ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/2013/QĐ-UBND | Đồng Tháp, ngày 31 tháng 01 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ HỖ TRỢ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;
Căn cứ Thông tư số 03/2011/TT-BNV ngày 25 tháng 01 năm 2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;
Căn cứ Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký; thay thế Quyết định số 10/2009/QĐ-UBND ngày 18 tháng 5 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp ban hành Quy định chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc tỉnh Đồng Tháp.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
CHẾ ĐỘ HỖ TRỢ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 05/2013/QĐ-UBND ngày 31 tháng 01 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Quy định chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
2. Đối tượng áp dụng:
a) Cán bộ, công chức; công chức thực hiện chế độ tập sự; viên chức; hợp đồng lao động không xác định thời hạn đang làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội;
b) Cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng lao động không xác định thời hạn đang làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập được cấp có thẩm quyền cử đi đào tạo lý luận chính trị, bồi dưỡng quản lý nhà nước, kiến thức quốc phòng;
c) Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp;
d) Cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, ấp, khóm;
đ) Cán bộ quản lý ở doanh nghiệp nhà nước được cấp có thẩm quyền cử đi đào tạo lý luận chính trị; người lao động ở doanh nghiệp ngoài nhà nước được cấp có thẩm quyền cử đi đào tạo lý luận chính trị;
Sau đây gọi chung là cán bộ, công chức (CBCC).
Điều 2. Nguyên tắc hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng
1. CBCC được hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng theo Quy định này phải được cơ quan có thẩm quyền là Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ quyết định cử đi đào tạo, bồi dưỡng.
2. CBCC được cử đi đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo trong tỉnh do các cơ sở đào tạo trong tỉnh chi hỗ trợ, trừ đào tạo sau đại học. CBCC được cử đi đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo ngoài tỉnh và đào tạo sau đại học do Sở Tài chính chi hỗ trợ.
3. Gắn trách nhiệm, quyền lợi của CBCC với nhà nước, CBCC được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ngoài phần kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ theo Quy định này, bản thân CBCC được cử đi có trách nhiệm chi trả một phần chi phí.
Điều 3. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng
1. Đào tạo sau đại học: cao học, nghiên cứu sinh.
2. Đào tạo lý luận chính trị - hành chính: trung cấp chính trị - hành chính, cao cấp chính trị - hành chính, cử nhân chính trị - chuyên ngành.
3. Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ngắn hạn dưới 06 tháng.
a) Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý hành chính nhà nước, kiến thức quốc phòng, kinh nghiệm hội nhập kinh tế quốc tế;
b) Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ khác.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Chế độ chi thù lao giảng viên, báo cáo viên
Mức chi thù lao báo cáo viên bao gồm cả thù lao soạn giáo án bài giảng (một buổi giảng được tính 5 tiết học).
1. Giảng viên, báo cáo viên là Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Bí thư Tỉnh ủy và các chức danh tương đương: 1.000.000 đồng/buổi.
2. Giảng viên, báo cáo viên là Thứ trưởng, Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; giáo sư; chuyên gia cao cấp; tiến sĩ khoa học và các chức danh tương đương: 800.000 đồng/buổi.
3. Giảng viên, báo cáo viên là Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Vụ trưởng và Phó vụ trưởng thuộc Bộ, Viện trưởng và Phó viện trưởng thuộc Bộ, Cục trưởng, Phó cục trưởng; phó giáo sư; tiến sĩ và các chức danh tương đương: 600.000 đồng/buổi.
4. Giảng viên, báo cáo viên là Tỉnh ủy viên, Thủ trưởng sở, ban, ngành tỉnh, chuyên viên cao cấp, giảng viên chính và các chức danh tương đương: 500.000 đồng/buổi.
5. Giảng viên, báo cáo viên là Phó Thủ trưởng sở, ban, ngành tỉnh, chuyên viên chính và các chức danh tương đương: 400.000 đồng/buổi.
6. Báo cáo viên là chuyên viên cấp tỉnh, huyện và các chức danh tương đương: 300.000 đồng/buổi.
7. Báo cáo viên cấp xã: 200.000 đồng/buổi.
8. Đối với giảng viên chuyên nghiệp làm nhiệm vụ giảng dạy trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thì số giờ giảng vượt định mức được thanh toán theo quy định về chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập, không trả thù lao giảng viên theo mức nêu trên. Trường hợp các giảng viên này được mời tham gia giảng dạy tại các lớp học do các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng khác tổ chức thì được hưởng theo chế độ thù lao báo cáo viên nêu trên.
9. Trường hợp cơ quan, đơn vị không bố trí được việc ăn, ở, đi lại cho giảng viên, báo cáo viên thì chi tiền ăn bằng mức phụ cấp lưu trú, tiền đi lại, tiền thuê phòng nghỉ cho giảng viên, báo cáo viên mức chi theo quy định của Quyết định 40/2010/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập.
Điều 5. Hỗ trợ CBCC được cử đi đào tạo lý luận chính trị - hành chính tại các cơ sở đào tạo trong tỉnh
1. Hỗ trợ tiền học phí (nếu có).
2. Hỗ trợ khoán tiền tài liệu: trung cấp chính trị - hành chính 600.000 đồng/khóa học, cao cấp chính trị - hành chính 700.000 đồng/khóa học.
3. Hỗ trợ tiền ăn: 25.000 đồng/người/ngày.
4. Hỗ trợ khoán đi thực tế cuối khóa đào tạo cao cấp chính trị - hành chính: 1.000.000 đồng/khóa học.
Điều 6. Hỗ trợ CBCC được cử đi đào tạo lý luận chính trị - hành chính tại các cơ sở đào tạo ngoài tỉnh
1. Hỗ trợ tiền học phí (nếu có).
2. Hỗ trợ khoán tiền tài liệu: cao cấp chính trị - hành chính 700.000 đồng/khóa học, cử nhân chính trị - chuyên ngành 800.000 đồng/khóa học.
3. Hỗ trợ tiền ăn, ở: 50.000 đồng/người/ngày.
4. Hỗ trợ khoán đi thực tế cuối khóa: 2.000.000 đồng/khóa học.
Điều 7. Hỗ trợ CBCC được cử đi đào tạo sau đại học
1. Hỗ trợ tiền học phí, lệ phí tuyển sinh, lệ phí thi tốt nghiệp theo mức thu của cơ sở đào tạo.
2. Hỗ trợ khoán tiền tài liệu: 2.000.000 đồng/khóa học.
3. Hỗ trợ khoán chi phí luận văn tốt nghiệp: cao học 20.000.000 đồng, nghiên cứu sinh 30.000.000 đồng.
4. Hỗ trợ tiền ăn, ở: đi học ngoài tỉnh 50.000 đồng/người/ngày, học tại cơ sở đào tạo trong tỉnh 25.000 đồng/người/ngày.
Điều 8. Hỗ trợ CBCC dự các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ có thời gian tập trung dưới 06 tháng tại các cơ sở đào tạo trong tỉnh
1. Hỗ trợ tiền học phí, tài liệu (nếu có).
2. Hỗ trợ tiền ăn: 25.000 đồng/người/ngày áp dụng đối với các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ do Trường chính trị, Trung tâm bồi dưỡng chính trị mở theo chỉ tiêu cấp thẩm quyền giao hàng năm.
3. Đối với lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ do các sở, ban, ngành tỉnh mở thì tùy theo từng lớp, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ xem xét hỗ trợ kinh phí riêng trên cơ sở đề nghị của Sở Tài chính.
Điều 9. Hỗ trợ CBCC dự các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ có thời gian tập trung dưới 06 tháng tại các cơ sở đào tạo ngoài tỉnh
1. Đối với lớp bồi dưỡng có thời gian tập trung dưới 30 ngày.
CBCC được cử đi dự thanh toán chi phí trong nguồn kinh phí thường xuyên của đơn vị quản lý CBCC theo chế độ công tác phí hiện hành.
2. Đối với lớp bồi dưỡng có thời gian tập trung từ 30 ngày đến 06 tháng:
a) Hỗ trợ tiền học phí, tài liệu (nếu có);
b) Hỗ trợ tiền ăn, ở: học tại Hà Nội 60.000 đồng/người/ngày, học tại các tỉnh còn lại 50.000 đồng/người/ngày.
Điều 10. Hỗ trợ CBCC tiền đi lại trong thời gian đào tạo, bồi dưỡng
1. CBCC được cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài tỉnh được hỗ trợ tiền đi lại trong kinh phí thường xuyên và nguồn thu được để lại (nếu có) của đơn vị quản lý CBCC, do Thủ trưởng đơn vị đó quyết định mức hỗ trợ cụ thể và đảm bảo nguyên tắc không vượt mức chi công tác phí hiện hành.
2. CBCC được cử đi đào tạo theo Đề án 165-TB/TW ngày 27/06/2008 của Ban chấp hành Trung ương, ngoài nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ, được hỗ trợ thêm tiền đi lại mức 3.000.000 đồng/người/khóa học từ nguồn kinh phí thường xuyên của đơn vị.
Điều 11. Bồi thường chi phí đào tạo
CBCC được cử đi đào tạo bị vi phạm kỷ luật, tự ý bỏ học, tự ý thôi việc hoặc xin chuyển khỏi khu vực nhà nước, ra khỏi tỉnh vì lý do cá nhân trong khi chưa hết thời gian phục vụ nơi công tác phải bồi thường chi phí đào tạo theo quy định từ Điều 25 đến Điều 32 Thông tư số 03/2011/TT-BNV ngày 25/01/2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 18/2010/NĐ- CP ngày 05/3/2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức.
Chương III
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
Điều 12. Lập dự toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng
1. Các cơ sở đào tạo trong tỉnh căn cứ vào chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng CBCC được cấp thẩm quyền giao và mức chi tại quy định này lập dự toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCC vào dự toán ngân sách hàng năm của đơn vị, gởi cơ quan tài chính.
3. Sở Tài chính (Văn phòng Sở Tài chính) căn cứ vào chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng CBCC tại các cơ sở đào tạo ngoài tỉnh, đào tạo sau đại học được cấp thẩm quyền giao và mức chi tại Quy định này lập dự toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCC vào dự toán ngân sách hàng năm của đơn vị.
4. Cơ quan tài chính có trách nhiệm tổng hợp dự toán chi đào tạo, bồi dưỡng CBCC trong và ngoài tỉnh vào dự toán chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo trình cấp có thẩm quyền giao dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành.
Điều 13. Sử dụng, quyết toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng
1. Các cơ sở đào tạo trong tỉnh chi hỗ trợ CBCC được cử đi đào tạo, bồi dưỡng tại cơ sở theo mức chi tại quy định này, tổng hợp quyết toán chung với quyết toán chi ngân sách hàng năm của đơn vị.
2. Sở Tài chính (Văn phòng Sở Tài chính) chi hỗ trợ CBCC được cử đi đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo ngoài tỉnh và đào tạo sau đại học theo mức chi tại quy định này, tổng hợp quyết toán chung với quyết toán chi ngân sách hàng năm của đơn vị.
Hồ sơ kiểm soát chi tại Sở Tài chính gồm: văn bản đề nghị thanh toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng của thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý CBCC, kèm các chứng từ:
a) Quyết định cử đi đào tạo, bồi dưỡng của cơ quan có thẩm quyền (bản sao, kèm bản chính để đối chiếu);
b) Thông báo nhập học, lịch học để kiểm soát chi tiền ăn, ở (bản sao, kèm bản chính để đối chiếu);
c) Biên lai thu học phí, lệ phí (bản chính);
d) Chứng từ mua tài liệu hợp lệ của cơ sở bồi dưỡng (bản chính);
đ) Các khoản quy định hỗ trợ khoán tại Quyết định này không phải kèm theo chứng từ.
Trường hợp CBCC được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ngoài tỉnh và đào tạo sau đại học có nhu cầu tạm ứng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng thì cơ quan quản lý CBCC đó có văn bản đề nghị tạm ứng gởi Sở Tài chính kèm theo quyết định cử đi đào tạo, bồi dưỡng và giấy thông báo nhập học (bản sao, kèm bản chính để đối chiếu) để được xem xét tạm ứng.
3. Cơ quan tài chính các cấp có trách nhiệm tổng hợp quyết toán kinh phí chi đào tạo, bồi dưỡng CBCC trong và ngoài tỉnh vào quyết toán ngân sách hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng tại Quy định này áp dụng từ ngày 01/01/2013. CBCC được cấp thẩm quyền cử đi đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học về chuyên môn, nghiệp vụ trước ngày 01/01/2013 được ngân sách nhà nước tiếp tục chi hỗ trợ tiền học phí cho đến khi kết thúc khóa học.
Điều 15. Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh uỷ hàng năm tổng hợp báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng đối với CBCC trên địa bàn tỉnh, kể cả kiến nghị sửa đổi, bổ sung (nếu có), gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.