BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 100/2006/QĐ-BNN | Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA CỤC LÂM NGHIỆP
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Điều 19 Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và chức năng
Cục Lâm nghiệp là cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành lâm nghiệp trong phạm vi cả nước.
Cục Lâm nghiệp có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, có kinh phí hoạt động, được mở tài khoản theo qui định của pháp luật.
Trụ sở của Cục Lâm nghiệp đặt tại thành phố Hà Nội.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
Cục Lâm nghiệp được Bộ trưởng giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành lâm nghiệp về quản lý rừng, phát triển rừng, sử dụng rừng trong phạm vi cả nước, cụ thể như sau:
1. Trình Bộ trưởng dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Cục.
2. Trình Bộ trưởng chiến lược, quy hoạch phát triển, chính sách, kế hoạch năm năm và hàng năm, chương trình, dự án, đề án về lâm nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Cục.
3. Ban hành các văn bản hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ thuộc phạm vi quản lý của Cục.
4. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế kỹ thuật đã được phê duyệt và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chuyên ngành quản lý của Cục.
5. Về quản lý chuyên ngành lâm nghiệp:
a) Quản lý rừng:
- Quản lý công tác điều tra cơ bản lâm nghiệp: thẩm định và quản lý việc thực hiện các dự án điều tra cơ bản lâm nghiệp, đầu tư vùng nguyên liệu gắn với bảo quản và chế biến lâm sản theo quy hoạch;
- Hướng dẫn việc điều tra, xác định, phân định ranh giới các loại rừng trên bản đồ và trên thực địa đến phạm vi xã, phường, thị trấn;
- Quản lý quy hoạch tổng thể các loại rừng và đất lâm nghiệp;
- Tổng hợp việc theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và đất để phát triển rừng;
- Chủ trì thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp;
- Hướng dẫn lập, quản lý hồ sơ giao, cho thuê rừng và đất để phát triển rừng; hướng dẫn việc đăng ký, công nhận quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, quyền sử dụng rừng. Quản lý, theo dõi và tổng hợp công tác giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng gắn với giao và cho thuê đất lâm nghiệp.
b) Phát triển rừng:
- Quản lý quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án về trồng rừng, tu bổ, cải tạo rừng, khoanh nuôi tái sinh và làm giàu rừng.
- Chủ trì xây dựng quy trình, quy phạm, định mức kinh tế kỹ thuật về trồng rừng, cải tạo rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, nuôi dưỡng và làm giàu rừng;
- Tổ chức thực hiện hoạt động khuyến nông trong lĩnh vực lâm nghiệp theo phân công của Bộ trưởng.
c) Sử dụng rừng:
- Chỉ đạo việc xây dựng và phê duyệt phương án điều chế rừng tự nhiên và quản lý rừng bền vững;
- Trình Bộ kế hoạch hàng năm về khai thác gỗ và lâm sản khác;
- Thẩm định hồ sơ tổng hợp thiết kế khai thác gỗ rừng tự nhiên của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Phê duyệt khai thác gỗ rừng trồng thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước của các đơn vị trực thuộc Bộ;
- Hướng dẫn việc sử dụng gỗ và lâm sản khác;
- Theo dõi xuất khẩu, nhập khẩu gỗ và lâm sản khác; đề xuất biện pháp quản lý phù hợp;
- Tham gia quản lý về bảo quản, chế biến lâm sản.
d) Về giống cây lâm nghiệp:
- Điều tra, thống kê về giống cây trồng lâm nghiệp; thu thập, bảo tồn và sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp; quy trình, quy phạm, kỹ thuật, công nghệ về giống cây trồng lâm nghiệp;
- Quản lý chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp và các hoạt động kiểm định, kiểm nghiệm chất lượng giống cây lâm nghiệp; bình tuyển, công nhận vườn giống; khuyến cáo sử dụng giống cây lâm nghiệp mới;
- Cấp và thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận về giống cây lâm nghiệp theo thẩm quyền;
- Trình Bộ trưởng ban hành các Danh mục về giống cây trồng lâm nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh và các Danh mục khác theo quy định của pháp luật;
- Quản lý xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng lâm nghiệp;
- Quản lý việc chọn tạo, khảo nghiệm, kiểm nghiệm, sản xuất kinh doanh giống cây lâm nghiệp;
- Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu giống cây trồng lâm nghiệp.
đ) Thu thập thông tin, tổng hợp báo cáo, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý của Cục.
e) Quản lý về vật tư lâm nghiệp.
6. Về khoa học công nghệ:
a) Xây dựng trình Bộ trưởng chương trình, kế hoạch, đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ về lâm nghiệp; quản lý và tổ chức triển khai kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành của Cục.
b) Thống nhất quản lý về quỹ gen thực vật rừng, động vật rừng trong lâm nghiệp theo quy định của pháp luật.
c) Chủ trì, tham gia xây dựng tiêu chuẩn chất lượng giống cây lâm nghiệp, chất lượng sản phẩm lâm nghiệp, vật tư lâm nghiệp.
d) Tổ chức thu thập và quản lý thông tin khoa học công nghệ chuyên ngành.
đ) Thực hiện quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá chuyên ngành lâm nghiệp theo phân công của Bộ trưởng.
e) Tham gia xây dựng Danh mục thực vật, động vật rừng quý hiếm cần được bảo tồn.
g) Quản lý xuất nhập khẩu nguồn gen của cây trồng lâm nghiệp và động vật rừng phục vụ nghiên cứu, trao đổi khoa học, kỹ thuật.
7. Tham gia đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành.
8. Trình Bộ cơ chế, chính sách phát triển thị trường tiêu thụ lâm sản; tham gia xây dựng và dự báo định hướng về phát triển thị trường gỗ và lâm sản khác; tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thành tựu lâm nghiệp.
9. Xây dựng chương trình, dự án hợp tác quốc tế về lâm nghiệp; tham gia đàm phán để ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế và các tổ chức quốc tế về lâm nghiệp; tổ chức thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế theo phân công của Bộ trưởng.
10. Quản lý đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công về lâm nghiệp theo phân công của Bộ trưởng.
11. Tham gia quản lý hoạt động của các hội, tổ chức phi Chính phủ trong lĩnh vực lâm nghiệp theo phân công của Bộ trưởng.
12. Thanh tra, kiểm tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các vi phạm thuộc phạm vi quản lý của Cục.
13. Xây dựng và thực hiện chương trình cải cách hành chính của Cục theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính của Bộ.
14. Quản lý tổ chức, bộ máy, biên chế của Cục theo quy định; thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định.
15. Quản lý tài chính, tài sản và các nguồn lực khác được giao và tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định.
16. Thực hiện nhiệm vụ và tổ chức quản lý Văn phòng thường trực Ban Điều hành dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, Văn phòng đối tác Chương trình Hỗ trợ ngành lâm nghiệp; thực hiện nhiệm vụ Văn phòng thường trực Công ước chống sa mạc hoá; thực hiện Nghị định thư về phát triển lâm nghiệp cộng đồng khu vực châu Á Thái Bình Dương;
17. Thực hiện nhiệm vụ khác được Bộ trưởng giao.
Điều 3. Tổ chức bộ máy
1. Lãnh đạo Cục:
Lãnh đạo Cục có Cục trưởng và các Phó Cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ nhiệm.
Cục trưởng điều hành hoạt động của Cục, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trước pháp luật về hoạt động của Cục và về nhiệm vụ được giao.
Phó Cục trưởng giúp việc Cục trưởng, chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ được phân công. Số lượng Phó Cục trưởng không quá ba người.
2. Bộ máy quản lý của Cục:
a) Phòng Hành chính-Tổng hợp;
b) Phòng Thanh tra-Pháp chế;
c) Phòng Quản lý rừng;
d) Phòng Phát triển rừng;
e) Phòng Sử dụng rừng;
f) Bộ phận thường trực tại thành phố Hồ Chí Minh.
Các Phòng của Cục có Trưởng phòng và từ một đến hai Phó Trưởng phòng.
3. Các đơn vị trực thuộc
Giao Cục trưởng Cục Lâm nghiệp xây dựng đề án thành lập các đơn vị trực thuộc, trình Bộ trưởng quyết định.
Cục trưởng Cục Lâm nghiệp quy định nhiệm vụ cụ thể các Phòng và Bộ phận thường trực. Ban hành, tổ chức thực hiện Quy chế làm việc và phân công, bố trí cán bộ, công chức, viên chức của Cục phù hợp để đảm bảo thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được Bộ giao.
Điều 4. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Thay thế Quyết định số 91/2003/QĐ-BNN ngày 04 tháng 9 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Lâm nghiệp. Bãi bỏ các quy định trước đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trái với Quyết định này.
Điều 5. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.