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài, đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm và đạt hiệu quả cao.
Điều 11: Các cấp, các ngành căn cứ nhiệm vụ, chức năng của mình xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng nhân tài hàng năm (theo hướng dẫn của Ban tổ chức chính quyền) đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cấp, các ngành phản ánh kịp thời về Ban tổ chức chính quyền để nghiên cứu, tổng hợp trình UBND tỉnh bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.