ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2008/QĐ-UBND | Đà Lạt, ngày 21 tháng 3 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGUYÊN LIỆU GỖ TRÒN KHAI THÁC TỪ RỪNG TRỒNG CHO CÁC DOANH NGHIỆP CHẾ BIẾN TINH CHẾ GỖ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03/12/2004;
Căn cứ Chỉ thị số 19/2004/CT-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp phát triển ngành chế biến gỗ và xuất khẩu sản phẩm gỗ;
Căn cứ Quyết định số 40/2005/QĐ-BNN ngày 07 tháng 7 năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy chế về khai thác gỗ và lâm sản khác;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 16/TTr-SNN ngày 30 tháng 01 năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này bản quy định một số chính sách ưu đãi nguyên liệu gỗ tròn khai thác từ rừng trồng cho các doanh nghiệp chế biến tinh chế gỗ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 193/2004/QĐ-UB ngày 20 tháng 10 năm 2004 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc ban hành Bản quy định về một số chính sách ưu đãi nguyên liệu gỗ tròn khai thác từ rừng trồng cho các doanh nghiệp chế biến tinh chế gỗ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Các quy định trước đây của UBND tỉnh về quản lý, tiêu thụ gỗ tròn khai thác từ rừng trồng bằng vốn ngân sách Nhà nước trái với quyết định này đều hết hiệu lực thi hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công nghiệp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm; Giám đốc các Công ty Lâm nghiệp (hoặc Lâm trường); Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà; Trưởng các Ban Quản lý rừng; Trưởng Ban Quản lý Khu du lịch hồ Tuyền Lâm; Trưởng Ban Quản lý Khu du lịch Đan Kia - Suối Vàng; Giám đốc Công ty Cổ phần Giống Lâm nghiệp vùng Tây Nguyên; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc và thành phố Đà Lạt; Thủ trưởng các đơn vị quản lý rừng khác, các ngành và các đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGUYÊN LIỆU GỖ TRÒN KHAI THÁC TỪ RỪNG TRỒNG CHO CÁC DOANH NGHIỆP CHẾ BIẾN TINH CHẾ GỖ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2008/QĐ-UBND ngày 21 tháng 3 năm 2008 của UBND tỉnh Lâm Đồng)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Nguyên tắc chung
1. Tất cả các trường hợp bán gỗ tròn có nguồn gốc từ khai thác, tỉa thưa từ rừng trồng bằng vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đều phải thực hiện theo quy định này nhằm mục tiêu:
- Tạo nguồn nguyên liệu ổn định, có chất lượng tốt cho đơn vị tinh chế gỗ.
- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thiết bị, công nghệ chế biến gỗ tinh chế, đa dạng, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm sau chế biến.
2. Nguyên tắc ưu đãi: Các đơn vị tinh chế gỗ có nguồn gỗ tròn từ rừng trồng được ưu đãi theo quyết định này phải đưa vào chế biến tinh chế 100% tại xưởng, nhà máy chế biến của đơn vị đã đầu tư trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Doanh nghiệp chế biến tinh chế gỗ: là doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có đầu tư tối thiểu từ công nghệ sản xuất ván ghép, chi tiết sản phẩm mộc hoàn chỉnh, hàng mộc, chi tiết hàng thủ công mỹ nghệ và sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
2. Tổ chức đấu giá hạn chế bán gỗ tại bãi giao: là tổ chức đấu giá gỗ rừng trồng tại bãi giao mà chỉ gồm các doanh nghiệp chế biến tinh chế gỗ có xây dựng nhà xưởng và tổ chức sản xuất chế biến tinh chế gỗ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
3. Sản phẩm ván ghép: từ những mẩu gỗ nhỏ ghép thành các thanh và từ những thanh ghép ghép thành tấm ván hoặc thanh gỗ khác.
4. Chi tiết sản phẩm mộc hoàn chỉnh: là những bộ phận đã qua chà nhám, chỉ còn trang trí bề mặt bằng các chất liệu khác và sau đó chỉ cần lắp ráp với các chi tiết khác để trở thành sản phẩm mộc hoàn chỉnh.
5. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ: là các sản phẩm gỗ hoàn chỉnh được sản xuất bằng phương pháp thủ công hoặc thủ công kết hợp máy được hoàn thiện bằng công nghệ đục, chạm trổ, khắc, khảm, tiện, đã trang trí bề mặt ít nhất từ đánh nhám trở lên.
6. Sản phẩm hàng mộc: là sản phẩm bàn, ghế, giường, tủ, khay, kệ, trục mành, hộp đựng dao, ... mà người tiêu dùng mua về là sử dụng được ngay.
7. Chủ gỗ: Là đơn vị có gỗ tròn khai thác từ rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước bao gồm Công ty Lâm nghiệp (hoặc Lâm trường), Ban Quản lý rừng, cơ quan Kiểm lâm, đơn vị sự nghiệp, tổ chức được Nhà nước giao rừng để quản lý bảo vệ và sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Điều 3. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh
Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế hoạt động chế biến gỗ, Ban Quản lý rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có đầu tư tối thiểu là công nghệ sản xuất ván ghép, chi tiết sản phẩm mộc hoàn chỉnh, hàng mộc, chi tiết hàng thủ công mỹ nghệ và sản phẩm thủ công mỹ nghệ (sau đây gọi chung là đơn vị tinh chế gỗ) được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng kiểm tra, xác nhận bằng văn bản.
Đối với gỗ là gỗ tròn được khai thác, tỉa thưa từ rừng trồng được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước có cấp kính đầu lớn từ 10 cm trở lên.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI
Điều 4. Chính sách ưu đãi cụ thể đối với các đơn vị tinh chế gỗ
Đơn vị tinh chế gỗ được hưởng các chính sách ưu đãi sau đây:
1. Được ưu tiên chỉ định mua nguyên liệu gỗ rừng trồng đối với các trường hợp theo quy chế đấu giá bán gỗ tròn của tỉnh không bắt buộc phải bán đấu giá.
2. Được tham gia đấu giá hạn chế đối với các trường hợp nguyên liệu gỗ rừng trồng phải tổ chức bán đấu giá.
Điều 5. Trình tự tổ chức xác định giá bán gỗ, nghiệm thu, tiêu thụ
Các Doanh nghiệp, Ban Quản lý rừng, tổ chức, cá nhân chỉ bán gỗ tròn được phép khai thác, tỉa thưa rừng trồng được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước cho các đơn vị tinh chế gỗ bằng hình thức chỉ định mua gỗ tròn tại bãi giao đối với các trường hợp không bắt buộc bán đấu giá hoặc bán đấu giá hạn chế đối với các trường hợp bắt buộc phải bán đấu giá.
Đối với các Công ty Lâm nghiệp (hoặc Lâm trường), Ban Quản lý rừng có cơ sở sản xuất chế biến tinh chế gỗ thì được để lại khối lượng gỗ khai thác rừng trồng đủ sản xuất chế biến theo đề án được duyệt. Trong trường hợp chế biến không hết thì phải tổ chức bán đấu giá hoặc không qua đấu giá theo đúng quy định về ưu đãi nguyên liệu gỗ rừng trồng quy định tại quy chế này.
1. Đối với khối lượng gỗ bắt buộc bán đấu giá:
a) Khi có giấy phép khai thác, tỉa thưa thì chủ gỗ phải lập thủ tục trình duyệt giá khởi điểm và ngay sau khi có văn bản duyệt giá khởi điểm, chủ gỗ phải thông báo mời dự đấu giá, tổ chức đấu giá hạn chế cho các đơn vị tinh chế gỗ theo những quy định hiện hành và chỉ tiến hành khai thác, tỉa thưa sau khi ký kết xong hợp đồng mua bán với đơn vị trúng thầu.
b) Đúng thời gian tổ chức đấu giá mà không có đơn vị tinh chế gỗ nào tham gia đấu giá mua gỗ tại bãi giao; hoặc đấu giá trúng mà không ký kết hợp đồng, không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo các quy định thì chủ gỗ được quyền tổ chức đấu giá bán gỗ tại bãi giao với tất cả các đơn vị được quyền tham gia đấu giá gỗ theo quy định hiện hành của Nhà nước.
2. Đối với khối lượng gỗ không bắt buộc phải bán đấu giá:
a) Khi có giấy phép khai thác, tỉa thưa thì chủ gỗ phải hoàn chỉnh các thủ tục về giá, thông báo trong thời gian 10 ngày cho các đơn vị tinh chế gỗ để chọn đơn vị mua gỗ, tiến hành ký kết hợp đồng mua bán gỗ, sau đó mới được tiến hành khai thác.
b) Sau khi chủ gỗ thông báo cho các đơn vị tinh chế gỗ, mà các đơn vị tinh chế gỗ không thống nhất giá gỗ, không đến ký kết hợp đồng mua bán thì chủ gỗ được quyền giải quyết bán lô gỗ đó cho các đơn vị khác theo nguyên tắc giá bán phải bằng hoặc lớn hơn giá gỗ đưa ra thoả thuận với các đơn vị tinh chế gỗ cho tất cả các đơn vị được quyền tham gia mua gỗ theo quy định hiện hành của Nhà nước.
3. Thời gian khai thác, nghiệm thu, kiểm tra xác nhận, tiêu thụ gỗ tròn:
Thời gian khai thác, nghiệm thu, kiểm tra xác nhận, xuất kho tiêu thụ gỗ tròn rừng trồng không quá 20 ngày; trong đó:
a) Khai thác, đo đếm, lập lý lịch (nếu đủ tiêu chuẩn lập lý lịch gỗ tròn) không quá 15 ngày/đợt (do chủ gỗ thực hiện ).
b) Kiểm tra, xác nhận lý lịch gỗ tròn không quá 03 ngày sau khi có đề nghị của chủ gỗ (do cơ quan Kiểm lâm thực hiện ).
c) Viết hóa đơn, phiếu xuất kho, thu tiền, giao gỗ cho khách hàng (đơn vị mua gỗ) không quá 02 ngày sau khi cơ quan Kiểm lâm đã lập biên bản xác nhận (do chủ gỗ phối hợp cùng khách hàng thực hiện).
Điều 6. Trách nhiệm của đơn vị tinh chế gỗ được ưu đãi
1. Điều kiện về công nghệ:
Đơn vị là doanh nghiệp chế biến tinh chế gỗ, Công ty lâm nghiệp (hoặc Lâm trường), Ban Quản lý rừng có đầu tư dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị để chế biến các sản phẩm sau:
a) Ván ghép;
b) Chi tiết sản phẩm mộc hoàn chỉnh.
c) Sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
d) Sản phẩm hàng mộc.
đ) Chi tiết hàng thủ công mỹ nghệ hoàn chỉnh.
2. Các doanh nghiệp chế biến tinh chế gỗ không được xuất bán gỗ tròn, gỗ xẻ đơn thuần từ nguyên liệu gỗ rừng trồng khi được ưu tiên mua và đấu giá bán hạn chế thuộc quyết định này dưới bất cứ hình thức nào.
3. Nghĩa vụ tài chính khi mua gỗ:
a) Đối với những lô gỗ không phải bán đấu giá:
Thời gian tối đa không quá 07 ngày kể từ ngày ký kết hợp đồng mua bán với chủ gỗ, đơn vị tinh chế gỗ phải nộp một khoản tiền mua gỗ bằng 30% tổng giá trị lô gỗ cho chủ gỗ để chủ gỗ tiến hành khai thác. Số tiền này sẽ được trừ dần vào tiền xuất bán 30% số lượng gỗ ở đợt sau cùng của hợp đồng.
b) Đối với lô gỗ phải tổ chức bán đấu giá:
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày trúng đấu giá, đơn vị tinh chế gỗ trúng thầu phải ký hợp đồng mua bán và đóng trước một khoản tiền mua gỗ bằng 30% giá trị lô gỗ (bao gồm cả tiền đặt trước để dự đấu giá) cho chủ gỗ. Số tiền này sẽ được trừ dần vào tiền xuất bán 30% số lượng gỗ ở đợt sau cùng của hợp đồng.
Điều 7. Xử lý vi phạm
1. Trường hợp các đơn vị tinh chế gỗ bỏ cuộc theo các quy định đấu thầu, đấu giá gỗ hiện hành của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng mà đơn vị tinh chế gỗ đơn phương không tiếp tục thực hiện hợp đồng và sau 07 ngày khi chủ gỗ gửi văn bản (tính từ ngày có xác nhận của bưu điện nơi đến đối với trường hợp gửi bằng đường bưu điện hoặc tính từ ngày ký nhận văn bản đối với trường hợp gửi trực tiếp) yêu cầu đơn vị tinh chế gỗ tiếp tục thực hiện hợp đồng mà đơn vị tinh chế gỗ vẫn không chịu tiếp tục thực hiện, thì số tiền nộp trước còn lại của đơn vị tinh chế gỗ sẽ bị thu sung quỹ Nhà nước và được xử lý như sau:
a) Đối với đơn vị chủ gỗ là các Ban Quản lý rừng, đơn vị sự nghiệp được Nhà nước giao rừng chỉ để quản lý bảo vệ: nộp 100% vào ngân sách Nhà nước;
b) Đối với chủ gỗ là các Công ty lâm nghiệp, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được giao rừng để quản lý bảo vệ và sản xuất kinh doanh: được để lại đơn vị và hạch toán theo chế độ hiện hành.
2. Trường hợp đơn vị tinh chế gỗ xuất bán gỗ tròn, gỗ xẻ ra ngoài tỉnh hoặc tự ý bỏ cuộc theo các quy định đấu thầu, đấu giá gỗ hiện hành của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, hoặc tự ý không thực hiện hợp đồng đã ký với chủ gỗ đối với nguồn nguyên liệu ưu đãi theo quyết định này, ngoài việc không được nhận lại số tiền đặt trước nêu tại Khoản 1 - Điều này còn bị xử lý tước quyền ưu đãi trong vòng 01 năm kể từ ngày vi phạm.
Điều 8. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Hội đồng định giá, bán đấu giá lâm sản; đơn vị chủ gỗ
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Kiểm tra, xác nhận cho các đơn vị tinh chế gỗ có xây dựng nhà xưởng, tổ chức sản xuất các loại sản phẩm ván ghép; chi tiết sản phẩm mộc hoàn chỉnh; hàng mộc; sản phẩm thủ công mỹ nghệ; chi tiết hàng thủ công mỹ nghệ ở trong địa bàn tỉnh Lâm Đồng để làm cơ sở cho việc thực hiện ưu đãi.
b) Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm; Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã Bảo Lộc và thành phố Đà Lạt:
- Kiểm tra, xác nhận lý lịch gỗ theo quy định hiện hành cho chủ gỗ, thời gian thực hiện công việc này không được quá 03 ngày làm việc kể từ ngày Hạt Kiểm lâm sở tại nhận được lý lịch gỗ đã khai thác và giấy mời kiểm tra của chủ gỗ.
- Hạt Kiểm lâm sở tại nơi có xưởng, nhà máy của các đơn vị tinh chế gỗ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát không cho phép các đơn vị tinh chế gỗ xuất bán gỗ tròn và gỗ xẻ khi sử dụng nguyên liệu gỗ tròn từ rừng trồng được ưu đãi theo quyết định này dưới bất cứ hình thức nào, chỉ cho xuất bán các loại sản phẩm quy định theo nội dung tại Điều 6 của Quyết định này.
2. Hội đồng định giá, bán đấu giá lâm sản:
Kể từ khi nhận được hồ sơ trình duyệt giá của chủ gỗ theo quy định, trong vòng 07 ngày Hội đồng định giá, bán đấu giá lâm sản phải tổ chức xét duyệt xong và ra thông báo bằng văn bản để tổ chức thực hiện việc đấu thầu, đấu giá bán gỗ tròn theo các quy định hiện hành.
3. Đơn vị chủ gỗ:
a) Có kế hoạch khai thác, nghiệm thu, tiêu thụ đảm bảo thời gian tại Khoản 3 - Điều 5 của Quy định này.
b) Kiểm tra đôn đốc việc thực hiện hợp đồng của đơn vị mua gỗ.
c) Chỉ được xuất gỗ khi bên mua gỗ đã nộp đủ tiền theo từng đợt nghiệm thu, xuất kho.
Điều 9. Các quy định khác có liên quan
Khối lượng gỗ bắt buộc phải duyệt giá, bán đấu giá, khối lượng gỗ được phép không duyệt giá, không bắt buộc bán đấu giá; nguyên tắc, trình tự bán gỗ, đấu giá gỗ khai thác, tỉa thưa rừng trồng không quy định tại Quyết định này thì thực hiện theo quy định về phân công quản lý, phân cấp duyệt giá, đấu thầu, đấu giá bán lâm sản tận thu, tận dụng của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng.
Chương III
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 10. Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quy định này, có nhiều thành tích trong việc góp phần phát triển chế biến tinh chế gỗ trên địa bàn tỉnh thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân vi phạm các nội dung tại quy định này thì tùy theo đối tượng, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật./-
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.