BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/2001/QĐ-BGDĐT | Hà Nội, ngày 30 tháng 3 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SỐ 09/2001/QĐ-BGD&ĐT NGÀY 30 THÁNG 3 NĂM 2001 VỀ VIỆC SỬA ĐỔI MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY CHẾ THI TỐT NGHIỆP BỔ TÚC TRUNG HỌC CƠ SỞ VÀ BỔ TÚC TRUNG HỌC PHỔ THÔNG BAN HÀNH THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 06/1999/QĐ-BGD&ĐT NGÀY 26/2/1999 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số 29/CP ngày 30/3/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 02/3/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Quyết định số 06/1999/QĐ-BGD&ĐT ngày 26/2/1999 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế thi Tốt nghiệp Bổ túc THCS và Bổ túc THPT,
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Sửa đổi một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp Bổ túc trung học cơ sở và Bổ túc trung học phổ thông ban hành theo Quyết định số 06 / 1999/QĐ-BGD&ĐT ngày 26/2/1999 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:
1) Sửa đổi Điều 3 như sau:
"1. Thi tốt nghiệp Bổ túc trung học phổ thông được tổ chức thống nhất trong cả nước, tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, mỗi năm một kỳ . Ngày thi được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể trong biên chế năm học.
2. Thi tốt nghiệp Bổ túc trung học cơ sở được tổ chức thống nhất trong từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, mỗi năm hai kỳ. Ngày thi do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định và thông báo tới người học ngay từ đầu năm học."
2) Sửa đổi khoản 4 Điều 8 như sau:
"4- Bằng tốt nghiệp tiểu học hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp đối với thí sinh dự thi Bổ túc trung học cơ sở; bằng tốt nghiệp trung học cơ sở (phổ thông hoặc bổ túc) hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp hoặc Bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp đối với thí sinh dự thi tốt nghiệp Bổ túc trung học phổ thông."
3) Sửa đổi Điều 9 như sau:
"1- Thí sinh dự thi đủ các môn thi quy định trong kỳ thi, nếu không đỗ và không bị kỷ luật huỷ kết quả của cả kỳ thi thì những môn thi đạt từ điểm 5 trở lên được baỏ lưu (gọi là điểm bảo lưu) cho kỳ thi tiếp ngay sau đó và chỉ cho kỳ thi ngay sau đó mà thôi.
2- Các thí sinh có điểm bảo lưu, được dự thi một trong hai cách:
a) Hoặc thi tất cả các môn thi quy định trong kỳ thi.
b) Hoặc chỉ thi các môn thi không có điểm bảo lưu ở kỳ thi ngay trước đó, kể cả môn thi mà kỳ thi trước không phải thi nhưng Bộ quy định trong kỳ thi này."
4) Sửa đổi Điều 11 như sau
"Để được công nhận tốt nghiệp Bổ túc trung học cơ sở hoặc Bổ túc trung học phổ thông thí sinh phải đạt một trong hai điều kiện sau đây:
1- Dự thi đủ các môn quy định trong kỳ thi, đạt trung bình cộng điểm thi các môn từ 5 trở lên, không có điểm 0
2- Chỉ dự thi các môn phải thi lại thì trung bình cộng các điểm bảo lưu và các điểm thi lại đạt từ 5 trở lên. Điểm các môn thi lại không có điểm 0."
5) Sửa đổi Điều 53 như sau:
"Việc thi hành kỷ luật đối với cán bộ, giáo viên là công chức tham gia kỳ thi tốt nghiệp thực hiện theo Nghị định 97/1998/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17 /11/1998 về xử lý kỷ luật và trách nhiệm vật chất đối với công chức và Thông tư 05/1999/TT-TCCP ngày 27/3/1999 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
Việc thi hành kỷ luật đối với giáo viên, nhân viên không phải là công chức tham gia kỳ thi tốt nghiệp thực hiện theo qui định của hợp đồng lao động và luật pháp hiện hành."
6) Sửa đổi Điều 54 như sau:
"Việc áp dụng hình thức kỷ luật theo quy định ở Điều 53 tuỳ thuộc mức độ khuyết điểm và tác hại do khuyết điểm đó gây ra. Cụ thể là:
1. Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với những trường hợp phạm khuyết điểm do thiếu tinh thần trách nhiệm song chưa gây tác hại lớn:
- Không có mặt tại Hội đồng thi đúng thời gian quy định.
- Làm việc riêng trong khi coi thi.
2. Hình thức kỷ luật cảnh cáo được áp dụng đối với những trường hợp phạm khuyết điểm gây ra tương đối nghiêm trọng đến kết quả thi:
- Làm thất lạc hồ sơ thi, khiến một thí sinh mất quyền dự thi hoặc mất bài thi của một thí sinh, khiến hội đồng thi không xác định được kết quả thi của thí sinh đó.
- Chấm bài thi không chính xác so với hướng dẫn chấm của Hội đồng tuyển chọn và ra đề thi.
- Dung túng cho thí sinh đem tài liệu vào phòng thi, nhìn bài, chép bài của nhau trong khi thi.
- Cộng sai, cộng sót điểm thi làm sai lệch kết quả thi của thí sinh.
- Không chấp hành sự phân công của Chủ tịch hội đồng.
3. Hình thức kỷ luật hạ bậc lương được áp dụng đối với những trường hợp:
- Giải bài và chuyển cho thí sinh lúc đang thi.
- Chuyển nội dung đề thi ra ngoài khu vực thi hoặc đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi.
- Ra đề thi sai kiến thức cơ bản hoặc ngoài phạm vi chương trình phải tổ chức thi lại.
- Cố tình chấm bài thi không đúng quy định của hướng dẫn chấm thi.
4. Hình thức kỷ luật hạ ngạch công chức được áp dụng đối với những trường hợp:
- Tổ chức giải bài thi trong lúc đang thi.
- Sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh.
- Để lộ đề thi gây tác hại đến việc tổ chức kỳ thi.
5. Hình thức kỷ luật cách chức được áp dụng đối với những trường hợp:
- Cố tình chữa điểm bài thi làm sai lệch kết quả thi của thí sinh.
- Có những quyết định sai trái gây tác hại nghiêm trọng đến việc tổ chức kỳ thi.
6. Hình thức kỷ luật buộc thôi việc được áp dụng đối với những trường hợp cố tình vi phạm Qui chế thi và các văn bản hướng dẫn tổ chức kỳ thi gây tác hại nghiêm trọng đến kết quả kỳ thi:
- Mua, bán đề thi.
- Nhận hối lộ hoặc đưa hối lộ trong quá trình làm thi.
- Cố tình làm lộ đề thi, gây tác hại nghiêm trọng đến việc tổ chức kỳ thi.
- Cấp bằng cho người không có tên trong danh sách tốt nghiệp.
Trong tất cả các trường hợp trên, cấp quản lý trực tiếp người vi phạm kỷ luật phải đình chỉ ngay công việc đang làm tại Hội đồng thi của đương sự và đề nghị với cấp trên thi hành kỷ luật."
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ Quyết định số 05/ 2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 03 tháng 3 năm 2000 về việc sửa đổi một số Điều của Quy chế thi tốt nghiệp Bổ túc THCS và Bổ túc THPT ban hành theo Quyết định số 06/ 1999/QĐ-BGD&ĐT ngày 26 tháng 2 năm 1999 .
Điều 3: Các ông (bà) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo, Cục trưởng Cục Nhà trường - Bộ Tổng Tham mưu thuộc Bộ Quốc phòng, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Nguyễn Văn Hiển (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.