ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1003/QĐ-UBND | Điện Biên, ngày 10 tháng 12 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CỤM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số: 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội.
Căn cứ Quyết định số: 230/2006/QĐ-TTg ngày 13/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Điện Biên đến năm 2020.
Căn cứ Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp; Thông tư số: 39/2009/TT-BCT ngày 28/12/2009 của Bộ Công Thương về việc quy định thực hiện một số nội dung của quy chế quản lý cụm công nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số: 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp.
Căn cứ Quyết định số: 55/2008/QĐ-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ Công Thương về Ban hành nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển lĩnh vực công nghiệp.
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 945/TTr-SCT ngày 05/11/2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Điện Biên đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 với những nội dung chủ yếu sau:
I. Quan điểm quy hoạch
1. Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 phải phù hợp với: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch phát triển công nghiệp, Quy hoạch sử dụng đất, Quy hoạch đô thị và các khu dân cư và các quy hoạch kết cấu hạ tầng liên quan khác trên địa bàn Tỉnh.
2. Khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, lao động và hạ tầng tại địa phương, phù hợp với cơ cấu các ngành, lĩnh vực sản xuất công nghiệp, ưu tiên phát triển các cụm công nghiệp có quy mô hợp lý.
3. Việc quy hoạch Cụm Công nghiệp phải gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh biên giới và góp phần đảm bảo chủ quyền quốc gia, đồng thời đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển công nghiệp.
II. Mục tiêu quy hoạch
1. Mục tiêu chung
- Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Hình thành các cơ sở công nghiệp có thế mạnh làm căn cứ cho việc hoạch định phát triển công nghiệp phù hợp với từng địa phương.
- Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp của tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh theo từng giai đoạn cụ thể để có kế hoạch sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, nguồn vốn, lao động và quỹ đất, tạo lợi thế so sánh trong việc thu hút, kêu gọi các nguồn lực về vốn, công nghệ của các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp; từng bước gắn sản xuất với thị trường, vùng nguyên liệu, lao động, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, đảm bảo an cư, an ninh biên giới, bảo vệ chủ quyền quốc gia.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn đến năm 2020
+ Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, huy động nguồn lực của mọi thành phần kinh tế tiếp tục triển khai đầu tư hạ tầng 2 cụm công nghiệp hiện có (tổng diện tích 100,1 ha).
+ Quy hoạch thành lập mới 06 cụm công nghiệp với diện tích tăng thêm khoảng 46 ha. Tổng diện tích các cụm công nghiệp đến năm 2020 là 146,1 (ha)
+ Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào các cụm công nghiệp đã có, phấn đấu đến hết năm 2020 nâng tỷ lệ lấp đầy bình quân các cụm công nghiệp toàn tỉnh đạt trên 65% diện tích đất công nghiệp cho thuê; thu hút khoảng 1.100 - 1.500 tỷ đồng vốn đầu tư vào phát triển sản xuất tại cụm công nghiệp; Tạo thêm việc làm cho 3000 - 3500 lao động.
b) Định hướng đến năm 2025
+ Tiếp tục mở rộng 03 CCN đã có của giai đoạn trước và thành lập mới 08 cụm công nghiệp với diện tích tăng thêm khoảng 160ha, đưa tổng diện tích các cụm công nghiệp đến năm 2025 khoảng 306,1 ha.
+ Phấn đấu đến năm 2025, đưa tỷ lệ lấp đầy bình quân các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 70% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê; Thu hút thêm khoảng 1.500 - 2.000 tỷ đồng vốn đầu tư vào phát triển sản xuất tại cụm công nghiệp; Đảm bảo tạo thêm việc làm cho 4.000 - 4.500 lao động,
c) Định hướng đến năm 2025
+ Tiếp tục mở rộng các CCN đã có của giai đoạn trước và thành lập mới 09 cụm công nghiệp với diện tích tăng thêm khoảng 185 ha, đưa tổng diện tích các cụm công nghiệp đến năm 2025 khoảng 366,1 ha.
+ Phấn đấu đến năm 2025, đưa tỷ lệ lấp đầy bình quân các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 70% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê; Thu hút thêm khoảng 3.000 - 3.500 tỷ đồng vốn đầu tư vào phát triển sản xuất tại cụm công nghiệp; Đảm bảo tạo thêm việc làm cho 7.000 - 9.000 lao động.
III. Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên
- Đến năm 2020, Quy hoạch thành lập mới 06 cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện: Điện Biên (01 cụm), Tủa Chùa (01 cụm), Mường Ảng (02 cụm), Mường Chà (01 cụm), Mường Nhé (01 cụm). Tổng diện tích cụm công nghiệp đến năm 2020 là 146,1 ha (bao gồm cả cụm công nghiệp đã có quy hoạch chi tiết là: Na Hai huyện Điện Biên và cụm công nghiệp phía Đông huyện Tuần Giáo)
- Giai đoạn 2020-2025, tiếp tục mở rộng 03 CCN đã có của giai đoạn trước và thành lập mới 08 cụm công nghiệp, tổng các cụm công nghiệp trên địa bàn Tỉnh đến năm 2025 là 16 cụm với tổng diện tích khoảng 306,1 ha.
Cụ thể một số CCN đề nghị ưu tiên xây dựng đến năm 2020 như sau:
1. CCN Nam Thị Trấn Tủa Chùa.
Dự kiến CCN có tổng diện tích 15 ha, triển khai trước năm 2015 diện tích 10 ha; CCN nằm ở khu vực cách thị trấn khoảng 1 km; đoạn Thị trấn Tủa Chùa đi Tuần Giáo; hiện tại đã có hệ thống giao thông kết nối với tỉnh lộ 140 và có một cơ sở sản xuất gạch xây.
Huyện Tủa Chùa có tiềm năng về sản xuất dụng cụ cầm tay, gạch đất nung và có lượng nông lâm sản khá; Thị trấn huyện lỵ đang xây dựng và mở rộng cần đưa các cơ sở sản xuất công nghiệp ra ngoài nên nhu cầu có 01 CCN là bức thiết.
2. CCN Cơ khí, dịch vụ, huyện Mường Ảng; Dự kiến đây là CCN chuyên ngành cơ khí, sửa chữa phương tiện vận tải và các máy và thiết bị nông nghiệp, máy và thiết bị xây dựng, nằm gần quốc lộ 279, cách huyện lỵ Mường Ảng khoảng hơn 1 km về phía Tuần Giáo; Đây là bãi đất khá phẳng diện tích tổng cộng khoảng 3 ha.
3. CCN hỗn hợp huyện Mường Ảng, tại địa bàn xã Ẳng Tờ và xã Ẳng Cang, diện tích dự kiến 25 ha (giai đoạn 1 đề nghị quy hoạch 15 ha), trên diện tích này đã có dự kiến một số dự án sản xuất VLXD, chế biến nông lâm sản trên cơ sở huyện này có diện tích Cafe, cao su; Mường Ảng có nhu cầu bố trí mặt bằng sản xuất cho một số doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc lĩnh vực chế biến nông lâm sản và sản xuất VLXD đến năm 2015.
4. CCN Cơ khí, tại Tổ dân phố 1, huyện Mường Chà, diện tích 3ha; nằm cạnh quốc lộ đoạn Điện Biên đi Mường Lay; với định hướng ngành cơ khí, bảo dưỡng, sửa chữa ô tô, xe máy, máy và dụng cụ nông nghiệp CCN này có diện tích vừa phải để bố trí các cơ sở sản xuất và dịch vụ này, tránh ô nhiễm, tránh tiếng ồn, khói bụi cho dân cư huyện lỵ.
5. CCN Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tại xã Mường Nhé với diện tích 10 ha. Định hướng ngành cơ khí tiêu dùng và cơ khí sửa chữa các loại; Cơ khí, chế biến nông lâm sản; Cơ sở để xây dựng CCN này gắn liền với nhu cầu đảm bảo bảo dưỡng, sửa chữa máy và thiết bị tại chỗ cho cả huyện vùng xa, và sâu, sát biên giới; Trong điều kiện biến động các cơ sở này có thể phục vụ các nhu cầu về an ninh, quốc phòng, bảo vệ biên giới.
6. CCN Núa Ngam, huyện Điện Biên, tổng diện tích 30 ha, giai đoạn đến năm 2015 dự kiến quy hoạch diện tích 10 ha; Định hướng ngành nghề chế biến nông, lâm sản. Hiện tại đã có nhà máy tre ghép thanh đang hoạt động trong khu vực này.
(Chi tiết có biểu kèm theo)
IV. Định hướng ngành nghề trong các cụm công nghiệp
- Định hướng về cơ cấu ngành: Ưu tiên các ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản, thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp phục vụ nông thôn nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
- Định hướng mô hình và qui mô công nghiệp: Khuyến khích doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ sản xuất, kinh doanh ở CCN. Doanh nghiệp ngoài quốc doanh tập trung đầu tư vào ngành có quy mô nhỏ, dễ thay đổi phương án sản phẩm; Kinh tế hộ gia đình tập trung sản xuất các mặt hàng truyền thống, các mặt hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của dân cư, tập trung sơ chế nguyên liệu cho các cơ sở công nghiệp ở CCN.
1. Giai đoạn đến năm 2020
- Chế biến nông lâm sản, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi;
- Sản xuất vật liệu xây dựng;
- Sửa chữa thiết bị công trình; Dịch vụ công nông nghiệp; Cơ khí sửa chữa; Đóng sửa tàu dịch vụ cảng sông, hồ, dịch vụ cơ khí dân dụng.
- Dịch vụ hỗ trợ của khẩu quốc tế, dịch vụ nông lâm nghiệp;
- Dịch vụ hỗ trợ công nghiệp điện, sửa chữa điện tử, lọc cung cấp nước sạch;
- Chế biến, xử lý rác thải.
2. Định hướng đến 2025: Tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như: chế biến nông, lâm sản; sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp phục vụ nông nghiệp... cần tăng cường ưu tiên thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp các dự án thuộc các ngành công nghiệp ‘sạch’, sử dụng công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường, có hiệu quả kinh tế cao.
V. Nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp
Dự kiến tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên đến năm 2025 ước tính vào khoảng 1.300 tỷ đồng.
Trong đó:
+ Giai đoạn đến năm 2020 là 550-600 tỷ đồng.
+ Giai đoạn 2020-2025 là 650-700 tỷ đồng.
Nguồn vốn được huy động từ nhiều thành phần bao gồm: ngân sách nhà nước, vốn của các thành phần kinh tế khác
VI. Một số giải pháp chính thực hiện quy hoạch
1. Giải pháp nâng cao năng lực quản lý quy hoạch
- Các huyện, thị có CCN được tỉnh thành lập Ban Quản lý CCN trực thuộc UBND huyện, thị để thực hiện chức năng quản lý toàn diện đối với CCN. Căn cứ vào tình hình thực tế do quy mô nhỏ có thể giao cho đơn vị sự nghiệp công lập đảm nhiệm chức năng này khi chưa có điều kiện thành lập Ban Quản lý CCN.
- Sở Công Thương làm đầu mối quản lý nhà nước, quản lý quy hoạch phát triển đối với các CCN trên địa bàn toàn tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý cụm công nghiệp làm căn cứ để các huyện xây dựng Quy chế cho phù hợp với địa bàn. Quy chế do UBND huyện phê duyệt có ý kiến thống nhất của các Sở, ngành liên quan.
2. Giải pháp về vốn, thu hút vốn và ưu đãi đầu tư
- Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư vào CCN theo một đầu mối, tổ chức thống nhất, có sự tham gia của các ban, ngành liên quan; có trọng tâm, trọng điểm riêng cho từng đối tượng cần thu hút vốn. Tập trung xúc tiến đầu tư ở các địa phương có khu, Cụm công nghiệp phát triển để thu hút những doanh nghiệp có tiềm lực về vốn, kinh nghiệm vào đầu tư và kinh doanh hạ tầng các CCN trên địa bàn. Tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương hỗ trợ, nguồn vốn khuyến công ... cho đầu tư phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn, tập trung vào các hạng mục: san lấp mặt bằng, đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp điện, nước, hệ thống xử lý nước thải.
- Huy động các nguồn vốn khác từ các đơn vị kinh doanh cấp điện, nước, thông tin liên lạc cùng tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh các dịch vụ này nhằm giảm bớt chi phí đầu tư, đảm bảo hiệu quả kinh doanh của chủ đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp.
- Công bố công khai danh mục các dự án cần thu hút đầu tư và các điều kiện ưu đãi đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
3. Giải pháp về đất đai
- Thực hiện đúng chính sách liên quan đến thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng theo quy định của Luật Đất đai, quản lý mặt bằng và cơ sở hạ tầng CCN một cách đồng bộ đảm bảo được sự thống nhất về cơ chế, chính sách sát với thực tiễn. Việc giải phóng mặt bằng và tái định cư cần có sự phối hợp của các nhà đầu tư và chính quyền địa phương, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân bị thu hồi đất và quyền lợi của các nhà đầu tư. Đất CCN đã qui hoạch chi tiết nhưng phần dự án chưa thực hiện thì tiếp tục được khai thác ở qui mô ngắn hạn, nhưng không dược phát sinh tăng thêm phí đền bù.
- Hướng dẫn thực hiện ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp thuê đất trong CCN theo quy định.
4. Giải pháp về phát triển khoa học, công nghệ
- Tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước về khoa học công nghệ đáp ứng được yêu cầu Hội nhập quốc tế. Thực hiện cơ chế liên kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức khoa học công nghệ và các doanh nghiệp trong CCN.
- Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có các dự án ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp được ưu tiên bố trí trong CCN và hưởng các chính sách hỗ trợ sản xuất như chương trình khuyến công...theo quy định hiện hành.
5. Giải pháp về đào tạo và chuẩn bị lực lượng lao động cho CCN
- Việc phát triển nguồn nhân lực cho CCN phải từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, có khả năng tiếp thu hiệu quả các phương pháp quản lý khoa học hiện đại, các trình độ thiết bị công nghệ cao, tiên tiến trên thế giới; đặc biệt chú ý rèn tác phong và nếp sống văn hóa công nghiệp phù hợp với điều kiện địa phương.
- Doanh nghiệp trong các CCN thực hiện tuyển dụng lao động tại địa phương nơi có CCN; Đặc biệt ưu tiên lao động bị mất đất sản xuất. Đồng thời với việc đảm bảo chất lượng lao động, việc tuyển dụng để đào tạo và đào tạo lại cũng cần tập trung vào các đối tượng này.
- Tạo dựng mối quan hệ liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong các CCN ở tỉnh Điện Biên với trường dạy nghề trên địa bàn và Vùng để đào tạo nhân lực đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp về các ngành nghề kinh doanh. Hàng năm, Tỉnh giao cho các trường dạy nghề đóng trên địa bàn một số chỉ tiêu định hướng đào tạo nghề cho các CCN.
- Ưu tiên hỗ trợ các chương trình kế hoạch đào tạo phù hợp với nhu cầu, sát với thực tế, đáp ứng kịp thời yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực kỹ thuật theo đặt hàng, theo địa chỉ của các doanh nghiệp trong khu, CCN.
- Đầu tư đổi mới cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy, điều kiện học tập, trước hết là các trường và trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh để sau khi đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật có thể tiếp cận và làm việc được trên các trang thiết bị máy móc mới trong CCN.
6. Giải pháp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững
Hướng dẫn cụ thể về công tác bảo vệ và giám sát môi trường trong các CCN từ giai đoạn quy hoạch đến giai đoạn đầu tư xây dựng hạ tầng, giai đoạn triển khai các dự án, giai đoạn hoàn chỉnh xây dựng trong các CCN. Các dự án xây dựng CCN, dự án mở rộng CCN và kinh doanh hạ tầng CCN phải lập báo cáo tác động môi trường (ĐTM); Quy định trách nhiệm phối hợp giữa các bên trong công tác lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, phối hợp kiểm tra giám sát và xử lý các vấn đề môi trường trong CCN.
Khuyến khích và có biện pháp cần thiết để đưa các cơ sở gây ô nhiễm và có nguy cơ gây ô nhiễm ở các Trung tâm, khu đông dân cư vào sản xuất ở các CNN.
Điều 2. Tổ chức quản lý và thực hiện quy hoạch
1. Sở Công Thương: Là cơ quan đầu mối tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các cụm công nghiệp trên địa bàn Tỉnh, có nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương công bố, tuyên truyền và triển khai thực hiện nội dung của quy hoạch; thẩm định hồ sơ thành lập, mở rộng cụm công nghiệp trình UBND tỉnh phê duyệt; tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở dự án đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp và các dự án đầu tư xây dựng công trình trong cụm công nghiệp theo thẩm quyền; đề xuất và thực hiện các cơ chế, chính sách, quy định liên quan đến phát triển cụm công nghiệp; tham mưu xây dựng Quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các ngành có liên quan xây dựng và cân đối nguồn vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp trong các kế hoạch hàng năm, kế hoạch dài hạn.
3. Các Sở, Ngành: Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Bưu chính Viễn thông, Lao động và Thương binh-Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ... theo chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp với cơ quan chủ trì triển khai các công việc liên quan để thực hiện quy hoạch này.
4. UBND các huyện, thị xã, thành phố: Phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền và triển khai thực hiện quy hoạch trên địa bàn; Thu hút đầu tư, dành và bố trí quỹ đất, tổ chức triển khai đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp theo quy hoạch.
- Chỉ đạo Phòng: Công Thương, Kinh tế, Kinh tế - Hạ tầng trong việc thực hiện chức năng cơ quan đầu mối giúp UBND cấp huyện quản lý nhà nước về cụm công nghiệp.
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc, UBND cấp xã (phường) hỗ trợ thực hiện công tác thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư... để nhanh chóng triển khai thực hiện xây dựng cụm công nghiệp trên địa bàn.
- Chỉ đạo lập hồ sơ thành lập, điều chỉnh quy hoạch cụm công nghiệp trên địa bàn; Tổ chức triển khai đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp trên địa bàn sau khi được UBND tỉnh phê duyệt.
- Tham gia các hoạt động khác liên quan đến quản lý và xây dựng cụm công nghiệp trên địa bàn.
Điều 3. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Công Thương; Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.