ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2001/QĐ-UB | Hà Nội, ngày 15 tháng 02 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ ĐẶT, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG PHỐ, CÔNG VIÊN, QUẢNG TRƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH VĂN HOÁ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Nghị quyết số 07/2000/NQ-HĐ ngày 21/7/2000 của HĐND Thành phố khoá XII, kỳ họp thứ 3, về việc đặt tên và điều chỉnh tên một số đường, phố ở Hà Nội;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hoá và Thông tin tại công văn số 138/VHTT ngày 12/02/2001 về việc ban hành Quy chế Đặt, đổi tên đường phố công viên, quảng trường và công trình văn hoá của Thành phố Hà Nội,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế Đặt, đổi tên đường phố, công viên, quảng trường và công trình văn hoá trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 29/1998/QĐ-UB ngày 26/8/1998 của UBND Thành phố về việc ban hành Quy chế đặt tên đường, phố, ngõ của Thành phố Hà Nội.
Điều 3: Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các Sở: Văn hoá và Thông tin, Giao thông Công chính, Địa chính Nhà đất, Tài chính Vật giá, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| T.M UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
QUY CHẾ
ĐẶT, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG PHỐ, CÔNG VIÊN, QUẢNG TRƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH VĂN HOÁ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 06/2001/QĐ-UB ngày 15/02/2001 của UBND Thành phố Hà Nội)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Việc đặt, đổi tên đường phố, công viên, quảng trường và công trình văn hoá nhằm góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính và tạo điều kiện thuận lợi trong các hoạt động giao dịch, phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố. Thông qua việc đặt, đổi tên đường phố công viên, quảng trường và công trình văn hoá nhằm giáo dục truyền thống lịch sử - văn hoá, lòng tự hào dân tộc, yêu đất nước, yêu Thủ đô của nhân dân.
Điều 2: Tất cả các đường phố, công viên, quảng trường và công trình văn hoá có những điều kiện cơ bản về cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoặc đã được sử dụng tương đối ổn định, đều được xem xét đặt tên.
Điều 3: Không đổi tên các đường phố, công viên, quảng trường và công trình văn hoá đã có tên quen thuộc gắn bó với lịch sử, truyền thống văn hoá của dân tộc và của Hà Nội.
Chỉ xem xét sửa đổi những tên đường phố, công viên, quảng trường và công trình văn hoá không rõ lai lịch, ý nghĩa lịch sử - văn hoá không lớn, không còn phù với điều kiện thực tế, sử dụng chưa đúng khái niệm về đường phố, có sự bất hợp lý về kích thước hình học.
Chương 1:
NGUYÊN TẮC ĐẶT, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG PHỐ, CÔNG VIÊN, QUẢNG TRƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH VĂN HOÁ
Điều 4: Căn cứ vào quy mô, vị trí, tính chất để đặt, đổi tên cho đường phố như sau:
4.1. Đặt là Đường : Đối với những quãng đường có qui mô lớn về chiều dài, chiều rộng, (dài trên 2500m, có mặt cắt ngang lòng đường rộng từ 10,5m trở lên) nằm trên các tuyến đường vành đai, đường liên tỉnh, đường trục chính trên địa bàn thành phố.
4.2. Đặt là Phố: Đối với những đường có qui mô nhỏ, (dài từ 500m đến 2500m, có mặt cắt ngang lòng đường rộng từ 7,5m trở lên), được xác định theo qui hoạch và có các công trình kiến trúc là: nhà ở, cửa hàng, cửa hiệu, trụ sở cơ quan. Đối với những đường có chiều dài dưới 500m và có mặt cắt ngang lòng đường rộng dưới 7,5m, chỉ xem xét đặt tên trong trường hợp thật đặc biệt
4.3. Việc đặt tên ngõ, ngách, hẻm thực hiện theo Quy chế quản lý đánh số và gắn biển số nhà ban hành kèm theo Quyết định số 2761/QĐ-UB ngày 23/8/1996 của Uỷ ban Nhân dân Thành phố. Trường hợp những ngõ gắn địa danh có ý nghĩa lịch sử - văn hoá đặc biệt thì xem xét đặt tên riêng.
Điều 5: Tuỳ theo quy mô, đặc điểm cụ thể, tên đặt cho đường phố, công viên, quảng trường và công trình văn hoá có thể sử dụng: Tên địa danh, tên các danh nhân (kể cả tên Danh nhân Văn hoá Thế giới có liên quan đến Hà Nội), tên theo sự kiện lịch sử, tên phản ánh vẻ đẹp thiên nhiên, con người “Hà Nội ngàn năm văn hiến” cho phù hợp, theo nguyên tắc sau:
5.1. Những địa danh được đặt tên đường phố, công viên, quảng trường và công trình văn hoá phải là những địa danh có ý nghĩa lịch sử - văn hoá, đã in sâu trong tiềm thức nhân dân. Chỉ đặt tên địa danh khi đường phố, công viên, quảng trường và công trình văn hoá nằm trong khu vực địa danh đó.
5.2. Những danh nhân được chọn đặt tên cho các đường phố, công viên, quảng trường và công trình văn hoá phải là những nhân vật có nhiều đóng góp vào công cuộc dựng nước và giữ nước của Thủ đô và của cả dân tộc, được nhân dân kính trọng và yêu mến. Danh nhân thuộc tất cả các lĩnh vực: chính trị, văn hoá xã hội, khoa học, quân sự...được chọn đặt tên, đã mất trước thời điểm xét đặt tên đường phố ít nhất 10 năm, (trừ những trường hợp rất đặc biệt).
5.3. Tên di tích, danh thắng được chọn đặt tên đường phố, công viên, quảng trường và công trình văn hoá phải có giá trị lịch sử - văn hoá, nghệ thuật kiến trúc, gần gũi quen thuộc với nhân dân và ở gần với đường phố, công viên, quảng trường, công trình văn hoá đó.
5.4. Các tên khác được chọn để đặt tên cho đường phố, công viên, quảng trường và công trình văn hoá phải có ý nghĩa tiêu biểu, mang đậm bản sắc văn hoá của Thủ đô và của cả nước.
Chương 3:
QUY TRÌNH ĐẶT, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG PHỐ, CÔNG VIÊN, QUẢNG TRƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH VĂN HOÁ
Điều 6: Quy trình đặt tên đường phố, công viên, quảng trường và công trình văn hoá gồm các bước sau:
Bước 1: Lập danh mục đường phố, công viên, quảng trường và công trình văn hoá cần đặt tên hoặc sửa đổi tên hàng năm, kể cả các đường phố trong thị trấn, theo thứ tự ưu tiên và căn cứ vào tiêu chuẩn quy định.
Bước 2: Tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng các đường phố, công viên, quảng trường và công trình văn hoá theo danh mục đã lập.
Bước 3: Thu thập, tổng hợp thông tin, lập hồ sơ chi tiết cho việc đặt tên và sửa đổi tên đường phố, công viên, quảng trường và công trình văn hoá. Sau đó lấy ý kiến của UBND quận, huyện sở tại.
Bước 4: Tham khảo ý kiến Hội đồng tư vấn đặt tên đường phố của Thành phố để bổ sung hồ sơ chi tiết cho việc đặt tên và sửa đổi tên đường phố, công viên, quảng trường và công trình văn hoá.
Bước 5: Trình hồ sơ để Hội nghị tư vấn đặt tên đường phố (gồm cả các nhà quản lý) kiểm tra, xem xét và cho ý kiến.
Bước 6: Báo cáo UBND Thành phố về dự kiến đặt tên và sửa đổi tên đường phố, công viên, quảng trường và công trình văn hoá.
Bước 7: UBND Thành phố trình Hội đồng Nhân dân Thành phố phê duyệt, ra Nghị quyết trong các kỳ họp hàng năm.
Bước 8: Tổ chức thực hiện Nghị quyết của HĐND Thành phố về việc đặt tên và sửa đổi tên đường phố, công viên, quảng trường và công trình văn hoá.
Chương 4:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN VIỆC ĐẶT, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG PHỐ, CÔNG VIÊN, QUẢNG TRƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH VĂN HOÁ
Điều 7: Sở Văn hoá và Thông tin là cơ quan thường trực có trách nhiệm nghiên cứu, khảo sát thực địa, xin ý kiến các nhà khoa học, cán bộ quản lý...có liên quan, tổ chức họp duyệt in ấn tài liệu, phổ biến tuyên truyền rộng rãi cho việc đặt tên, đổi tên đường phố, công viên, quảng trường và công trình văn hoá.
- Sở Văn hoá và Thông tin có trách nhiệm:
*Thành lập đoàn nghiên cứu - khảo sát đặt, đổi tên đường phố mới ở Hà Nội gồm các thành viên đại diện: Sở Văn hoá và Thông tin, Sở Giao thông Công chính, Sở Địa chính Nhà đất, Văn phòng Kiến trúc sư trưởng Thành phố, Ban Văn hoá - Xã hội của HĐND Thành phố, Văn phòng UBND Thành phố, UBND và địa chính quận, huyện sở tại.
*Phối hợp với Sở Giao thông công chính, Sở Địa chính Nhà đất và Văn phòng kiến trúc sư trưởng Thành phố tổ chức khảo sát nghiên cứu và thống nhất đề xuất đặt tên cho những đường phố và công viên, quảng trường, công trình văn hoá đã có đủ những điều kiện cơ bản về cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
*Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của chính quyền địa phương có đường phố đề nghị được đặt tên và trao đổi thống nhất danh sách tên đường phố với chính quyền sở tại. Đồng thời có trách nhiệm trả lời, giải quyết toàn bộ đơn thư khiếu nại, đề nghị có liên quan đến việc đặt tên đường phố, công viên, quảng trường và công trình văn hoá ở Hà Nội.
-Sau khi có Nghị quyết của HĐND Thành phố, Sở Văn hoá và Thông tin có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền để nhân dân được biết về các đường phố, công viên, quảng trường và công trình văn hoá mới được đặt tên hoặc sửa đổi tên.
Điều 8: Sở Giao thông công chính và UBND các quận, huyện có trách nhiệm hàng năm cung cấp danh mục theo thứ tự ưu tiên, tình trạng đường phố mới hình thành, có đầy đủ thông tin về kích thước, đặc điểm kiến trúc và có bản đồ kèm theo.
Sau khi có Nghị quyết của HĐND Thành phố về việc đặt tên đưòng phố công viên, quảng trường và công trình văn hoá, Sở Giao thông công chính tổ chức gắn biển tên đường phố, quảng trường và công trình văn hoá chậm nhất không quá một tháng. Sở Địa chính Nhà đất có trách nhiệm tổ chức gắn biển số nhà, gắn biển số ngõ và nhà trong ngõ, chậm nhất không quá 6 tháng.
Điều 9: Hội đồng tư vấn đặt tên đường phố của Thành phố có trách nhiệm nghiên cứu, đóng góp ý kiến để hoàn chỉnh hồ sơ đặt, đổi tên đường phố, công viên, quảng trường và công trình văn hoá trước khi trình UBND và HĐND Thành phố xem xét.
Điều 10: Các Sở: Văn hoá và Thông tin, Địa chính Nhà đất, Giao thông Công chính có trách nhiệm lập dự toán kinh phí theo nhiệm vụ được phân công. Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính Vật giá có trách nhiệm cấp phát kinh phí theo quy định hiện hành.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11: Giám đốc Sở Văn hoá và Thông tin phối hợp với các Sở, Ngành liên quan tổ chức triển khai việc thực hiện Quy chế này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì cần bổ sung, sửa đổi, Sở Văn hoá và Thông tin có trách nhiệm tổng hợp ý kiến và đề xuất, trình UBND Thành phố xem xét, quyết định.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.