ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/2012/QĐ-UBND | Hòa Bình, ngày 27 tháng 7 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ SỬ DỤNG TÀI SẢN CÓ NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ THUỘC NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TẠI CÁC DOANH NGHIỆP
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26-11-2003 2003; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03-12-2004; Căn cứ Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29-11-2005;
Căn cứ Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 05-02-2009 của Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý tài chính của Công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác;
Căn cứ Thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày 20-10-2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 107/TTr-STC-TCDN ngày 01-6-2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này, Quy chế quản lý sử dụng tài sản có nguồn vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước tại các doanh nghiệp; gồm 3 Chương, 9 Điều.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký;
Giao Sở Tài chính hướng đẫn các đơn vị liên quan thực hiện Quy chế quản lý sử dụng tài sản có nguồn vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước tại các doanh nghiệp theo quy định hiện hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng; Cục trưởng Cục thuế và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Giám đốc các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân được giao quản lý tài sản chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
QUẢN LÝ SỬ DỤNG TÀI SẢN CÓ NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ THUỘC NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TẠI CÁC DOANH NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 07 /2012/QĐ-UBND ngày 27 /7/2012 của UBND tỉnh Hòa Bình
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
Phạm vi áp dụng: Quy chế này áp dụng cho các doanh nghiệp, các đơn vị tổ chức nhận quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (Sau đây gọi tắt là doanh nghiệp);
Đối tượng áp dụng: Quy chế này áp dụng đối với những tài sản nhà nước không tính vào giá trị doanh nghiệp tại thời điểm thực hiện chuyển đổi cổ phần hoá và tài sản khác đầu tư từ ngân sách nhà nước (gọi chung là tài sản nhà nước) chưa thực hiện bàn giao cho Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (Bộ Tài chính).
Điều 2. Nguyên tắc, phương thức tài sản nhà nước giao doanh nghiệp quản lý sử dụng
* Nguyên tắc: Tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp, phải thực hiện đúng quy định về quản lý, sử dụng tài sản theo chế độ hiện hành;
- Doanh nghiệp được giao quản lý tài sản phải thực hiện hạch toán kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê;
- Mọi tài sản nhà nước tại doanh nghiệp phải có hồ sơ quản lý riêng (Bao gồm biên bản giao nhận tài sản, hợp đồng, hoá đơn mua tài sản, các chứng từ gốc và các giấy tờ khác liên quan). Tài sản phải được phân loại, đánh số có thẻ tài sản riêng, được theo dõi chi tiết từng đối tượng ghi tài sản và được phản ánh trong sổ theo dõi tài sản của doanh nghiệp;
- Tài sản phải được theo dõi quản lý đầy đủ về hiện vật và giá trị (theo nguyên giá, số hao mòn lũy kế và giá trị còn lại trên sổ sách kế toán), sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức và được bảo dưỡng, sửa chữa, bảo vệ theo đúng chế độ quy định. Tránh làm mất, hư hỏng. Việc điều chuyển, thanh lý, nhượng bán phải thực hiện đúng theo quy định hiện hành;
- Tài sản nhà nước không cần dùng chờ thanh lý nhưng chưa hết khấu hao, doanh nghiệp phải thực hiện quản lý, theo dõi, bảo quản và trích khấu hao theo quy định hiện hành;
- Doanh nghiệp phải thực hiện việc quản lý đối với những tài sản đã khấu hao hết nhưng vẫn tham gia vào hoạt động kinh doanh như những tài sản thông thường;
- Không sử dụng tài sản nhà nước sai mục đích, thanh lý, nhượng bán sai quy định, không đúng thẩm quyền hoặc sai chế độ về ghi chép sổ sách kế toán (không phản ánh hay phản ánh không đầy đủ trên sổ sách kế toán).
* Phương thức:
- Giao cho doanh nghiệp quản lý, sử dụng, khai thác trực tiếp. Hàng năm trích và nộp tiền khấu hao tài sản cố định và các nguồn thu khác từ tài sản vào ngân sách nhà nước;
- Doanh nghiệp được giao quản lý sử dụng tài sản phải ký kết hợp đồng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Phân loại tài sản
Nhà thuộc sở hữu nhà nước đầu tư từ ngân sách nhà nước (nhà đang cho thuê);
Tài sản phục vụ công tác sản xuất kinh doanh nước sạch, hệ thống cấp nước sinh hoạt các huyện, thành phố;
Nhà cửa, bến bãi, cầu cảng, đường giao thông đô thị, hệ thống cống rãnh thoát nước, thảm cỏ vườn hoa cây xanh, hệ thống đèn chiếu sáng;
Tài sản chưa tính vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa hoặc nhà nước đầu tư sau khi cổ phần hóa giao cho các Công ty cổ phần, hoặc giao cho các tổ chức quản lý vận hành (nếu có);
Tài sản trong diện phải thu hồi nhưng tiếp tục giao cho các doanh nghiệp hoặc các tổ chức quản lý cho đến khi có quyết định thu hồi hoặc bàn giao cho đơn vị khác.
Điều 4. Hạch toán và báo cáo
Doanh nghiệp được giao quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, phải hạch toán và báo cáo thường xuyên, định kỳ đối với tất cả tài sản được nhà nước giao quản lý và sử dụng, theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê và theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
Doanh nghiệp được giao quản lý sử dụng tài sản phải theo dõi, ghi chép và hạch toán đầy đủ tài sản trên sổ sách kế toán về số lượng và giá trị (Nguyên giá, giá trị hao mòn, giá trị còn lại) của từng đối tượng tài sản đúng chế độ quy định;
Tất cả tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp được giao quản lý sử dụng đều phải trích khấu hao theo chế độ quy định của Bộ Tài chính;
Doanh nghiệp được giao quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, phải báo cáo kê khai đột xuất về tài sản trong các trường hợp sau:
- Tài sản do đầu tư xây dựng, mua sắm mới hoặc tiếp nhận từ đơn vị khác về sử dụng. Thanh lý, điều chuyển, bị thu hồi, tiêu hủy hoặc thay đổi mục đích sử dụng tài sản theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Trong trường hợp thay đổi tên gọi doanh nghiệp hoặc thực hiện các hình thức cơ cấu doanh nghiệp theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 5. Quản lý sử dụng tài sản nhà nước(được quy định tại Điều 3) theo nguyên tắc sau
Tài sản nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý sử dụng được thể hiện bằng hình thức ký hợp đồng giữa doanh nghiệp có tư cách pháp nhân với cơ quan quản lý nhà nước (Sở Tài chính) theo kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm hoặc khối lượng công việc được giao;
Quản lý sử dụng và khai thác đúng mục đích, có hiệu quả;
Việc trích khấu hao theo quy định tại chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao TSCĐ hiện hành của Bộ Tài chính, (trừ TSCĐ dùng cho mục đích phúc lợi, sự nghiệp an ninh, quốc phòng). Phương pháp tính áp dụng theo quy định tại Thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009 của Bộ Tài chính;
Việc nâng cấp, cải tạo, duy tu, sửa chữa thường xuyên tài sản phải có kế hoạch và cân đối trong tổng kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng tài sản trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, để làm cơ sở ký hợp đồng giao nhận quản lý sử dụng tài sản hàng năm;
Việc điều chuyển, thanh lý, nhượng bán tài sản nhà nước phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
Doanh nghiệp chịu sự giám sát, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên hoặc đột xuất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý và sử dụng
Hàng năm Sở Tài chính căn cứ tình hình thực hiện và kế hoạch sản xuất kinh doanh hoặc khối lượng công việc được giao, tổ chức ký hợp đồng với doanh nghiệp nhận quản lý và sử dụng tài sản.
Sở Tài chính có trách nhiệm theo dõi tài sản nhà nước tại doanh nghiệp được giao quản lý theo quy định của pháp luật về số lượng, giá trị của từng loại, từng nhóm tài sản (nguyên giá, hao mòn, giá trị còn lại). Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, tình hình thu nộp khấu hao vào ngân sách nhà nước;
Định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra, thanh tra xử lý hoặc kiến nghị xử lý sai phạm về quản lý tài sản theo thẩm quyền hoặc báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
Tổng hợp báo cáo quyết toán khấu hao tài sản và các khoản thu khác từ tài sản nhà nước báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Xây dựng, xác định, điều chỉnh giá cho thuê tài sản trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trước khi ký hợp đồng dịch vụ giá cho thuê tài sản (nếu có).
Điều 7. Trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp được giao quản lý và sử dụng tài sản nhà nước
- Giám đốc doanh nghiệp có trách nhiệm ban hành và tổ chức thực hiện quy chế quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị về:
+ Tiêu chuẩn định mức, chế độ bảo dưỡng, quản lý sử dụng tài sản nhà nước có hiệu quả, không gây thất thoát;
+ Chức năng nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của doanh nghiệp, trong đó phân công trách nhiệm cụ thể về quản lý tài sản nhà nước;
+ Quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của từng bộ phận cá nhân có liên quan đến quản lý sử dụng tài sản nhà nước;
+ Việc điều chuyển, thanh lý, nhượng bán tài sản nhà nước phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
- Hàng năm lập kế hoạch trích khấu hao tài sản nhà nước gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Hàng năm lập kế hoạch sửa chữa thường xuyên tài sản nhà nước, kế hoạch dự toán kinh phí sửa chữa thường xuyên gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
- Tổ chức kiểm kê tài sản nhà nước cuối niên độ kế toán;
- Giám đốc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tài sản nhà nước bị thiếu hụt, mất, hư hỏng do nguyên nhân chủ quan, phải bồi thường vật chất theo quy định của pháp luật nhà nước.
Điều 8. Quản lý nguồn vốn khấu hao và các khoản thu khác từ tài sản nhà nước
Nguồn thu từ khấu hao tài sản nhà nước được tính vào giá thành đơn vị sản phẩm hoặc thu trực tiếp từ cho thuê tài sản nhà nước phải nộp vào ngân sách nhà nước.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Tổ chức thực hiện
1. Những nội dung khác về quản lý tài sản nhà nước không đề cập trong Quy chế này được thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước.
2. Sở Tài chính có trách nhiệm:
- Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp được giao quản lý sử dụng tài sản nhà nước đúng chế độ quy định của nhà nước và nội dung quy định tại quy chế này.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc quản lý sử dụng tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; kết thúc năm tổng hợp báo cáo theo quy định.
3. Giám đốc các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Cục Thuế, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phối hợp với Sở Tài chính trong quản lý tài sản nhà nước giao tại các doanh nghiệp.
4. Giám đốc các doanh nghiệp được giao quản lý sử dụng tài sản phải thực hiện quản tài sản của nhà nước tiết kiệm có hiệu quả, đúng chế độ quy định của nhà nước và điều khoản quy định tại quy chế này.
5. Cá nhân, tổ chức vi phạm điều khoản quy chế gây thất thoát, thiệt hại về tài sản nhà nước phải bồi thường vật chất, căn cứ mức độ vi phạm để xử lý hoặc truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật nhà nước.
6. Trong quá trình thực hiện có khó khăn vướng mắc kịp thời phản ánh (qua Sở Tài chính để tổng hợp) báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.