ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2014/QĐ-UBND | Bình Thuận, ngày 19 tháng 3 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÂN CẤP QUẢN LÝ VÀ KHAI THÁC NGUỒN LỢI ĐIỆP QUẠT TẠI VÙNG BIỂN VEN BỜ XÃ PHƯỚC THỂ, HUYỆN TUY PHONG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31/3/2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển;
Căn cứ Thông tư số 25/2013/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 5 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển và qui định chi tiết Điều 3 của Nghị định số 53/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về lĩnh vực thủy sản;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 17/TTr-SNN ngày 26 tháng 02 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay phân cấp cho Ủy ban nhân dân huyện Tuy Phong quản lý vùng biển ven bờ thuộc xã Phước Thể, huyện Tuy Phong. Phạm vi vùng biển được phân cấp quản lý được giới hạn bởi các đoạn thẳng gấp khúc nối với các điểm có tọa độ như sau:
Điểm A: 11 o 13’00’’ & 108 o 45’00’’.
Điểm B: 11 o 17’11’’ & 108 o 46’03’’.
Điểm C: 11 o 12’00’’& 108 o 48’00’’.
Điểm D: 11 o 12’00’’ & 108 o 46’00’’.
Điều 2. Quyền hạn và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân địa phương.
1. Ủy ban nhân dân huyện Tuy Phong:
a) Chịu trách nhiệm triển khai quản lý các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại vùng biển ven bờ xã Phước Thể, huyện Tuy Phong nhằm mục tiêu tổ chức thực hiện Đề án “Xây dựng mô hình quản lý cộng đồng về bảo vệ, tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lợi Điệp quạt (Ch.nobilis) tại vùng biển ven bờ xã Phước Thể, huyện Tuy Phong” đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2635/QĐ-UBND ngày 28 tháng 10 năm 2013;
b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh tổ chức phổ biến, tuyên truyền và giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại vùng triển khai Đề án;
c) Thành lập Tổ cộng đồng quản lý và khai thác nguồn lợi Điệp quạt tại xã Phước Thể; xây dựng các quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi Điệp quạt; công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái tại vùng biển được phân cấp quản lý, khai thác;
d) Chỉ đạo các phòng chuyên môn của huyện và Ủy ban nhân dân xã Phước Thể tổ chức triển khai thực hiện đề án; hướng dẫn cho Ủy ban nhân dân xã Phước Thể tổ chức xây dựng Tổ cộng đồng quản lý khai thác nguồn lợi Điệp quạt tại vùng biển được giao đi vào hoạt động theo đúng quy định của pháp luật;
đ) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành chức năng của tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn Ủy ban nhân dân xã Phước Thể tổ chức phát triển mô hình quản lý có sự tham gia của cộng đồng đối với công tác quản lý nguồn lợi Điệp quạt tại vùng biển được giao; tổ chức công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác thủy sản trong phạm vi được phân cấp quản lý, triển khai các biện pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi Điệp quạt trong phạm vi vùng biển được phân cấp quản lý;
e) Phối hợp, đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý việc cấp giấy phép khai thác Điệp quạt tại vùng triển khai đề án theo Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04/5/2005 của Chính phủ về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản; thực hiện thông báo thời gian cấm và cho phép khai thác hàng năm theo quy định tại Thông tư số 62/2008/TT-BNN ngày 20/5/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những đối tượng thủy sản bị cấm khai thác có thời hạn trong năm;
g) Phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Đề án của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện đề án của Tổ cộng đồng; tham mưu xây dựng các quy định, biện pháp bảo vệ nguồn lợi Điệp quạt trong vùng biển đã được phân cấp quản lý; hướng dẫn, hỗ trợ Tổ cộng đồng tổ chức bộ máy và triển khai các hoạt động của đề án;
h) Chủ trì, phối hợp với các lực lượng liên quan của các sở, ngành triển khai thực hiện công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, an ninh kinh tế, an ninh nội bộ và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định tại vùng triển khai Đề án.
2. Ủy ban nhân dân xã Phước Thể:
a) Chủ trì xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ và khai thác nguồn lợi Điệp quạt của Tổ cộng đồng tại vùng biển triển khai đề án; các qui định về bảo vệ và khai thác nguồn lợi Điệp quạt, bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái trong vùng biển triển khai đề án; tổ chức phổ biến thông tin, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản;
b) Theo dõi, giám sát và hỗ trợ hoạt động của Tổ cộng đồng; việc tuân thủ các quy định của cộng đồng ngư dân tại địa phương; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ khi tham gia khai thác, sử dụng nguồn lợi Điệp quạt trong vùng biển được giao cộng đồng tổ chức bảo vệ và khai thác;
c) Phối hợp với các lực lượng chức năng của huyện tổ chức thực hiện giám sát các hoạt động đánh bắt gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản trong vùng triển khai đề án;
d) Tham mưu đề xuất với Ủy ban nhân dân huyện Tuy Phong những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ cộng đồng.
Điều 3. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành liên quan.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Thành lập Ban Quản lý Đề án “Xây dựng mô hình quản lý cộng đồng về bảo vệ, tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lợi Điệp quạt (Ch.nobilis) tại vùng biển ven bờ xã Phước Thể, huyện Tuy Phong” (gọi tắt là Ban Quản lý Đề án Điệp - BQLĐA Điệp); chỉ đạo hoạt động của Ban Quản lý Đề án Điệp;
b) Chỉ đạo Ban Quản lý Đề án Điệp phối hợp và hỗ trợ về chuyên môn cho Ủy ban nhân dân huyện Tuy Phong tổ chức triển khai thực hiện đề án có sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động khai thác nguồn lợi Điệp quạt theo quy định; hướng dẫn quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại vùng biển triển khai đề án; cung cấp thông tin, tài liệu và tổ chức hướng dẫn, tập huấn cho phòng chuyên môn cấp huyện về pháp luật bảo vệ nguồn lợi thủy sản;
c) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với BQLĐA Điệp tổ chức triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, vận động ngư dân; hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật, giám sát đánh giá môi trường, theo dõi sinh trưởng; hỗ trợ công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, trang bị kiến thức về an toàn thực phẩm cho ngư dân; hỗ trợ công tác xây dựng và thực hiện chương trình giám sát thu hoạch Điệp quạt tại vùng biển triển khai đề án theo quy định; phối hợp tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản;
d) Phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Tuy Phong trong việc chỉ đạo, hướng dẫn các phòng chuyên môn của huyện, Ủy ban nhân dân xã Phước Thể kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hoạt động khai thác có nguy cơ gây hại đến nguồn lợi thủy sản tại vùng biển triển khai đề án;
đ) Phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện Tuy Phong giám sát, quản lý việc tổ chức triển khai thực hiện đề án theo đúng mục tiêu và nội dung đã được phê duyệt;
e) Định kỳ 6 tháng, hàng năm hoặc đột xuất (khi cần thiết) tổ chức sơ kết nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm về kết quả thực hiện đề án, tổng hợp và báo cáo kết quả thực hiện cho Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: chỉ đạo các Đồn Biên phòng phối hợp với BQLĐA Điệp, các cơ quan chức năng của huyện Tuy Phong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động ngư dân tham gia mô hình; hỗ trợ Tổ cộng đồng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong vùng biển được phân cấp quản lý, khai thác.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các quy định và biện pháp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, quản lý bảo vệ môi trường tại vùng biển triển khai đề án;
b) Chỉ đạo cơ quan quản lý chuyên ngành phối hợp với BQLĐA Điệp và các cơ quan chức năng của địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý môi trường, đa dạng sinh học theo thẩm quyền; lồng ghép chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện công tác quản lý tổng hợp vùng bờ nhằm tạo sự hỗ trợ và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ cộng đồng.
4. Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng của ngành phối hợp với các cơ quan chức năng của các sở, ngành, địa phương thực hiện công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự và an ninh kinh tế, an ninh nội bộ. Tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm các quy định về an ninh, trật tự, các hoạt động mua bán nguồn lợi Điệp quạt trái pháp luật theo thẩm quyền.
5. Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ kế hoạch vốn hàng năm để thực hiện đề án trên cơ sở đề án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và đề nghị của cơ quan chủ quản đề án.
Điều 4. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong vùng biển triển khai đề án.
1. Nghiêm cấm khai thác các loài thủy sản thuộc danh mục cấm, kể cả cấm có thời hạn, các hoạt động khai thác thủy sản sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện dưới mọi hình thức và các công cụ đánh bắt, các nghề khai thác có tính chất tận diệt hoạt động trong vùng biển triển khai đề án. Các hoạt động khai thác nguồn lợi thủy sản phải theo đúng quy định của pháp luật, không được gây ảnh hưởng đến môi trường và nơi sinh sống của Điệp quạt.
2. Nghiêm cấm các hoạt động khai thác, hủy hoại trái phép các rạn đá ngầm, hệ sinh cảnh, công trình nhân tạo khác do cộng đồng xây dựng tạo nơi sinh sống cho Điệp quạt hoặc các phao, cờ hiệu đánh dấu vùng biển triển khai đề án.
3. Nghiêm cấm các hoạt động xả, thải, để rò rỉ các chất độc hại, ô nhiễm vào các vùng nước được giao vượt quá giới hạn quy định.
4. Nghiêm cấm các hoạt động vi phạm các qui định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với môi trường sống của các loài thủy sản tại vùng biển triển khai đề án.
5. Các hoạt động của Tổ cộng đồng không được vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường thủy nội địa, nơi neo đậu của tàu thuyền và các quy định khác của pháp luật có liên quan; không cản trở hoặc gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác đang hoạt động khai thác thủy sản tại vùng biển triển khai đề án, trừ trường hợp bất khả kháng.
6. Các tổ chức, cá nhân vi phạm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, tổn thất về môi trường và nguồn lợi thủy sản do mình gây ra để xử lý, khắc phục, tái tạo môi trường và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 6. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phước Thể và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.