ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/2014/QĐ-UBND | Đắk Lắk, ngày 20 tháng 05 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP KIỂM TRA TÌNH HÌNH CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT TRONG THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐẦU TƯ THEO LUẬT ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND, ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Đầu tư, ngày 29/11/2005;
Căn cứ Nghị định số 108/2006/NĐ-CP , ngày 22/9/2006 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 113/2009/NĐ-CP , ngày 15/12/2009 của Chính phủ, về giám sát và đánh giá đầu tư;
Căn cứ Thông tư số 22/2010/TT-BKH , ngày 02/12/2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy định về mức chi giám sát, đánh giá đầu tư;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 12/TTr-SKHĐT, ngày 10/01/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về phối hợp kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật trong thực hiện dự án đầu tư theo Luật Đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và UBND cấp huyện triển khai thực hiện; Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện và báo cáo kết quả với UBND tỉnh theo quy định.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP KIỂM TRA TÌNH HÌNH CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT TRONG THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐẦU TƯ THEO LUẬT ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 09/2014/QĐ-UBND, ngày 20 tháng 5 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về trách nhiệm và sự phối hợp của các sở, ban, ngành ở tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh trong công tác kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện dự án đầu tư theo Luật Đầu tư tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các tổ chức, cá nhân thực hiện dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
2. Các sở, ban, ngành ở tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi là UBND cấp huyện) và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Điều 3. Nội dung kiểm tra
1. Tiến độ thực hiện dự án;
2. Thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai, sử dụng tài nguyên khoáng sản;
3. Thực hiện các nội dung tại Giấy chứng nhận đầu tư và các nội dung có liên quan theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
4. Chấp hành các chính sách, chế độ quy định của Nhà nước, của ngành và địa phương áp dụng cho dự án;
5. Các nội dung khác theo quy định của pháp luật và thực tế triển khai dự án đầu tư.
Điều 4. Nguyên tắc kiểm tra
1. Hoạt động kiểm tra phải đảm bảo tuân thủ theo pháp luật, phản ánh chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ về việc thực hiện dự án.
2. Hoạt động kiểm tra không được gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các dự án đầu tư là đối tượng được kiểm tra.
3. Trong một năm không được kiểm tra theo kế hoạch quá một lần đối với một dự án; đối tượng kiểm tra phải được mở rộng theo thứ tự luân phiên, không tập trung vào một số đối tượng cố định;
4. Khi tiến hành kiểm tra nhiều nội dung khác nhau đối với một dự án, thì phải thực hiện cùng một thời điểm theo hình thức tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành.
5. Trong đề xuất, đăng ký, tổng hợp và điều phối kế hoạch kiểm tra cần lưu ý tập trung những dự án đầu tư chậm tiến độ, gặp khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư và quá trình triển khai đầu tư xây dựng, nhằm nắm bắt, giải quyết và kiến nghị giải quyết kịp thời các tồn tại để dự án sớm được triển khai đầu tư, hoàn thành và đi vào hoạt động.
Điều 5. Trách nhiệm tổ chức kiểm tra
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành ở tỉnh, UBND cấp huyện đề xuất kế hoạch và thực hiện việc kiểm tra các dự án đầu tư trong nước đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc đã thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nhưng không đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
b) Chủ trì thực hiện kiểm tra theo quy định tại Quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư nước ngoài ngoài các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 21/2012/QĐ-UBND ngày 26/6/2012 của UBND tỉnh Đắk Lắk.
2. Ban quản lý các khu công nghiệp: chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện công tác kiểm tra các dự án đầu tư thực hiện trong các khu, cụm công nghiệp.
3. Ngoài các dự án đầu tư do Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp chủ trì kiểm tra nêu tại Khoản 1 và Khoản 2 điều này, cơ quan chủ trì việc kiểm tra các dự án chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc dự án không thuộc diện đăng ký đầu tư phân theo lĩnh vực như sau:
a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện công tác kiểm tra các dự án đầu tư sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp;
b) Sở Công thương: chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện công tác kiểm tra các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại;
c) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện công tác kiểm tra các dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch;
d) Sở Y tế: chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện công tác kiểm tra các dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế;
đ) Sở Giáo dục và Đào tạo: chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện công tác kiểm tra các dự án đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo;
e) Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện công tác kiểm tra các dự án đầu tư trong lĩnh vực đào tạo nghề;
f) Sở Xây dựng: chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện công tác kiểm tra các dự án đầu tư trong lĩnh vực phát triển nhà, kinh doanh bất động sản, phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị;
g) Sở Thông tin và Truyền thông: chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện công tác kiểm tra các dự án đầu tư trong lĩnh vực thông tin và truyền thông;
h) Sở Khoa học và Công nghệ: chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện công tác kiểm tra các dự án đầu tư trong lĩnh vực khoa học và công nghệ;
i) Sở Tài nguyên và Môi trường: chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện công tác kiểm tra các dự án đầu tư trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, môi trường;
k) Sở Tư pháp: chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện công tác kiểm tra các dự án đầu tư trong lĩnh vực tư pháp;
l) Sở Giao thông Vận tải: chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện công tác kiểm tra các dự án đầu tư trong lĩnh vực giao thông và vận tải.
Điều 6. Cơ chế phối hợp kiểm tra
1. Xây dựng kế hoạch kiểm tra hàng năm
a) Đề xuất kế hoạch kiểm tra
Căn cứ tình hình triển khai thực tế của dự án đầu tư, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đề xuất kiểm tra đối với dự án đầu tư theo lĩnh vực và địa bàn quản lý, gửi về cơ quan có thẩm quyền chủ trì kiểm tra quy định tại Điều 5 của Quy chế này, chậm nhất vào ngày 15 tháng 11 hàng năm.
Văn bản đề xuất kế hoạch kiểm tra cần nêu rõ lý do, nội dung, thời điểm dự kiến kiểm tra.
b) Căn cứ đề xuất kế hoạch kiểm tra của các đơn vị có liên quan, cơ quan có thẩm quyền chủ trì kiểm tra theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Quy chế này tiến hành xây dựng và đăng ký kế hoạch kiểm tra gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư, chậm nhất vào ngày 30 tháng 11 hàng năm.
c) Tổng hợp, điều phối, ban hành kế hoạch kiểm tra
Trên cơ sở văn bản đăng ký kế hoạch kiểm tra của các cơ quan chủ trì kiểm tra, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nội dung, xây dựng dự thảo kế hoạch và gửi lấy ý kiến của các ngành, UBND cấp huyện và trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch trong tháng 01 hàng năm.
Quyết định kiểm tra được gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện có liên quan và Thanh tra tỉnh để theo dõi, thực hiện.
2. Thực hiện kiểm tra dự án đầu tư
a) Cơ quan chủ trì kiểm tra dự án đầu tư thực hiện kiểm tra theo kế hoạch được ban hành theo quy định tại Điểm c Khoản 1 điều này. Ngoài ra, cơ quan chủ trì có thể kiểm tra dự án đầu tư đột xuất khi được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc khi phát hiện dự án đầu tư có dấu hiệu vi phạm, cần phải được kiểm tra kịp thời để có phương án hạn chế hậu quả.
b) Quy trình thực hiện kiểm tra
Cơ quan chủ trì kiểm tra gửi văn bản mời các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện có liên quan tham gia đoàn kiểm tra dự án đầu tư, thông báo cho nhà đầu tư về thời gian, nội dung kiểm tra và các nội dung yêu cầu chuẩn bị. Thời gian gửi văn bản mời và thông báo ít nhất 05 ngày làm việc trước khi tiến hành kiểm tra.
Căn cứ vào thời gian và nội dung kiểm tra, nhà đầu tư lập báo cáo và thực hiện công tác chuẩn bị, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra dự án.
Việc kiểm tra được thực hiện tại trụ sở của nhà đầu tư và kết hợp kiểm tra thực địa. Trong quá trình kiểm tra, cơ quan chủ trì lập biên bản xác nhận kết quả kiểm tra, trong đó nêu rõ tình hình chấp hành pháp luật đối với các nội dung được kiểm tra, những vi phạm và yêu cầu xử lý vi phạm (nếu có), những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án, các kiến nghị, đề xuất đối với cơ quan có thẩm quyền.
Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện nhà đầu tư có hành vi vi phạm hành chính thì cơ quan chủ trì tiến hành xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định. Trường hợp phát hiện nhà đầu tư chưa thực hiện đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định thì cơ quan chủ trì yêu cầu nhà đầu tư phải hoàn thiện các thủ tục về đầu tư.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, cơ quan chủ trì có trách nhiệm thông báo kết quả kiểm tra cho nhà đầu tư và các đơn vị có liên quan biết để thực hiện các yêu cầu của đoàn kiểm tra.
Trong thời hạn theo yêu cầu tại thông báo kết quả kiểm tra, nhà đầu tư phải báo cáo kết quả khắc phục các tồn tại, sai phạm (nếu có) gửi về cơ quan chủ trì kiểm tra, các cơ quan thành viên tham gia đoàn kiểm tra và Sở Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi, giám sát.
Điều 7. Chế độ báo cáo
1. Đối với nhà đầu tư
a) Kể từ khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, chậm nhất vào ngày 30 tháng 4 và 31 tháng 10 hàng năm, nhà đầu tư gửi văn bản báo cáo định kỳ tình hình triển khai thực hiện dự án đầu tư về UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng (đối với dự án đầu tư xây dựng), Sở chuyên ngành và UBND cấp huyện nơi thực hiện dự án. Văn bản báo cáo cần nêu rõ tình hình triển khai, tiến độ thực hiện dự án, các khó khăn vướng mắc và kiến nghị đối với cơ quan có thẩm quyền.
Nhà đầu tư có dự án được kiểm tra thực hiện báo cáo đối với các nội dung kiểm tra và nội dung khắc phục các tồn tại, sai phạm (nếu có) theo Điểm b Khoản 2 Điều 6 Quy chế này.
2. Đối với cơ quan chủ trì kiểm tra
a) Trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra từng dự án, cơ quan chủ trì kiểm tra có văn bản báo cáo UBND tỉnh, Sở Kế hoạch Đầu tư, Thanh tra tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan về các nội dung kiểm tra, các sai phạm (nếu có) và các đề xuất, kiến nghị đối với cơ quan có thẩm quyền.
b) Định kỳ 06 tháng, chậm nhất vào ngày 10 tháng 01 và ngày 10 tháng 7 hàng năm, cơ quan chủ trì kiểm tra có trách nhiệm tổng hợp báo cáo đối với các dự án đầu tư đã thực hiện kiểm tra trong kỳ, gửi UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp.
3. Định kỳ 06 tháng, chậm nhất vào ngày 25 tháng 01 và ngày 25 tháng 7 hàng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo tình hình kiểm tra định kỳ dự án đầu tư gửi UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương có liên quan.
Điều 8. Kinh phí thực hiện kiểm tra
1. Kinh phí thực hiện kiểm tra dự án đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 14 Thông tư 22/2010/TT-BKH ngày 02/12/2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về định mức chi phí giám sát, đánh giá đầu tư.
2. Cơ quan chủ trì kiểm tra lập dự toán chi phí kiểm tra, báo cáo Sở Tài chính xem xét, trình UBND tỉnh bố trí kinh phí vào dự toán hàng năm của các cơ quan để thực hiện.
Điều 9. Tổ chức thực hiện
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan ở tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có trách nhiệm triển khai Quy chế này trong cơ quan, đơn vị để thực hiện.
2. Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có vấn đề vướng mắc, phát sinh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chủ động phản ánh về Sở Kế hoạch và Đầu tư để kịp thời tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.