ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2007/QĐ-UBND | Đông Hà, ngày 15 tháng 6 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20/5/1998;
Căn cứ Nghị định số 179/1999/NĐ-CP ngày 30/12/1999 của Chính phủ Quy định việc thi hành Luật Tài nguyên nước; Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27/7/2004 của Chính phủ Quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; Nghị định số 34/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước;
Căn cứ Quyết định số 17/2006/QĐ-BTNMT ngày 12/10/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy định về cấp phép hành nghề khoan nước dưới đất;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 1189/STNMT-KSN ngày 18/12/2006,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau mười (10) ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2007/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2007 của UBND tỉnh Quảng Trị)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy định này hướng dẫn và quy định chi tiết thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước trong công tác quản lý, bảo vệ và các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước (Trừ nước khoáng và nước nóng thiên nhiên), xả nước thải vào nguồn nước và công trình thủy lợi, hành nghề khoan nước dưới đất (Gọi chung là hoạt động tài nguyên nước) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
2. Quy định này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước; các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hoạt động tài nguyên nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến quản lý, bảo vệ tài nguyên nước.
Điều 2. Quản lý, bảo vệ và sử dụng tài nguyên nước
1. Tài nguyên nước thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Các tổ chức, cá nhân hoạt động tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh được điều chỉnh bởi các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước và quy định này.
2. Bảo vệ tài nguyên nước là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội, các tổ chức kinh tế, khoa học- kỹ thuật, lực lượng vũ trang và mọi công dân.
3. Nghiêm cấm các hành vi làm suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước. Ngăn cản trái phép sự lưu thông của nước. Phá hoại công trình bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và cản trở quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân.
Điều 3. Chính sách về tài nguyên nước
Chính sách về tài nguyên nước thực hiện theo quy định của Luật Tài nguyên nước, ngoài ra tỉnh còn có một số chính sách cụ thể là:
1. Khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các công trình thủy điện quy mô nhỏ theo quy hoạch đã được phê duyệt.
2. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, hỗ trợ các dự án cấp nước sinh hoạt cho các đô thị, khu dân cư tập trung, các vùng khan hiếm nước sạch, địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn.
3. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư các chương trình, dự án phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn và các hoạt động bảo vệ, chống ô nhiễm nguồn nước.
4. Huy động các nguồn lực của xã hội và khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các hệ thống công trình thủy lợi, các công trình cấp thoát nước nông thôn, hệ thống đê điều nhằm phát triển tài nguyên nước trong tỉnh theo hướng bền vững.
Chương II
THẨM QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC
Điều 4. Thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của UBND các cấp
1. Thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của UBND tỉnh được quy định tại Điều 58 Luật Tài nguyên nước và Điều 15 Nghị định số 179/1999/NĐ-CP ngày 30/12/1999 của Chính phủ Quy định việc thi hành Luật Tài nguyên nước.
2. Thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của UBND huyện, thị xã và UBND xã, phường, thị trấn như sau:
- Xây dựng kế hoạch bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát triển tài nguyên nước. Kế hoạch phòng, chống và khắc phục hậu quả do nước gây ra tại địa bàn;
- Có các biện pháp huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để phòng, chống, khắc phục hậu quả lũ lụt, hạn hán. Xử lý sự cố công trình thủy lợi trên địa bàn theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền;
- Có ý kiến thỏa thuận về địa điểm, phạm vi, diện tích đề nghị hoạt động tài nguyên nước tại địa phương của tổ chức, cá nhân;
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước tại địa phương;
- Tổ chức công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động tài nguyên nước. Giải quyết hoặc tham gia giải quyết các tranh chấp về tài nguyên nước và xử lý các vi phạm pháp luật về tài nguyên nước tại địa phương theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 34/2005/NĐ-CP ngày 17/3/2005 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và các quy định khác của pháp luật;
- Tổ chức đăng ký các công trình khai thác nước dưới đất quy định tại khoản 4 Điều 13 quy định này.
Điều 5. Thẩm quyền và trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:
1. Hướng dẫn, tiếp nhận và thẩm định trình UBND tỉnh cấp, gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung, đình chỉ hiệu lực và thu hồi giấy phép hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất theo thẩm quyền quy định của pháp luật.
2. Tham gia xây dựng phương án phòng, chống, khắc phục hậu quả lũ lụt, hạn hán, xử lý các sự cố công trình thủy lợi và các tác hại khác do nước gây ra trên địa bàn tỉnh.
3. Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ, quản lý khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước.
4. Phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện công tác điều tra cơ bản, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước theo hướng dẫn của cơ quan cấp trên.
5. Hướng dẫn, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước.
6. Tổ chức công tác Thanh tra, kiểm tra về tài nguyên nước, giải quyết hoặc tham gia giải quyết tranh chấp và xử lý các vi phạm pháp luật về tài nguyên nước theo thẩm quyền quy định tại Điều 62 Luật Tài nguyên nước và các quy định khác của pháp luật.
7. Phối hợp với Sở Tài chính xây dựng và trình HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành Quy định về phí và lệ phí trong hoạt động tài nguyên nước theo Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ. Tổ chức thu, nộp, quản lý, sử dụng phí và lệ phí trong hoạt động tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.
8. Đề xuất các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước, các biện pháp quản lý hoạt động tài nguyên nước.
9. Phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm định các dự đầu tư khai thác tài nguyên nước phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Điều 6. Thẩm quyền và trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Hướng dẫn, tiếp nhận và thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi, trình UBND tỉnh cấp giấy phép theo Quyết định số 56/2004/QĐ-BNN ngày 01/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về thẩm quyền, thủ tục cấp giấy phép xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi.
2. Là cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh.
3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công tác kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước, quản lý quy hoạch lưu vực sông, quy hoạch phát triển các hệ thống công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, quy hoạch phát triển rừng và chịu trách nhiệm thẩm định các dự án trên địa bàn tỉnh theo quy định hiện hành.
4. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành có liên quan thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.
5. Quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; công trình đê điều và phòng, chống lụt, bão; công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
6. Phối hợp thực hiện công tác Thanh tra, kiểm tra, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực pháp luật về tài nguyên nước.
Điều 7. Thẩm quyền và trách nhiệm của các Sở, Ban, ngành có liên quan
1. Sở Công nghiệp: Xây dựng quy hoạch hệ thống thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện. Xây dựng quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, phương án bảo đảm an toàn công trình thủy công của công trình thủy điện, khai thác tổng hợp nguồn nước trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Sở Giao thông- Vận tải: Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch mạng lưới giao thông đường thủy và xây dựng các công trình giao thông thủy.
3. Sở Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch cấp, thoát nước đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư tập trung.
4. Sở Thủy sản: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng tổ chức thực hiện quy hoạch bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước cho việc phát triển thủy sản.
5. Các Sở, Ban, ngành có ý kiến thỏa thuận về địa điểm, diện tích khu vực thăm dò, khai thác tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước khi cơ quan có thẩm quyền đề nghị.
6. Trong quá trình lập quy hoạch ngành, lĩnh vực hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình có liên quan đến tài nguyên nước phải có ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước.
7. Các Sở, Ban, ngành có liên quan trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên nước có hiệu quả.
Chương III
QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG TÀI NGUYÊN NƯỚC
Điều 8. Bảo vệ tài nguyên nước
1. Công tác bảo vệ tài nguyên nước tuân thủ theo quy định tại các Điều 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18 và 19 Luật Tài nguyên nước.
2. Tổ chức, cá nhân xả nước thải vào nguồn nước, công trình thủy lợi phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép (Trừ trường hợp xả nước thải trong phạm vi gia đình không vượt quá 10m3/ngày đêm).
3. Cấm xả nước thải, đưa các chất gây ô nhiễm vào vùng bảo hộ vệ sinh của khu vực lấy nước sinh hoạt. Vùng bảo hộ vệ sinh được quy định cụ thể cho từng công trình cấp nước sinh hoạt và được UBND tỉnh phê duyệt.
4. Khu vực nghĩa địa, chôn lấp các chất thải, phế thải, chất độc hại từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, khu du lịch, khu dân cư tập trung, bệnh viện, khu chăn nuôi và giết mổ gia súc có quy mô lớn phải được quy hoạch nằm xa các vùng dân cư, các nguồn nước đang khai thác và tuân theo các quy định của Luật Tài nguyên nước và Luật Bảo vệ môi trường.
5. Nghiêm cấm các hành vi gây bồi lấp dòng chảy, xói lở bờ sông, bờ biển. Việc san lấp ao, hồ, đầm nơi công cộng phải được cơ quan quản lý tài nguyên nước thẩm định trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Điều 9. Khai thác và sử dụng tài nguyên nước
1. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải tuân thủ các Điều 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34 và 35 Luật Tài nguyên nước.
2. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải có giấy phép được cơ quan có thẩm quyền cấp (Trừ trường hợp không phải cấp phép quy định tại Điều 13 của Quy định này), phải chấp hành các quy định đã ghi trong giấy phép và các quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 10. Thực hiện nghĩa vụ tài chính trong hoạt động tài nguyên nước
1. UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường trách nhiệm thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định, lệ phí cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất và phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp.
2. Các tổ chức, cá nhân hoạt động tài nguyên nước phải nghiêm chỉnh chấp hành các nghĩa vụ đóng góp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Thẩm định đề án, báo cáo trong hoạt động tài nguyên nước
1. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thẩm định các đề án, báo cáo thăm dò nước dưới đất, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và trình UBND tỉnh cấp giấy phép theo thẩm quyền.
2. Trường hợp cần thiết Sở Tài nguyên và Môi trường có thể thành lập Hội đồng thẩm định, lấy ý kiến của các cơ quan liên quan.
Điều 12. Chế độ báo cáo trong hoạt động tài nguyên nước
1. Định kỳ 6 tháng một lần, các tổ chức, cá nhân hoạt động tài nguyên nước lập báo cáo kết quả hoạt động gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường.
Lần thứ nhất: Chậm nhất vào ngày 20 tháng 6;
Lần thứ hai: Chậm nhất vào ngày 20 tháng 12;
Nội dung báo cáo phải đầy đủ, bảo đảm thông tin chính xác theo nội dung giấy phép được cấp.
2. Ngoài việc báo cáo định kỳ tại điểm 1 Điều này, tổ chức, cá nhân được phép hoạt động tài nguyên nước phải lập báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước.
3. Hàng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường lập báo cáo về tình hình cấp phép, thực hiện giấy phép hoạt động tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh gửi Cục Quản lý Tài nguyên nước và UBND tỉnh.
4. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết các nội dung báo cáo định kỳ.
Chương IV
CẤP PHÉP HOẠT ĐỘNG TÀI NGUYÊN NƯỚC
Điều 13. Các trường hợp không phải xin cấp giấy phép
1. Khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong phạm vi gia đình không nhằm mục đích kinh doanh:
a) Khai thác, sử dụng nước dưới đất với lưu lượng không lớn hơn 20m3/ngày đêm;
b) Khai thác, sử dụng nước mặt với lưu lượng không lớn hơn 100m3/ngày đêm cho các mục đích không phải là phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và phát điện;
c) Khai thác, sử dụng nước mặt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp với lưu lượng không lớn hơn 0,02m3/s (Tương đương 72m3/giờ);
d) Khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện không làm chuyển đổi dòng chảy với công suất lắp máy không lớn hơn 50KW;
đ) Khai thác, sử dụng nước mưa, nước mặt, nước biển trong phạm vi diện tích đất đã được giao, được thuê theo quy định của Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước và các quy định khác của pháp luật.
2. Khai thác, sử dụng tài nguyên nước không nhằm mục đích kinh doanh phục vụ các hoạt động lâm nghiệp, giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, hải sản, sản xuất muối, thể thao, giải trí, du lịch, y tế, an dưỡng, nghiên cứu khoa học.
3. Xả nước thải vào nguồn nước trong phạm vi sinh hoạt của gia đình có lưu lượng không lớn hơn 10m3/ngày đêm.
4. Các trường hợp khai thác, sử dụng nước dưới đất tại điểm a khoản 1 Điều này phải đăng ký với UBND xã hoặc phòng Tài nguyên và Môi trường của huyện về địa điểm, mục đích sử dụng, lưu lượng khai thác và độ sâu giếng khoan khai thác.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn mẫu hồ sơ, thủ tục đăng ký.
Điều 14. Hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất; giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt; giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất
1. Hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, thay đổi thời hạn, điều chỉnh nội dung giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất, giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất được lập theo quy định tại khoản 1 Điều 19; khoản 1 Điều 20; khoản 1 Điều 21; khoản 1 Điều 22; khoản 1 Điều 23 Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27/7/2004 của Chính phủ và Điều 13 Quyết định số 17/2006/QĐ-BTNMT ngày 12/10/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Thông tư số 02/2005/TT-BTNMT ngày 24/6/2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các mẫu hồ sơ liên quan thực hiện theo hướng dẫn tại phụ lục Thông tư số 02/2005/TT-BTNMT ngày 24/6/2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Có văn bản thỏa thuận của UBND xã, phường, thị trấn; UBND huyện, thị xã nơi có công trình thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.
Điều 15. Trình tự thực hiện việc cấp giấy phép hoạt động tài nguyên nước theo thẩm quyền của UBND tỉnh
1. Thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 19; khoản 2 Điều 20; khoản 2 Điều 21; khoản 2 Điều 22; khoản 2 Điều 23 Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27/7/2004 của Chính phủ và khoản 2, 3, 4 Điều 13 Quyết định số 17/2006/QĐ-BTNMT ngày 12/10/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tiếp nhận hồ sơ hợp lệ của tổ chức, cá nhân theo cơ chế “1 cửa” tại phòng tiếp nhận và bàn giao hồ sơ theo lịch đã được công khai ở nơi làm việc.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan trao giấy phép cho tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép hoạt động tài nguyên nước sau khi đã được UBND tỉnh quyết định.
4. Không quá bảy (7) ngày kể từ ngày giấy phép có hiệu lực, tổ chức, cá nhân được cấp phép phải đến Sở Tài nguyên và Môi trường để đăng ký, hoàn tất các thủ tục và thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật trước khi triển khai hoạt động.
Điều 16. Trình tự hoạt động tài nguyên nước đối với các trường hợp được cấp giấy phép thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường
1. Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và báo cáo UBND tỉnh có văn bản thỏa thuận với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ có liên quan.
2. Sau khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép hoạt động tài nguyên nước, tổ chức, cá nhân phải báo cáo kế hoạch hoạt động cho UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện kèm theo giấy phép, Đề án hoặc Báo cáo thăm dò nước dưới đất, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và bản đồ vị trí khu vực công trình hoạt động tài nguyên nước.
3. Tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động tài nguyên nước phải thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật trong quá trình triển khai và kết thúc hoạt động.
Các giấy phép hoạt động tài nguyên nước chỉ được thực hiện sau khi có sự kiểm tra và xác nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Chương V
THANH TRA, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, XỬ LÝ VI PHẠM, KHEN THƯỞNG
Điều 17. Thanh tra chuyên ngành về tài nguyên nước
1. Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.
Nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của thanh tra chuyên ngành về tài nguyên nước thực hiện theo quy định tại Luật Thanh tra; Luật Tài nguyên nước; Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 34/2005/NĐ-CP ngày 17/7/2005 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước.
2. UBND cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm
Giám sát, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tài nguyên nước ở địa phương mình quản lý; phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc hòa giải các tranh chấp về tài nguyên nước phù hợp với các quy định của pháp luật;
Thực hiện xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý nhà nước về tài nguyên nước, có biện pháp hoặc đề xuất các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước và có quyền đình chỉ các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất tại địa bàn không có giấy phép theo quy định của pháp luật.
3. Trong quá trình hoạt động thanh tra, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành có trách nhiệm phối hợp với thanh tra các ngành, các cấp và UBND cấp huyện, cấp xã trong hoạt động thanh tra về tài nguyên nước.
Điều 18. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo
1. Việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện được thực hiện theo quy định tại Điều 69 Luật Tài nguyên nước và theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo.
2. Việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thăm dò nước dưới đất, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất do Sở Tài nguyên và Môi trường; hoạt động xả nước thải vào các công trình thủy lợi do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận và giải quyết theo quy định của pháp luật.
Điều 19. Khen thưởng, kỷ luật và xử lý vi phạm
1. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước.
2. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước được khen thưởng, nếu vi phạm thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Cán bộ, công chức có hành vi sách nhiễu, dung túng, bao che, không thực hiện đúng các quy định của nhà nước về quản lý tài nguyên nước sẽ chịu hình thức kỷ luật theo quy định của Pháp lệnh Cán bộ, công chức và các quy định khác của pháp luật.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 20. Tổ chức thực hiện
1. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc, hướng dẫn tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thi hành quy định này và các văn bản pháp luật về tài nguyên nước.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân kịp thời báo cáo lên UBND tỉnh để xem xét, xử lý./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.