UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2006/QĐ-UBND | TP. Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 01 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT NĂM 2006 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003 ;
Căn cứ Nghị quyết số 49/2005/QH11 ngày 19 tháng 11 năm 2005 về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2006 ;
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân và Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg ngày 07 tháng 01 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay ;
Xét đề nghị của Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố ;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2006 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Căn cứ Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể thành phố có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2006 của cơ quan, đơn vị và địa phương mình.
Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giúp các quận-huyện, sở-ngành, đoàn thể thành phố trong việc tổ chức, thực hiện các nội dung của chương trình, kế hoạch này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các sở ngành, đoàn thể thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
|
KẾ HOẠCH
PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT NĂM 2006 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 06 /2006/QĐ-UBND ngày 18 tháng 01 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố)
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU :
1. Thông qua công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng pháp luật cho cán bộ công chức và các tầng lớp nhân dân, từ đó tăng cường ý thức tự giác trong thực hiện, áp dụng các quy định pháp luật của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức, xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
2. Công tác giáo dục pháp luật phải tiến hành thường xuyên, liên tục và luôn hướng về cơ sở, gắn liền với các cuộc vận động lớn của thành phố, đồng thời gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ và công tác hoà giải ở cơ sở.
3. Các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật phải lồng ghép với các hoạt động khác, gắn liền với công tác cải cách hành chính, công tác giải quyết khiếu nại tố cáo ở các cấp chính quyền.
4. Thường xuyên có sự đổi mới về phương pháp, về hình thức qua đó nâng cao chất lượng các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đài Truyền hình thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, cần bố trí thời gian nhất định phát sóng về pháp luật ; các báo thành phố cần có chuyên mục, chuyên trang về pháp luật, nhằm đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân, qua đó đưa được nhiều thông tin pháp luật đến người dân, giúp họ nâng cao hiểu biết pháp luật, chấp hành pháp luật, góp phần đấu tranh chống các hiện tượng, hành vi tiêu cực trong xã hội.
II. NHỮNG NỘI DUNG VĂN BẢN PHÁP LUẬT CHỦ YẾU CẦN PHỔ BIẾN TRONG NĂM 2006.
Căn cứ Nghị quyết số 49/2005/QH11 ngày 19 tháng 11 năm 2005 của Quốc hội khóa XI về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2006 và các văn bản quy phạm pháp luật được Nhà nước ban hành trong thời gian qua ; trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện ; Thủ trưởng sở, ngành ; đoàn thể thành phố có trách nhiệm kịp thời tổ chức triển khai phổ biến đến cán bộ công chức và các tầng lớp nhân dân những văn bản quy phạm pháp luật sau đây :
A. Trong 6 tháng đầu năm 2006
1. Bộ luật dân sự năm 2005;
2. Luật giáo dục năm 2005;
3. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật nghĩa vụ quân sự;
4. Luật quốc phòng;
5. Luật thương mại;
6. Luật chống tham nhũng;
7. Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí;
8. Luật về nhà ở;
9. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật khiếu nại tố cáo;
10. Luật đầu tư;
11. Luật đấu thầu;
12. Luật công an nhân dân.
B. Trong 6 tháng cuối năm 2006.
1. Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi);
2. Luật du lịch;
3. Luật kinh doanh bất động sản;
4. Luật bảo hiểm xã hội;
5. Luật phòng chống HIV/AIDS;
6. Luật trợ giúp pháp lý;
7. Luật công nghệ thông tin;
8. Luật tiêu chuẩn hóa;
9. Luật doanh nghiệp;
10. Luật các công cụ chuyển nhượng;
11. Pháp lệnh về bảo vệ các công trình mục tiêu trọng điểm về an ninh quốc gia;
12. Pháp lệnh dân chủ cơ sở.
C. Ngoài những Bộ luật, Luật và Pháp lệnh nêu trên, do đặc thù của đơn vị và tình hình thực tế mà các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp cần phổ biến đến các tầng lớp nhân dân, cán bộ công chức và người lao động trong các doanh nghiệp những văn bản quy phạm pháp luật quan trọng sau đây : Luật phòng chống ma túy, Luật phòng, chống mại dâm, Luật Đất đai năm 2003 ; Luật Xây dựng năm 2003 ; Luật tố tụng hình sự năm 2003 ; Luật tố tụng dân sự năm 2004 ; Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 (sửa đổi) ; Luật Giao thông đường bộ Việt Nam ; Bộ Luật lao động (sửa đổi) ; Pháp lệnh cán bộ công chức (sửa đổi) ; một số Nghị định của Chính phủ và các Quyết định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của Ủy ban nhân dân thành phố nhất là các Quyết định, Chỉ thị có liên quan đến các thủ tục hành chính, về đất đai, môi trường, giao thông đường bộ và quản lý đối với người nhập cư…
III. MỘT SỐ BIỆN PHÁP CHỦ YẾU ĐỂ TỔ CHỨC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH TUYÊN TRUYỀN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRONG NĂM 2006.
1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo :
a. Tiếp tục cũng cố và nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp. Cụ thể :
- Các cấp ủy Đảng, Thủ trưởng các sở-ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện phải xác định công tác phổ biến giáo dục pháp luật là một trong những công tác trọng tâm quản lý Nhà nước, phục vụ cho công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
- Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (HĐPH) các cấp phải luôn thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa ngành Tư pháp và các cơ quan, đoàn thể khác như : Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư, Hội nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn lao động, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh và tăng cường sự phối hợp giữa các sở ngành với nhau...
- Phải tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong các cơ quan Nhà nước, khi tuyên truyền cần thực hiện tốt sự phối, kết hợp chặt chẽ giữa Đảng, chính quyền, đoàn thể.
- Duy trì và nâng cao chất lượng các cuộc họp hàng quý, 6 tháng, năm của Hội đồng phối hợp các cấp, tăng cường việc đôn đốc, kiểm tra, báo cáo, rút kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
b. Tăng cường củng cố và nâng cao chất lượng các buổi tuyên truyền pháp luật của đội ngũ báo cáo viên pháp luật các cấp, huy động được 100% đội ngũ báo cáo viên pháp luật quận, huyện, tham gia các buổi phổ biến giáo dục pháp luật ở cơ sở để đảm bảo :
- Việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật phải luôn hướng về cơ sở, phục vụ tích cực cho việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ ở cơ sở, áp dụng đúng pháp luật, giúp nhân dân hiểu và chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, qua đó bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân.
- Thông qua các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết pháp luật cho mọi cán bộ công chức, nâng cao ý thức trách nhiệm trong giải quyết công việc góp phần ngăn ngừa và hạn chế được các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực trong khi thi hành công vụ của cán bộ công chức.
- Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp, giúp cho họ có kiến thức pháp luật, tuân thủ pháp luật và bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình.
c. Các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật phải gắn với các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương đơn vị, trực tiếp phục vụ cho việc hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội của các địa phương, các cấp, các ngành.
2. Các biện pháp trong tổ chức triển khai :
a. Căn cứ Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố, Hội đồng phối hợp các cấp phải lập kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật ở cấp mình. Việc tuyên truyền phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và có sơ kết, rút kinh nghiệm để đưa được nhiều kiến thức pháp luật đến các đối tượng.
b. Thường xuyên đổi mới các hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng như : các chương trình giới thiệu pháp luật, thi Công dân và Pháp luật trên Đài truyền hình ; các chương trình phát thanh về pháp luật trên Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, các chuyên mục, chuyên trang pháp luật trên các loại hình báo chí của thành phố.
c. Tăng cường công tác trợ giúp pháp lý miễn phí dưới nhiều hình thức cho các đối tượng nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, các đối tượng chính sách, đối tượng là người nghèo, qua đó đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng này.
d. Thường xuyên chủ động biên soạn các loại đề cương tuyên truyền, tài liệu hỏi đáp pháp luật, biên tập các loại sách cẩm nang pháp luật liên quan đến các vấn đề thiết yếu trong đời sống nhân dân, biên soạn các loại tờ gấp tuyên truyền pháp luật gửi đến các tổ dân phố, hộ gia đình.
đ. Tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành để phổ biến giáo dục pháp luật cho đội ngũ cán bộ công chức trong bộ máy Nhà nước ; tổ chức được nhiều hình thức phổ biến giáo dục pháp luật và lồng ghép vào hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức qua đó nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức trách nhiệm công chức trong thi hành công vụ, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
e. Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn cần tích cực tìm biện pháp để nâng cao hiệu quả của các tủ sách pháp luật, thường xuyên thông báo nội dung sách, tài liệu pháp luật cho nhân dân đến mượn đọc sách. Thực hiện tốt việc luân chuyển sách về các khu phố văn hóa, ấp văn hóa, bưu điện, bưu cục văn hóa nhằm khai thác triệt để và có hiệu quả tủ sách pháp luật ở các phường, xã, thị trấn.
Xây dựng tủ sách pháp luật ở các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp, trường học tạo điều kiện cho cán bộ-công chức, người lao động, học sinh, sinh viên, học viên có điều kiện nâng cao hiểu biết pháp luật.
g. Ủy ban nhân dân các phường, xã, thị trấn phải xây dựng, củng cố lực lượng hòa giải viên cơ sở để đảm bảo đủ số lượng, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật ; định kỳ hàng tháng, quý, tổ chức bồi dưỡng về nghiệp vụ, kiến thức pháp luật phổ thông cho hòa giải viên ; thực hiện tốt các hình thức động viên khuyến khích để hoạt động hòa giải ngày càng có hiệu quả cao.
h. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện mô hình “Câu lạc bộ Pháp luật”, nâng cao hiệu quả hoạt động và đa dạng hóa hình thức hoạt động phổ biến pháp luật của câu lạc bộ trong nhân dân.
i. Các phường xã, thị trấn cơ quan đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp được Bộ Tư pháp chọn điểm để thực hiện Đề án : Chỉ đạo điểm các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả trong giai đoạn hiện nay, phải làm tốt các nội dung làm điểm theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp qua đó rút kinh nghiệm nhân rộng trong các năm tới.
k. Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật phải được lồng ghép với các phong trào thi đua ; gắn chặt với công tác giải quyết khiếu nại tố cáo ; công tác công khai quy hoạch chi tiết đô thị, chỉnh trang đô thị ; công tác đền bù, giải tỏa mặt bằng các công trình và công tác vận động nhân dân thực hiện tốt các lĩnh vực này.
l. Tòa án nhân dân các cấp thường xuyên tăng cường các buổi xét xử lưu động, nhất là các vụ án liên quan đến ma túy, mại dâm, trộm cắp, cướp giật và các vụ án vi phạm trật tự an toàn xã hội...để thông qua các phiên tòa lưu động tuyên truyền pháp luật cho nhân dân.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN :
1. Căn cứ vào kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố, hàng tháng, quý các quận - huyện, sở - ngành, cơ quan, đơn vị lập kế hoạch chi tiết, chọn các chuyên đề pháp luật phù hợp để tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật cho cán bộ công chức, các tầng lớp nhân dân, người lao động trong các doanh nghiệp. Tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát, kiểm tra, đánh giá các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.
2. Giao Sở Tư pháp thành phố :
a. Tiếp tục phối hợp với Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh và các quận huyện, sở ngành duy trì việc tổ chức hình thức thi “Công dân và Pháp luật” cho cán bộ công chức và nhân dân trên địa bàn thành phố.
b. Trong hè năm 2006, Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân số-Gia đình và Trẻ em, Ban An toàn giao thông thành phố tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật về giao thông đường bộ cho học sinh của các Trường Trung học Phổ thông, Trung học Cơ sở trên địa bàn thành phố.
c. Chủ động phối hợp Liên đoàn lao động thành phố và các sở ngành khác tổ chức biên tập tài liệu hỏi đáp pháp luật in thành chuyên mục trong quyển Sổ tay công đoàn cấp cho các công đoàn cơ sở. Tổ chức tập huấn pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật của Liên đoàn và đội ngũ cán bộ Ban Chấp hành Công đoàn để nâng cao hiểu biết pháp luật cho đối tượng cán bộ này. Tổ chức nhiều hình thức thi tìm hiểu pháp luật cho công nhân lao động lồng ghép vào các hoạt động Công đoàn. Trong năm 2006 tổ chức được 10 cuộc thi Công dân và pháp luật cho người lao động trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
d. Phối hợp với Thành đoàn và các đơn vị có liên quan tổ chức hội thi “Tuổi trẻ và Pháp luật” năm 2006 cho lực lượng Đoàn viên thanh niên thành phố.
3. Giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Lực lượng Thanh niên Xung phong thành phố chỉ đạo cho các trung tâm chữa bệnh thành phố tiếp tục tuyên truyền sâu rộng 10 chuyên đề pháp luật được biên soạn trong quyển tài liệu “Hỏi đáp pháp luật” đến các học viên, bằng nhiều biện pháp và hình thức khác nhau sao cho hấp dẫn phong phú và phù hợp với nhận thức của học viên. Trong quá trình thực hiện việc tuyên truyền Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Lực lượng Thanh niên Xung phong thành phố phải lồng ghép vào các hoạt động khác của trung tâm ; phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước để trợ giúp pháp lý cho học viên và người sau cai nghiện ; phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức các cuộc thi Công dân và Pháp luật góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho các đối tượng này khi thực hiện Đề án tổ chức quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện và khi họ tái hòa nhập cộng đồng.
4. Giao Ban An toàn giao thông chủ động phối hợp Hội Nông dân thành phố, các sở ngành có liên quan và các địa phương tổ chức nhiều buổi tuyên truyền pháp luật cho nông dân ; biên tập tài liệu hỏi đáp pháp luật, tờ gấp tuyên truyền cấp phát cho nông dân ; củng cố đội ngũ nông dân làm công tác hòa giải ; lồng ghép việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật vào các hoạt động khác của nông dân ; tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật về Bộ Luật dân sự, Luật đất đai, về an toàn giao thông cho đối tượng nông dân trên địa bàn thành phố.
5. Giao Thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục thành phố tổ chức quán triệt, triển khai và kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch này. Định kỳ hàng quý tổ chức đánh giá những mặt làm được, chưa làm được và có báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, Hội đồng phối hợp thành phố để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.
6. Sở Tài chính căn cứ vào chương trình kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố cấp kinh phí cho công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trên cơ sở quy định của Thông tư số 63/2005/BTC ngày 05 tháng 8 năm 2005 của Bộ Tài chính “hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.”
7. Ủy ban nhân dân các quận-huyện cấp kinh phí cho công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trên cơ sở quy định của Thông tư số 63/2005/BTC ngày 05 tháng 8 năm 2005 của Bộ Tài chính “hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật” ngoài kinh phí khoán quỹ lương cho các cơ quan Tư pháp địa phương.
8. Trong quá trình thực hiện kế hoạch, nếu gặp khó khăn vướng mắc, các ngành, các cấp kịp thời báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố và Sở Tư pháp để kịp thời chỉ đạo./.
| ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.