UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/2002/QĐ-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 01 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT NĂM 2002 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994;
- Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng pháp luật năm 2002;
- Để tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật theo Chỉ thị 02/1998/CT-TTg ngày 07 tháng 11 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ cho nhân dân trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh;
- Xét đề nghị của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố Hồ Chí Minh;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2002 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Căn cứ vào kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2002 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh của Uỷ ban nhân dân thành phố, Uỷ ban nhân dân các quận - huyện, các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2002 của cơ quan đơn vị mình.
Điều 3. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố căn cứ vào kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2002 của Uỷ ban nhân dân thành phố để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giúp các quận - huyện, sở - ngành, đoàn thể thành phố trong việc thực hiện các nội dung của chương trình, kế hoạch. Hàng quý tổng hợp tình hình báo cáo Uỷ ban nhân dân thành phố.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Điều 5. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận - huyện, Giám đốc các sở, ban, ngành thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
KẾ HOẠCH
PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT NĂM 2002 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 09/2002/QĐ-UB ngày 29 tháng 01 năm 2002 của Uỷ ban nhân dân thành phố)
I.- Mục đích yêu cầu:
1- Nhằm không ngừng nâng cao kiến thức pháp luật phổ thông cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn dân cư, kiến thức pháp luật chuyên ngành cho cán bộ công chức, công nhân viên trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị; chính trị xã hội và các tổ chức khác; người sử dụng lao động và người lao động trong các Doanh nghiệp, tạo ý thức tuân thủ và làm theo pháp luật.
2- Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp trong công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật.
3- Trên cơ sở kế hoạch của Uỷ ban nhân dân thành phố, các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú để đảm bảo cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được duy trì thường xuyên, liên tục và đạt hiệu quả cao.
4- Việc tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật phải được tiến hành đồng bộ, có kế hoạch, có chỉ đạo, kiểm tra chặt chẽ, tránh phô trương hình thức lãng phí. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, hướng về cơ sở như tổ dân phố, khu phố, xóm, ấp, các cơ sở sản xuất, trường học và các cơ sở thuộc các cơ quan, tổ chức khác.
5- Việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cần gắn với các phong trào khác của thành phố (chương trình 3 giảm, lập lại trật tư đô thị v.v...) góp phần thúc đẩy địa phương, cơ quan, đơn vị hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội trong năm 2002.
6- Nâng cao chất lượng và tạo ra nhiều biện pháp, nhiều phương thức hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, các báo, tạp chí và các phương tiện truyền thông khác. Đảm bảo thông tin pháp luật thường xuyên được cập nhật đến với các tầng lớp nhân dân.
7- Thông qua công tác xét cử của Toà án, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, công tác trợ giúp pháp lý, công tác hoà giải ở cơ sở và các hoạt động khác góp phần đa dạng hóa công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nhân dân.
II.- Các nội dung văn bản pháp luật chủ yếu cần phổ biến trong năm 2002:
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội Khoá X về chương trình pháp luật sẽ được Quốc hội thông qua trong năm 2002 và các văn bản quy phạm pháp luật đã được Nhà nước ban hành trong thời gian gần đây, trong năm 2002 các quận - huyện, sở, ngành cần tập trung tuyên truyền phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật sau đây:
1- Bộ Luật Dân Sự 1995:
Tiếp tục tuyên truyền phổ biến những vấn đề có liên quan nhiều đến việc bảo vệ quyền và lợi ích của công dân như: tài sản, quyền sở hữu; Hợp đồng dân sự, nghĩa vụ dân sự; vấn đề thừa kế...
2- Luật Hôn nhân và Gia đình 2000:
Cần tập trung phổ biến những vấn đề cơ bản như: Các nguyên tắc cơ bản của Luật Hôn nhân và Gia đình, vấn đề kết hôn, cấp dưỡng, quan hệ giữa vợ và chồng, quan hệ giữa cha mẹ và con, con nuôi, ly hôn... Trong quá trình phổ biến cần kết hợp giới thiệu các Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị định của Chính phủ, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn việc thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, đồng thời kết hợp với cuộc vận động đăng ký kết hôn theo Nghị quyết số 35/2000/QH10 của Quốc hội, khắc phục tình trạng sống chung như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn; cuộc vận động chống bạo hành trong gia đình v.v...
3- Bộ luật Hình sự 1999:
Tăng cường phổ biến "phần các tội phạm", đặc biệt chú trọng đến các chương như chương XII "Các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người", chương XIII "Các tội phạm quyền tự do, dân chủ của công dân", chương XVII "Các tội phạm về môi trường", chương XVIII "Các tội phạm về ma tuý", chương XIX "Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng". Trong phổ biến Bộ luật Hình sự cần hướng nhân dân thực hiện tốt chương trình mục tiêu 3 giảm do thành phố phát động.
4- Bộ luật Lao động:
Tập trung tuyên truyền sâu rộng Bộ luật Lao động cho các doanh nghiệp, nhất là các quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động; quy định về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi; quy định về hợp đồng lao động; bảo hiểm; an toàn lao động, vệ sinh lao động; kỷ luật, trách nhiệm vật chất; vấn đề lao động nữ; giải quyết tranh chấp lao động. Trong qúa trình phổ biến Bộ luật Lao động cần làm rõ một số hạn chế, bất hợp lý của Bộ luật Lao động hiện hành để có các kiến nghị phù hợp để giúp cho việc sửa đổi bổ sung Bộ luật Lao động được thực hiện tốt.
5- Luật khiếu nại, tố cáo:
Cần làm rõ sự khác nhau và giống nhau giữa 2 khái niệm khiếu nại, tố cáo; nêu rõ quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, trình tự thủ tục thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong quá trình tuyên truyền Luật khiếu nại, tố cáo cần kết hợp phổ biến các quy định trong Nghị định số 67/CP hướng dẫn thực hiện Luật khiếu nại tố cáo.
6- Luật Đất đai:
Trên cơ sở tuyên truyền Luật đất đai năm 1993, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật đất đai năm 1998, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật đất đai năm 2001 cần kết hợp phổ biến một số Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật đất đai như: Nghị định số 17/1999/NĐ-CP về việc thực hiện 5 quyền của người sử dụng đất; Nghị định số 66/2001/NĐ-CP và một số quyết định của Uỷ ban nhân dân thành phố liên quan đến đất đai, nhà ở v.v...
7- Luật phòng cháy và chữa cháy:
Chú trọng tuyên truyền các chương trình quy định về phòng cháy, chữa cháy, tổ chức lực lượng phòng cháy và chữa cháy, đầu tư cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy.
8- Luật Giao thông đường bộ:
Tập trung tuyên truyền phổ biến những vấn đề như quy tắc giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, vận tải đường bộ.
9- Luật Di sản văn hoá:
Chú trọng các chương về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đối với Di sản văn hoá, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể và giá trị di sản văn hoá vật thể.
10- Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:
Cần tập trung tuyên truyền làm rõ vai trò, vị trí, chức năng của Mặt trận Tổ quốc nhất là trong quan hệ phối hợp của Mặt trận, trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tổ chức hiệp thương trong bầu cử và thực hiện việc giám sát của Mặt trận v.v..., đồng thời tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định số 50/2001/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
11- Ngoài những văn bản quy phạm pháp luật đã nêu trên, căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật sẽ được Quốc hội khoá X thông qua trong kỳ họp thứ 10; 11 để có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các luật như:
- Hiến pháp 1992 (sửa đổi);
- Luật tổ chức Quốc hội;
- Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội;
- Luật tổ chức Chính phủ;
- Luật tổ chức toà án;
- Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi);
- Luật bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp;
- Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi);
- Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi);
- Pháp lệnh về phòng chống tệ nạn mại dâm;
- Pháp lệnh về quảng cáo.
Ngoài những văn bản quy phạm pháp luật nói trên, căn cứ vào những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2002 của các quận - huyện, sở - ngành, đoàn thể để tổ chức phổ biến những văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cụ thể cho hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
III.-Một số biện pháp chủ yếu để tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền phố biến, giáo dục pháp luật trong năm 2002:
1- Công tác tổ chức, chỉ đạo:
a) Tiếp tục củng cố và nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (HĐPH) cấp thành phố và cấp quận - huyện, sở - ngành. Thành lập HĐPH ở cấp xã, phường, thị trấn và các Doanh nghiệp để tạo thành hệ thống HĐPH từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở.
Duy trì các chế độ họp hàng quý, hàng năm của HĐPH các cấp; tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra báo cáo, rút kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để công tác này ngày càng đi vào chiều sâu, có trọng tâm, chống hình thức, dàn trải.
b) HĐPH các cấp cần lập kế hoạch cụ thể, cần tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể ở các cấp, các ngành, bảo đảm sự thường xuyên liên tục trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
c) Tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của báo cáo viên pháp luật cấp thành phố và cấp quận - huyện; tiếp tục xây dựng và củng cố đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật cơ sở; thực hiện tốt quy chế tổ chức và hoạt động của tuyên truyền viên cơ sở.
d) Xây dựng, củng cố, chỉ đạo và không ngừng nâng cao kiến thức pháp luật phổ thông cho những người làm công tác hoà giải ở cơ sở. Tiếp tục có nhiều hình thức động viên khuyến khích, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động của hoà giải cơ sở, nhân điển hình để hoạt động này ngày càng có hiệu quả hơn.
đ) Các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cần hướng về cơ sở, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn dân cư, người lao động trong các doanh nghiệp, phục vụ cho việc hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương, góp phần thực hiện quy chế dân chủ và các phong trào thi đua ở cơ quan đơn vị, địa phương.
e) Tăng cường phối hợp giữa các cấp các ngành, đoàn thể trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.
2- Một số biện pháp cơ bản trong tổ chức triển khai:
a) Lập kế hoạch chi tiết, mời các đối tượng và chọn các chuyên đề pháp luật phù hợp, để tổ chức các buổi tuyên truyền miệng đối với các chuyên đề pháp luật đã nêu trong kế hoạch cho cán bộ công chức, các tầng lớp nhân dân, người lao động trong các doanh nghiệp.
b) Biên soạn các loại đề cương tuyên truyền (cho báo cáo viên pháp luật), tài liệu hỏi đáp pháp luật, biên tập các loại sách cẩm nang pháp luật liên quan đến các vấn đề thiết yếu trong đời sống nhân dân (cho tuyên truyền viên, hoà giải viên, bổ sung tủ sách pháp luật), biên soạn các loại tờ gấp tuyên truyền gửi đến các tổ dân phố, hộ gia đình.
c) Tổ chức nhiều hình thức thi tìm hiểu pháp luật với nhiều chuyên đề pháp luật khác nhau cho các đối tượng nhân dân trên địa bàn dân cư, hội viên của các tổ chức, đoàn thể hoặc cán bộ công chức và người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp. Tiếp tục tổ chức các cuộc thi "Công dân và Pháp luật" ở cấp thành phố đối với các quận -huyện và các trường đại học, cao đẳng. Tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật phòng cháy và chữa cháy trong nhân dân.
d) Tăng cường hoạt động hoà giải ở các phường - xã, khu phố, tổ dân phố, xóm, ấp; để giải quyết về cơ bản các tranh chấp trong nhân dân, cần chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ hoà giải; kiến thức pháp luật cho các hoà giải viên.
đ) Tiếp tục bổ sung, cập nhật và nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật, thực hiện việc luân chuyển sách về các khu phố văn hoá, ấp văn hoá, khai thác triệt để tủ sách pháp luật ở các ở các xã phường. Khuyến khích các cơ quan Nhà nước, các Doanh nghiệp, trường học Xây dựng tủ sách pháp luật, tạo điều kiện cho cán bộ - công chức, người lao động, học sinh, sinh viên, học viên có điều kiện nâng cao hiểu biết pháp luật.
e) Tăng cường công tác trợ giúp pháp lý lưu động của trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước và của các cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa trung tâm trợ giúp pháp lý và Hội luật gia quận - huyện, Đoàn Luật sư thành phố để tổ chức được nhiều điểm trợ giúp pháp lý phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân.
g) Tăng cường công tác xét xử lưu động của ngành Toà án, nhất là các vụ án liên quan đến ma tuý, vi phạm trật tự an toàn xã hội... để thông qua các phiên toà lưu động giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật cho nhân dân.
h) Tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, thông tin pháp luật trên các phương tiện báo chí, tờ tin, Đài phát thanh, Đài truyền thanh và các hoạt động thông tin cổ động khác.
i) Tiếp tục việc ký kết và thực hiện kế hoạch phối hợp giữa cơ quan Tư pháp các cấp với các Đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội (Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh...) đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho thành viên của các tổ chức này.
k) Tổ chức ký kết kế hoạch phối hợp hoạt động giữa cơ quan Tư pháp với cơ quan giáo dục - đào tạo, Uỷ ban Dân số - gia đình và trẻ em về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng thuộc trách nhiệm quản lý của các cơ quan nêu trên.
l) Các cơ quan: Uỷ ban Phòng chống HIV/AIDS thành phố, Ban an toàn giao thông thành phố, Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm thành phố cần biện pháp phối hợp chặt chẽ với Hội đồng phối hợp thành phố để triển khai tuyên truyền các quy định của pháp luật có liên quan.
m) Tổ chức việc khảo sát về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân để nắm được các nhu cầu tìm hiểu pháp luật, từ đó có các biện pháp tuyên truyền, phổ biến phù hợp.
IV- Tổ chức thực hiện:
1- Trên cơ sở kế hoạch này, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật quận - huyện, sở - ngành cần xây dựng kế hoạch năm, quý, tháng cho cơ quan đơn vị mình để tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong năm 2002. Tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, đánh giá các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cơ quan đơn vị mình.
2- Sở Tư pháp thành phố phối hợp với Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh và các quận - huyện, các sở - ngành, các cơ quan, tổ chức có liên quan, xây dựng kế hoạch, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, phổ biến trên Đài Truyền hình thành phố.
3- Các sở, ban, ngành, các Đoàn thể thành phố căn cứ vào kế hoạch phổ biến, giáo dục năm 2002 tăng cường công tác phối hợp liên ngành để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
4- Trong quá trình thực hiện kế hoạch, các thông tin, báo cáo, kiến nghị, đề xuất, đề nghị liên hệ Thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố (số 143 Pasteur, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh)./.
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.