ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2014/QĐ-UBND | Đồng Nai, ngày 31 tháng 3 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG VÀ BÃI BỎ MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA SỞ CÔNG THƯƠNG TỈNH ĐỒNG NAI BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 66/2011/QĐ-UBND NGÀY 21/11/2011 CỦA UBND TỈNH ĐỒNG NAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010;
Căn cứ Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế;
Căn cứ Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm;
Căn cứ Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 539/TTr-SCT ngày 10/3/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Điều chỉnh, bổ sung, bãi bỏ một số nội dung của quy định về tổ chức và hoạt động của Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai ban hành kèm theo Quyết định số 66/2011/QĐ-UBND ngày 21/11/2011 của UBND tỉnh Đồng Nai, cụ thể như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau:
Sở Công Thương là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai (gọi tắt UBND tỉnh) có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công nghiệp và thương mại (gọi tắt là công thương) trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Cơ khí; luyện kim; điện; năng lượng mới; năng lượng tái tạo; hóa chất; vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN); công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản; bảo vệ môi trường ngành công thương; phát triển ngành công nghiệp môi trường; triển khai chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; quản lý an toàn trong ngành Công Thương; công nghiệp tiêu dùng; công nghiệp thực phẩm; công nghiệp chế biến khác; lưu thông hàng hoá trên địa bàn tỉnh; xuất khẩu; nhập khẩu; quản lý thị trường; quản lý cạnh tranh; xúc tiến thương mại; kiểm soát độc quyền; chống bán phá giá; chống trợ cấp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thương mại điện tử; dịch vụ thương mại; hội nhập kinh tế; quản lý cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn; thực hiện việc quản lý nhà nước bằng pháp luật trong phạm vi ngành Công Thương và tổ chức thực hiện công tác pháp chế quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ; các hoạt động khuyến công; cung cấp các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Sở và các chức năng khác thuộc lĩnh vực công thương.
2. Bãi bỏ Khoản 3 Điều 3. Nhiệm vụ và quyền hạn chung
3. Sửa đổi Điểm g, Khoản 2, Điều 5 như sau:
g) Phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý chất lượng công trình nhà máy điện, đường dây tải điện, trạm biến áp và các công trình công nghiệp chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; thực hiện kiểm tra, thanh tra chuyên ngành điện lực theo quy định của pháp luật.
4. Bổ sung Điều 6a, Điều 6b, Điều 6c sau Điều 6 như sau:
Điều 6a. Quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm
1. Tổ chức cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại hình thực phẩm theo phân cấp của Bộ Công Thương;
2. Tổ chức việc cấp Giấy Xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm theo phân cấp của Bộ Công Thương.
Điều 6b. Công tác pháp chế.
1. Về công tác xây dựng pháp luật.
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước về công tác công thương;
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan phối hợp với Sở Tư pháp lập dự kiến chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh;
c) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị hồ sơ dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước về công tác công thương đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý hoặc đề nghị Sở Tư pháp thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh;
d) Chủ trì hoặc tham gia soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật theo sự phân công của cơ quan cấp trên;
đ) Tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các đơn vị khác soạn thảo trước khi đề nghị Sở Tư pháp thẩm định;
e) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan khác gửi lấy ý kiến.
2. Về công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thường xuyên rà soát, định kỳ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước về công tác công thương;
b) Định kỳ 06 tháng, hàng năm xây dựng báo cáo gửi Sở Tư pháp để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật và đề xuất phương án xử lý những quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, trái pháp luật hoặc không còn phù hợp.
3. Về công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật.
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật;
b) Xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật để gửi Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
4. Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật dài hạn, hàng năm trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước về công tác công thương và tổ chức thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt;
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước về công tác công thương; hướng dẫn, kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của các đơn vị thuộc Sở Công Thương;
c) Chủ trì và phối hợp với các đơn vị tổ chức xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật tại cơ quan;
d) Chủ trì và phối hợp với các đơn vị định kỳ 06 tháng, hàng năm tiến hành kiểm tra, tổng kết tình hình thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; báo cáo Sở Tư pháp về kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tư pháp.
5. Về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật.
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác kiểm tra theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước về công tác công thương theo quy định của pháp luật;
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện pháp luật;
c) Chủ trì xây dựng báo cáo kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước về công tác công thương gửi Sở Tư pháp.
6. Về công tác bồi thường của Nhà nước.
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác bồi thường của Nhà nước theo quy định của pháp luật.
7. Về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp trong việc thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
8. Về công tác tham mưu các vấn đề pháp lý và tham gia tố tụng.
a) Tham gia ý kiến về mặt pháp lý đối với việc xử lý các vấn đề trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước về công tác công thương; có ý kiến về mặt pháp lý đối với các quyết định, văn bản chỉ đạo, điều hành quan trọng của Sở Công Thương;
b) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu về các vấn đề pháp lý khi tham gia tố tụng để bảo vệ lợi ích hợp pháp của cơ quan theo quy định của pháp luật;
c) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham gia xử lý, đề xuất, kiến nghị các biện pháp phòng ngừa, khắc phục hậu quả các vi phạm pháp luật, nội quy, quy chế của Sở Công Thương.
9. Về thi đua khen thưởng trong công tác pháp chế.
Phối hợp với các đơn vị có liên quan đề nghị cơ quan có thẩm quyền khen thưởng đối với cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác pháp chế.
10. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân tỉnh giao hoặc theo quy định của Pháp luật.
Điều 6c. Công tác kiểm soát thủ tục hành chính
a) Chủ trì và phối hợp với Sở Tư pháp kiểm soát thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật;
b) Xây dựng báo cáo về tình hình và kết quả thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, gửi Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
5. Bổ sung Điểm i tại Khoản 1 Điều 9 như sau:
i) Phòng Pháp chế;
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký, các nội dung còn lại của Quyết định số 66/2011/QĐ-UBND ngày 21/11/2011 của UBND tỉnh Đồng Nai vẫn giữ nguyên giá trị pháp lý. Quyết định số 39/2013/QĐ-UBND ngày 28/6/2013 của UBND tỉnh Đồng Nai hết hiệu lực.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Công Thương, Nội vụ; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.