BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/QĐ-TCTK | Hà Nội, ngày 07 tháng 01 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC ĐIỀU TRA HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT - KINH DOANH CỦA CÁC DOANH NGHIỆP NĂM 2011
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỐNG KÊ
Căn cứ Luật Thống kê ngày 26 tháng 6 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 54/2010/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Căn cứ Quyết định 144/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình điều tra thống kê quốc gia;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Tiến hành điều tra toàn bộ kết hợp chọn mẫu doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế, hợp tác xã trên phạm vi cả nước nhằm thu thập thông tin đánh giá kết quả sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã năm 2010. Cuộc điều tra doanh nghiệp năm 2011 bắt đầu từ ngày 01 tháng 03 năm 2011 theo phương án điều tra doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Giám đốc các doanh nghiệp, chủ nhiệm các hợp tác xã quy định ở Điều 1 có trách nhiệm báo cáo đầy đủ, chính xác và kịp thời số liệu theo phiếu điều tra.
Điều 3. Thành lập Tổ thường trực chỉ đạo điều tra doanh nghiệp cấp Trung ương do Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp làm Tổ trưởng, Vụ trưởng các vụ: Thống kê Thương mại và Dịch vụ; Thống kê Xây dựng và Vốn đầu tư; Thống kê Giá; Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản; Thống kê Xã hội và Môi trường; Hệ thống tài khoản quốc gia; Phương pháp chế độ Thống kê và Công nghệ thông tin; Giám đốc Trung tâm Tin học Thống kê khu vực I làm thành viên. Tổ thường trực chỉ đạo điều tra doanh nghiệp cấp Trung ương có trách nhiệm giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xây dựng phương án, chỉ đạo triển khai thực hiện cuộc điều tra.
Giao Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Tổ thường trực chỉ đạo điều tra doanh nghiệp cấp tỉnh, thành phố để chỉ đạo điều tra doanh nghiệp ở địa phương. Tổ thường trực chỉ đạo điều tra doanh nghiệp cấp tỉnh, thành phố do 01 đại diện lãnh đạo Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm Tổ trưởng; Trưởng phòng Thống kê Công nghiệp và Trưởng phòng Thống kê Thương mại làm Phó Tổ trưởng; Trưởng phòng Thống kê Nông nghiệp; Trưởng phòng Tổng hợp và Trưởng phòng Thống kê Dân số - Văn xã làm thành viên. Tổ thường trực chỉ đạo điều tra doanh nghiệp cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm giúp Cục trưởng Cục Thống kê tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện điều tra doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê và hướng dẫn của Tổ thường trực chỉ đạo điều tra doanh nghiệp cấp Trung ương.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
Điều 5. Tổ trưởng Tổ thường trực chỉ đạo điều tra cấp Trung ương và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Chánh Văn phòng Tổng cục Thống kê và Thủ trưởng các đơn vị có tên trong Điều 3 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | TỔNG CỤC TRƯỞNG |
PHƯƠNG ÁN
ĐIỀU TRA DOANH NGHIỆP NĂM 2011
(Ban hành theo Quyết định số 06/QĐ-TCTK ngày 07 tháng 01 năm 2011 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê)
1. Mục đích điều tra
- Thu thập một số thông tin cơ bản nhằm đánh giá sự phân bố, điều kiện và năng lực sản xuất, ứng dụng công nghệ, kết quả và chi phí sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc các ngành và các thành phần kinh tế trên phạm vi cả nước, phục vụ cho việc quản lý, hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển doanh nghiệp của quốc gia, từng địa phương, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp;
- Thu thập thông tin cần thiết để tổng hợp các chỉ tiêu thống kê quốc gia, các chỉ tiêu báo cáo chính thức năm 2010 cho các chuyên ngành (số lượng doanh nghiệp, số lao động, vốn, tài sản, các chỉ tiêu về kết quả và chi phí sản xuất kinh doanh, các chỉ tiêu thuộc hệ thống tài khoản quốc gia,…) của khu vực doanh nghiệp;
- Thu thập thông tin từ đơn vị cơ sở dựa vào doanh nghiệp để tính quyền số và khối lượng sản phẩm kỳ gốc mới 2010 trên phạm vi toàn quốc và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phục vụ tính chỉ số phát triển, chỉ số tiêu thụ, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp thời kỳ 2011 – 2015;
- Thu thập các thông tin để xây dựng dàn mẫu cho các cuộc điều tra, thống kê chọn mẫu hàng năm và điều tra thường xuyên;
- Cập nhật cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp phục vụ các yêu cầu về thống kê doanh nghiệp và các yêu cầu thống kê khác.
2. Đối tượng, phạm vi và đơn vị điều tra
2.1. Đối tượng điều tra
Là các doanh nghiệp hạch toán kinh tế độc lập được thành lập, chịu sự điều tiết bởi Luật Doanh nghiệp (Luật doanh nghiệp 2005); hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã và các doanh nghiệp hạch toán kinh tế độc lập được thành lập, chịu sự điều tiết bởi các Luật chuyên ngành như Luật Bảo hiểm, Luật Chứng khoán, Luật Luật sư…, đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh trước thời điểm 01/01/2011 và hiện đang tồn tại, bao gồm cả những doanh nghiệp hoạt động theo thời vụ không sản xuất đủ 12 tháng trong năm 2010, những doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất kinh doanh để đầu tư đổi mới, sửa chữa, xây dựng, mở rộng sản xuất, những doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ sáp nhập, giải thể nhưng vẫn còn bộ máy quản lý có thể trả lời các câu hỏi trong phiếu điều tra; Các cơ sở sản xuất kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp hạch toán kinh tế độc lập.
2.2. Phạm vi điều tra
Gồm toàn bộ các doanh nghiệp; hợp tác xã thuộc đối tượng điều tra trên phạm vi toàn quốc, đang hoạt động trong các ngành: Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; Khai khoáng; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; Cung cấp nước; Hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải; Xây dựng; Bán buôn và bán lẻ; Sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; Vận tải, kho bãi; Dịch vụ lưu trú và ăn uống; Thông tin và truyền thông; Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; Hoạt động kinh doanh bất động sản; Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; Giáo dục và đào tạo; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí; Hoạt động dịch vụ khác; Hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình và các cơ sở sản xuất kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp hạch toán kinh tế độc lập.
2.3. Đơn vị điều tra
Là các doanh nghiệp thuộc phạm vi điều tra, có đầy đủ tư cách pháp nhân, thực hiện chế độ hạch toán kinh tế độc lập
(1) Khu vực doanh nghiệp nhà nước bao gồm:
- Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, hoạt động công ích có 100% vốn nhà nước do trung ương quản lý hoặc địa phương quản lý hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước hoặc Luật Doanh nghiệp 2005;
- Doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước do Trung ương quản lý hoặc địa phương quản lý hoạt động theo công ty TNHH có một hoặc nhiều thành viên;
- Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn có vốn nhà nước chiếm giữ trên 50%.
(2) Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước bao gồm:
- Hợp tác xã;
- Doanh nghiệp tư nhân;
- Công ty hợp danh;
- Công ty TNHH tư nhân (kể cả công ty TNHH có vốn nhà nước ≤50%);
- Công ty cổ phần không có vốn nhà nước;
- Công ty cổ phần có vốn nhà nước ≤50%.
(3) Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm:
- Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài;
- Doanh nghiệp nhà nước liên doanh với nước ngoài;
- Doanh nghiệp khác liên doanh với nước ngoài.
Đối với tập đoàn, Tổng công ty: Đơn vị điều tra là văn phòng tập đoàn, tổng công ty (báo cáo phần hoạt động của văn phòng Tập đoàn, Tổng công ty và các đơn vị hạch toán phụ thuộc vào văn phòng Tập đoàn, Tổng công ty) và các đơn vị trực thuộc hạch toán kinh tế độc lập;
Đối với tập đoàn kinh tế tổ chức theo mô hình công ty mẹ, công ty con: Đơn vị điều tra là công ty mẹ và các công ty thành viên là công ty con hạch toán kinh tế độc lập;
Trường hợp doanh nghiệp cho thuê toàn bộ dây chuyền sản xuất theo hình thức cho thuê tài chính khi đó bên đi thuê báo cáo toàn bộ lao động, nguồn vốn và giá trị tài sản, kết quả SXKD, nộp ngân sách của dây chuyền sản xuất đi thuê; đồng thời, doanh nghiệp cho thuê vẫn là một đơn vị báo cáo theo ngành hoạt động là “cho thuê tài chính” (Lưu ý: Chỉ tiêu nguồn vốn và tài sản không bao gồm giá trị của dây chuyền sản xuất đã cho thuê, doanh thu kinh doanh là số tiền thu được do cho thuê dây chuyền sản xuất).
3. Nội dung điều tra
3.1. Những chỉ tiêu nhận dạng đơn vị điều tra
- Tên doanh nghiệp;
- Địa chỉ, điện thoại, Fax, Email;
- Loại hình doanh nghiệp;
- Ngành nghề hoạt động SXKD.
3.2. Những chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh
- Lao động;
- Thu nhập của người lao động;
- Tài sản và nguồn vốn;
- Kết quả sản xuất kinh doanh;
- Thuế và các khoản nộp ngân sách;
- Vốn đầu tư;
- Đầu tư nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ;
- Công nghệ thông tin;
- Các chỉ tiêu thuộc chuyên ngành: Nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp, xây dựng, thương nghiệp, khách sạn, nhà hàng, vận tải, kho bãi, du lịch, trung gian tài chính, bảo hiểm và môi giới bảo hiểm,…
- Số cơ sở;
- Chi phí sản xuất kinh doanh.
4. Phiếu điều tra và các bảng danh mục sử dụng cho cuộc điều tra
4.1. Phiếu điều tra: Có 18 loại phiếu điều tra, cụ thể gồm:
(1) Phiếu số 1A-ĐTDN: Phiếu thu thập thông tin về doanh nghiệp năm 2010
(Áp dụng cho toàn bộ DN nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN ngoài nhà nước được chọn vào mẫu điều tra).
(2) Phiếu số 1A.1-NLTS: Thông tin về doanh nghiệp hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2010
(Áp dụng cho toàn bộ doanh nghiệp có hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản).
(3) Phiếu số 1A.2-NLTS: Thông tin về hợp tác xã thuộc ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2010
(Áp dụng cho toàn bộ hợp tác xã có hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản).
(4) Phiếu số 1A.3-CN: Kết quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp của doanh nghiệp/cơ sở năm 2010
(Áp dụng cho toàn bộ các doanh nghiệp và cơ sở trực thuộc có hoạt động công nghiệp, kể các doanh nghiệp thuộc đối tượng lập danh sách).
(5) Phiếu số 1A.4-RT: Kết quả hoạt động thu gom và xử lý rác thải năm 2010
(Áp dụng cho các doanh nghiệp có hoạt động thu gom và xử lý rác thải).
(6) Phiếu số 1A.5-XD: Kết quả hoạt động xây dựng năm 2010
(Áp dụng cho các doanh nghiệp có hoạt động xây dựng).
(7) Phiếu số 1A.6-TN: Kết quả hoạt động thương nghiệp năm 2010
(Áp dụng cho các doanh nghiệp có hoạt động thương nghiệp).
(8) Phiếu số 1A.7-VTKB: Kết quả hoạt động vận tải, kho bãi năm 2010
(Áp dụng cho các doanh nghiệp có hoạt động vận tải, kho bãi).
(9) Phiếu số 1A.8-LT: Kết quả hoạt động dịch vụ lưu trú năm 2010
(Áp dụng cho các doanh nghiệp có hoạt động dịch vụ lưu trú).
(10) Phiếu số 1A.9-DL: Kết quả hoạt động du lịch năm 2010
(Áp dụng cho các doanh nghiệp có hoạt động du lịch lữ hành và các hoạt động hỗ trợ du lịch).
(11) Phiếu số 1A.10-NH: Kết quả hoạt động dịch vụ ăn uống năm 2010
(Áp dụng cho các doanh nghiệp có hoạt động nhà hàng, bar và căng tin phục vụ ăn uống).
(12) Phiếu số 1A.11-TC: Kết quả hoạt động trung gian tài chính và hoạt động hỗ trợ cho hoạt động tài chính tiền tệ năm 2010
(Áp dụng cho các doanh nghiệp có hoạt động tín dụng: Ngân hàng, công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân,…).
(13) Phiếu số 1A.12-BH: Kết quả hoạt động bảo hiểm và môi giới bảo hiểm năm 2010
(Áp dụng cho các doanh nghiệp có hoạt động bảo hiểm và môi giới bảo hiểm)
(14) Phiếu số 1A.13-DVK: Kết quả hoạt động dịch vụ khác năm 2010
(Áp dụng cho các doanh nghiệp có hoạt động dịch vụ khác)
(15) Phiếu số 1A.14-DVK: Tình hình thực hiện góp vốn tiền tệ
(Áp dụng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).
(16) Phiếu số 1B/CS-ĐTDN: Phiếu thu thập thông tin về các cơ sở SXKD trực thuộc doanh nghiệp năm 2010
(17) Phiếu số 1C/DS-ĐTDN: Phiếu thu thập thông tin các doanh nghiệp lập danh sách năm 2010
(Áp dụng cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước không thuộc mẫu điều tra phiếu 1A).
(18) Phiếu số 2A-ĐTDN: Chi phí sản xuất kinh doanh theo yếu tố năm 2010
(Áp dụng cho các doanh nghiệp được chọn vào mẫu điều tra).
4.2. Bảng danh mục
Có 4 bảng danh mục áp dụng cho cuộc điều tra:
a. Bảng phân ngành kinh tế: Áp dụng 2 phân ngành kinh tế là VSIC 1993 (mã 6 số) và VSIC 2007 (mã 5 số).
b. Bảng danh mục các đơn vị hành chính: Áp dụng bảng danh mục các đơn vị hành chính Việt Nam ban hành theo Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08/7/2004 của Thủ tướng chính phủ và được cập nhật đến thời điểm 31/12/2010.
c. Bảng danh mục các nước và vùng lãnh thổ: Áp dụng bảng danh mục các nước được ban hành trong tài liệu: “Các loại danh mục áp dụng cho điều tra toàn bộ doanh nghiệp năm 2006”
d. Bảng danh mục sản phẩm công nghiệp:
- Bảng danh mục sản phẩm công nghiệp Việt Nam (theo phân ngành sản phẩm mới).
5. Thời điểm điều tra và thời kỳ thu thập số liệu
Thực hiện điều tra thu thập số liệu tại các doanh nghiệp bắt đầu từ ngày 01/03/2011. Số liệu thu thập của các chỉ tiêu thời kỳ (doanh thu, thuế, sản phẩm, thu thập của người lao động..) là số chính thức cả năm 2010, các chỉ tiêu thời điểm (lao động, tài sản, nguốn vốn,..) là số đầu năm tại thời điểm 01/01/2010 và cuối năm tại thời điểm 31/12/2010.
6. Phương pháp điều tra
Cuộc điều tra doanh nghiệp năm 2011 được thực hiện theo phương pháp điều tra toàn bộ kết hợp với điều tra chọn mẫu.
6.1. Lập danh sách các đơn vị điều tra
Danh sách các đơn vị điều tra được lập trước khi tiến hành điều tra trên cơ sở thông tin từ cuộc điều tra doanh nghiệp năm 2010, nguồn thông tin của cơ quan Thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh các cấp… Cụ thể danh sách điều tra doanh nghiệp năm 2011 gồm:
- Danh sách doanh nghiệp đã thu được phiếu và doanh nghiệp trong danh mục các doanh nghiệp lập danh sách trong cuộc điều tra doanh nghiệp năm 2010 (có tại Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
- Danh sách các doanh nghiệp có đến 31/12/2010 nhưng chưa bắt đầu sản xuất, kinh doanh (có tại Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
- Danh sách doanh nghiệp thực tế còn tồn tại đến 31/12/2010 nhưng trong cuộc điều tra doanh nghiệp năm 2010 không thu được phiếu (có tại Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
- Danh sách doanh nghiệp được cơ quan thuế cấp mã số thuế trong năm 2010 (do Tổng cục Thống kê lập và gửi về các tỉnh, thành phố).
- Danh sách doanh nghiệp mới thành lập năm 2010, đã đi vào hoạt động nhưng chưa được cấp mã số thuế (do Cục Thống kê tỉnh, thành phố lập).
- Danh sách doanh nghiệp thuộc đối tượng và phạm vi điều tra có được từ các nguồn thông tin khác.
6.2. Chọn mẫu điều tra
Các doanh nghiệp nhà nước (100% vốn nhà nước hoặc DN nhà nước đã được cổ phần hóa có vốn nhà nước chiếm trên 50%); doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và doanh nghiệp ngoài nhà nước có từ 20 lao động (30 lao động đối với Đồng Nai, Bình Dương và Hải Phòng; 50 lao động đối với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội) trở lên điều tra 100% theo phiếu số 1A. Các doanh nghiệp ngoài nhà nước có lao động dưới mức trên được chọn mẫu điều tra.
- Đối với 16 tỉnh có tổng số dưới 1000 doanh nghiệp (tính đến thời điểm 31/12/2009), gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn, Ninh Thuận, Kon Tum, Đắk Nông, Trà Vinh, Hậu Giang, Bạc Liêu điều tra 100% số doanh nghiệp theo phiếu số 1A.
- Các doanh nghiệp và các hợp tác xã hoạt động trong các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản điều tra 100% theo phiếu 1A (thực hiện thống nhất theo quy định của Tổng điều tra Nông thôn, Nông nghiệp năm 2011).
- Các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong các ngành lưu trú và ăn uống; thông tin và truyền thông điều tra 100% phiếu 1A.
6.2.1. Chọn mẫu các DN ngoài nhà nước dưới 20 lao động (Hải Phòng, Đồng Nai và Bình Dương là dưới 30 lao động) để điều tra theo phiếu số 1A. Riêng Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh được chọn mẫu theo 2 phân tầng (dưới 20 lao động và từ 20 đến 49 lao động).
a. Lập dàn chọn mẫu:
Dàn chọn mẫu được lập dựa trên danh sách các doanh nghiệp ngoài nhà nước có dưới 20 lao động từ cuộc Điều tra doanh nghiệp năm 2010 của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dàn mẫu được phân tổ theo các ngành kinh tế cấp 4, hoặc nhóm ngành cấp 4; trong mỗi ngành kinh tế thuộc dàn mẫu, các doanh nghiệp được sắp xếp theo thứ tự giảm dần của chỉ tiêu doanh thu thuần hoạt động SXKD năm 2009.
b. Chọn mẫu:
Số lượng DN ngoài nhà nước được chọn để điều tra theo phiếu số 1A là 20% của tổng số DN có dưới 20 lao động trong danh sách (Hải Phòng, Đồng Nai và Bình Dương là dưới 30 lao động) các DN có thu được phiếu ở cuộc điều tra doanh nghiệp năm 2010.
Riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chọn mẫu như sau:
- Các doanh nghiệp ngoài nhà nước dưới 20 lao động: Chọn mẫu điều tra 10%.
- Các doanh nghiệp ngoài nhà nước có từ 20 đến 49 lao động: Chọn mẫu điều tra 20%.
Mẫu chọn theo nguyên tắc đại diện cho từng ngành kinh tế cấp 4, hoặc nhóm ngành cấp 4 (VSIC 2007) trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo phương pháp ngẫu nhiên.
Danh sách mẫu các doanh nghiệp điều tra theo phiếu số 1A năm 2011 do Tổng cục Thống kê chọn và gửi về cho các cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện điều tra.
Các doanh nghiệp ngoài nhà nước không được chọn vào mẫu điều tra phiếu 1A-ĐTDN thì sẽ thực hiện phiếu 1C/DS-ĐTDN để làm căn cứ suy rộng kết quả các chỉ tiêu điều tra của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và toàn quốc.
6.2.2. Điều tra các doanh nghiệp có hoạt động công nghiệp
Để thu thập đầy đủ thông tin tính quyền số và số liệu về khối lượng sản phẩm phục vụ chuyển đổi năm gốc so sánh mới 2010 đối với chỉ số sản xuất, tiêu thụ, tồn kho ngành công nghiệp, năm 2011 điều tra 100% các doanh nghiệp có hoạt động công nghiệp thực hiện phiếu số 1A.3-CN: Kết quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp của doanh nghiệp/cơ sở. Có nghĩa là, các doanh nghiệp thực hiện phiếu 1A và các doanh nghiệp thực hiện phiếu 1C/DS-ĐTDN, nếu có hoạt động công nghiệp đều phải thực hiện thêm phiếu số 1A.3-CN.
6.2.3. Điều tra các doanh nghiệp có các hoạt động chuyên ngành khác
Đối với các doanh nghiệp có các hoạt động khác (ngoài công nghiệp) thuộc đối tượng thực hiện phiếu 1A-ĐTDN được liệt kê ở mục 4.1 còn phải thực hiện đầy đủ các phiếu thu thập thông tin về chuyên ngành tương ứng.
6.2.4. Chọn mẫu các doanh nghiệp điều tra phiếu 2A-ĐTDN: Chi phí sản xuất kinh doanh theo yếu tố
Mẫu điều tra phiếu số 2A-ĐTDN được lập và chọn theo 6 vùng kinh tế và hai thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
a. Lập dàn chọn mẫu
Dàn chọn mẫu được lập dựa trên danh sách các doanh nghiệp có thu được phiếu 1A từ cuộc Điều tra doanh nghiệp năm 2010 của 6 vùng kinh tế và hai thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Dàn mẫu được phân tổ theo các ngành kinh tế cấp 4, hoặc nhóm ngành cấp 4; Trong mỗi ngành kinh tế thuộc dàn mẫu, các doanh nghiệp được sắp xếp theo thứ tự giảm dần của chỉ tiêu doanh thu thuần hoạt động SXKD năm 2009.
b. Chọn mẫu
Số lượng doanh nghiệp chọn mẫu điều tra phiếu 2A-ĐTDN là 15% các doanh nghiệp thực hiện phiếu 1A điều tra năm 2010. Mẫu chọn theo nguyên tắc đại diện cho từng ngành kinh tế cấp 4, hoặc nhóm ngành cấp 4 (VSIC 2007) theo phương pháp ngẫu nhiên.
Danh sách mẫu các doanh nghiệp điều tra theo phiếu số 2A-ĐTDN năm 2011 do Tổng cục Thống kê chọn và gửi về cho các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện điều tra.
6.3. Phương pháp thu thập số liệu
Do tính chất phức tạp của nội dung điều tra và trình độ kế toán, thống kê cũng như ứng dụng công nghệ thông tin của các đơn vị điều tra khác nhau, nên áp dụng 2 phương pháp thu thập số liệu là: trực tiếp và gián tiếp.
- Thu thập trực tiếp: Điều tra viên trực tiếp phỏng vấn đối tượng điều tra, đề nghị cung cấp số liệu, giải thích tình hình, trên cơ sở đó điều tra viên ghi vào phiếu điều tra. Phương pháp này được áp dụng đối với những đơn vị điều tra chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, không có khả năng tự ghi được phiếu điều tra (doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp chuẩn bị giải thể, doanh nghiệp đang bị thanh tra,…).
- Thu thập gián tiếp: Tổ chức hội nghị tập huấn cho kế toán trưởng, cán bộ kế toán hoặc thống kê của các doanh nghiệp, hoặc điều tra viên trực tiếp hướng dẫn phương pháp ghi phiếu điều tra và những quy định cụ thể về nơi gửi, hình thức, thời gian gửi; để các doanh nghiệp tự ghi phiếu gửi cho cơ quan điều tra.
+ Thu thập số liệu qua bảng hỏi điện tử (E_Form) được tiến hành thử nghiệm hình thức này đối với 2 loại hình doanh nghiệp là doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài: doanh nghiệp lấy phiếu điều tra từ trang tin điện tử của Tổng cục Thống kê, ghi thông tin trực tiếp vào phiếu và gửi lại qua đường thư điện tử cho Cục Thống kê.
Trong thực tế cần kết hợp chặt chẽ cả 2 phương pháp trực tiếp và gián tiếp để tiết kiệm kinh phí và công sức của điều tra viên, vừa đảm bảo yêu cầu nhanh và chính xác của số liệu.
7. Kế hoạch tiến hành điều tra
Kế hoạch điều tra được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1. Chuẩn bị điều tra: Thời gian thực hiện từ 01/12/2010 đến 10/02/2011, gồm các công việc:
a. Ra quyết định điều tra;
b. Xây dựng phương án điều tra;
c. Xây dựng các bảng danh mục áp dụng cho điều tra;
d. Lập danh sách các đơn vị điều tra;
e. Chọn mẫu điều tra;
g. In phương án và phiếu điều tra;
h. Xây dựng hệ thống biểu tổng hợp đầu ra và chương trình phần mềm nhập tin, chương trình kiểm tra và tổng hợp kết quả điều tra cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cả nước.
Bước 2. Triển khai điều tra: Thời gian thực hiện từ 10/02/2011 đến 15/6/2011, gồm các công việc:
a. Tổng cục Thống kê tập huấn nghiệp vụ cho các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
b. Các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tuyển chọn điều tra viên, giám sát viên theo tiêu chuẩn quy định, tập huấn nghiệp vụ cho điều tra viên, giám sát viên và hướng dẫn cán bộ các doanh nghiệp về nội dung và phương pháp ghi phiếu điều tra trên cơ sở phương án điều tra của Tổng cục Thống kê quy định.
c. Lập và rà soát danh sách đơn vị điều tra;
d. Triển khai điều tra thu thập thông tin tại các đơn vị điều tra;
e. Thu thập, chỉnh lý, đánh ký mã hiệu phiếu điều tra tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bước 3. Nhập tin, xử lý tổng hợp số liệu: Thời gian thực hiện từ 16/6 đến 15/7/2011, gồm các công việc:
a. Nhập tin số liệu về doanh nghiệp sẽ được thực hiện tại các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cùng một chương trình phần mềm thống nhất cho cả nước do Tổng cục Thống kê biên soạn. Chương trình nhập tin, kiểm tra, nghiệm thu và tổng hợp số liệu sẽ được gửi tới các tỉnh, thành phố qua mạng GSO.
b. Nghiệm thu số liệu đã nhập tin: Sau khi nhận được số liệu đã nhập tin của các Cục Thống kê tỉnh, thành phố truyền về Tổng cục Thống kê, Tổ Thường trực chỉ đạo điều tra doanh nghiệp cấp Trung ương có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu kết quả của các tỉnh, thành phố trực tiếp tại Cục Thống kê hoặc nghiệm thu qua mạng. Căn cứ vào chất lượng số liệu nhập tin đã truyền về Tổng cục Thống kê, Tổ thường trực chỉ đạo điều tra doanh nghiệp cấp Trung ương sẽ quyết định hình thức nghiệm thu phù hợp. Số liệu sau khi đã được nghiệm thu đạt yêu cầu mới đưa vào khai thác, tổng hợp ở các bước tiếp theo.
c. Suy rộng kết quả điều tra
Số liệu điều tra mẫu của các doanh nghiệp ngoài nhà nước có dưới 20 lao động được dùng để suy rộng theo phần mềm được cài trong chương trình nhập tin và tổng hợp kết quả điều tra. Phương pháp suy rộng như sau:
Suy rộng cho các chỉ tiêu tổng số (gồm những chỉ tiêu có chia chi tiết) hoặc chỉ tiêu đơn (không chia chi tiết) theo công thức tổng quát như sau:
qn(SR-T) = (1)
Trong đó:
- qn(SR-T): Giá trị chỉ tiêu n được suy rộng cho một DN không điều tra
- Qn (M): Tổng giá trị chỉ tiêu n tổng hợp từ mẫu điều tra.
- N(M): Tổng số doanh nghiệp của mẫu điều tra
* Suy rộng cho các chỉ tiêu chi tiết theo công thức:
qn(SR-CT) = iq x qn(SR-T) (2)
với iq = qn(M)/Qn(M) (3)
Trong đó:
- qn(SR-CT): Giá trị chi tiết suy rộng của chỉ tiêu n của một DN không điều tra.
- iq: Tỷ trọng giữa giá trị chi tiết so với tổng giá trị của chỉ tiêu tính được từ các DN điều tra mẫu.
- qn(SR-T): Giá trị chỉ tiêu n (chỉ tiêu tổng số) được suy rộng cho DN không điều tra (tính được từ công thức (1))
- qn(M) : Giá trị chi tiết của chỉ tiêu n tổng hợp từ mẫu điều tra
- Qn(M) : Tổng giá trị chỉ tiêu n tổng hợp từ các DN điều tra mẫu.
Ví dụ 1: Suy rộng chỉ tiêu tổng nguồn vốn cuối năm cho doanh nghiệp A thuộc loại hình ngoài nhà nước dưới 20 lao động của ngành công nghiệp C1061 “Xay xát và sản xuất bột thô của tỉnh A với các thông tin như sau:
1. Doanh nghiệp A có tổng doanh thu thuần năm điều tra là 5 tỷ đồng (điều tra được theo phiếu số 1C)
2. Ngành C1061 có 3 doanh nghiệp ngoài nhà nước dưới 20 lao động điều tra mẫu (phiếu 1A) với các thông tin như sau:
- Tổng doanh thu thuần năm điều tra là: 3,5 tỷ + 6 tỷ + 2,5 tỷ = 12 tỷ
- Tổng nguồn vốn cuối năm điều tra là: 2,5 tỷ + 4 tỷ + 1,5 tỷ = 8 tỷ
- Tổng nguồn vốn chủ sỡ hữu cuối năm điều tra là: 2 tỷ + 2,5 tỷ + 0,5 tỷ = 5 tỷ
Bước 1: Tính hệ số giữa doanh thu và nguồn vốn của các doanh nghiệp điều tra mẫu ngành C1061 theo công thức:
K = Tổng doanh thu/Tổng nguồn vốn = 12 tỷ/8 tỷ = 1,5
Bước 2: Suy rộng chỉ tiêu tổng nguồn vốn cuối năm điều tra của doanh nghiệp A theo công thức:
V = K x Tổng doanh thu của doanh nghiệp A = 1,5 x 5 = 7,5 tỷ đồng.
Ví dụ 2: Cũng với thông tin như ví dụ 1, suy rộng chỉ tiêu nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp A như sau:
Bước 1: Tính tỷ lệ giữa vốn chủ sở hữu so tổng nguồn vốn cuối năm điều tra của các doanh nghiệp điều tra mẫu ngành C1061 theo công thức:
I = Tổng vốn chủ sở hữu/ Tổng nguồn vốn = 5 tỷ/8 tỷ = 0,625
Bước 2: Suy rộng chỉ tiêu nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp A theo công thức:
V (csh) = I x Tổng nguồn vốn = 0,625 x 7,5 tỷ = 4,6875 tỷ đồng.
d. Khai thác số liệu để làm báo cáo chính thức năm 2010 tại các tỉnh, thành phố sau khi có số liệu nhập tin đã được nghiệm thu đạt yêu cầu.
e. Báo cáo kết quả điều tra: Các Cục Thống kê tỉnh, TP truyền toàn bộ cơ sở dữ liệu điều tra, báo cáo giải trình nghiệm thu, cảnh báo lỗi logic về Tổng cục chậm nhất là ngày 15/7/2011 (đối với TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai là ngày 31/7/2011).
Bước 4. Tổng hợp, phân tích và công bố kết quả điều tra:
- Cấp tỉnh, TP: từ 15/7/2011 đến 30/9/2011.
- Cấp Trung ương: từ 15/7/2011 đến 30/9/2011: kiểm tra, nghiệm thu kết quả điều tra của các tỉnh, TP; từ 01/10/2011 đến 31/12/2011: Tổng hợp và công bố kết quả điều tra.
8. Tổ chức thực hiện
8.1. Tổ chức điều tra
Cuộc điều tra được tổ chức thực hiện theo lãnh thổ. Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm hướng dẫn triển khai điều tra thu thập số liệu tại các đơn vị điều tra trên địa bàn lãnh thổ; kiểm tra, chỉnh lý, đánh ký mã hiệu và nhập tin các phiếu điều tra.
8.2. Xử lý tổng hợp số liệu điều tra
Cuộc điều tra được xử lý tổng hợp tập trung bằng máy tính như sau:
- Tổng cục Thống kê xây dựng chương trình phần mềm nhập tin và cùng với Tổ thường trực chỉ đạo điều tra doanh nghiệp cấp Trung ương kiểm tra tính hợp lý của số liệu, suy rộng và tổng hợp kết quả cho toàn bộ cuộc điều tra.
- Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhập tin toàn bộ phiếu điều tra đã thu thập trên địa bàn.
Sau khi số liệu nhập tin được nghiệm thu đạt yêu cầu, các Cục thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng chương trình phần mềm thống nhất cả nước do Tổng cục Thống kê xây dựng, cài đặt và hướng dẫn sử dụng để tổng hợp số liệu làm báo cáo chính thức năm 2010 và tổng hợp toàn bộ kết quả điều tra doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Số liệu nhập tin của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được truyền qua mạng về cơ sở dữ liệu tại Tổng cục Thống kê để xử lý tổng hợp chung cho cả nước.
Dữ liệu ban đầu của cuộc điều tra sau khi đã nghiệm thu, phục vụ cho yêu cầu làm báo cáo chính thức năm và tổng hợp công bố chung, sẽ được lưu giữ tại cơ sở dữ liệu của Tổng cục và các Cục Thống kê nhằm phục vụ cho nhu cầu khai thác của các Vụ, các đơn vị trong Tổng cục và các Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng cục Thống kê xây dựng cơ sở dữ liệu ban đầu của cuộc điều tra doanh nghiệp để các đơn vị trong và ngoài ngành có thể khai thác dễ dàng bằng các công cụ thông dụng.
- Kết quả tổng hợp của cuộc điều tra sẽ được công bố nhằm phục vụ yêu cầu của các đối tượng dùng tin.
9. Kinh phí điều tra
Tổng cục Thống kê cấp kinh phí bảo đảm yêu cầu thu thập và xử lý tổng hợp theo nội dung của phương án điều tra. Kinh phí điều tra do Tổng cục phân bổ 2 lần theo kế hoạch kinh phí điều tra hàng năm.
Tổ trưởng Tổ thường trực chỉ đạo điều tra doanh nghiệp cấp Trung ương và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Chánh Văn phòng Tổng cục và các Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí được cấp để thực hiện tốt cuộc điều tra theo phương án quy định.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.