ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 100/2007/QĐ-UBND | Hà Nội, ngày 06 tháng 09 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH “QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG XE XÍCH LÔ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI”
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ;
Căn cứ Luật Du lịch;
Căn cứ Nghị định số 152/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;
Căn cứ Thông tư số 03/2002/TT-BGTVT ngày 27/02/2002 của Bộ GTVT hướng dẫn việc sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe môtô hai bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển khách, hàng;
Căn cứ Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐND ngày 13/7/2007 của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội an ninh quốc phòng của Thành phố Hà Nội 6 tháng cuối năm 2007;
Căn cứ Quyết định số 240/2005/QĐ-UB ngày 30/12/2005 và Quyết định số 103/2006/QĐ-UBND ngày 19/6/2006 bổ sung, sửa đổi một số nội dung quy định tại Quyết định số 240/2005/QĐ-UB của UBND Thành phố Hà Nội “Về hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội”.
Căn cứ Quyết định số 227/2006/QĐ-UBND ngày 12/12/2006 của UBND Thành phố Hà Nội ban hành “Quy định về quản lý và sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn Thành phố Hà Nội”;
Theo đề nghị của Sở Giao thông Công chính tại các Tờ trình: số 322/GTCC-DL-CATP ngày 25/4/2007; số 742/GTCC-VTCN ngày 9/8/2007 và Báo cáo thẩm định số 578/STP-VBPQ ngày 6/6/2007 và Công văn số 895/STP-VBPQ ngày 9/8/2007 của Sở Tư pháp;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản “Quy định về quản lý hoạt động xe Xích lô du lịch trên địa bàn Thành phố Hà Nội”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các Quận, Huyện; Giám đốc Công an Thành phố; Giám đốc các Sở: Giao thông công chính, Du lịch và Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG XE XÍCH LÔ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 100/2007/QĐ-UBND ngày 06/9/2007 của UBND Thành phố Hà Nội)
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Văn bản này quy định về quản lý hoạt động xe xích lô du lịch trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Văn bản này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức có liên quan đến việc quản lý hoặc khai thác vận tải khách bằng xe xích lô du lịch.
Điều 3. Nguyên tắc hoạt động của xe xích lô du lịch
1. Xe xích lô du lịch chỉ được chở khách du lịch và phục vụ nghi lễ cưới, hỏi của nhân dân mang tính truyền thống dân tộc.
2. Thời gian hoạt động của xe xích lô du lịch: chỉ được phép hoạt động ngoài giờ cao điểm (giờ cao điểm của Thành phố được quy định tại Quyết định 240/2005/QĐ-UBND ngày 30/12/2005 của UBND Thành phố: sáng từ 6h30 đến 8h30, chiều từ 16h30 đến 19h00)
3. Các tuyến đường, phố xe xích lô du lịch được phép hoạt động do Sở Giao thông công chính phối hợp với Công an Thành phố quy định.
4. Xe xích lô du lịch chỉ được phép dừng, đỗ đón trả khách tại các địa điểm quy định của Sở Giao thông công chính Hà Nội; Điểm đỗ xe xích lô du lịch phải đảm bảo an toàn, trật tự giao thông đô thị, yêu cầu về phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.
5. Mỗi xe xích lô du lịch chỉ được phép chở tối đa 1 người lớn và 1 trẻ em.
6. Một đoàn xe xích lô du lịch được phép lưu thông tối đa 5 xe và các đoàn cách nhau tối thiểu 100 mét.
Chương 2:
TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI VẬN TẢI KHÁCH BẰNG XE XÍCH LÔ DU LỊCH
Điều 4. Quy định đối với xích lô du lịch
1. Xe phải có giấy chứng nhận đăng ký, điều khiển lưu hành xích lô và được gắn “BIỂN KIỂM SOÁT” do Công an Thành phố Hà Nội cấp.
2. Xe xích lô du lịch phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật khi tham gia giao thông. Xe có kích thước: Chiều dài lớn nhất 2600mm x Chiều rộng lớn nhất 950mm x Chiều cao lớn nhất 1900mm và cỡ vành bánh trước lớn nhất 650mm, cỡ vành bánh sau lớn nhất 680mm.
3. Chỗ để khách ngồi và dựa lưng phải có đệm mềm.
4. Vị trí chỗ khách ngồi phải có khung mui bằng vải che mưa nắng.
5. Trên xe phải được gắn đèn chiếu sáng phía trước, đèn báo hiệu phía sau và đèn phản quang hai bên thành xe để cho các phương tiện giao thông khác dễ nhận biết khi lưu thông vào ban đêm.
6. Tên, số điện thoại và số thứ tự xe của Doanh nghiệp quản lý phải được ghi ở vị trí phía ngoài thành sau xe chỗ khách ngồi.
7. “BIỂN KIỂM SOÁT” phải được gắn ở phía trước chỗ dàn để chân của khách và phía sau cùng của đuôi xe bánh sau để tiện cho việc kiểm tra, kiểm soát.
Điều 5. Quy định với doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách bằng xích lô du lịch
1. Có đăng ký kinh doanh vận chuyển khách du lịch do cơ quan có thẩm quyền cấp, hoạt động trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
2. Đăng ký đúng số lượng và phải đảm bảo chất lượng xe theo các quy định tại Điều 4 Chương II bản Quy định này với Công an Thành phố Hà Nội.
3. Phải đăng ký màu sơn hoặc kiểu sơn thân xe và mui xe đặc trưng của Doanh nghiệp với Công an Thành phố Hà Nội để quản lý và tạo điều kiện cho khách phân biệt xe của các doanh nghiệp.
4. Hoạt động kinh doanh chở khách bằng xe xích lô du lịch theo đúng các quy định hiện hành.
5. Có hợp đồng lao động với người điều khiển xe xích lô du lịch. Trang bị đồng phục và biển hiệu cho người điều khiển phương tiện.
6. Chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, điều hành, bán vé cho khách du lịch và hoàn toàn chịu phí bảo hiểm cho khách.
7. Sử dụng người điều khiển xích lô du lịch phải có Chứng nhận bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch do Sở Du lịch cấp.
8. Bố trí vị trí đỗ xe xích lô du lịch tại trụ sở, địa điểm kinh doanh hoặc tại các điểm đỗ xe xích lô công cộng do Sở Giao thông công chính quy định.
9. Hàng năm phải báo cáo về tình hình hoạt động của doanh nghiệp và kế hoạch của năm tiếp theo về Sở Du lịch Hà Nội trước 10 tháng 12.
Điều 6. Cấp “BIỂN KIỂM SOÁT” và giấy chứng nhận đăng ký, điều khiển lưu hành cho xe xích lô
1. Xe xích lô du lịch của các doanh nghiệp lữ hành đã được đăng ký tại Công an Thành phố kể từ thời điểm năm 2005 trở về trước và được gia hạn lưu hành đến nay, đảm bảo các quy định tại Khoản 1, 3, 4, 5, 6, 7 Điều 4 của Quy định này sẽ được Công an Thành phố cấp “BIỂN KIỂM SOÁT”.
2. Hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận đăng ký, điều khiển lưu hành bao gồm các loại giấy tờ sau:
a) Giấy chứng nhận đăng ký, điều khiển lưu hành (đã được Công an Thành phố cấp từ năm 2005 trở về trước và được gia hạn lưu hành đến nay).
b) Hợp đồng lao động.
c) Tờ khai xin gia hạn của công ty lữ hành (Mẫu tờ khai do Công an Thành phố quy định).
d) Giấy khám sức khỏe của người điều khiển.
đ) Chứng minh thư nhân dân của người điều khiển.
e) Xe phải được Cảnh sát Giao thông đóng số khung (theo biển số) và cả dán vào tờ khai.
3. Thời hạn có giá trị của giấy chứng nhận đăng ký, điều khiển lưu hành là 06 tháng.
Điều 7. Đào tạo và cấp chứng nhận đã được bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch
1. Thủ tục hồ sơ đăng ký học bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho người điều khiển xe xích lô du lịch:
a) Sơ yếu lý lịch có xác nhận của chính quyền địa phương.
b) Giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe để lao động được cơ quan y tế có đủ thẩm quyền cấp.
c) Bản sao chứng thực Hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch bằng xe xích lô.
d) Đơn đăng ký học (mẫu đơn tại Phụ lục số 01)
2. Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch được quy định tại Phụ lục số 02.
3. Mẫu “Giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch” được quy định tại Phụ lục số 03.
Chương 3:
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI KHÁCH DU LỊCH BẰNG XÍCH LÔ DU LỊCH
Điều 8. Trách nhiệm của Sở Giao thông công chính Hà Nội
1. Xây dựng quy hoạch, tổ chức điểm đỗ cho xích lô du lịch phù hợp với quy hoạch tổng thể về giao thông đô thị của Thành phố trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt.
2. Chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố quy định các tuyến đường, phố xe xích lô du lịch được phép hoạt động.
3. Chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông công chính kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
Điều 9. Trách nhiệm của Công an Thành phố Hà Nội
1. Cấp giấy chứng nhận đăng ký, điều khiển, lưu hành và “BIỂN KIỂM SOÁT” cho xe xích lô. Khi cấp biển kiểm soát mới phải thu hồi biển kiểm soát cũ. Được thu và chi các khoản tiền có liên quan đến việc cấp biển kiểm soát theo quy định của Bộ Tài chính.
2. Phối hợp với Sở Giao thông công chính quy định các tuyến đường, phố xe xích lô du lịch được phép hoạt động.
3. Tổ chức chỉ đạo các lực lượng kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm các quy định tại Quy định này và các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Điều 10. Trách nhiệm của Sở Du lịch Hà Nội
1. Tổ chức bồi dưỡng, cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch và kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận chuyển khách du lịch bằng xích lô du lịch thực hiện bảo đảm về nghiệp vụ du lịch.
2. Phối hợp với các Sở, Ban ngành có liên quan quản lý hoạt động xe xích lô du lịch trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Điều 11. Trách nhiệm của UBND các Quận, Huyện
Phối hợp với Công an Thành phố, Sở Giao thông công chính trong công tác kiểm tra hoạt động của các điểm đỗ và hoạt động xe xích lô du lịch trên địa bàn.
Chương 4:
XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 12. Xử lý vi phạm
Việc xử lý vi phạm sẽ được áp dụng theo Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 152/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cá nhân, tổ chức có vướng mắc, kiến nghị phản ánh về Sở Giao thông công chính Hà Nội tổng hợp, báo cáo, đề xuất với UBND Thành phố Hà Nội biện pháp xử lý và những điều chỉnh cần thiết đối với quy định này./.
PHỤ LỤC 01
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******
ĐƠN ĐĂNG KÝ
HỌC BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ DU LỊCH CHO NGƯỜI ĐIỀU KHIỂN XE XÍCH LÔ DU LỊCH
Kính gửi: Sở Du lịch Hà Nội
Họ và tên: ………………………………………………………... Nam, Nữ:........................................
Ngày tháng năm sinh:...............................................................................................................
Dân tộc:…………………………………………………………. Quốc tịch:..........................................
Quê quán:................................................................................................................................
Địa chỉ thường trú:...................................................................................................................
Số CMND:……………………………………………………….. Nơi cấp:...........................................
Trình độ VH (ghi trình độ học vấn cao nhất):..............................................................................
Tình trạng sức khỏe:.................................................................................................................
Tôi tự nguyện làm đơn đăng ký học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho người điều khiển xe xích lô du lịch do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức, tôi xin cam đoan tính chính xác của mọi thông tin trong đơn và hồ sơ kèm theo.
Kính đề nghị Sở Du lịch Hà Nội xem xét giải quyết.
Kèm theo đơn: …….. - - - | Hà Nội, ngày…… tháng…... năm……… Người làm đơn ký tên |
PHỤ LỤC 02
CHƯƠNG TRÌNH
BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ VỀ DU LỊCH
(Dành cho người điều khiển xe xích lô du lịch)
Thời gian dự kiến 4 buổi
Buổi 1 và 2:
- Luật du lịch và những vấn đề cần quan tâm đối với các đơn vị phục vụ khách du lịch.
- Kiến thức chung về lịch sử văn hóa của Hà Nội.
- Kiến thức về Phố cổ, phố nghề Hà Nội.
- Các tour, tuyến điểm tham quan du lịch có thể sử dụng bằng phương tiện xe xích lô.
- Giới thiệu một số nét văn hóa và tâm lý của một số thị trường khách du lịch.
- Các kỹ năng giao tiếp, ứng xử với khách nước ngoài.
- Phần xử lý tình huống trong giao tiếp thực tế: Các học viên cùng nhau trao đổi các tình huống và cách xử lý có sự tham dự của các chuyên gia, cán bộ của Sở Du lịch.
Buổi 3:
- Các Quy định mới nhất liên quan đến trật tự giao thông theo quy định mới của thành phố.
- Các tuyến đường cho phép xe xích lô du lịch hoạt động.
- Thời gian được phép hoạt động.
- Các điểm đỗ dừng cho xe xích lô.
- Trả lời thắc mắc của học viên.
- Các nội dung khác có liên quan…
Buổi 4:
- Các loại biển báo an toàn giao thông.
- Các lỗi mà lái xe xích lô thường gặp khi tham gia giao thông.
- Các chế tài xử phạt khi vi phạm.
- Xử lý tình huống, sự cố khi tham gia giao thông gặp phải của lái xe xích lô.
- Trả lời thắc mắc của học viên.
- Các nội dung khác có liên quan.
Tổng kết khóa học, trao chứng chỉ cho học viên tham dự.
PHỤ LỤC 03
MẪU “GIẤY CHỨNG NHẬN BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ XÍCH LÔ DU LỊCH”
Giấy chứng nhận:
- Kích thước: Chiều dài 18cm, chiều rộng 13cm (Viền ngoài cách viền trong từ 0,5cm - 1cm).
- Chữ: “GIẤY CHỨNG NHẬN BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ DU LỊCH” kích cỡ VNtimeH 16, các chữ còn lại kích cỡ VNtime 14, 12, VNtimeH 12.
- Chữ bên trong màu đen, khung viền cùng màu chữ, nền hoa văn biểu hiện màu vàng in hình chìm hình biểu tượng Hà Nội ở chính giữa.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.