ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2006/QĐ-UBND | Đà Lạt, ngày 22 tháng 2 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CẤP, ỦY QUYỀN NHIỆM VỤ CHI ĐẦU TƯ; QUẢN LÝ CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ VÀ PHÊ DUYỆT CÁC NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA QUÁ TRÌNH ĐẤU THẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
- Căn cứ luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ngày 26/11/2003;
- Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16/12/2002;
- Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;
- Căn cứ Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999, Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 và Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/01/2003 của Chính phủ;
- Căn cứ Quy chế Đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999, Nghị định số 14/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 và Nghị định số 66/2003/NĐ-CP ngày 12/6/2003 của Chính phủ;
- Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình xây dựng;
- Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
- Căn cứ Nghị quyết số 36/2003/NQ-HĐND.KVI ngày 21/7/2003 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách giữa các cấp ngân sách địa phương tỉnh Lâm Đồng;
- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về phân cấp, ủy quyền nhiệm vụ chi đầu tư; quản lý các dự án đầu tư và phê duyệt các nội dung cơ bản của quá trình đấu thầu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số: 51/2004/QĐ-UB ngày 26/3/2004 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Các văn bản trước đây của Ủy ban Nhân dân tỉnh trái với nội dung Quy định kèm theo Quyết định này đều hết hiệu lực thi hành.
Điều 3: Giao Giám đốc các Sở: Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công nghiệp, Nội vụ, Bưu chính viễn thông và Giám đốc Kho bạc Nhà nước Lâm Đồng căn cứ chức năng nhiệm vụ được phân công có liên quan chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Quy định kèm theo Quyết định này.
Điều 4: Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở; ban; ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ PHÂN CẤP, ỦY QUYỀN NHIỆM VỤ CHI ĐẦU TƯ; QUẢN LÝ CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ VÀ PHÊ DUYỆT CÁC NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA QUÁ TRÌNH ĐẤU THẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2006/QĐ-UBND ngày 22 tháng 02 năm 2006 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng).
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Phạm vi áp dụng
1.1. Dự án đầu tư được phân cấp, ủy quyền tại Quy định này là các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, bao gồm: dự án đầu tư có xây dựng (như: dự án đầu tư xây dựng công trình nhà xưởng, công trình thủy lợi, công trình giao thông, công trình dân dụng, … được gọi chung là dự án đầu tư xây dựng công trình) và dự án đầu tư không có xây dựng (như: dự án đầu tư để mua sắm tài sản kể cả thiết bị, máy móc không cần lắp đặt và sản phẩm công nghệ khoa học mới).
Riêng nội dung phân cấp, ủy quyền về cấp giấy phép xây dựng và quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng tại Chương VI Quy định này, được áp dụng đối với các công trình xây dựng thuộc mọi nguồn vốn.
Tại Quy định này, các từ ngữ: “dự án đầu tư xây dựng công trình”, “báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình”, “công trình xây dựng” và “nhà ở riêng lẻ” được hiểu theo Luật Xây dựng ngày 26/11/2003.
1.2. Không phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện quyết định đầu tư các dự án liên kết nhiều địa phương trong tỉnh và dự án do các cơ quan cấp Tỉnh làm chủ đầu tư.
1.3. Đối với các dự án quy hoạch, như: quy hoạch xây dựng đô thị, điểm dân cư nông thôn; quy hoạch các khu, cụm công nghiệp; quy hoạch chuyên ngành (giao thông vận tải, thủy lợi, văn hóa, du lịch, thể dục thể thao …) được thực hiện theo quy định riêng của Ủy ban Nhân dân Tỉnh.
Điều 2: Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng thống nhất quản lý các dự án đầu tư thuộc mọi nguồn vốn của các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng theo Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999, Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 và Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/01/2003; Quy chế Đấu thầu của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999, Nghị định số 14/2000/NĐCP ngày 05/5/2000 và Nghị định số 66/2003/NĐ-CP ngày 12/6/2003.
Điều 3: Ngân sách huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là cấp huyện):
3.1. Được phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; công trình xây dựng các trường phổ thông quốc lập các cấp, điện chiếu sáng, cấp thoát nước, giao thông đô thị, vệ sinh đô thị và các công trình phúc lợi công cộng khác theo Nghị quyết số 39/2003/NQ-HĐND.KVI ngày 21/7/2003 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng.
3.2. Được ủy quyền thực hiện nhiệm vụ chi đầu tư các dự án theo nội dung Điều 6 Quy định này.
Điều 4: Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện quyết định đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước phải được Ủy ban Nhân dân tỉnh chấp thuận và quản lý chặt chẽ về quy hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Điều 5: Chưa thực hiện phân cấp quyết định đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Trước mắt, vẫn thực hiện theo Thông tư số 106/2003/TT-BTC ngày 07/11/2003 của Bộ Tài chính “Hướng dẫn quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc xã, thị trấn”.
Chương II
NHIỆM VỤ CHI ĐẦU TƯ
Điều 6: Ủy quyền thực hiện nhiệm vụ chi đầu tư
Ngoài việc phân cấp cho cấp huyện nhiệm vụ chi đầu tư xây dựng theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh ủy quyền cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ chi đầu tư đối với các dự án do mình quyết định đầu tư theo phân cấp của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh tại khoản 8.2 Điều 8 Quy định này.
Chương III
CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ VÀ QUYẾT ĐỊNH ĐẦU TƯ
Điều 7: Thẩm quyền cho chủ trương đầu tư
7.1. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện cho chủ trương đầu tư các dự án trong phạm vi ngân sách của địa phương mình (ngân sách giao cho cấp huyện quản lý, điều hành).
7.2. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cho chủ trương đầu tư các dự án thuộc ngân sách tỉnh.
Chủ trương đầu tư phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó phải xác định được loại và cấp công trình xây dựng, quy mô, công suất và tổng mức đầu tư.
Điều 8: Thẩm quyền quyết định đầu tư
8.1. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện được quyết định đầu tư các dự án trong phạm vi ngân sách của địa phương mình sau khi thông qua Hội đồng Nhân dân cấp huyện.
Phạm vi quyết định đầu tư theo khoản này được áp dụng đối với các dự án có tổng mức đầu tư cụ thể như sau:
- Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình: không kể tổng mức đầu tư;
- Đối với dự án đầu tư không có xây dựng: Dưới 03 tỷ đồng.
8.2. Phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện quyết định đầu tư các dự án thuộc ngân sách tỉnh do các cơ quan cấp huyện làm chủ đầu tư, bao gồm các nguồn vốn sau:
- Vốn ngân sách tập trung;
- Vốn giao quyền sử dụng đất;
- Vốn tăng thu;
- Vốn các chương trình do cấp huyện trực tiếp thực hiện, như: chương trình “134”, chương trình “135”, kiên cố hóa trường học, các chương trình mục tiêu quốc gia, …
Phạm vi phân cấp theo khoản này được áp dụng đối với các dự án có tổng mức đầu tư cụ thể như sau:
- Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình: không quá 05 tỷ đồng;
- Đối với dự án đầu tư không có xây dựng: Dưới 03 tỷ đồng.
Quyết định đầu tư phải gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính để theo dõi, kiểm tra việc thực hiện.
8.3. Ủy quyền cho Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư quyết định đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh có tổng mức đầu tư không quá 05 tỷ đồng (trừ các dự án đã phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện).
Quyết định đầu tư phải gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh để theo dõi, kiểm tra việc thực hiện.
8.4. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khi ban hành quyết định đầu tư phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
- Phù hợp với chủ trương đầu tư của Ủy ban Nhân dân tỉnh về loại và cấp công trình xây dựng, về quy mô, công suất và tổng mức đầu tư;
- Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình ở khu vực chưa có quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì phải có văn bản thỏa thuận của Sở Xây dựng và Sở có chức năng quản lý Nhà nước về ngành (đối với dự án đầu tư có liên quan về ngành tương ướng), như: Sở Công nghiệp, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Bưu chính viễn thông;
- Không chia dự án thành các dự án nhỏ nhằm làm giảm tổng mức đầu tư để thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của mình.
Điều 9: Thẩm định dự án đầu tư
9.1. Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình, việc thẩm định dự án bao gồm các thẩm định phần thuyết minh và thẩm định thiết kế cơ sở của dự án.
9.2. Đối với dự án do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện quyết định:
- Cơ quan thẩm định phần thuyết minh là phòng chuyên môn trực thuộc do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện chỉ định;
- Cơ quan thẩm định thiết kế cơ sở của dự án (hoặc thiết kế bản vẽ thi công trong báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình): Giao Giám đốc các Sở Xây dựng, Công nghiệp, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Giám đốc các sở, ngành có liên quan khác căn cứ năng lực và điều kiện cụ thể của phòng có chức năng quản lý về ngành tương ứng ở cấp huyện để ủy quyền cho phòng thực hiện việc thẩm định, trên tinh thần ủy quyền triệt để theo mức phân cấp của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện, để Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện chủ động trong công tác thẩm định dự án và quyết định đầu tư.
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân cấp huyện có thể lấy ý kiến các tổ chức chuyên môn đủ năng lực (kể cả các tổ chức tư vấn) để thẩm định dự án trước khi quyết định đầu tư.
9.3. Đối với dự án do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư quyết định:
- Cơ quan thẩm định phần thuyết minh là phòng chuyên môn trực thuộc do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ định;
- Cơ quan thẩm định thiết kế cơ sở của dự án (hoặc thiết kế bản vẽ thi công trong báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình): Các Sở Xây dựng, Công nghiệp, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (như nội dung khoản 5 Điều 9 Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình) và các sở, ngành có liên quan.
9.4. Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Công nghiệp, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bưu chính viễn thông căn cứ chức năng nhiệm vụ được phân công, chịu trách nhiệm hướng dẫn cụ thể và kiểm tra việc thực hiện công tác thẩm định dự án đầu tư của Ủy ban Nhân dân cấp huyện.
Chương IV
CÔNG TÁC ĐẤU THẦU
Điều 10: Thẩm quyền phê duyệt các nội dung cơ bản của quá trình đất thầu
10.1. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện phê duyệt kế hoạch đấu thầu của dự án; hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu của gói thầu và các nội dung khác của quá trình đấu thầu theo thẩm quyền đối với các dự án do mình quyết định đầu tư.
10.2. Ủy quyền cho Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Phê duyệt kế hoạch đấu thầu của dự án; hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu của gói thầu và các nội dung khác của quá trình đấu thầu đối với các dự án do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư quyết định đầu tư (theo ủy quyền);
- Phê duyệt hồ sơ mời thầu của gói thầu đối với các dự án do Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định đầu tư.
10.3. Khi phê duyệt hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu, người có thẩm quyền phê duyệt phải tuân thủ theo đúng các quy định hiện hành của nhà nước có liên quan về đấu thầu.
Điều 11: Thẩm định các nội dung cơ bản của quá trình đấu thầu
11.1. Đối với Ủy ban Nhân dân cấp huyện, cơ quan thẩm định các nội dung cơ bản của quá trình đấu thầu là phòng chuyên môn trực thuộc do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện chỉ định.
11.2. Đối với Sở kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thẩm định các nội dung cơ bản của quá trình đấu thầu được ủy quyền phê duyệt là phòng chuyên môn trực thuộc do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ định.
11.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm hướng dẫn cụ thể và kiểm tra việc thực hiện công tác đấu thầu.
Chương V
PHÊ DUYỆT QUYẾT TOÁN
Điều 12: Thẩm quyền phê duyệt quyết toán
12.1. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành đối với các dự án do mình quyết định đầu tư.
Quyết định phê duyệt quyết toán vốn đầu tư phải gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh và Sở Tài chính để theo dõi, kiểm tra việc thực hiện.
12.2. Ủy quyền cho Giám đốc Sở Tài chính phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành đối với các dự án do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư quyết định đầu tư.
Quyết định phê duyệt quyết toán vốn đầu tư phải gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh để theo dõi, kiểm tra việc thực hiện.
Điều 13: Thẩm tra quyết toán vốn đầu tư
13.1. Đối với dự án do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện phê duyệt quyết toán: Cơ quan trực tiếp thẩm tra quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành hoặc thẩm tra lại đối với các dự án thuê tổ chức kiểm toán độc lập kiểm toán báo cáo quyết toán trước khi phê duyệt, là phòng Tài chính - Kế hoạch hoặc thành lập bộ phận gồm đại diện các phòng, ban trực thuộc do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện chỉ định.
13.2. Đối với dự án do Giám đốc Sở Tài chính phê duyệt quyết toán (theo ủy quyền): Cơ quan trực tiếp thẩm tra quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành hoặc thẩm tra lại đối với các dự án thuê tổ chức kiểm toán độc lập kiểm toán báo cáo quyết toán trước khi phê duyệt, là phòng chuyên môn trực thuộc do Giám đốc Sở Tài chính chỉ định.
13.3. Sở Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn cụ thể và kiểm tra việc thực hiện công tác thẩm tra quyết toán của Ủy ban Nhân dân cấp huyện.
Chương VI
CẤP GIẤY PHÉP XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
Điều 14: Ủy quyền cho Giám đốc Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng (kể cả giấy phép xây dựng tạm) đối với các công trình xây dựng cấp đặc biệt, cấp I theo phân cấp công trình tại Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng; công trình tôn giáo; công trình di tích lịch sử, văn hóa; công trình tượng đài, quảng cáo, tranh hoành tráng trên địa bàn toàn tỉnh; những công trình trên các tuyến đường trong đô thị có lộ giới rộng từ 20 mét trở lên.
Các công trình được ủy quyền tại Điều này không bao gồm các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ.
Điều 15: Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng (kể cả giấy phép xây dựng tạm) đối với các công trình còn lại và nhà ở riêng lẻ ở đô thị thuộc địa giới hành chính do cấp huyện quản lý (trừ các công trình quy định tại Điều 14 nêu trên).
Điều 16: Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ ở những điểm dân cư nông thôn đã có quy hoạch xây dựng được duyệt thuộc địa giới hành chính do xã quản lý theo quy định của Ủy ban Nhân dân cấp huyện.
Điều 17: Sở Xây dựng chịu trách nhiệm hướng dẫn cụ thể về nghiệp vụ chuyên môn, nội dung và quy trình cấp giấy phép xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 18: Quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng
18.1. Ủy ban Nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đối với các công trình xây dựng trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý.
Định kỳ 6 tháng và 1 năm, Ủy ban Nhân dân cấp huyện phải báo cáo tình hình quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý cho Sở Xây dựng tổng hợp báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh và Bộ Xây dựng.
18.2. Cơ quan giúp Ủy ban Nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chuyên môn trực thuộc do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện chỉ định.
Chương VII
XỬ LÝ CHUYỂN TIẾP
Điều 19: Đối với các dự án đã có quyết định đầu tư của Ủy ban Nhân dân tỉnh hoặc của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; các dự án đã nộp hồ sơ tại Ủy ban Nhân dân tỉnh hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư để được thẩm định, phê duyệt: Tiếp tục thực hiện theo các Quy định về phân cấp, ủy quyền như trước khi Quy định này có hiệu lực thi hành.
Điều 20: Đối với các dự án chưa có quyết định đầu tư của Ủy ban Nhân dân tỉnh hoặc của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, các dự án chưa nộp hồ sơ tại Ủy ban Nhân dân tỉnh hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư để được thẩm định, phê duyệt: Thực hiện theo nội dung phân cấp, ủy quyền tại Quy định này.
Điều 21: Đối với các dự án đã có quyết định đầu tư của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện, nhưng nay do trượt giá vật tư, vật liệu, nhân công hoặc do điều chỉnh, bổ sung dự án dẫn đến tổng mức đầu tư của dự án vượt khoải phạm vi phân cấp, ủy quyền theo Quy định trước đây nhưng vẫn nằm trong phạm vi phân cấp, ủy quyền tại quy định này: Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện tiếp tục phê duyệt điều chỉnh dự án và quản lý thực hiện dự án theo quy định.
Điều 22: Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình được phê duyệt mới theo nội dung phân cấp, ủy quyền tại Quy định này phải thực hiện đúng Luật Xây dựng, Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Chương VIII
XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 23: Tổ chức, cá nhân vi phạm Luật xây dựng, Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, Quy chế quản lý Đầu tư và xây dựng, Quy chế Đấu thầu của Chính phủ và Quy định này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, sẽ bị xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Chương IX
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 24: Giao Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì cùng Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Công nghiệp, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bưu chính viễn thông, … và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện có trách nhiệm kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự và chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết để đảm bảo thực hiện công việc được phân cấp, ủy quyền theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 25: Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Công nghiệp, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bưu chính viễn thông, … chịu trách nhiệm hướng dẫn và theo dõi kiểm tra việc thi hành Quy định này.
Điều 26: Giám đốc các sở, ban, ngành có liên quan: Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt, thị xã Bảo Lộc và các huyện trong tỉnh chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Quy định này và phải tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục theo đúng Luật Xây dựng, các Nghị định có liên quan của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn hiện hành của Nhà nước.
Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu có khó khăn, vướng mắc phải kịp thời có văn bản báo cáo gửi Sở Xây dựng và Ủy ban Nhân dân tỉnh. Sở Xây dựng có trách nhiệm nghiên cứu, tổng hợp đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét xử lý hoặc điều chỉnh cho phù hợp.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.