CỤC DỰ TRỮ QUỐC GIA | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/1999/QĐ-CDTQG | Hà Nội, ngày 25 tháng 3 năm 1999 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA CỤC TRƯỞNG CỤC DỰ TRỮ QUỐC GIA SỐ 08/1999/QĐ-CDTQG NGÀY 25 THÁNG 3 NĂM 1999 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ ĐẤU THẦU MUA, BÁN VẬT TƯ - THIẾT BỊ DỰ TRỮ QUỐC GIA
CỤC TRƯỞNG CỤC DỰ TRỮ QUỐC GIA
Căn cứ Nghị định số 66/CP ngày 18/10/1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Dự trữ Quốc gia;
Căc cứ Nghị định số 10/CP, ngày 24 tháng 2 năm 1996 của Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý Dự trữ quốc gia;
Theo đề nghị của Trưởng ban Pháp chế và Trưởng ban Kế hoạch,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế đấu thầu mua, bán vật tư - thiết bị Dự trữ quốc gia.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Các ông Trưởng ban, Chánh Thanh tra, Chánh Văn phòng Cục và thành viên Hội đồng đấu thầu chịu trách nhiệm thi hành Quy chế kèm theo Quyết định này.
| Ngô Xuân Huề (Đã ký) |
QUY CHẾ
ĐẤU THẦU MUA, BÁN VẬT TƯ - THIẾT BỊ DỰ TRỰ QUỐC GIA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 08/1999/QĐ-CDTQG ngày 25/3/1999 của Cục trưởng Cục Dự trữ Quốc gia)
Chương 1
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Giải thích các từ ngữ:
Các từ ngữ trong Quy chế này được hiểu như sau:
1. "Đấu thầu" mua, bán vật tư - thiết bị dự trữ quốc gia là quá trình lựa chọn nhà thầu đáp ứng được các yêu cầu của bên mời thầu.
2. "Bên mời thầu" là Cục Dự trữ quốc gia hoặc đơn vị trực thuộc Cục khi mua, bán vật tư - thiết bị dự trữ quốc gia theo kế hoạch hàng năm bằng hình thức đấu thầu.
3. "Nhà thầu" là các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện dự thầu mua, bán vật tư - thiết bị dự trữ quốc gia.
4. "Gói thầu" là khối lượng (số lượng hoặc trọng lượng) vật tư - thiết bị có tiêu chuẩn chất lượng nhất định; được phân chia phù hợp với khả năng và điều kiện mua, bán của bên mời thầu. Gói thầu có thể là một phần hoặc toàn bộ khối lượng của từng danh mục mặt hàng, ở từng địa điểm cần mua bán.
5. "Hồ sơ mời thầu" là toàn bộ các văn bản, mẫu biểu do bên mời thầu gửi đến các nhà thầu. Trong hồ sơ mời thầu phải nêu đầy đủ các yêu cầu, điều kiện cho việc mua, bán vật tư - thiết bị dự trữ quốc gia (điểm 2, Điều 8).
6. "Hồ sơ dự thầu" là toàn bộ các văn bản chính thức của nhà thầu gửi đến bên mời thầu, nêu rõ khả năng đáp ứng các yêu cầu điều kiện của bên mời thầu về mua, bán hàng dự trữ quốc gia (điểm 3, Điều 8).
7. ''Nộp thầu" là việc các nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu tại địa điểm và trong thời hạn đã được quy định trong thông báo mời thầu.
8. "Giá bỏ thầu" là số tiền Việt Nam đồng (VNĐ) trên một đơn vị tính (kg, cái, chiếc, bộ, máy...) do các nhà thầu ghi trong phiếu giá bỏ thầu nộp cho bên mời thầu trong thời hạn và theo mẫu quy định
* Riêng trường hợp mua hàng nhập khẩu bằng ngoại tệ, thì nhà thầu căn cứ vào tỷ giá hối đoái của VNĐ với ngoại tệ cần thanh toán để nhập khẩu hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền công bố tại thời điểm tổ chức đấu thầu để xác định giá bỏ thầu. Tỷ giá này cũng để xác định giá xét thầu và được ghi vào biên bản mở thầu, công bố trúng thầu đối với từng gói thầu.
Khi bên mời thầu thanh toán tiền mua hàng, thì trên cơ sở giá nhập khẩu (giá CIF), các khoản thuế phải nộp Ngân sách theo luật định (nếu có) và căn cứ vào tỉ giá tại thời điểm thanh toán giữa VNĐ với ngoại tệ (đã được xác định khi tổ chức đấu thầu và mở L/C), bên mời thầu sẽ thanh toán thêm hoặc bớt phần chênh lệch giữa tỉ giá khi tổ chức đấu thầu với tỉ giá thực tế khi thanh toán.
9. "Giá xét thầu" là số tiền Việt Nam đồng (VNĐ) trên một đơn vị tính (kg, cái, chiếc, bộ, máy,...) do Cục trưởng Cục Dự trữ Quốc gia quyết định trên cơ sở giá quy định của Ban Vật giá Chính phủ: giá sàn (đối với bên mời thầu bán), giá trần (đối với bên mời thầu mua).
10. "Mở thầu" là mở các hồ sơ dự thầu và phiếu giá bỏ thầu tại thời điểm đã được ấn định trong thông báo mời thầu do Hội đồng đấu thầu thực hiện.
11. "Bên trúng thầu" là nhà thầu được chọn theo Điều 17 của quy chế này đã được Cục trưởng Cục Dự trữ quốc gia phê duyệt.
Điều 2. Phạm vi áp dụng:
Quy chế này áp dụng đối với mua, bán vật tư - thiết bị dự trữ quốc gia theo kế hoạch hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trường hợp nhập, xuất vật tư - thiết bị dự trữ theo các quyết định khác của Chính phủ sẽ có quy định riêng.
Điều 3. Hình thức đấu thầu và phương thức áp dụng:
1. Hình thức đấu thầu: Thực hiện một trong ba hình thức sau:
a) Đấu thầu rộng rãi;
b) Đấu thầu hạn chế;
c) Chỉ định thầu;
Riêng đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu chỉ thực hiện đối với trường hợp đặc biệt do Cục trưởng Cục Dự trữ quốc gia quyết định.
Sau khi đã thông báo mời thầu đúng quy định, khi tổ chức mở thầu không giới hạn số lượng nhà thầu tham gia dự thầu.
2. Phương thức áp dụng:
a) Đấu thầu một túi hồ sơ:
Áp dụng khi bên mời thầu bán hàng.
Khi dự thầu theo phương thức này, nhà thầu cần nộp hồ sơ dự thầu (bao gồm cả phiếu giá bỏ thầu) trong một túi hồ sơ chung.
b) Đấu thầu hai túi hồ sơ:
Áp dụng khi bên mời thầu mua hàng.
Khi dự thầu theo phương thức này, nhà thầu cần nộp hồ sơ dự thầu (về mặt kỹ thuật mặt hàng) và phiếu giá bỏ thầu vào trong từng túi hồ sơ riêng cùng một thời điểm. Túi hồ sơ dự thầu về yêu cầu chất lượng kỹ thuật mặt hàng sẽ được xem xét trước để đánh giá, xếp hạng và lựa chọn phù hợp yêu cầu thông báo mời thầu. Sau khi có kết quả đánh giá xếp hạng về chất lượng và kỹ thuật mặt hàng, sẽ xem xét tiếp giá bỏ thầu để chọn kết quả đấu thầu.
Chương 2
TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐẤU THẦU
Điều 4. Cơ quan tổ chức đấu thầu là Cục Dự trữ quốc gia hoặc các đơn vị trực thuộc Cục được Cục trưởng uỷ quyền.
Điều 5. Nguyên tắc đấu thầu:
1. Tổ chức đấu thầu công khai, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các nhà thầu.
2. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức đấu thầu và xét chọn thầu phải gữi bí mật các thông tin liên quan trong suốt quá trình đấu thầu.
3. Bên mời thầu và bên trúng thầu có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh những cam kết về mua, bán hàng hoá theo kết quả trúng thầu bằng hợp đồng kinh tế.
Điều 6. Hội đồng đấu thầu:
1. Tổ chức và thành phần:
Hội đồng đấu thầu do một lãnh đạo Cục Dự trữ quốc gia làm Chủ tịch, có các thành viên là đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ban Vật giá Chính phủ, một lãnh đạo Ban: Kế hoạch, Tài chính Kế toán, Kỹ thuật bảo quản, Chánh hoặc Phó Thanh tra, Chánh hoặc Phó Văn Phòng Cục và một số chuyên gia tư vấn (nếu cần). Danh sách các thành viên chính thức của Hội đồng đấu thầu do Cục trưởng Cục Dự trữ Quốc gia quyết định. Trường hợp các đơn vị trực thuộc Cục được Cục trưởng uỷ quyền mời thầu, tổ chức đấu thầu thì Hội đồng đấu thầu được hướng dẫn riêng.
2. Nguyên tắc làm việc:
Các thành viên của Hội đồng đấu thầu làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Khi giải quyết công việc, Hội đồng đấu thầu phải căn cứ vào quy chế đấu thầu và các quyết định khác của Cục trưởng Cục Dự trữ Quốc gia có liên quan đến tổ chức thực hiện đấu thầu. Kết quả đấu thầu sẽ do Chủ tịch Hội đồng đấu thầu công bố và chỉ có giá trị pháp lý sau khi đã được Cục trưởng Cục Dự trữ quốc gia phê duyệt.
Khi họp Hội đồng đấu thầu phải có ít nhất 2/3 số uỷ viên Hội đồng tham dự. Quyết định của Hội đồng đấu thầu phải được quá bán số uỷ viên Hội đồng tán thành. Trường hợp có ý kiến khác nhau, thì Chủ tịch Hội đồng sẽ bảo lưu và báo cáo Cục trưởng quyết định.
Nội dung các cuộc họp đấu thầu phải làm thành văn bản và lưu trữ theo chế độ quản lý hồ sơ tài liệu của Nhà nước quy định.
3. Nhiệm vụ:
- Hội đồng đấu thầu có nhiệm vụ xây dựng chương trình kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện toàn bộ quá trình đấu thầu, bao gồm:
- Lập kế hoạch và chuẩn bị hồ sơ đấu thầu.
(Danh sách cụ thể các gói thầu gồm chủng loại, quy cách, số lượng, trọng lượng, chất lượng, địa điểm....; thông báo mời thầu: mẫu đơn dự thầu cho các nhà thầu; xác định tiêu chuẩn xét thầu và thang điểm; thời hạn nộp thầu và mở thầu; thời hạn có hiệu lực của hồ sơ dự thầu; chỉ dẫn và giải đáp các câu hỏi cho nhà thầu; xác định mức tiền ký quỹ dự thầu và ký quỹ thực hiện hợp đồng; các vấn đề khác nếu có).
- Có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận, vào sổ, niêm phong, quản lý và bảo đảm giữ bí mật hồ sơ dự thầu.
Hồ sơ dự thầu sau khi mở thầu không trả lại nhà thầu và được lưu trữ theo chế độ bảo quản hồ sơ tài liệu của Nhà nước quy định.
- Tổ chức xét tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu, kiểm tra điều kiện dự thầu của các nhà thầu, mở thầu theo đúng tiến độ, đánh giá kết quả đấu thầu theo đúng quy định.
- Lập và công bố công khai biên bản mở thầu;
Điều 7. Điều kiện dự thầu:
Mỗi nhà thầu phải nộp hồ sơ dự thầu theo yêu cầu đối với từng gói thầu. Mỗi nhà thầu có thể tham gia đấu thầu một hoặc nhiều gói thầu, nhưng mỗi gói thầu chỉ được nộp một hồ sơ dự thầu;
Khi nhà thầu tham gia dự thầu phải có các điều kiện sau:
1. Đối với hàng nhập (khi bên mời thầu mua hàng):
a) Có quyết định thành lập được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.
b) Có giấy phép sản xuất, kinh doanh theo pháp luật hiện hành.
c) Có năng lực sản xuất kinh doanh loại vật tư - thiết bị tham gia dự thầu.
d) Có đủ điều kiện về tài chính để dự thầu.
e) Có hồ sơ dự thầu và gửi bên mời thầu theo đúng quy chế này.
f) Nộp đủ tiền ký quỹ dự thầu và chi phí tổ chức đấu thầu.
2. Đối với hàng xuất (bên mời thầu bán hàng):
Bên dự thầu có nhu cầu mua vật tư thiết bị và có đủ các điều kiện như khoản d+ e+ f nêu tại điểm 1 trên đây.
Điều 8. Thông báo mời thầu, hồ sơ mời thầu và hồ sơ dự thầu:
1. Thông báo mời thầu phải phù hợp với hình thức đấu thầu và gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ của bên mời thầu;
b) Các yêu cầu về danh mục, chủng loại, quy cách, ký mã hiệu, nước sản xuất, số lượng, chất lượng, bản cataloge, địa điểm vật tư - thiết bị.
c) Điều kiện dự thầu;
d) Thời hạn, địa điểm và thủ tục nhận hồ sơ mời thầu;
đ) Thời hạn, địa điểm và thủ tục hồ sơ dự thầu;
e) Thời gian (giờ, ngày, tháng, năm), địa điểm tổ chức mở thầu;
f) Những chỉ dẫn để tìm hiểu hồ sơ mời thầu.
2. Hồ sơ mời thầu gồm:
a) Thông báo mời thầu;
b) Mẫu đơn dự thầu;
c) Điều kiện về tiến độ, phương thức giao nhận hàng;
d) Các điều kiện về tài chính, phương thức thanh toán;
đ) Mẫu hợp đồng kinh tế mua, bán hàng;
e) Mẫu phiếu giá bỏ thầu;
f) Những chỉ dẫn khác liên quan đến việc đấu thầu;
3. Hồ sơ dự thầu gồm:
a) Đơn dự thầu (nêu cam kết về danh mục, số lượng, chất lượng, quy cách, ký mã hiệu, bản cataloge gốc cùng bản dịch tiếng Việt hàng cung cấp, tiến độ, phương thức giao nhận và thanh toán...);
b) Phiếu giá bỏ thầu;
c) Bản sao quyết định thành lập đơn vị (có công chứng Nhà nước);
d) Xác nhận về số tiền đã ký quỹ;
đ) Những cam kết khác (nếu có);
e) Những tài liệu khác có liên quan do Hội đồng đấu thầu quy định.
Điều 9. Thời hạn nộp thầu, mở thầu và thời hạn có hiệu lực của hồ sơ dự thầu:
1. Thời hạn nộp thầu, thời hạn mở thầu: Được quy định trong thông báo mời thầu. Trong thời hạn nộp thầu, bên dự thầu phải nộp đủ hồ sơ theo quy định cho bên mời thầu.
Những hồ sơ dự thầu nộp không đúng thời hạn nộp thầu sẽ không được chấp nhận và được trả lại ngay cho nhà thầu dưới dạng chưa mở.
2. Thời hạn mở thầu: Sau khi hết hạn nộp thầu, trong thời gian chậm nhất 5 ngày phải tổ chức mở thầu.
3. Thời hạn có hiệu lực của hồ sơ dự thầu: Là thời hạn kể từ ngày hết thời hạn nộp thầu đến ngày công bố kết quả trúng thầu.
Điều 10. Sửa đổi hồ sơ dự thầu:
1. Các nhà thầu không được sửa, đổi hồ sơ dự thầu hoặc rút lại hồ sơ dự thầu sau khi đã hết hạn nộp thầu.
Trong quá trình đánh giá và so sánh các hồ sơ dự thầu, bên mời thầu có thể yêu cầu nhà thầu làm rõ các vấn đề có liên quan đến hồ sơ dự thầu. Yêu cầu của bên mời thầu và ý kiến trả lời của nhà thầu đều phải lập thành văn bản.
2. Trong trường hợp bên mời thầu sửa đổi một số nội dung trong hồ sơ mời thầu, bên mời thầu phải gửi nội dung đã sửa đổi bằng văn bản đến tất cả các nhà thầu trước thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ dự thầu nhưng phải đảm bảo thời gian để các nhà thầu có điều kiện hoàn chỉnh thêm hồ sơ của mình.
Điều 11. Tiền ký quỹ dự thầu:
Tiền ký quỹ dự thầu là số tiền bên nhà thầu phải nộp vào quỹ của bên mời thầu hoặc gửi vào tài khoản của bên mời thầu mở tại Kho bạc Nhà nước. (nếu nộp tại Kho bạc Nhà nước thì nhà thầu phải nộp giấy xác nhận của kho bạc khi nộp hồ sơ dự thầu). Mức tiền ký quỹ dự thầu được quy định từ 2% đến 5% tổng giá trị ước tính của một gói thầu nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng cho một gói thầu và không được hưởng lãi trong thời gian ký quỹ.
Số tiền ký quỹ dự thầu, nếu nộp tại quỹ của bên mời thầu thì sẽ được hoàn trả lại ngay cho các bên dự thầu không trúng thầu, nếu nộp tại Kho bạc Nhà nước thì sẽ hoàn trả trong thời hạn 05 ngày sau khi có kết quả mở thầu. Đối với bên trúng thầu, tiền ký quỹ dự thầu được chuyển sang khoản tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện hợp đồng.
Điều 12. Tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện hợp đồng:
Tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện hợp đồng là số tiền được chuyển sang từ tiền ký quỹ dự thầu của nhà thầu trúng thầu đã nộp vào tài khoản của bên mời thầu của nhà thầu đã nộp vào tài khoản của bên mời thầu tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp trực tiếp tại quỹ của bên mời thầu (bên mời thầu sẽ nộp số tiền này vào Kho bạc Nhà nước).
Điều 13. Mở thầu:
1. Những hồ sơ dự thầu nộp đúng hạn sẽ được bên mời thầu mở công khai theo thời gian và địa điểm ghi trong thông báo mời thầu.
2. Các nhà thầu có quyền tham dự mở thầu, khi cử đại diện tham dự thì người đại diện đó phải là người có trách nhiệm, thẩm quyền và quyết định tại chỗ mọi vấn đề liên quan đến đấu thầu.
Điều 14. Biên bản mở thầu:
Khi mở thầu, bên mời thầu và nhà thầu (hoặc đại diện) phải ký vào biên bản mở thầu.
Biên bản mở thầu phải ghi rõ tên gói thầu, danh mục, chủng loại, quy cách, số lượng, trọng lượng, chất lượng...; ngày giờ, địa điểm mở thầu; tên, địa chỉ của các nhà thầu; giá xét thầu, giá bỏ thầu; tiền ký quỹ dự thầu; các văn bản sửa đổi, bổ sung và các chi tiết khác có liên quan (nếu có).
Điều 15. Xét hồ sơ dự thầu khi mở thầu:
1. Điều kiện dự thầu, tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu theo quy định. Những nhà thầu không đủ điều kiện, hồ sơ dự thầu không hợp lệ sẽ bị loại (không trả lại hồ sơ dự thầu).
2. Bên mời thầu yêu cầu nhà thầu giải thích những nội dung chưa rõ trong hồ sơ dự thầu và lập thành văn bản.
Điều 16. Đánh giá và so sánh các hồ sơ dự thầu:
1. Các hồ sơ dự thầu hợp lệ được bên mời thầu đánh giá và so sánh trên cơ sở các chỉ tiêu: Chất lượng, năng lực tài chính và chuyên môn, giá cả, tiến độ thực hiện và những chỉ tiêu cần thiết khác.
2. Các chỉ tiêu quy định tại khoản 1 điều này được đánh giá bằng phương pháp cho điểm theo thang điểm chuẩn để xếp hạng danh sách các nhà thầu. Thang điểm chuẩn do Hội đồng đấu thầu quy định trước khi mở thầu.
Điều 17. Xếp hạng, lựa chọn và phê duyệt kết quả:
1. Căn cứ vào kết quả đánh giá các hồ sơ dự thầu, Hội đồng đấu thầu xếp hạng các nhà thầu theo phương pháp đã được ấn định.
2. Xét trúng thầu căn cứ vào các yêu cầu thông báo mời thầu, các nhà thầu đáp ứng đúng yêu cầu mời thầu thì kết quả trúng thầu là phiếu bỏ thầu có mức giá thấp nhất (khi bên mời thầu mua hàng) hoặc có mức giá cao nhất (khi bên mời thầu bán hàng) so với giá xét thầu.
3. Trong trường hợp các nhà thầu đều đáp ứng yêu cầu của bên mời thầu và có giá bỏ thầu ngang nhau, thì gói thầu được thương lượng chia cho các nhà thầu, hoặc bốc thăm để chọn nhà thầu.
4. Cục trưởng Cục dự trữ quốc gia quyết định đơn vị trúng thầu, sau khi đã xem xét kết quả và đề nghị của Hội đồng đấu thầu.
5. Trường hợp không có nhà thầu nào tham gia dự thầu, không có nhà thầu nào đáp ứng được các yêu cầu của bên mời thầu hoặc có sự vi phạm quy chế về đấu thầu dẫn đến đấu thầu không có kết quả thì Chủ tịch Hội đồng đấu thầu báo cáo và kiến nghị ngay biện pháp giải quyết để Cục trưởng Cục Dự trữ quốc gia xem xét, quyết định.
Điều 18. Bên trúng thầu có trách nhiệm:
1. Trong vòng 03 ngày, phải ký hợp đồng nguyên tắc với Cục (khi bên mời thầu mua hàng) hoặc nhận lệnh xuất bán hàng (khi bên mời thầu bán hàng).
2. Trong vòng 07 ngày, ký hợp đồng kinh tế mua, bán hàng với đơn vị được bên mời thầu chỉ định theo đúng pháp luật hợp đồng kinh tế ban hành ngày 25/9/1989 và quy chế quản lý hàng dự trữ quốc gia.
* Riêng với hàng nhập khẩu: Trong vòng 30 ngày nhà thầu phải xuất trình hợp đồng ngoại và L/C với bên mời thầu.
3. Thực hiện giao nhận hàng hoá và thanh toán tiền hàng theo tiến độ đã cam kết.
4. Nếu bên trúng thầu không đảm bảo được một trong những điều kiện nên trên đây thì coi như tự huỷ bỏ cam kết. Số tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện hợp đồng của nhà thầu không được nhận lại mà nộp Ngân sách Nhà nước do vi phạm hợp đồng. Bên mời thầu sẽ chọn nhà thầu kế tiếp theo kết quả mở thầu, với điều kiện giá bỏ thầu của nhà thầu này trong giới hạn khung giá xét thầu quy định.
Điều 19. Hợp đồng mua, bán vật tư - thiết bị dự trữ quốc gia:
1. Nội dung chủ yếu của hợp đồng mua, bán vật tư - thiết bị bị dự trữ quốc gia gồm:
- Tên hàng, ký mã hiệu, quy cách, nước sản xuất.
- Số lượng
- Chất lượng
- Giá cả
- Phương thức thanh toán
- Địa điểm, phương thức, thời gian và tiến độ giao nhận hàng.
- Trách nhiệm của mỗi bên khi thực hiện hợp đồng.
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
Ngoài ra các bên có thể thoả thuận các nội dung khác trong hợp đồng, nhưng không trái với quy định của pháp luật hiện hành.
2. Giá ghi trong hợp đồng là giá trúng thầu.
Điều 20. Chi phí tổ chức đấu thầu
Bên mời thầu được thu để chi phí cho việc tổ chức đấu thầu như in tài liệu, sổ sách, thông tin..., mức thu do bên mời thầu quy định. Các nhà thầu phải nộp phí đấu thầu khi nộp hồ sơ dự thầu.
Trong trường hợp phải đấu thầu lại, các nhà thầu đã nộp đủ phí đấu thầu không phải nộp thêm. Nếu lỗi do tổ chức hoặc cá nhân của cơ quan tổ chức đấu thầu gây ra thì chi phí tổ chức đấu thầu lại do tổ chức hoặc cá nhân đó tự chịu.
Chương 3
CÔNG TÁC THANH TRA, KIỂM TRA, XỬ LÝ CÁC VI PHẠM
Điều 21. Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm.
1. Thanh tra Cục Dự trữ quốc gia có trách nhiệm: Kiểm tra việc tổ chức đấu thầu, mua, bán vật tư - thiết bị dự trữ quốc gia; tiến hành thanh tra đối với các hành vi vi phạm quy chế đấu thầu.
2. Mọi hành vi thực hiện sai Quy chế đấu thầu, biểu hiện dưới các hình thức như: Tiết lộ bí mật hồ sơ, tài liệu và thông tin, thông đồng, móc ngoặc, hối lộ... trong quá trình đấu thầu đều bị coi là hành vi gây thiệt hại về kinh tế và đều phải bị xử lý:
- Nếu nhà thầu vi phạm sẽ bị loại khỏi danh sách dự thầu và không được nhận lại tiền ký quỹ dự thầu. Trường hợp có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng thì phải bị xử lý theo pháp luật.
- Nếu bên mời thầu vi phạm, kết quả đấu thầu sẽ bị huỷ bỏ. Cục trưởng Cục Dự trữ quốc gia sẽ chỉ đạo tổ chức đấu thầu lại. Thành viên Hội đồng đấu thầu nếu vi phạm sẽ bị loại khỏi danh sách và bị xử lý kỷ luật hành chính hoặc xử lý theo pháp luật tuỳ theo mức độ vi phạm.
3. Các trường hợp có khiếu nại, tranh chấp về các vấn đề có liên quan đến việc tổ chức đấu thầu. Căn cứ luật khiếu nại tố cáo (số 09/1998/QH10) thì bên mời thầu phải có ý kiến trả lời cụ thể cho người khếu nại. Trường hợp người khiếu nại không thoả mãn, có quyền khiếu nại lên các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Chương 4
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 22. Tổ chức thực hiện: Các ông Trưởng ban, Chánh Thanh tra, Chánh Văn phòng Cục và các thành viên Hội đồng đấu thầu có trách nhiệm thực hiện quy chế này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, yêu cầu báo cáo Cục trưởng Cục Dự trữ quốc gia xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Điều 23. Hiệu lực thi hành:
Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với quy chế này đều bãi bỏ.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.