THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 100/2007/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 06 tháng 07 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUYẾT ĐỊNH SỐ 661/QĐ-TTG NGÀY 29 THÁNG 7 NĂM 1998 VỀ MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, CHÍNH SÁCH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN DỰ ÁN TRỒNG MỚI 5 TRIỆU HA RỪNG
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng;
Căn cứ Nghị quyết số 73/2006/QH11 Quốc hội khoá XI kỳ họp thứ 10 về việc điều chỉnh chỉ tiêu, nhiệm vụ của Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng trong giai đoạn 2006 - 2010;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng:
I. SỬA ĐỔI ĐIỀU 3 NHƯ SAU:
Điều 3. Nhiệm vụ của Dự án trong giai đoạn 2006 - 2010:
1. Nhiệm vụ chung:
a) Về quản lý, bảo vệ rừng:
- Đối với rừng đặc dụng: những diện tích được quy định bảo vệ nghiêm ngặt nhưng từ lâu đã có dân sinh sống cần di chuyển dân ra khỏi diện tích bảo vệ nghiêm ngặt, trường hợp không có điều kiện di chuyển dân ra thì phải có phương án và đầu tư cụ thể nhằm ổn định đời sống của dân không để phá rừng. Trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt chỉ giao khoán cho dân những nơi chưa có đủ lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Nhà nước;
- Đối với rừng phòng hộ: tăng cường các biện pháp để bảo vệ bằng được vốn rừng tự nhiên hiện có. Chú trọng phát triển lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế, lâm sản dưới tán rừng trong các khu rừng phòng hộ để người dân có thể được hưởng lợi trong khoán bảo vệ rừng phòng hộ. Giảm dần diện tích khoán bảo vệ rừng; các Ban quản lý rừng phòng hộ thực hiện khoán bảo vệ cho dân ở những nơi khó khăn, có nguy cơ bị đe dọa cao mà chưa có khả năng hưởng lợi từ rừng. Khu vực biên giới xa dân, rừng có nguy cơ bị xâm hại cao có thể giao hoặc khoán bảo vệ cho các đơn vị Bộ đội Biên phòng, Công an. Tập trung đẩy mạnh việc giao rừng cho cộng đồng dân cư, các hộ gia đình, tạo điều kiện để các hộ gia đình, cộng đồng thôn bản gắn việc quản lý bảo vệ và hưởng lợi làm động lực phát triển rừng;
- Đối với rừng sản xuất: các chủ rừng phải tự tổ chức lực lượng bảo vệ rừng; các hộ gia đình vừa tự bảo vệ, vừa dựa vào cộng đồng để bảo vệ rừng. Lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm xử lý các hành vi xâm hại đến rừng sản xuất của mọi thành phần kinh tế để bảo đảm giữ nghiêm kỷ cương luật pháp và tạo sự an tâm đầu tư của các chủ rừng.
b) Xây dựng và phát triển rừng
- Rừng đặc dụng: rà soát lại quy hoạch các khu rừng đặc dụng, rà soát lại các phân khu chức năng trong các khu rừng đặc dụng; ổn định quy mô diện tích rừng đặc dụng khoảng 2 triệu ha. Diện tích quy hoạch là rừng đặc dụng nhưng chưa có rừng, nếu cần phục hồi lại rừng thì thực hiện biện pháp khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng là chính; đặc biệt chú ý phát triển lâm sản ngoài gỗ tạo thu nhập cho người dân sinh sống trong vùng rừng đặc dụng (ngoài vùng bảo vệ nghiêm ngặt);
- Rừng phòng hộ: ổn định quy mô diện tích rừng phòng hộ cả nước khoảng 6 triệu ha. Diện tích đất quy hoạch cho rừng phòng hộ nhưng chưa có rừng thì biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh phục hồi rừng là chính, nơi không đủ điều kiện tái sinh mới phải trồng rừng. Ưu tiên đầu tư cho các dự án vùng phòng hộ chắn sóng, chắn cát bay và phòng hộ biên giới. Tất cả mọi thành phần kinh tế đều được tham gia vào việc bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ và được hưởng lợi từ rừng theo quy định của pháp luật;
- Rừng sản xuất: điều chỉnh khoảng 3 triệu ha (bao gồm cả rừng tự nhiên, rừng trồng và đất trống, đồi núi trọc) trước đây quy hoạch là rừng phòng hộ nhưng sau rà soát không bảo đảm tiêu chí chuyển sang rừng sản xuất để giao, cho thuê đối với các tổ chức, hộ gia đình, cộng đồng dân cư và cá nhân sản xuất kinh doanh lâu dài theo quy định của pháp luật. Giải quyết triệt để vấn đề đất đai ở từng địa phương để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, có quy mô vừa và lớn nhằm bảo đảm nguyên liệu cho chế biến lâm sản. Khuyến khích các hình thức liên doanh, liên kết và thành lập các hợp tác xã lâm nghiệp. Sử dụng các biện pháp lâm sinh tổng hợp để nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, tiến tới quản lý bảo vệ và khai thác rừng bền vững, lấy rừng nuôi rừng:
+ Đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên: tiến hành xây dựng phương án điều chế rừng, khai thác theo phương thức quản lý rừng bền vững;
+ Đối với rừng tự nhiên nghèo kiệt: tiến hành làm giầu rừng nhằm nâng cao chất lượng rừng bằng cách trồng bổ sung những loài cây gỗ có giá trị kinh tế và lâm sản ngoài gỗ hoặc tiến hành cải tạo rừng, trồng lại bằng những loài cây có giá trị kinh tế cao hơn;
+ Đối với rừng sản xuất là rừng trồng hiện có: ngoài việc khai thác và trồng lại rừng, khuyến khích việc đầu tư chăm sóc và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng trồng cung cấp gỗ lớn cho chế biến đồ mộc dân dụng, hàng mỹ nghệ xuất khẩu và các nhu cầu chế biến khác;
+ Đối với đất trống quy hoạch trồng rừng sản xuất: đẩy mạnh trồng rừng theo phương thức thâm canh để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu gỗ lớn, gỗ nhỏ cho công nghiệp chế biến và gỗ gia dụng; khuyến khích gây trồng các loại cây đa mục đích và lâm sản ngoài gỗ. Sử dụng nguồn giống có chất lượng cao để tăng năng suất rừng trồng.
Đổi mới công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và khuyến lâm trong trồng rừng và bảo vệ rừng. Tập trung việc cải thiện giống cây rừng có năng suất cao, chu kỳ ngắn đi đôi với các biện pháp kỹ thuật lâm sinh tiên tiến để nâng cao năng suất rừng trồng. Hoàn thiện quy trình, quy phạm kỹ thuật lâm sinh và cung cấp thông tin thị trường. Tăng cường hoạt động của hệ thống khuyến lâm ở cơ sở đối với các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa.
2. Nhiệm vụ cụ thể:
- Rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng, xác định lâm phần ổn định trên bản đồ và đóng mốc ranh giới 3 loại rừng trên thực địa;
- Rà soát, hoàn thành việc giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp cho các chủ rừng (cộng đồng dân cư, hộ gia đình, tổ chức và doanh nghiệp);
- 100% các thôn, xã có rừng có tổ bảo vệ rừng, có cán bộ kiểm lâm địa bàn và được đào tạo;
- 100% khu rừng phòng hộ và rừng đặc dụng có chủ quản lý (tổ chức nhà nước, tư nhân hoặc cộng đồng) và có quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trung, dài hạn;
- 100% các đơn vị sản xuất kinh doanh rừng tự nhiên xây dựng, thực hiện và giám sát, đánh giá phương án điều chế rừng;
- Khoán quản lý bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cho các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn của các Ban quản lý rừng: 1,5 triệu ha;
- Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng: 800.000 ha, trong đó: khoanh nuôi chuyển tiếp: 400.000 ha; khoanh nuôi mới: 400.000 ha;
- Trồng rừng đặc dụng, phòng hộ: 250.000 ha; bình quân mỗi năm trồng 50.000 ha;
- Trồng rừng sản xuất: 750.000 ha, bình quân mỗi năm trồng 150.000 ha.
Tổng vốn đầu tư: 15.000 tỷ đồng, trong đó:
+ Ngân sách nhà nước: 5.000 tỷ đồng, bình quân mỗi năm 1.000 tỷ đồng;
+ Vốn vay và các nguồn vốn khác: 10.000 tỷ đồng, bình quân hàng năm 2.000 tỷ đồng.
II. SỬA ĐỔI ĐIỀU 5 NHƯ SAU:
Điều 5. Chính sách về đất đai:
1. Năm 2007, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành việc rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng theo Chỉ thị số 38/2005/CT-TTg , ổn định lâm phận quốc gia trên bản đồ và trên thực địa.
Đối với những diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trước đây đã được nhà nước đầu tư theo Chương trình 327 và Dự án 661, sau rà soát quy hoạch không bảo đảm tiêu chí là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ chuyển sang rừng sản xuất sẽ giao hoặc cho thuê đối với tổ chức, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn để quản lý, bảo vệ và phát triển sản xuất lâm nghiệp.
2. Sau khi rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng, các tỉnh tiến hành đóng mốc ranh giới các loại rừng trên thực địa; rà soát, điều chỉnh lại các dự án cơ sở trồng mới 5 triệu ha rừng; sắp xếp, đổi mới hoạt động của các lâm trường quốc doanh; rà soát và đẩy mạnh việc giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp; khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia bảo vệ và phát triển rừng.
3. Hạn mức giao, thời hạn giao, cho thuê đất, cho thuê rừng, thu hồi đất, thu hồi rừng thực hiện theo Luật Đất đai năm 2003, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, Nghị định số 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
III. Sửa đổi Điều 6 như sau:
Điều 6. Chính sách đầu tư và tín dụng đầu tư:
1. Vốn đầu tư ngân sách nhà nước.
- Hàng năm dành 5% kinh phí của dự án cho công tác quản lý, bảo vệ rừng (tuyên truyền giáo dục, tổ chức đào tạo, phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ lâm nghiệp cấp xã, tổ chức lực lượng bảo vệ rừng, phòng chữa cháy rừng, phòng trừ sâu bệnh rừng, giao đất, giao rừng...); mức chi cụ thể do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình thực tế của tỉnh quyết định .
- Tiếp tục thực hiện khoán bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ do các Ban quản lý đang quản lý ở những nơi có nguy cơ bị đe doạ cao mà chưa có khả năng hưởng lợi từ rừng. Mức hỗ trợ từ Trung ương cho ngân sách địa phương để khoán bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng bình quân là 100.000đ/ha/năm. Mức khoán và thời gian khoán cụ thể từng nơi do Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình thực tế quyết định (trừ những địa phương có quy định khác của Thủ tướng Chính phủ). Mức hỗ trợ 100.000 đ/ha/năm được áp dụng cho cả việc khoanh nuôi tự nhiên rừng;
- Kinh phí Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng được chi cho việc rà soát quy hoạch 3 loại rừng và đóng cọc mốc ranh giới;
- Đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng: việc đầu tư trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng có trồng bổ sung và làm giầu rừng tự nhiên được tính trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật lâm sinh theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; mức vốn đầu tư cụ thể đối với từng dự án, từng khu vực, thực hiện theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Suất đầu tư cho trồng rừng dùng để cân đối kế hoạch đầu tư từng năm từ 2007 - 2010 bình quân 6 triệu đồng/ha.
- Đối với trồng rừng sản xuất được hỗ trợ theo chính sách phát triển rừng sản xuất của Chính phủ.
- Đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc đối tượng của Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ ngoài việc được hưởng các quy định trên đây tùy theo là rừng phòng hộ hay rừng sản xuất, còn được hưởng các quyền lợi theo Quyết định số 304/2005/QĐ-TTg ngày 23 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ khi tham gia bảo vệ và phát triển rừng trên đất rừng được giao;
- Thực hiện cấp lương thực cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở miền núi trồng rừng thay thế nương rẫy:
+ Đối với nương rẫy không cố định chưa được cải tạo thành bậc thang và là nơi có độ dốc trên 25 độ thuộc đất quy hoạch rừng phòng hộ (khoảng 500.000 ha), nếu để trồng lúa và hoa mầu sẽ gây ra xói mòn, thoái hoá đất thì sẽ tiến hành trồng lại rừng phòng hộ;
+ Đối với nương rẫy nơi có độ dốc dưới 25 độ thuộc đất quy hoạch trồng rừng sản xuất (khoảng 260.000 ha); tiến hành trồng rừng sản xuất gồm cây lấy gỗ hoặc cây đặc sản phù hợp với điều kiện tự nhiên và thị trường tiêu thụ của từng địa phương.
Trong thời gian người dân làm rừng và chưa có điều kiện chuyển đổi phương thức canh tác, Nhà nước trợ cấp bình quân 10 kg gạo/khẩu/tháng để đủ ăn, đồng thời tiến hành cấp kinh phí theo quy định tùy theo trồng rừng phòng hộ hay rừng sản xuất để nhân dân trồng lại rừng trên đất nương rẫy. Khuyến khích trồng các loài cây đa mục đích và lâm sản ngoài gỗ trong các khu rừng phòng hộ. Mức cụ thể trên từng địa bàn giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định. Rừng trồng phòng hộ người dân được hưởng toàn bộ lâm sản dưới tán rừng và những sản phẩm là gỗ theo các quy định hiện hành, nếu có.
- Xây dựng một số công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ lâm sinh trong các dự án trồng rừng gồm:
+ Hỗ trợ xây dựng mới và nâng cấp vườn giống, rừng giống, rừng giống chuyển hóa, vườn ươm tạo giống cây rừng;
+ Xây dựng và nâng cấp các công trình phòng trừ sâu bệnh hại rừng, phòng chữa cháy rừng (đường ranh cản lửa, chòi canh lửa rừng, kênh mương, bể chứa nước, hồ đập để chữa cháy rừng trong mùa khô...);
+ Trạm bảo vệ rừng; làm mới và nâng cấp hệ thống đường lâm nghiệp (đường trục chính trong các khu trồng rừng nguyên liệu tập trung và các khu rừng phòng hộ).
Kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (cho lập kế hoạch vĩ mô hàng năm) bình quân là 10% tổng số vốn ngân sách đầu tư cho dự án. Mức đầu tư cụ thể theo từng dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Ủy ban nhân dân các tỉnh phê duyệt.
- Dành 2% tổng vốn ngân sách đầu tư hàng năm cho Dự án để tổ chức các hoạt động khuyến lâm: xây dựng mô hình, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thông tin, hướng dẫn tập huấn cho người làm nghề rừng tại địa bàn, phục vụ trực tiếp cho dự án;
- Kinh phí quản lý dự án trồng mới 5 triệu ha rừng được tính chung là 10% tổng vốn ngân sách đầu tư cho dự án: phân bổ cho các Bộ, ngành ở Trung ương là 0,7%, tỉnh là 1,3%, chủ dự án cơ sở là 8,0%;
- Các Ban quản lý dự án bao gồm giám đốc dự án, kế toán và cán bộ kế hoạch, kỹ thuật, cán bộ giám sát hiện trường dự án được bảo đảm quỹ lương từ chi phí dự án trong trường hợp chưa được bảo đảm bằng nguồn kinh phí hành chính sự nghiệp khác.
2. Về tín dụng đầu tư:
- Các lâm trường, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các tổ chức, hộ gia đình tham gia trồng rừng trong các dự án trồng rừng nguyên liệu được cấp có thẩm quyền phê duyệt được vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, vốn ODA của các nước, các tổ chức quốc tế và các nguồn vốn vay khác theo lãi suất ưu đãi hiện hành, thời gian vay theo chu kỳ của cây trồng, sau khi khai thác chính gỗ của chu kỳ đầu chủ rừng mới phải hoàn trả vốn và lãi theo hợp đồng tín dụng, không tính lãi gộp và có trách nhiệm tự trồng lại rừng;
- Khuyến khích mọi thành phần kinh tế; các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vốn vào trồng rừng. Nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất, bảo đảm điều kiện kinh doanh ổn định lâu dài trên đất được giao, được thuê theo các quy định hiện hành;
- Hình thành Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của Trung ương và địa phương từ các nguồn vốn khác nhau (vốn ngân sách, vốn ODA, thuế tài nguyên rừng, tài nguyên nước, điện, các dịch vụ môi trường, tín dụng các bon, du lịch sinh thái và các khoản đóng góp khác) để hỗ trợ đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng.
IV. BỔ SUNG ĐIỀU 13A NHƯ SAU:
Điều 13a về cơ chế giao kế hoạch
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao kế hoạch 3 năm (trong đó có phân kế hoạch hàng năm) cho các tỉnh; trên cơ sở đó các tỉnh giao kế hoạch cho các chủ dự án cơ sở để chủ động trong việc chuẩn bị đất đai, giống cây và trồng rừng bảo đảm hoàn thành dự án.
Điều 2. Ngoài việc sửa đổi các khoản mục tại các Điều 3, Điều 5, Điều 6 và bổ sung Điều 13a nêu trên, các điều khoản khác trong Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ giữ nguyên hiệu lực.
Điều 3. Sau khi hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2006 - 2010 đã được điều chỉnh, từ năm 2011 trở đi Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục bố trí nguồn vốn và điều hành chương trình bảo vệ và phát triển rừng theo cơ chế chương trình mục tiêu quốc gia để đạt được mục tiêu trồng mới 5 triệu ha rừng.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.