THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1034/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 30 tháng 06 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG KHU KINH TẾ CỬA KHẨU HOÀNH MÔ - ĐỒNG VĂN, TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2030
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về Quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế;
Xét đề nghị của Bộ Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Khu kinh tế), với các nội dung chủ yếu sau:
1. Phạm vi, ranh giới và thời hạn lập quy hoạch
Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn bao gồm ranh giới hành chính xã Hoành Mô và xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu. Ranh giới địa lý được xác định như sau:
- Phía Bắc giáp khu Phòng Thành, thành phố cảng Phòng Thành tỉnh Quảng Tây, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
- Phía Nam giáp xã Húc Động huyện Bình Liêu và xã Quảng Sơn huyện Hải Hà.
- Phía Đông giáp xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà.
- Phía Tây giáp xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu.
Thời hạn lập quy hoạch, Quy hoạch đợt đầu đến năm 2020 và định hướng quy hoạch đến năm 2030;
2. Mục tiêu
- Cụ thể hóa Quyết định số 52/2008/QĐ-TTg ngày 25 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Quy hoạch phát triển các Khu kinh tế cửa khẩu của Việt Nam đến năm 2020”; Quyết định số 115/2002/QĐ-TTg ngày 13 tháng 9 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Thành lập và áp dụng chính sách khu kinh tế cửa khẩu đối với khu vực Hoành Mô - Đồng Văn và Bắc Phong Sinh, tỉnh Quảng Ninh”.
- Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn trở thành đầu mối giao lưu kinh tế và hợp tác quốc tế quan trọng, tạo sự lan tỏa cho các vùng xung quanh. Khai thác có hiệu quả các lợi thế để thúc đẩy phát triển và chuyển đổi cơ cấu kinh tế - xã hội vùng biên giới huyện Bình Liêu và phía Bắc tỉnh Quảng Ninh.
- Tổ chức phân bố dân cư, phân bố đô thị, phân bố không gian các khu chức năng và xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nhằm đảm bảo môi trường sống bền vững, giữ gìn văn hóa, bản sắc văn hóa. Gắn phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh quốc phòng và giữ vững trật tự, an toàn xã hội vùng biên giới.
- Làm cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng, thu hút đầu tư phát triển và quản lý xây dựng theo quy hoạch.
3. Tính chất
- Là khu kinh tế đa ngành, trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ, du lịch của vùng biên giới phía Bắc tỉnh Quảng Ninh.
- Là đô thị tổng hợp với không gian kiến trúc hiện đại và có bản sắc và đảm bảo các tiêu chí của đô thị loại V.
- Là cửa ngõ giao lưu hoạt động, trung chuyển thương mại quốc tế và đầu mối giao thông quan trọng của vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ.
4. Quy mô
- Tổng diện tích đất tự nhiên của khu kinh tế khoảng 14.236 ha, trong đó quy mô đất xây dựng tập trung khoảng từ 1.000 - 1.500 ha, đất dự trữ phát triển khoảng 1.000 ha, đất khác khoảng 11.700 ha.
- Quy mô dân số;
+ Đến năm 2020: Khoảng 8.000 - 10.000 người.
+ Đến năm 2030: Khoảng 12.000 - 14.000 người.
5. Yêu cầu về phân khu chức năng và định hướng phát triển không gian
- Nghiên cứu phát triển không gian đô thị phù hợp với vị trí và điều kiện địa hình tự nhiên. Ưu tiên các hướng thuận lợi dọc theo các trục đối ngoại chính như đường 18C từ cửa khẩu Hoành Mô về thị trấn Bình Liêu; hướng phát triển liên kết từ cửa khẩu chính Hoành Mô đi Đồng Văn.
- Xác định cấu trúc phát triển và cơ cấu phân khu chức năng cho Khu kinh tế theo đặc trưng như: Khu cửa khẩu - phi thuế quan - quản lý hành chính, khu đô thị, dân cư, khu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, khu du lịch dịch vụ, các khu chức năng phụ trợ khác.
- Đề xuất quy hoạch sử dụng đất cho các khu chức năng và các hạng mục công trình chính theo cấu trúc và phân khu đã lựa chọn. Xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chính.
- Bố cục không gian kiến trúc cảnh quan theo phân vùng chức năng, theo các trục không gian chính. Nghiên cứu bố trí các điểm trọng tâm mang tính biểu tượng của quốc gia, của khu kinh tế như Quốc môn, tượng đài hoặc phù điêu biểu trưng, các cửa kiểm soát tại cửa ngõ khu kinh tế. Đề xuất tổ chức hệ thống cây xanh, mặt nước trong các khu vực xây dựng kết nối với các khu vực tự nhiên trong Khu kinh tế.
- Đề xuất định hướng phát triển nhà ở cho các loại hình cư trú trên địa bàn Khu kinh tế. Hình thành các khu đô thị đáp ứng cho nhu cầu đa dạng của nhiều loại đối tượng và đảm bảo chỉ tiêu chung theo tiêu chuẩn quốc gia.
- Quy hoạch hệ thống trường học, hệ thống y tế, hệ thống cơ sở thể thao, văn hóa, giải trí dịch vụ công cộng cấp đô thị cho các khu vực tập trung. Nghiên cứu các đặc trưng văn hóa để có định hướng tôn tạo bảo tồn và phát triển du lịch dịch vụ.
6. Yêu cầu về định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật
- Áp dụng tiêu chuẩn quy phạm trên cơ sở tiêu chí cho đô thị loại V được quy định tại Nghị định 42/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ về Phân loại đô thị và Quy chuẩn quốc gia về quy hoạch xây dựng.
- Tổ chức mạng lưới giao thông, phân loại phân cấp các tuyến giao thông đối ngoại và các giải pháp thiết kế cho mạng lưới giao thông nội bộ. Nghiên cứu đề xuất các điểm đấu nối từ cửa khẩu Hoành Mô và Đồng Văn kết nối với đường quốc lộ 18C cùng những tuyến đường chính khác; xác định vị trí quy mô, số lượng các công trình giao thông, mặt cắt ngang các loại đường.
- Xác định cao độ nền khống chế hợp lý cho các khu vực xây dựng bám sát địa hình tự nhiên, hạn chế tối đa san, gạt, đào đắp. Đề xuất các giải pháp phòng chống thiên tai, lũ lụt, sạt lở. Chọn mô hình hệ thống thoát nước mưa, xác định các lưu vực thoát nước chính để có các giải pháp phù hợp.
- Khảo sát đánh giá về tài nguyên nước trên địa bàn. Nghiên cứu quy hoạch nguồn cấp nước; đề xuất xây dựng công trình cấp nước tập trung và các giải pháp cấp nước phù hợp cùng với các biện pháp bảo vệ nguồn nước.
- Xác định nguồn và các giải pháp cấp điện cho Khu kinh tế tương ứng với các dự án phát triển điện lực trong vùng tỉnh Quảng Ninh. Tính toán nhu cầu và đề xuất giải pháp cho chiếu sáng đô thị.
- Xác định chỉ tiêu và dự báo tổng lượng nước thải, chất thải rắn; đề xuất thiết kế mạng thoát nước thải cho các khu chức năng của Khu kinh tế. Bố trí hệ thống thu gom xử lý chất thải rắn. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp về nghĩa trang, mai táng.
- Đánh giá môi trường chiến lược do phát triển các khu chức năng với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Đề xuất các giải pháp giải quyết các vấn đề môi trường trong khu vực. Xác định các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động và quản lý, giám sát môi trường.
7. Quy hoạch xây dựng đợt đầu và các dự án ưu tiên đầu tư
- Đề xuất kế hoạch sử dụng đất theo từng giai đoạn phát triển đến năm 2020 để khai thác hiệu quả quỹ đất xây dựng. Tập trung nguồn vốn và đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho giai đoạn đầu. Hạn chế và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến cộng đồng dân cư hiện trạng khi chưa thực sự cần thiết.
- Xác định các chương trình theo các lĩnh vực, chọn hạng mục, dự án ưu tiên đầu tư phát triển. Xác định các khu vực trong Khu kinh tế cần triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và đầu tư xây dựng trong giai đoạn đầu.
- Đề xuất xây dựng một số công trình trọng điểm, các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật và phương thức tổ chức thực hiện.
8. Hồ sơ sản phẩm quy hoạch
Thành phần hồ sơ đồ án quy hoạch thực hiện theo Luật Xây dựng, Luật quy hoạch đô thị và các văn bản hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng hiện hành.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
- Cơ quan tổ chức lập quy hoạch: Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh.
- Cơ quan quản lý dự án quy hoạch: Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
- Cơ quan thẩm định và trình duyệt: Bộ Xây dựng.
- Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ.
- Thời gian lập đồ án quy hoạch: Không quá 12 tháng kể từ ngày Nhiệm vụ được phê duyệt.
Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan tổ chức lập Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 theo quy định; bố trí nguồn vốn, phê duyệt tổng dự toán chi phí lập Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.