BỘ TƯ PHÁP | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 06-QĐ/TP | Hà Nội, ngày 15 tháng 03 năm 1960 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ TỔ CHỨC BỘ TƯ PHÁP
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội nước Việt nam dân chủ cộng hoà ngày 29 tháng 4 năm 1958 thành lập Viện Công tố trung ương và Tòa án nhân dân tối cao;
Căn cứ Nghị định số 01-CP ngày 11 tháng 2 năm 1960 của Hội đồng Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và khung tổ chức chung của Bộ Tư Pháp;
Xét cần thiết phải quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức cụ thể của các bộ phận trong cơ quan;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: - Tổ chức của Bộ Tư pháp gồm có những bộ phận sau đây:
1. Vụ Tổ chức – Cán bộ
2. Vụ Nghiên cứu pháp luật
3. Vụ Tuyên giáo
4. Trường cán bộ tư pháp
5. Văn phòng
Điều 2: - Nhiệm vụ và tổ chức của Vụ Tổ chức cán bộ
A. Nhiệm vụ của Tổ chức – Cán bộ là:
1. Nghiên cứu những quy định, giúp Bộ hướng dẫn việc thực hiện ở các địa phương, tổng kết kinh nghiệm về những vấn đề sau đây:
- Hệ thống tổ chức, thẩm quyền, tổ chức nội bộ của các Tòa án nhân địa phương, thiết lập các Tòa án nhân dân địa phương; những thể lệ và bầu cử, bãi miễn các thẩm phán các Tòa án nhân dân địa phương.
- Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và lề lối làm việc của Hội thẩm nhân dân, luật sư, bào chữa viên, công chứng viên, giám định viên; quản lý các tổ chức ấy.
- Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và lề lối làm việc của tổ chức tư pháp ở xã, ở khu phố.
2. Nghiên cứu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tư pháp địa phương, giúp Bộ quản lý cán bộ và biên chế của ngành Tư pháp theo chế độ phân cấp quản lý cán bộ và biên chế chung.
3. Dự thảo các đạo luật tổng hợp và các bộ luật về thủ tục tố tụng hình sự và dân sự; giúp Bộ hướng dẫn việc thực hiện các nguyên tắc về thủ tục tố tụng ở các Tòa án nhân dân địa phương; tổng kết kinh nghiệm về việc thực hiện thủ tục tố tụng ở các Toà án nhân dân địa phương;
B. Tổ chức của Vụ Tổ chức – Cán bộ gồm có: phòng Tổ chức cán bộ và phòng Chế định.
Phòng tổ chức – cán bộ có nhiệm vụ nghiên cứu, theo dõi và tổng kết kinh nghiệm về những vấn đề sau đây:
1. Hệ thống tổ chức, thẩm quyền và tổ chức nội bộ của các Tòa án nhân dân địa phương; những thể lệ về bầu cử và bãi miễn các Thẩm phán Tòa án nhân dân địa phương;
2. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Tư pháp và các cơ quan tư pháp địa phương, giúp Bộ quản lý cán bộ và biên chế của các cơ quan tư pháp theo chế độ phân cấp quản lý cán bộ và biên chế chung;
3. Thủ tục tố tụng về hình sự và dân sự ở các Tòa án nhân dân địa phương.
Phòng Chế định có nhiệm vụ nghiên cứu, theo dõi và tổng kết kinh nghiệm về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và lề lối làm việc của Hội thẩm nhân dân, luật sư, bào chữa viên, công chứng viên, giám định viên và tổ chức tư pháp ở xã, khu phố; giúp Bộ quản lý tổ chức luật sư và công chứng viên; hướng dẫn các địa phương huấn luyện các cán bộ tư pháp xã và khu phố, các Hội thẩm nhân dân và bào chữa viên.
Điều 3: - Nhiệm vụ và tổ chức của Vụ Nghiên cứu pháp luật.
A. Nhiệm vụ của Vụ Nghiên cứu pháp luật là tổng kết kinh nghiệm về thi hành pháp luật hình sự và dân sự để dự thảo các đạo luật tổng hợp về hình sự và dân sự và bộ hình luật, bộ dân luật; sưu tầm những pháp luật về hình sự và dân sự đã được ban hành để làm tài liệu nghiên cứu cho các Toà án và cơ quan tư pháp.
B. Tổ chức của Vụ Nghiên cứu pháp luật gồm có: phòng Hình luật và phòng Dân luật.
Phòng Hình luật có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm về thi hành pháp luật về hình sự để dự thảo các đạo luật tổng hợp về hình sự và bộ hình luật.
Phòng Dân luật có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm về thi hành các luật lệ về dân sự, nhằm dự thảo các đạo luật tổng hợp về dân sự và bộ dân luật.
Điều 4: - Nhiệm vụ và tổ chức của Vụ Tuyên giáo.
A. Nhiệm vụ của vụ Tuyên giáo là:
1. Nghiên cứu chương trình và kế hoạch đào tạo, giáo dục cán bộ tòa án và cán bộ tư pháp, giúp Bộ chỉ đạo công tác đào tạo, giáo dục cán bộ tòa án và cán bộ tư pháp địa phương.
2. Chỉ đạo công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật ở các địa phương.
B. Tổ chức của Vụ Tuyên giáo gồm có: Phòng Giáo dục và Phòng Tuyên truyền phổ biến pháp luật.
Phòng Giáo dục có nhiệm vụ:
- Nghiên cứu chương trình kế hoạch giáo dục, huấn luyện các thẩm phán, thư ký tòa án và cán bộ tư pháp địa phương.
- Nghiên cứu, tổ chức, theo dõi và tổng kết kinh nghiệm về học tập nghiệp vụ tại chức của cán bộ tòa án và cán bộ tư pháp địa phương.
- Theo dõi việc học tập ở Trường Cán bộ tư pháp để giúp Bộ lãnh đạo công tác của Trường cán bộ tư pháp.
- Biên soạn tài liệu học tập nghiệp vụ cho cán bộ toà án và cán bộ tư pháp địa phương.
- Phiên dịch các tài liệu pháp lý nước ngoài để làm tài liệu nghiên cứu cho các bộ phận của Bộ, các tòa án và cơ quan tư pháp địa phương.
- Quản lý thư viện, sưu tầm các tài liệu nghiên cứu để cung cấp cho các bộ phận nghiên cứu của Bộ.
Phòng Tuyên truyền phổ biến pháp luật có nhiệm vụ:
- Nghiên cứu, theo dõi và tổng kết kinh nghiệm về kế hoạch tuyên truyền phổ biến pháp luật để giáo dục cho nhân dân ý thức tuân theo và tôn trọng pháp luật của Nhà nước.
- Biên soạn tài liệu để tuyên truyền phổ biến pháp luật trong nước.
- Biên soạn tài liệu để giới thiệu các tòa án và cơ quan tư pháp của nước ta với các nước ngoài.
- Xuất bản các tài liệu giúp cho việc học tập của cán bộ tòa án và cán bộ tư pháp và các tài liệu về tuyên truyền phổ biến pháp luật.
Điều 5: - Nhiệm vụ và tổ chức của trường cán bộ tư pháp.
A. Nhiệm vụ của trường cán bộ tư pháp là huấn luyện về chính trị và nghiệp vụ cho các cán bộ tòa án và cán bộ tư pháp Thẩm phán huyện hoặc tương đương Thẩm phán huyện trở lên.
B.Tổ chức của trường Cán bộ tư pháp gồm có: Phòng Giáo vụ và Phòng Tổ chức – hành chính.
Phòng Giáo vụ có nhiệm vụ nghiên cứu việc thực hiện chương trình, kế hoạch giảng dạy ở trường, bố trí giảng viên, theo dõi và hướng dẫn việc học tập của các học viên, tổng kết kinh nghiệm các lớp học.
Phòng Tổ chức – hành chính có nhiệm vụ kiểm tra tiêu chuẩn học viên, sắp xếp tổ chức học viên, theo dõi lãnh đạo tư tưởng và thái độ học tập của học viên, quản lý lý lịch của học viên trong khi học tập và phụ trách những công tác văn thư, hành chính, quản trị của nhà trường.
Điều 6: - Nhiệm vụ và tổ chức của văn phòng
A. Nhiệm vụ của văn phòng là giúp ông Bộ trưởng và ông Thứ trưởng trong việc tổng hợp tình hình công tác mọi mặt của Bộ, điều hoà, phối hợp công tác giữa các bộ phận của Bộ, theo dõi, nhắc nhở thực hiện chương trình công tác của Bộ, thực hiện chế độ và chương trình sinh hoạt của Bộ, theo dõi nhắc nhở và phối hợp công tác giữa các bộ phận về công tác miền núi; nghiên cứu những công tác mà không có bộ phận nào phụ trách; phụ trách công tác thi đua; phụ trách các công tác tài chính, kế toán, quản trị và bảo vệ cơ quan.
B. Tổ chức của văn phòng gồm có: Phòng Hành chính - tổng hợp và phòng Kế toán - quản trị.
Phòng Hành chính - tổng hợp có nhiệm vụ tổng hợp tình hình công tác của Bộ về mọi mặt, điều hoà, phối hợp công tác giữa các bộ phận của Bộ, theo dõi, nhắc nhở việc thực hiện chương trình công tác của Bộ, thực hiện chương trình về chế độ sinh hoạt của Bộ, theo dõi, nhắc nhỡ và phối hợp công tác của các bộ phận về công tác miền núi, nghiên cứu những công việc mà không có bộ phận nào phụ trách và phụ trách công tác thi đua.
Phòng Kế toán - quản trị phụ trách các công việc tài chính, kế toán, quản trị và bảo vệ cơ quan.
Điều 7: - Các ông Chánh văn phòng và Giám đốc các Vụ, Giám đốc trường Cán bộ tư pháp có trách nhiệm thi hành quyết định này.
| BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.