ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/2010/QĐ-UBND | Bến Tre, ngày 01 tháng 02 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN LÝ HỆ THỐNG ĐƯỜNG ĐÔ THỊ
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20 tháng 02 năm 2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý đường đô thị;
Căn cứ Thông tư số 16/2009/TT-BXD ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Bộ Xây dựng về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20 tháng 02 năm 2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý đường đô thị;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 06/TTr-SXD ngày 18 tháng 01 năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phân công cho Sở Xây dựng chịu trách nhiệm chung về quản lý Nhà nước hệ thống đường đô thị trên địa bàn tỉnh, chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân tỉnh trong việc thực hiện các công việc sau:
1. Là đầu mối tổng hợp, hướng dẫn lập, thực hiện quy hoạch, kế hoạch nâng cấp cải tạo, bảo trì và phát triển đường đô thị; đầu mối trong việc quản lý xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật khác.
2. Hướng dẫn chuyên môn trong việc cấp giấy phép xây dựng công trình đường đô thị và các công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan.
3. Hướng dẫn lập danh mục công trình, tuyến phố được phép sử dụng hè phố vào việc kinh doanh, buôn bán, các tuyến phố được phép để xe; đường phố có chức năng đặc biệt (phố đi bộ, phố ẩm thực, chợ đêm…). Tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét ban hành theo quy định.
4. Thỏa thuận hoặc cho ý kiến đóng góp bằng văn bản đối với các dự án đầu tư mới, nâng cấp, sửa chữa đường đô thị; dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật khác có liên quan theo quy định.
5. Thỏa thuận các trường hợp xin phép xây dựng đối với công trình có liên quan đường chính đô thị khi cơ quan cấp phép yêu cầu.
6. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi việc quản lý, khai thác sử dụng đường đô thị; chỉ đạo việc thanh kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.
7. Tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh tổng hợp báo cáo tình hình quản lý hệ thống đường đô thị trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của Bộ Xây dựng.
Điều 2. Phân cấp cho Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp hệ thống đường đô thị thuộc phạm vi địa bàn quản lý (trừ phần lòng đường xe chạy của tuyến quốc lộ, các tuyến đường tỉnh, đường huyện qua đô thị do tỉnh quản lý), cụ thể như sau:
1. Lập kế hoạch cải tạo, nâng cấp, bảo trì và phát triển đường đô thị theo quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt.
2. Xem xét cấp giấy phép xây dựng hoặc có ý kiến bằng văn bản việc xin xây dựng đường đô thị, các công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan (công trình ngầm và nổi trên đường đô thị); các trường hợp xin đào đường, vỉa hè; sử dụng tạm thời đường đô thị ngoài mục đích giao thông; sử dụng lòng đường, hè phố làm nơi giữ xe; việc chỉnh sửa vỉa hè mở lối vào của các tổ chức, cá nhân hai bên đường; sử dụng hè phố để xây dựng cửa hàng, lắp đặt mái che… Việc xem xét cấp phép phải đảm bảo không ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.
Trường hợp xin phép liên quan đến đường chính đô thị mà công trình, hạng mục xin phép có khả năng gây ảnh hưởng đến mỹ quan, kiến trúc đô thị thì trước khi xem xét, giải quyết cần phải xin ý kiến thỏa thuận của Sở Xây dựng.
Trường hợp xin phép có ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng kỹ thuật khác thì xin ý kiến thỏa thuận cơ quan quản lý chuyên ngành, quản lý trực tiếp hạ tầng có liên quan.
3. Phối hợp với Sở Xây dựng rà soát, lập danh mục công trình, tuyến phố được phép sử dụng hè phố vào việc kinh doanh, buôn bán, các tuyến phố được phép để xe; đường phố có chức năng đặc biệt (phố đi bộ, phố ẩm thực, chợ đêm…) thuộc địa bàn mình quản lý trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.
4. Xây dựng quy chế phối hợp và triển khai thực hiện nhằm quản lý và khai thác có hiệu quả đường đô thị tuỳ theo điều kiện thực tế của từng địa phương. Tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
5. Chỉ đạo phòng, ban, Uỷ ban nhân dân cấp xã thường xuyên tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến quản lý đường đô thị; kết hợp với việc đề ra và thực hiện các tiêu chí về tuyến đường văn minh, vận động nhân dân tham gia hưởng ứng xây dựng đường phố xanh, sạch, đẹp góp phần từng bước nâng cao vẽ mỹ quan trên các tuyến đường đô thị.
6. Thực hiện chế độ báo cáo theo yêu cầu; đồng thời trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc yêu cầu báo cáo hoặc kiến nghị về Uỷ ban nhân dân tỉnh để xem xét.
Điều 3. Phân cấp cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn
1. Phối hợp tốt với cơ quan chức năng cấp trên trong việc tham gia quản lý, sử dụng có hiệu quả đường đô thị trên phạm vi địa bàn quản lý.
2. Quản lý và cấp phép sử dụng tạm thời hè phố cho việc cưới, tang lễ.
3. Trực tiếp theo dõi, giám sát, kiểm tra thường xuyên việc sử dụng đường đô thị, nếu phát hiện vi phạm yêu cầu xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp trên xử lý theo quy định.
4. Tổ chức vận động nhân dân chấp hành tốt và sử dụng hiệu quả đường đô thị; kiến nghị cấp trên biểu dương khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân điển hình tham gia tích cực trong việc quản lý, bảo vệ đường đô thị.
Điều 4. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở: Xây dựng, Giao thông vận tải, Bưu chính viễn thông; Giám đốc Công an tỉnh; Giám đốc Bưu điện tỉnh, Điện lực tỉnh; Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Công trình đô thị; Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên Cấp thoát nước Bến Tre; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này sau mười ngày kể từ ngày ký ban hành./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.