ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/2008/QĐ-UBND | Yên Bái, ngày 20 tháng 5 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ, HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG, LÂM NGHIỆP, THỦY SẢN TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2008 - 2010
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị quyết số 09/2008/NQ-HĐND ngày 02 tháng 4 năm 2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái, về chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2008 - 2010;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tại Tờ trình số 306/SNN-TT ngày 08 tháng 5 năm 2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định một số chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2008 - 2010”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 469/QĐ-UBND ngày 12 tháng 4 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2010.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kho bạc Nhà nước tỉnh và các ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân hoạt động trên địa bàn tỉnh Yên Bái chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ, HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG LÂM NGHIỆP THỦY SẢN TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2008-2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 09/2008/QĐ-UBND ngày 20 tháng 5 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục tiêu phát triển và quan điểm chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2008 - 2010
1. Mục tiêu chung
Thúc đẩy phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản để đến năm 2010 bước đầu hình thành nền sản xuất hàng hóa tiên tiến, chất lượng, hiệu quả, đa dạng và bền vững theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Đảm bảo tốc độ tăng trưởng cao của ngành nông lâm nghiệp; Chuyển dịch nhanh cơ cấu trong nội bộ ngành theo hướng tăng tỷ trọng giá trị chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và kinh tế đồi rừng; Hình thành rõ nét cơ cấu sản xuất theo vùng, tạo ra một số sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
2. Quan điểm về chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản
- Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ giá giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp cho các hộ nghèo; đảm bảo an ninh lương thực đối với vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; Từng bước chuyển dần sang sản xuất hàng hóa ở những nơi có điều kiện.
- Xây dựng và bổ sung các chính sách đầu tư, hỗ trợ cho các dự án phát triển sản xuất hàng hóa trong vùng quy hoạch để nhanh chóng hình thành các vùng sản xuất, trang trại sản xuất hàng hóa có khối lượng, giá trị lớn, sức cạnh tranh cao, trong đó tập trung phát triển ngành chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và kinh tế đồi rừng.
Điều 2. Phạm vi, đối tượng và nội dung áp dụng
1. Phạm vi áp dụng
- Vùng đặc biệt khó khăn: Bao gồm các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thuộc chương trình 135 giai đoạn II và các thôn đặc biệt khó khăn ở các xã vùng II theo các quyết định của Chính phủ và Ủy ban Dân tộc (tính đến năm 2008, Yên Bái có 59 xã đặc biệt khó khăn và 140 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc các xã vùng II).
- Vùng sản xuất hàng hóa: Bao gồm các vùng có lợi thế để phát triển các dự án sản xuất hàng hóa tập trung với khối lượng lớn theo quy hoạch của tỉnh, tập trung chủ yếu tại các huyện vùng thấp trong tỉnh.
2. Đối tượng hỗ trợ của chính sách
Đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ bao gồm: Các tổ chức, các cá nhân, các hộ gia đình, các doanh nghiệp, các chủ dự án, các hợp tác xã, các tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh.
3. Nội dung áp dụng:
- Các chính sách đầu tư, hỗ trợ giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, vật tư thiết yếu cho sản xuất tại vùng đặc biệt khó khăn.
- Các chính sách khuyến khích đầu tư và hỗ trợ cho các hộ nông dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất theo các dự án sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn.
- Các chính sách trong quy định này được cân đối bằng nguồn vốn ngân sách địa phương. Trong quá trình thực hiện nếu Trung ương có ban hành chính sách trùng với chính sách địa phương với mức hỗ trợ bằng hoặc cao hơn thì thực hiện chính sách của Trung ương, nếu thấp hơn thì thực hiện theo chính sách của địa phương. Các chính sách hỗ trợ phát triển nông lâm nghiệp thủy sản không quy định cụ thể trong quy định này được thực hiện theo các chính sách hiện hành của nhà nước.
Chương II
CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ, HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG LÂM NGHIỆP THỦY SẢN TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2008-2010
A. CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ, HỖ TRỢ VÙNG ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN
Điều 3. Hỗ trợ giống cây trồng nông nghiệp
Hỗ trợ 100% giá giống lúa lai, giống lúa thuần chất lượng cao, giống ngô lai, giống đậu tương, giống lạc cho diện tích sản xuất theo kế hoạch hàng năm.
Điều 4. Hỗ trợ phát triển chăn nuôi
1. Hỗ trợ 100% lượng vắcxin tiêm phòng cho đàn gia súc (4 loại vắcxin cơ bản: Tụ huyết trùng trâu bò, Tụ huyết trùng lợn, Dịch tả lợn và vắcxin Lở mồm long móng) và một phần tiền công tiêm phòng gia súc theo mức 1.000 đồng cho một mũi tiêm trâu, bò và 500 đồng cho một mũi tiêm lợn.
2. Đầu tư một lần kinh phí trang bị tủ thuốc thú y (tủ đựng dụng cụ thú y, thuốc,…) cho các xã đặc biệt khó khăn. Mức đầu tư: 2,5 triệu đồng/tủ/xã.
3. Hỗ trợ trồng mới cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc (áp dụng cho các hộ chưa được hỗ trợ) có diện tích trên 1.000m2. Mức hỗ trợ: 2,5 triệu đồng/ha.
4. Hỗ trợ kinh phí mua trâu, bò đực giống đạt tiêu chuẩn cho các xã đặc biệt khó khăn; Số lượng hỗ trợ 2 con/xã (1 con trâu, 1 con bò), căn cứ vào số lượng tổng đàn, số khu chăn nuôi tập trung chưa có trâu, bò đực giống để hỗ trợ thêm theo kế hoạch được phê duyệt. Mức hỗ trợ tối đa đối với bò đực giống là 10 triệu đồng/con và đối với trâu đực giống là 15 triệu đồng/con.
Điều 5. Hỗ trợ vật tư, thiết bị chế biến phục vụ sản xuất
1. Hỗ trợ phân bón: Hỗ trợ lượng phân bón vô cơ cho diện tích sản xuất của các hộ nghèo trong vụ đông xuân trên đất ruộng. Mức hỗ trợ tối đa không quá 500.000 đồng/ha/vụ.
2. Hỗ trợ nilon che mạ vụ đông xuân 2 năm/lần. Mức hỗ trợ 100% giá nilon.
3. Hỗ trợ 100% giá thuốc thuốc bảo vệ thực vật (thuốc sâu, bệnh) cho diện tích bị sâu bệnh hại khi có dịch hoặc khi có nguy cơ sảy ra dịch.
B. CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ, XÂY DỰNG VÙNG SẢN XUẤT HÀNG HÓA TẬP TRUNG
Điều 6. Hỗ trợ vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao
1. Mục tiêu, quy mô sản xuất
- Mục tiêu: Xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại các cánh đồng lớn có lợi thế về sản xuất hàng hóa. Phấn đấu sản lượng lúa hàng hóa đạt trên 40.000 tấn/năm.
- Quy mô, địa điểm sản xuất: Diện tích: 4.000 ha (Nghĩa Lộ: 500 ha, Văn Chấn: 1.500 ha, Văn Yên: 500 ha, Lục Yên: 500 ha, Trấn Yên: 500 ha, Yên Bình: 500 ha).
2. Chính sách đầu tư, hỗ trợ
- Hỗ trợ 50% giá giống lúa thuần, lúa lai chất lượng cao cho 1 vụ/năm trong 3 năm liên tục cho các hộ nông dân tham gia dự án sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao trong vùng quy hoạch (các huyện có thể đề nghị hỗ trợ vào vụ xuân hay vụ mùa, tuỳ theo cơ cấu sản xuất cụ thể của địa phương).
- Hỗ trợ 20-25% giá thiết bị chế biến gạo chất lượng cao cho cơ sở chế biến trong vùng quy hoạch. Mức hỗ trợ cụ thể theo từng dự án được phê duyệt, không quá 100 triệu đồng/cơ sở chế biến.
- Hỗ trợ kinh phí cho công tác khuyến nông và chỉ đạo sản xuất. Mức hỗ trợ: 50.000 đồng/ha/năm theo các dự án được phê duyệt
Điều 7. Hỗ trợ vùng sản xuất ngô hàng hóa tập trung
1. Mục tiêu, quy mô sản xuất
- Mục tiêu: Xây dựng vùng sản xuất ngô hàng hóa tập trung tại các huyện vùng thấp có lợi thế sản xuất ngô. Phấn đấu sản lượng ngô hàng hóa đạt trên 50.000 tấn/năm
- Quy mô, địa điểm sản xuất: Diện tích: 10.000 ha/năm (huyện Văn Chấn: 3.000 ha, huyện Văn Yên: 3.000 ha, huyện Lục Yên: 3.000 ha, huyện Yên Bình: 1.000 ha)
2. Chính sách hỗ trợ
- Hỗ trợ 50% giá giống ngô lai năng suất cao trong 3 vụ liên tục đối với các hộ nông dân tham gia dự án sản xuất ngô hàng hóa trong vùng quy hoạch.
- Hỗ trợ kinh phí cho công tác khuyến nông và chỉ đạo sản xuất. Mức hỗ trợ: 50.000 đồng/ha/năm theo các dự án được phê duyệt
Điều 8. Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất chè
1. Mục tiêu, quy mô sản xuất
- Mục tiêu: Tiếp tục thực hiện các nội dung Đề án phát triển chè tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006-2010 và dự án trồng chè shan của huyện Văn Chấn.
- Quy mô, địa điểm sản xuất: Tiếp tục trồng mới, trồng cải tạo 1.150 ha theo nội dung đề án phát triển chè tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006-2010 và bổ sung thêm diện tích dự án phát triển chè Shan của huyện Văn Chấn với quy mô 500 ha.
2. Chính sách hỗ trợ
- Hỗ trợ tiền mua giống cho diện tích trồng mới bằng giống chè lai, chè nhập nội, chè shan: Mức hỗ trợ tối đa: 5 triệu đồng/ha.
- Hỗ trợ phá bỏ diện tích chè già cỗi chuyển sang trồng mới bằng giống chè lai, chè nhập nội, chè shan giâm cành. Mức hỗ trợ tối đa: 3,0 triệu đồng/ha.
- Hỗ trợ kinh phí chỉ đạo sản xuất trong 3 năm (1 năm trồng 2 năm chăm sóc) cho ban quản lý dự án phát triển chè của ban quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, lâm trường Văn Chấn, lâm trường Lục Yên. Mức hỗ trợ: 1,5 triệu đồng/ha. Hỗ trợ kinh phí chỉ đạo sản xuất trong 3 năm (1 năm trồng 2 năm chăm sóc) cho ban quản lý dự án phát triển chè của các huyện Văn Chấn, Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên, TP Yên Bái. Mức hỗ trợ: 200.000 đồng/ha (không tính số diện tích đã hỗ trợ cho các Ban quản lý dự án phát triển chè của ban quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, lâm trường Văn Chấn, lâm trường Lục Yên).
- Hỗ trợ lãi xuất vốn vay trồng mới, trồng thay thế cho diện tích thuộc dự án phát triển chè của ban quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, lâm trường Văn Chấn, lâm trường Lục Yên, huyện Văn Chấn theo dự án đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mức hỗ trợ: 100% lãi xuất vốn vay trồng mới, trồng cải tạo thay thế chè trong thời kỳ KTCB (36 tháng)
Điều 9. Chính sách hỗ trợ phát triển trang trại chăn nuôi
1. Mục tiêu, quy mô sản xuất
- Mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2010 toàn tỉnh có 500 cơ sở nuôi lợn, 500 cơ sở chăn nuôi gia cầm với quy mô lớn. Sản lượng đạt trên 8.000 tấn/năm (lợn: 6.000 tấn, gia cầm: 2.000 tấn).
- Quy mô địa điểm sản xuất: Các cơ sở thuộc vùng quy hoạch phát triển chăn nuôi hàng hóa tập trung.
- Hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ một lần sau khi đã được các cơ quan chức năng nghiệm thu đủ điều kiện hỗ trợ.
2. Chính sách hỗ trợ
- Hỗ trợ một lần để xây chuồng trại, mua con giống, mua vắc xin phòng bệnh, xây hầm Bioga đối với các dự án, các trang trại mới đầu tư chăn nuôi, đủ điều kiện, chăn nuôi theo phương thức công nghiệp hoặc bán công nghiệp bằng các loại giống tiến bộ kỹ thuật, chất lượng cao theo dự án được phê duyệt.
- Mức hỗ trợ cụ thể như sau:
+/ Hỗ trợ 30 triệu đồng/cơ sở chăn nuôi lợn thịt có quy mô tối thiểu trên 100 con/lứa; cứ tăng thêm 100 con thì hỗ trợ thêm 10 triệu đồng.
+/ Hỗ trợ 30 triệu đồng/cơ sở chăn nuôi lợn nái sinh sản có quy mô trên 20 nái sinh sản.
+/ Hỗ trợ 10 triệu đồng/cơ sở chăn nuôi gia cầm có quy mô trên 1.000 - 2.000 con/lứa; Hỗ trợ 20 triệu đồng/cơ sở có quy mô trên 2.000 - 5.000 con/lứa; hỗ trợ 30 triệu đồng/cơ sở có quy mô trên 5.000 con.
+/ Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường cho các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 30 triệu đồng/cơ sở giết mổ gia cầm tập trung có công suất trên 200 con/ngày; hỗ trợ 50 triệu đồng/cơ sở giết gia súc tập trung có công suất trên 30 con/ngày.
Điều 10. Chính sách hỗ trợ vùng nuôi trồng thủy sản tập trung
1. Mục tiêu, quy mô, địa điểm, hình thức đầu tư
- Mục tiêu: Chuyển đổi diện tích đất nông lâm nghiệp sang nuôi trồng thủy sản và hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Phát triển nghề nuôi cá lồng tại các hồ chứa lớn. Bổ sung nguồn lợi thủy sản hồ Thác Bà và các hồ chứa lớn.
- Quy mô, địa điểm sản xuất: Vùng quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản.
- Hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ một lần sau khi đã được các cơ quan chức năng nghiệm thu đủ điều kiện hỗ trợ.
2. Chính sách hỗ trợ
- Hỗ trợ một lần cho các dự án chuyển đổi diện tích đất nông lâm nghiệp sang nuôi trồng thủy sản. Mức hỗ trợ: 20 triệu đồng/ha đối với hộ gia đình, cá nhân có diện tích trên 5.000m2 hoặc trên 50.000 m2 đối với tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã trong vùng quy hoạch.
- Hỗ trợ một lần cho các dự án đóng mới lồng bè nuôi trồng thủy sản trong vùng quy hoạch. Mức hỗ trợ: 3 triệu đồng/lồng (áp dụng với lồng có thể tích nuôi trên 20m3).
- Đầu tư kinh phí mua cá giống thả bổ sung nguồn lợi thủy sản hồ Thác Bà và các hồ chứa lớn. Mức đầu tư 500 triệu/năm.
Điều 11. Hỗ trợ chăn nuôi và cải tạo đàn bò
1. Mục tiêu, quy mô, địa điểm, hình thức đầu tư.
- Mục tiêu:
+/ Ổn định tốc độ tăng trưởng đàn bò và hình thành các trang trại chăn nuôi tập trung.
+/ Tiếp tục thực hiện chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, phấn đấu đến năm 2010 truyền tinh nhân tạo của giống bò nhập ngoại (sind, Brahman) cho 20.000 lượt bò cái sinh sản.
- Quy mô địa điểm sản xuất: Các xã, phường thuộc các huyện Yên Bình, Trấn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Văn Yên, thị xã Nghĩa Lộ và thành phố Yên Bái.
- Hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ một lần sau đầu tư khi đã được các cơ quan chức năng nghiệm thu đủ điều kiện hỗ trợ.
2. Chính sách hỗ trợ.
- Hỗ trợ một lần cho dự án trong vùng quy hoạch đầu tư chăn nuôi theo hình thức sản xuất hàng hóa để xây dựng chuồng trại, mua con giống, mua vắcxin phòng bệnh, trồng cỏ. Mức hỗ trợ 30 triệu đồng/trại chăn nuôi bò có quy mô trên 50 con.
- Tổ chức đào tạo, tập huấn dẫn tinh viên, tổ chức tuyên truyền phổ cập kỹ thuật cho dân, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, vật tư kỹ thuật, giữ nguyên mức hỗ trợ tại Quyết định số 383/QĐ-UB ngày 14/12/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái.
Điều 12. Chính sách hỗ trợ khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân, cá nhân đầu tư áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiến tiến, công nghệ cao vào sản xuất, chế biến thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản:
Hàng năm ngân sách tỉnh bố trí 10 tỷ đồng hỗ trợ các dự án sản xuất, chế biến trong lĩnh vực nông lâm nghiệp áp dụng các tiến bộ kỹ thuật sản xuất theo công nghệ cao. Mức hỗ trợ cụ thể cho mỗi dự án do Ủy ban nhân dân tỉnh và các cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định.
C. HỖ TRỢ SẢN XUẤT LÂM NGHIỆP
Điều 13. Hỗ trợ bảo vệ diện tích rừng phòng hộ
Hàng năm cùng với ngân sách của Trung ương, Ngân sách tỉnh bổ sung kinh phí để bảo vệ toàn bộ diện tích rừng phòng hộ hiện có với mức 50.000 đồng/ha.
Điều 14. Hỗ trợ phát triển rừng sản xuất
1. Mục tiêu: Hình thành vùng rừng nguyên liệu thâm canh cao đạt năng suất trên 100m3/ha/chu kỳ sản xuất.
2. Chính sách hỗ trợ
- Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí nhập khẩu giống cây lâm nghiệp tiến bộ kỹ thuật trong 3 năm (2008-2010). Khối lượng: 150 kg hạt giống/năm.
Chương III
NGUỒN KINH PHÍ, CƠ CHẾ HỖ TRỢ, THANH TOÁN TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CẤP, CÁC NGÀNH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 17. Nguồn kinh phí hỗ trợ
1. Đối với các chính sách hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn: Ngoài các nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương theo các chương trình mục tiêu quốc gia, phần còn lại ngân sách tỉnh sẽ bố trí bổ sung theo kế hoạch thực hiện hàng năm.
2. Đối với chính sách đầu tư hỗ trợ vùng sản xuất hàng hóa tập trung: Nguồn kinh phí đầu tư, hỗ trợ được bố trí từ nguồn Ngân sách của tỉnh.
Điều 18. Cơ chế hỗ trợ
1. Cơ chế hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, vật tư nông nghiệp cho vùng đặc biệt khó khăn: Căn cứ kế hoạch sản xuất hàng năm và đề nghị của Ủy ban nhân dân huyện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ phê duyệt nguồn kinh phí hỗ trợ và giao cho các đơn vị tổ chức thực hiện.
2. Cơ chế hỗ trợ các dự án chuyển dịch cơ cấu kinh tế xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hỗ trợ thiết bị chế biến: Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tiếp nhận nguồn hỗ trợ phải xây dựng dự án và được phê duyệt của các cấp có thẩm quyền. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở Tài chính, sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh phê duyệt kế hoạch hỗ trợ hàng năm.
Điều 19. Thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ
Đơn vị nào, cấp nào nhận nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ thì có trách nhiệm thanh quyết toán nguồn vốn hỗ trợ theo đúng các quy định về quản lý tài chính của nhà nước.
Điều 20. Trách nhiệm các cấp, các ngành
1. Uỷ ban nhân dân tỉnh
- Quyết định các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh.
- Phê duyệt khối lượng, định mức đầu tư, hỗ trợ sản xuất, phê duyệt các dự án đầu tư phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản được hưởng các chính sách đầu tư hỗ trợ theo quy định này.
- Chỉ đạo các ngành, các huyện thị tổ chức thực hiện chính sách.
- Kiểm tra giám sát quá trình thực hiện chính sách này.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Xây dựng kế hoạch đầu tư, hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp hàng năm trên địa bàn trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
- Phê duyệt các tiểu dự án thuộc các chương trình, dự án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt hàng năm.
- Tổ chức triển khai, chỉ đạo thực hiện các chính sách, dự án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt hàng năm.
- Phối hợp cùng các ngành, các cấp kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách, dự án trên địa bàn.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch sản xuất hàng năm.
- Thẩm định kế hoạch đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, dự án trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
- Bố trí nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ theo kế hoạch và các chương trình, dự án phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt hàng năm.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì phối hợp với các ngành, các huyện, thị xã, thành phố quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đầu tư.
- Xây dựng và hướng dẫn định mức kinh tế kỹ thuật cho các chương trình, dự án phát triển sản xuất.
- Là đầu mối tiếp nhận, phối hợp cùng các ngành thẩm định các chương trình, kế hoạch, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản trình Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh phê duyệt.
- Chủ trì phối hợp với sở Tài chính, sở Kế hoạch đầu tư lập kế hoạch kinh phí đầu tư hỗ trợ hàng năm trình Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh phê duyệt
- Tham gia với sở Tài chính thẩm định giá các loại giống cây con, vật tư, thiết bị để thực hiện chính sách; thẩm tra quyết toán kinh phí thực hiện chính sách theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.
- Tổ chức chỉ đạo về chuyên môn, kỹ thuật và kiểm tra (phúc tra) kết quả thực hiện chính sách (trước khi thu hoạch đối với cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày, sau trồng mới với cây công nghiệp dài ngày, cây lâm nghiệp, sau đầu tư xây dựng cơ bản đối với các trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản).
5. Sở Tài chính
- Chủ trì cân đối, tổng hợp dự toán kinh phí đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
- Căn cứ dự toán ngân sách đầu tư hỗ trợ đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt cấp, ứng kịp thời kinh phí cho các huyện, các đơn vị thụ hưởng theo đúng quy định.
- Xây dựng và hướng dẫn quy trình, thủ tục thanh quyết toán.
- Chủ trì thẩm định, phê duyệt giá các các loại giống cây, con, vật tư, thiết bị, làm căn cứ cho các đơn vị, ngành hàng cung ứng. Thẩm tra quyết toán kinh phí thực hiện chính sách theo các quy định hiện hành.
6. Các ngành và đơn vị có liên quan
Trên cơ sở quy định này, các ngành, các đơn vị có liên quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành mình để hướng dẫn, chỉ đạo, thực hiện hàng năm.
7. Trách nhiệm của đối tượng nhận hỗ trợ
- Đối tượng nhận hỗ trợ là hộ gia đình thuộc vùng đặc biệt khó khăn: Thực hiện các quy định về quy trình sản xuất, các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành và các quy định của nhà nước.
- Đối tượng nhận hỗ trợ là chủ đầu tư của các dự án phát triển sản xuất hàng hóa, có trách nhiệm xây dựng dự án, thiết kế, dự toán, đơn giá các loại vật tư, thiết bị, giống cây con các loại và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi triển khai thực hiện.
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Quy định này có khó khăn, vướng mắc, các ngành, các cơ quan đơn vị liên quan kịp thời báo cáo bằng văn bản gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh bổ sung./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.