ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/2006/QĐ-UBND | Long Xuyên, ngày 24 tháng 02 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN II (2006-2010)
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010;
Căn cứ Chỉ thị số 09/2005/CT-TTg ngày 05/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh An Giang,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình Cải cách hành chính tỉnh An Giang giai đoạn II (2006-2010).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thành viên Ban chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
CHƯƠNG TRÌNH
CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN II (2006-2010)
(Ban hành kèm theo Quyết định số:08/2006/QĐ-UBND ngày 24 tháng 02 năm 2006 của ủy ban nhân dân tỉnh).
* Đánh giá chung:
Sau giai đoạn I (2001 - 2005) việc thực hiện cải cách hành chính đã đạt được những thành tựu cơ bản sau:
- Công tác cải cách hành chính từng bước đi vào nề nếp tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức nhà nước cũng như cán bộ của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân về ý nghĩa, mục tiêu cũng như nội dung cải cách hành chính.
- Cơ chế "một cửa" ngày càng được tổ chức, công dân ủng hộ. Việc công khai, minh bạch về thủ tục (hồ sơ, thời gian giải quyết, phí, lệ phí cũng như quy trình giải quyết công việc) bước đầu khắc phục được các hiện tượng quan liêu, nhũng nhiễu của các cơ quan cũng như cán bộ, công chức hành chính.
- Thông qua thực hiện các chương trình, kế hoạch cải cách hành chính, cả tổ chức, bộ máy và cán bộ, công chức đều có chuyển biến, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu cơ chế vận hành mới, tiến bộ hơn.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính vẫn còn những thiếu sót, tồn tại cụ thể là:
- Công tác rà soát, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có nhiều tiến bộ nhưng chưa đáp ứng đòi hỏi phát triển kinh tế - xã hội, nhiều quy định còn lúng túng, chưa giải quyết được gốc vấn đề.
- Các quyết định về giải quyết khiếu nại của các cấp, các ngành còn thiếu chuẩn xác, phải điều chỉnh nhiều lần.
- Sự quan tâm của lãnh đạo nhằm nâng chất cơ chế "một cửa" chưa đi vào chiều sâu, chưa tập trung khắc phục những vướng mắc, tồn tại trong tổ chức, thực hiện. Một số công chức có biểu hiện tiêu cực như nhũng nhiễu dân, làm "cò" cho dân trong thực hiện các giao dịch với cơ quan nhà nước.
- Công tác sắp xếp tổ chức, bộ máy các cơ quan chuyên môn thiếu tính ổn định, ảnh hưởng đến công tác tổ chức cán bộ của cả hệ thống chính trị.
- Công tác đào tạo chưa gắn với việc tuyển dụng, bố trí cán bộ đúng chuyên môn, hiện tượng sau khi đào tạo về bố trí chuyên môn khác thường xảy ra. Chưa làm tốt các quy trình công tác tinh giản biên chế như công tác tư tưởng, công tác chính sách; có lúc, có nơi thiếu dân chủ, công khai, minh bạch dẫn đến khiếu kiện.
- Các ngành, các cấp chưa thật sự quán triệt tốt nội dung, ý nghĩa cải cách tài chính công, phần lớn chỉ trông chờ vào sự bao cấp của các chính sách, thậm chí còn có tư tưởng tranh thủ từ ngân sách "được mức nào hay mức ấy".
- Công tác kiểm tra việc thực hiện các chương trình, kế hoạch cải cách hành chính chưa được tiến hành thường xuyên cho nên việc phát hiện và điều chỉnh những sai sót còn chưa kịp thời, chưa sát hợp.
- Chế độ thông tin, báo cáo về tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch cải cách hành chính hàng năm của UBND tỉnh nói chung, cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa" nói riêng vẫn chưa được đảm bảo yêu cầu kịp thời, chính xác.
- Vai trò, trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh chưa được đề cao và phát huy đúng mức.
* Nguyên nhân:
Qua đánh giá tổng kết giai đoạn I (2001 - 2005) có thể nói thực trạng trên xuất phát từ những nguyên nhân cơ bản sau:
- Nhận thức của cán bộ, công chức chưa đồng đều, chưa thật sự thấy cải cách hành chính là yếu tố "sống còn" của chế độ đất nước ta. Một số ít cán bộ lãnh đạo vẫn có tư tưởng hoài nghi về cơ chế "một cửa", xem đó chỉ là giải pháp tình thế.
- Cơ chế "xin - cho" vẫn còn dấu ấn ít nhiều trong nếp nghĩ, hành động của cán bộ, công chức và hoạt động của một số cơ quan hành chính nhà nước. Tư tưởng lợi ích cục bộ, cá nhân vẫn còn trong một bộ phận cán bộ, công chức.
- Ngân sách cho cải cách hành chính nói chung vẫn còn eo hẹp, chưa bảo đảm chi cho hoạt động, trang thiết bị làm việc và bồi dưỡng thêm cho cán bộ, công chức của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả .
- Cơ chế nhiều kênh giám sát cán bộ, công chức chưa thật sự có hiệu quả.
Giai đoạn 2006-2010, sẽ có nhiều thuận lợi và không ít thách thức đối với công cuộc cải cách hành chính tại tỉnh ta. Đó là sự nhất quán trong quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cùng với sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân đã, đang và sẽ tạo nên nền tảng vững chắc cho công cuộc cải cách hành chính nhà nước đi đến mục tiêu đã định. Trong điều kiện hội nhập khu vực và thế giới, đặc biệt là việc nước ta sẽ chính thức trở thành thành viên của WTO hứa hẹn sẽ mang lại cho Việt Nam nói chung, An Giang nói riêng cơ hội giao lưu, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các nước để đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính nhà nước. Song, nền hành chính nhà nước ta hiện nay vẫn trong giai đoạn đầu cải cách, tổ chức hoạt động còn quan liêu, đội ngũ cán bộ công chức vẫn chưa đảm bảo số lượng, cơ cấu chưa hợp lý, chưa chuyên nghiệp, thiếu hiện đại, ... trong khi hội nhập lại đòi hỏi nền hành chính phải đáp ứng theo những tiêu chuẩn ngang bằng quốc tế.
Trước bối cảnh như thế, công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2006-2010 cần phải tiếp tục bám sát chương trình tổng thể của Chính phủ, đảm bảo đồng bộ với cả nước, đồng thời có những kế hoạch phù hợp với tình hình trong tỉnh, để chậm nhất cuối năm 2010 thực hiện trọn vẹn mục tiêu cải cách hành chính mà chương trình tổng thể đã đề ra.
Ii. Mục tiêu cải cách hành chính đến năm 2010.
1. Mục tiêu chung.
Tạo sự chuyển biến cụ thể, hiệu quả trong cải cách hành chính để phục vụ tích cực cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức, có năng lực thực hiện công vụ đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như hội nhập kinh tế quốc tế theo phương châm “Trách nhiệm, một cửa, thân thiện”.
2. Các mục tiêu cụ thể.
a. Hoàn thiện hệ thống thể chế pháp lý trên cơ sở các quy định của trung ương và thực tiễn đòi hỏi quản lý kinh tế - xã hội của địa phương. Chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong bộ máy hành chính nhà nước; nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức kỷ luật của cán bộ, công chức trong thi hành nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước.
b. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh, xóa bỏ các thủ tục hành chính có tính quan liêu, rườm rà gây phiền hà, tốn kém cho tổ chức, công dân. Tiến hành chuẩn hóa, mẫu hóa và công khai các thủ tục hành chính: thời gian giải quyết, phí, lệ phí, quy trình giải quyết công việc có liên quan đến tổ chức, công dân theo cơ chế "một cửa".
c. Tăng cường công tác tiếp dân, đổi mới phương thức, quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp của công dân nhằm nâng cao chất lượng công tác này. Hạn chế trường hợp khiếu kiện đông người và vượt cấp, tập trung xử lý dứt điểm các vụ kiện kéo dài.
d. Phát huy hoạt động dân chủ ở cơ sở, nâng cao vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp và công dân đối với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.
đ. Tiếp tục điều chỉnh bộ máy hành chính nhà nước các cấp theo hướng chất lượng, hiệu quả. Đặc biệt chú trọng phân cấp quản lý và phân định trách nhiệm rành mạch giữa cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, sự nghiệp có thu. Thực hiện xã hội hóa các dịch vụ công cộng, các hoạt động mang tính xã hội, nghề nghiệp.
e. Hoàn thành tiêu chuẩn hóa cán bộ, công chức nhà nước theo chức danh, chức trách đã xây dựng, chú trọng tiêu chuẩn hóa công chức cơ sở. Xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực và đào tạo nâng cao đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, công chức chuyên môn ở các lĩnh vực đúng định hướng chiến lược.
g. Thực hiện đầy đủ và chính xác các quy định về khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính cũng như các chế độ tài chính áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp có thu. Xây dựng kế hoạch thu chi tài chính đúng quy định, kiên quyết chống các biểu hiện mang tính "xin, cho".
III. Nội dung cải cách hành chính đến năm 2010.
1. Cải cách thể chế hành chính.
a. Tổ chức xây dựng chương trình công tác và chương trình ban hành văn bản pháp luật hàng năm đúng theo trình tự và thẩm quyền ban hành của UBND các cấp, tập trung ở những lĩnh vực, vấn đề bức xúc.
- Xây dựng, ban hành chương trình công tác hành năm của UBND tỉnh làm cơ sở chỉ đạo các ngành, các cấp xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện, có phân công kiểm tra và phối hợp với HĐND các cấp, các cơ quan trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân thực hiện việc giám sát hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.
- Xây dựng chương trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND ở từng cấp.
b. Tổ chức triển khai, sơ, tổng kết các chương trình công tác, hoạt động quản lý của UBND các cấp và các cơ quan hành chính nhà nước; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo chuyên đề; rà soát các thủ tục hành chính, các văn bản hành chính các cấp để điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi.
- Tổ chức triển khai chương trình kiểm tra việc thi hành các văn bản, chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.
- Nâng cao chất lượng công tác sơ, tổng kết và báo cáo rút kinh nghiệm, bảo đảm thông tin chỉ đạo, điều hành và thỉnh thị, báo cáo luôn luôn thông suốt; nâng cao chất lượng hội họp, giảm bớt các cuộc hội họp không mang lại kết quả, không thật sự cần thiết.
- Rà soát văn bản trên tất cả các lĩnh vực trong từng giai đoạn, trọng tâm ở các lĩnh vực đầu tư xây dựng, tài chính, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ.
- Thường xuyên kiến nghị, đề xuất điều chỉnh, sửa đổi các quy định không còn phù hợp với thực tiễn.
c. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế "một cửa" trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
- Hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cơ quan hành chính nhà nước; thường xuyên điều chỉnh các quy trình phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn của địa phương lẫn trung ương đóng trên địa bàn trong giải quyết các yêu cầu của tổ chức, công dân.
- Từng bước xem xét đưa thêm nội dung các lĩnh vực công tác thích hợp vào hoạt động theo cơ chế "một cửa"; đến 2010 tất cả các lĩnh vực hoạt động của cơ quan nhà nước ở địa phương đều thực hiện theo cơ chế này.
- Rà soát các thủ tục hành chính liên quan tới dân và doanh nghiệp, trên tất cả các lĩnh vực, tập trung vào các lĩnh vực đã thực hiện theo cơ chế "một cửa". Sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ thủ tục hành chính không thích hợp.
- Xây dựng quy trình phối hợp để thực hiện cơ chế "một cửa" ở các lĩnh vực có tính liên ngành như đầu tư, đăng ký kinh doanh có điều kiện ...
- Cải tiến, chuẩn hóa tiến tới mẫu hóa các hồ sơ, thủ tục hành chính.
- Bảo đảm trang thiết bị phục vụ hoạt động của cán bộ, công chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở cơ quan hành chính các cấp.
d. Tăng cường thực hiện dân chủ ở cơ sở và hoạt động thanh tra giám sát, thanh tra công vụ, đánh giá kết quả thực hiện các quyết định hành chính.
- Các ngành, các cấp thường xuyên kiểm tra việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện hàng năm, rà soát điều chỉnh các hương ước, quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở phù hợp với tình hình nhiệm vụ chính trị và đời sống xã hội.
- Phát huy cơ chế giám sát, cơ chế thanh tra, kiểm soát, thanh tra công vụ, ... nhằm nâng cao trách nhiệm tổ chức, cá nhân; đảm bảo hiệu lực, trật tự, kỷ cương trong quản lý nhà nước.
- Vận dụng các tiêu chuẩn công tác (ISO), hệ thống đánh giá (PMS) tiên tiến, hiện đại trong phương thức điều hành, quản lý hành chính nhà nước.
2. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính.
a. Định hình, tiến tới hoàn chỉnh tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương; hoàn chỉnh các quy chế tổ chức hoạt động, quy chế phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn cùng cấp, cùng lĩnh vực và các cơ quan trong hệ thống chính trị cùng cấp.
- Tổ chức, sắp xếp bộ máy các cấp tỉnh, huyện, xã theo quy định của Chính phủ. Theo dõi quá trình hoạt động, tổ chức rút kinh nghiệm, tìm ra mô hình thích hợp đề xuất Chính phủ, Bộ Nội vụ tiếp tục điều chỉnh.
- Thường xuyên điều chỉnh Quy chế hoạt động của các sở, ngành và UBND cấp huyện; điều chỉnh các quy định phân định trách nhiệm quản lý giữa Giám đốc sở và tương đương với Chủ tịch UBND cấp huyện để khắc phục, đi đến chấm dứt tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các sở với nhau, giữa các sở với cấp huyện.
b. Đẩy mạnh việc thực hiện phân công, phân cấp rành mạch giữa các cấp, các loại hình hoạt động quản lý, phục vụ, cung ứng dịch vụ công.
- Thực hiện phân cấp rõ ràng, hợp lý giữa tỉnh - huyện - xã, phân biệt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính ở đô thị với nông thôn.
- Các sở, ngành và UBND cấp huyện xác định rõ chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý (các chi cục, phòng chuyên môn, trung tâm).
- Điều chỉnh đi đến hoàn chỉnh các quy định trách nhiệm và phạm vi hoạt động của các đơn vị sự nghiệp hành chính, từng bước xã hội hóa hoạt động sự nghiệp.
- Tiếp tục nghiên cứu các mô hình dịch vụ công để áp dụng khi điều kiện thích hợp, tạo điều kiện từng bước xã hội hóa cung ứng dịch vụ công.
c. Nâng cao chất lượng hoạt động tại từng cơ quan, đơn vị; thực hiện tốt các chương trình, nội dung cải cách hành chính cả giai đoạn và hàng năm.
- Ban hành nội quy, quy chế làm việc tại các cơ quan hành chính đẩy mạnh phong trào xây dựng cơ quan văn hóa, công sở văn minh.
- Xây dựng tinh thần trách nhiệm và quan hệ thân thiện giữa các cơ quan hành chính nhà nước và tổ chức, công dân.
- Thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp trách nhiệm cụ thể khi giải quyết các công việc có liên quan nhiều cơ quan.
3. Đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
a. Thực hiện phân cấp quản lý cán bộ, công chức đúng quy định.
- Trên cơ sở tổng điều tra, khảo sát đội ngũ cán bộ, công chức ở từng cấp tiến hành theo dõi, quản lý, cập nhật thường xuyên các thông tin của cán bộ, công chức các loại theo quy định.
- Tổ chức quản lý, thực hiện nghiêm túc việc kê khai tài sản và tham gia hoạt động, sinh hoạt tại địa phương của cán bộ, công chức đúng quy định của Đảng và Nhà nước.
- Thường xuyên rà soát trình độ năng lực cán bộ, công chức đảm bảo tiêu chuẩn hóa và thực hiện việc tinh giản biên chế nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức.
b. Quản lý thực hiện tốt công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo và luân chuyển cán bộ, công chức theo quy định.
- Áp dụng hình thức thi tuyển để chuẩn hóa cán bộ, công chức ngay từ đầu vào và thường xuyên tổ chức nghiêm túc việc thi tuyển công chức, viên chức, công chức dự bị cho các cơ quan hành chính, cơ quan sự nghiệp.
- Căn cứ yêu cầu công tác, tổ chức thi nâng ngạch hàng năm cho công chức, viên chức các ngạch tỉnh quản lý, cử công chức dự thi ngạch trung ương quản lý theo quy định của Bộ Nội vụ.
- Thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, quản lý nhà nước, nâng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính các đối tượng cán bộ, công chức theo định hướng quy hoạch, sử dụng và luân chuyển; tạo điều kiện thăng tiến công bằng cho cán bộ, công chức (không thực hiện việc đào tạo lại).
- Đào tạo nâng cao sau đại học ưu tiên cho các lĩnh vực, ngành, nghề phục vụ trước mắt cho yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh như công nghiệp sinh học, chế biến nông, thủy sản ...
- Có kế hoạch bồi dưỡng ngôn ngữ dân tộc, ngoại ngữ (kể cả ngoài nước) nhằm đảm bảo cán bộ, công chức có đủ khả năng ngoại ngữ theo học các lớp sau đại học, nghiên cứu sinh, các chương trình đào tạo quốc tế.
c. Thường xuyên tuyên truyền, giáo dục xây dựng và nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức cán bộ, công chức.
- Quán triệt mục tiêu và khẩu hiệu hành động "trách nhiệm, một cửa, thân thiện" cho cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường giáo dục xây dựng ý thức trách nhiệm tận tâm, tận lực với công việc; thực hiện tốt các tiêu chuẩn, đạo đức nghề nghiệp; tôn vinh nghề nghiệp, danh dự của cán bộ, công chức nhà nước.
- Tổ chức thực hiện tốt các quy chế công vụ, kỷ luật nghề nghiệp; thực hiện tốt việc công khai, minh bạch các hoạt động công vụ nhất là các lĩnh vực có quan hệ trực tiếp với tổ chức, công dân, các quan hệ có yếu tố nước ngoài và liên quan đến tài chính.
- Đẩy mạnh đấu tranh chống quan liêu tham nhũng, tổ chức tốt việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí.
d. Thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ, công chức.
- Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức nhất là công chức hành chính; có chính sách ưu đãi và tạo điều kiện sinh sống, việc làm cho cán bộ, công chức được tinh giản biên chế.
- Quan tâm thực hiện tốt công tác quản lý và thực hiện các chế độ tiền lương, phụ cấp và các chế độ bảo hiểm cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ.
- Xây dựng và thực hiện tốt các chính sách khuyến khích cả về tài chính và điều kiện công tác cho cán bộ, công chức tình nguyện đến công tác tại các khu vực khó khăn trong tỉnh.
- Củng cố, đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp trong các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, ngày càng phát huy dân chủ và trí tuệ của cán bộ, công chức trong các hoạt động dân chủ ở cơ sở.
4. Cải cách tài chính công.
- Thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước của tỉnh. Trên cơ sở tổ chức rút kinh nghiệm, từng bước điều chỉnh các chỉ tiêu cho phù hợp với tình hình thực tế, xóa cơ chế "xin, cho" và tình trạng "biên chế ảo".
- Thực hiện cơ chế tự chủ quản lý tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp có thu. Nâng dần số lượng các đơn vị hoàn toàn tự chủ về tài chính, giảm mức hỗ trợ từ ngân sách đối với các đơn vị tự trang trãi một phần. Xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp có đủ điều kiện.
- Đổi mới cơ chế quản lý tài chính, ngân sách, công tác kiểm tra kế toán đối với các cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp; thực hiện quản lý tài chính theo chương trình kế hoạch và khoản mục thu, chấm dứt cơ chế "chuyên quản" trong quản lý thu chi tài chính.
5. Tuyên truyền về cải cách hành chính.
- Thường xuyên tuyên truyền sâu rộng chương trình cải cách hành chính trong cán bộ, công chức và cả nhân dân.
- Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ về cải cách hành chính, cơ chế "một cửa" cho cán bộ, công chức nhà nước; tổ chức tìm hiểu, hội thi cho viên chức, công nhân lao động.
- Tuyên truyền cải cách hành chính trên các phương tiện thông tin đại chúng: báo, đài, mạng internet ... một cách đồng bộ, có chiều sâu.
- Tổ chức tuyên truyền và học tập trong các tầng lớp nhân dân địa phương, các tổ chức chính trị xã hội và xã hội nghề nghiệp về chính sách pháp luật, nhất là những vấn đề có liên quan đến cải cách hành chính, đến quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ công dân; các thủ tục tổ chức, công dân phải làm và được phép yêu cầu đối với cán bộ, công chức và cơ quan hành chính nhà nước.
6. Hiện đại hoá nền hành chính.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào chỉ đạo điều hành bộ máy hành chính nhà nước trong tỉnh, cải tiến lề lối làm việc, giảm bớt hội họp kém chất lượng, giấy tờ hành chính không cần thiết. Thực hiện kế hoạch "Chính phủ điện tử" theo chỉ đạo của Chính phủ.
- Đến năm 2010 hoàn chỉnh việc tổ chức áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO và thực hiện hệ thống giám sát đánh giá kết quả PMS trong quản lý hành chính nhà nước.
- Mua sắm trang thiết bị đảm bảo việc nối mạng thông suốt, thường xuyên thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, giảm bớt giấy tờ hành chính và hội họp không cần thiết.
- Trong giai đoạn II (2006-2010) bảo đảm hoàn chỉnh xây dựng mới, nâng cấp trụ sở làm việc của chính quyền cấp xã.
IV.Tổ chức thực hiện.
1. Các giải pháp chủ yếu:
a. Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở, làm cho toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước quán triệt một cách thông suốt về vị trí, vai trò quan trọng của công tác cải cách hành chính đối với sự ổn định và phát triển của toàn tỉnh; từ đó tạo sự nhất quán và tâm huyết hơn đối với công cuộc cải cách hành chính.
b. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về ý nghĩa, mục đích của cải cách hành chính nhà nước là nhằm phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, làm cho nhân dân ngày càng tin tưởng vào chế độ, tích cực ủng hộ, tham gia vào công cuộc cải cách hành chính.
c. Thực hiện một cách có hiệu quả cơ chế "nhiều kênh" giám sát như giám sát nội bộ thông qua công tác kiểm tra, báo cáo, thanh tra định kỳ và đột xuất của các cơ quan nhà nước, giám sát bên ngoài của các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân. Một mặt kịp thời phát hiện, điều chỉnh những bất cập, thiếu sót của hoạt động quản lý nhà nước, của công tác cải cách hành chính, xử lý nghiêm những cá nhân, đơn vị có hành vi gây trở ngại cho việc thực hiện Chương trình cải cách hành chính; mặt khác động viên đúng lúc các nhân tố tích cực, các điển hình tốt để nhân rộng nhằm thúc đẩy tiến trình đạt các mục tiêu đã xác định.
d. Chủ động bố trí đủ nguồn tài chính, nhân lực theo yêu cầu của Chương trình Cải cách hành chính 2006-2010 của UBND tỉnh. Cần bố trí đủ cán bộ có năng lực cho việc thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra. Xây dựng và củng cố bộ phận chuyên trách đủ mạnh làm công tác cải cách hành chính ở các sở ngành, huyện, thị xã, thành phố làm nòng cốt tham mưu và kiểm tra đôn đốc các đơn vị trực thuộc thực hiện chương trình cải cách hành chính.
Bố trí nguồn lực tài chính cần thiết từ ngân sách nhà nước để xây dựng và thực hiện các chương trình hành động cụ thể đã xác định.
2. Các chương trình hành động chủ yếu thực hiện Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2006 - 2010:
a. Nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật do tỉnh ban hành:
- Cải tiến quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phương thức hợp tác và phân công giữa các cơ quan có liên quan trong việc chuẩn bị và ban hành văn bản theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND, đồng thời thường xuyên theo dõi, rút kinh nghiệm để có điều chỉnh kịp thời.
- Huy động sự tham gia của chuyên gia, nhân dân và các bộ phận chủ yếu có liên quan đến các quy định xác định trong văn bản vào quá trình xây dựng và thẩm định, đóng góp ý kiến dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp
Thời gian thực hiện: 2006 - 2010
b. Hoàn chỉnh bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương:
- Thực hiện sự phân cấp giữa các cấp chính quyền địa phương trên các ngành, các lĩnh vực.
- Nghiên cứu, xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy chính quyền các cấp của địa phương phù hợp, ổn định, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới. Phân biệt chức năng, nhiệm vụ, tính chất và phương thức quản lý của chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn.
- Rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, qua đó sắp xếp, tinh giản các đơn vị này.
Cơ quan chủ trì: Sở Nội vụ
Thời gian thực hiện: 2006 - 2010
c. Hiện đại hoá nền hành chính nhà nước ở địa phương:
- Đổi mới phương thức điều hành của hệ thống hành chính, áp dụng các hệ thống đánh giá chất lượng quản lý hiện đại, tiên tiến (ISO, PMS).
Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ
Thời gian thực hiện: 2006 - 2010
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.
Cơ quan chủ trì: Sở Khoa học và Công nghệ
Thời gian: 2006 - 2010
- Hiện đại hoá công sở, đảm bảo trang thiết bị và điều kiện làm việc tương đối hiện đại cho các cơ quan hành chính nhà nước; Chính quyền cấp xã có trụ sở và phương tiện làm việc đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý.
Cơ quan chủ trì: Sở Tài chính
Thời gian: 2006 - 2010
d. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của địa phương:
- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức địa phương đáp ứng đủ các tiêu chuẩn theo quy định.
- Thực hiện phân cấp quản lý nhân sự.
- Đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức địa phương cho phù hợp (bao gồm đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước).
- Áp dụng các công cụ quản lý nguồn nhân lực với sự trợ giúp của công nghệ thông tin.
- Tiếp tục xây dựng và thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cho địa phương. Chú trọng nhân lực chất lượng cao và nhân lực có trình độ tình nguyện phục vụ tại các vùng khó khăn trong tỉnh.
Cơ quan chủ trì: Sở Nội vụ
Thời gian: 2006 - 2010
e. Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục, thể thao theo tinh thần Nghị quyết 05/2005/CP của Chính phủ:
- Xã hội hoá hoạt động giáo dục, đào tạo
Cơ quan chủ trì: Sở Giáo dục và Đào tạo.
Thời gian: 2006 - 2010
- Xã hội hoá hoạt động y tế.
Cơ quan chủ trì: Sở Y tế.
Thời gian: 2006 - 2010
- Xã hội hoá hoạt động văn hoá.
Cơ quan chủ trì: Sở Văn hoá Thông tin.
Thời gian: 2006 - 2010
- Xã hội hoá hoạt động thể dục, thể thao.
Cơ quan chủ trì: Sở Thể dục Thể thao.
Thời gian: 2006 - 2010
g. Thực hiện cơ chế "một cửa" lĩnh vực đầu tư.
Cơ quan chủ trì: TT Xúc tiến thương mại - đầu tư - du lịch.
Thời gian: 2006 - 2007.
h. Thực hiện cơ chế "một cửa" lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.
Cơ quan chủ trì: Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Thời gian: 2006 - 2007.
e. Hoàn thiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước. Hoàn thiện cơ chế tài chính đối với cơ sở cung ứng dịch vụ công cộng trên cơ sở đẩy mạnh xã hội hoá.
Cơ quan chủ trì: Sở Tài chính.
Thời gian: 2006 - 2010.
3. Trách nhiệm tổ chức thực hiện Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2006 -2010:
- Chủ tịch UBND các cấp chỉ đạo chung việc triển khai thực hiện Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2006 - 2010 của địa phương.
- Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh giúp Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2006 - 2010 của UBND tỉnh.
- Văn phòng UBND tỉnh định kỳ hành tháng báo cáo UBND tỉnh những đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc hoặc không nghiêm túc các quyết định, chỉ thị, công văn chỉ đạo của UBND tỉnh và đề xuất biểu dương khen thưởng hoặc phê bình, kỷ luật đối với người đứng đầu.
- Các cơ quan được giao chủ trì các chương trình hành động cụ thể chịu trách nhiệm xây dựng chương trình, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, làm đầu mối phối hợp với các cơ quan có liên quan để thực hiện.
- Các sở ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Chương trình Cải cách hành chính giai đoạn 2006 - 2010 và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch cải cách hành chính hàng năm, định kỳ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, Ban chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh theo quy định.
- Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch bố trí nguồn lực theo yêu cầu của Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2006 - 2010 của UBND tỉnh.
- Thường trực Ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh (Sở Nội vụ) có trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, định kỳ báo cáo tình hình và kết quả thực hiện với UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.