NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 05-QĐ | Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 1970 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC PHÒNG QUẢN LÝ NGOẠI HỐI BIÊN GIỚI
TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Căn cứ vào nghị định số 171-CP ngày 26-10-1961 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Theo đề nghị của ông Giám đốc Ngân hàng ngoại thương Việt Nam và ông Cục trưởng Cục ngoại hối Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. - Nay ban hành quy định về tổ chức Phòng quản lý ngoại hối biên giới, có hiệu lực kể từ ngày ký quyết định này.
Điều 2. - Các ông Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ tổ chức và cán bộ, Cục trưởng Cục ngoại hối, Vụ trưởng Vụ kế toán và tài vụ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Giám đốc Ngân hàng ngoại thương Việt Nam và các ông Trưởng chi nhánh ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở các tỉnh biên giới thi hành quyết định này.
| KT. TỔNG GIÁM ĐỐC |
QUY ĐỊNH
VỀ TỔ CHỨC PHÒNG QUẢN LÝ NGOẠI HỐI BIÊN GIỚI
(Ban hành kèm theo quyết định số 05-QĐ ngày 26-02-1970 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)
Điều 1. - Phòng quản lý ngoại hối biên giới được thành lập ở các cửa khẩu biên giới Việt Nam-Trung quốc và Viêt nam-Lào nhằm mục đích quản lý ngoại hối ở biên giới, góp phần bảo vệ độc lập và chủ quyền tiền tệ và tăng cường quan hệ kinh tế, văn hóa với hai nước bạn.
Mục II. NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 2. Phòng quản lý ngoại hối biên giới có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
1. Bán tiền Nhân dân tệ cho người đi từ lãnh thổ Việt Nam sang lãnh thổ Trung quốc; bán tiền Kíp giải phóng Lào cho người đi từ lãnh thổ Việt Nam sang khu giải phóng Lào.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trung ương quy định bằng văn bản riêng đối tượng người được Ngân hàng bán ngoại tệ, mức bán cho mỗi người, mỗi lượt đi.
2. Mua tiền ngoại tệ tư bản (nhập cảnh hợp pháp) của người đi từ lãnh thổ Trung quốc và vùng giải phóng Lào sang lãnh thổ Việt Nam xin bán để có tiền Việt Nam chỉ tiêu trên lãnh thổ Việt Nam; mua tiền ngoại tệ tư bản (nhập cảnh hợp pháp) thuộc quyền sở hữu của người Việt Nam sinh sống trên đất Việt Nam nhưng những người này không được phép giữ mà phải bán cho ngân hàng.
3. Giữ hộ các khoản tiền sau đây:
a) Tiền Việt Nam của người Việt Nam hay người nước ngoài gửi lại trước khi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam sau sẽ trở lại rút ra;
b) Tiền nước ngoài nhập cảnh hợp pháp thuộc quyền sở hữu của người nước ngoài và những người này yêu cầu ngân hàng giữ hộ sau sẽ rút ra, hoặc nhờ ngân hàng bán hộ; tiền nước ngoài nhập cảnh hợp pháp thuộc quyền sở hữu của người Việt Nam sinh sống trên đất Việt Nam và những người này không được giữ mà phải gửi nhờ ngân hàng bán hộ.
c) Tiền Việt Nam xuất nhập khẩu trái phép bị giữ lại chờ xử lý; tiền nước ngoài xuất nhập khẩu trái phép hay lưu hành trái phép bị giữ lại chờ xử lý.
4. Phối hợp với các ngành có liên quan ở địa phương để quản lý ngoại hối ở vùng biên giới do phòng chịu trách nhiệm, cụ thể là:
a) Nắm tình hình người qua lại, tình hình hàng hóa, vàng bạc xuất nhập khẩu lậu liễm, tiền tệ chạy qua lại, tỷ giá chợ đen;
b) Nghiên cứu tình hình đó và đề xuất chủ trương giải quyết.
5. Báo cáo tình hình công tác hàng tháng lên Ngân hàng trung ương, chi nhánh tỉnh và chi nhánh hay chi điếm chủ quản.
Điều 3: - Tùy tình hình cụ thể của từng địa phương và tùy điều kiện tổ chức, Ngân hàng trung ương có văn bản quy định riêng cho từng phòng làm tất cả hay một phần các nhiệm vụ nói trên.
Mục III. TỔ CHỨC
Điều 4. - Ngân hàng trung ương quyết định thành lập hay giải thể Phòng quản lý ngoại hối biên giới theo sự thỏa thuận với ngân hàng các nước bạn hoặc theo đề nghị của các chi nhánh ngân hàng tỉnh ở biên giới được Ủy ban hành chính tỉnh thống nhất ý kiến.
Điều 5. - Về mặt đối ngoại, tổ chức này ở dọc biên giới Việt Nam – Trung-quốc được gọi là Phòng quản lý ngoại hối biên giới của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, và ở dọc biên giới Việt Nam – Lào là Phòng quản lý ngoại hối biên giới của Ngân hàng ngoại thương Việt Nam.
Điều 6. - Phòng quản lý ngoại hối biên giới không phải là một cấp ngân hàng cơ sở mà là một tổ chức phụ thuộc của chi điếm hay chi nhánh nghiệp vụ ngân hàng.
Điều 7. - Phòng quản lý ngoại hối biên giới áp dụng chế độ kế toán kép và phương pháp hạch toán thống nhất của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng trung ương quy định bằng văn bản riêng các tài khoản, các mẫu mực giấy tờ và các thủ tục làm việc của phòng.
Điều 8. - Phòng quản lý ngoại hối biên giới được tùy tình hình cụ thể mà đề nghị với chi nhánh ngân hàng tỉnh (thông qua chi điếm hay chi nhánh nghiệp vụ) và Ủy ban hành chính huyện về ngày giờ mở cửa tiếp khách cho thích hợp với nhu cầu qua lại cửa khẩu của nhân dân và của tàu xe liên vận, không nhất thiết làm việc theo đúng ngày giờ hành chính do Nhà nước quy định chung, nhưng vẫn phải bảo đảm mỗi tuần lễ làm việc 48 giờ kể cả thì giờ tiếp khách và thì giờ làm việc nội bộ.
Điều 9. - Phòng quản lý ngoại hối biên giới có một trưởng phòng chịu trách nhiệm chung, một kế toán viên và một thủ quỹ do trưởng chi nhánh trung tâm quyết định theo đề nghị của ông trưởng chi điếm (hoặc trưởng chi nhánh nghiệp vụ)
Điều 10. - Phòng quản lý ngoại hối biên giới được dùng dấu riêng do Ngân hàng trung ương cấp để đóng vào công văn và giấy tờ giao dịch.
Điều 11. - Chi phí của Phòng quản lý ngoại hối biên giới được ghi vào dự toán của chi điếm hay chi nhánh nghiệp vụ. Ngoài các mục chung, chi điếm hay chi nhánh nghiệp vụ được dự trù mục chi về tiếp khách hàng ngày đến giao dịch và về tiếp khách bên bạn sang.
Mục IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. - Bản quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.