UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/2006/QĐ-UBND | Lạng Sơn, ngày 26 tháng 4 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT CHO TỔ CHỨC, HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 và Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27/01/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Thông tư số 01/2005/TT-BTNMT ngày 13/4/2005 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Thông tư số 29/ 2004/ TT-BTNMT ngày 01/11/2004 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn lập, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính;
Xét Tờ trình số 226/TTr-TNMT ngày 11/11/2005 và Công văn số 134/TNMT ngày 20-3-2006 của Sở Tài nguyên và Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Điều 2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo hệ thống mẫu biểu có trong Quy định này (do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành) tới các cơ quan hữu quan để thống nhất thực hiện. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT CHO TỔ CHỨC, HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 05 /2006/QĐ-UBND ngày 26 -4-2006 của UBND tỉnh Lạng Sơn)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh:
1- Quy định này quy định về trình tự, thủ tục kê khai đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trình tự, thủ tục cấp lại, cấp đổi, chỉnh lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, bao gồm các trường hợp sau:
1.1- Người đang sử dụng đất theo quy định tại Điều 50 và Điều 51 của Luật Đất đai năm 2003 mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
1.2- Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày 01 tháng 07 năm 2004 mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
1.3- Người sử dụng đất do chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, được thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 07 năm 2004 mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
1.4- Người nhận quyền sử dụng đất khi xử lý hợp đồng thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất để thu hồi nợ; tổ chức sử dụng đất là pháp nhân mới được hình thành do các bên góp vốn bằng quyền sử dụng đất;
1.5- Người được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án hoặc quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành, kết quả hoà giải thành về tranh chấp đất đai;
1.6- Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất;
1.7- Người sử dụng đất trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;
1.8- Người mua nhà ở gắn liền với đất ở;
1.9- Người được Nhà nước thanh lý, hóa giá nhà ở nhà ở gắn liền với đất ở.
1.10- Cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người sử dụng đất bị ố, nhoè, rách, hư hại.
1.11- Cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người sử dụng đất bị mất.
1.12- Chỉnh lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong các trường hợp sau:
a) Khi người sử dụng đất thực hiện chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà hình thành pháp nhân mới đối với cả thửa đất; cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất (trừ trường hợp cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế) hoặc thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà không hình thành pháp nhân mới đối với cả thửa đất hoặc một phần thửa đất;
b) Những biến động đối với cả thửa đất khi thực hiện kết quả hoà giải thành về tranh chấp đất đai được Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; thực hiện quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc chia tách hoặc sáp nhập tổ chức; thực hiện văn bản về việc chia tách hoặc sáp nhập tổ chức kinh tế phù hợp với pháp luật; thực hiện việc xử lý nợ theo thoả thuận trong hợp đồng thế chấp, bảo lãnh; thực hiện quyết định hành chính giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, thực hiện bản án hoặc quyết định của Toà án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án; thực hiện văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật đối với cả thửa đất; thực hiện việc chia tách quyền sử dụng đất theo văn bản phù hợp với pháp luật đối với hộ gia đình hoặc nhóm người có quyền sử dụng đất chung;
c) Người sử dụng đất được phép đổi tên;
d) Giảm diện tích thửa đất do sạt lở tự nhiên;
đ) Tăng hoặc giảm diện tích thửa đất do sai số khi đo đạc;
e) Có thay đổi thông tin về số hiệu, tên đơn vị hành chính nơi có thửa đất;
g) Chuyển mục đích sử dụng đất;
h) Có thay đổi thời hạn sử dụng đất;
i) Chuyển từ hình thức được Nhà nước cho thuê đất sang hình thức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất;
k) Có thay đổi về những hạn chế quyền của người sử dụng đất;
l) Có thay đổi về nghĩa vụ tài chính mà người sử dụng đất phải thực hiện.
2- Các trường hợp không thuộc phạm vi áp dụng của quy định này:
2.1- Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất sau ngày 01 tháng 7 năm 2004 thì thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của UBND tỉnh về trình tự, thủ tục lập, xét duyệt hồ sơ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
2.2- Người sử dụng đất do chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất sau ngày 01 tháng 7 năm 2004 thì thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Chương XI (trình tự, thủ tục hành chính về quản lý và sử dụng đất đai) Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính Phủ về thi hành Luật Đất đai.
Điều 2. Đối tượng áp dụng:
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (sau đây gọi chung là người sử dụng đất) sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Điều 3. Mẫu các văn bản áp dụng trong quy định này:
Kèm theo quy định này là danh mục mẫu các văn bản áp dụng trong việc thực hiện thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất lần đầu, đăng ký biến động về sử dụng đất đã được quy định tại Thông tư số 29/2004/TT-BTNMT ngày 01/11/2004 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn lập, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính, bao gồm:
1. Đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Mẫu số 04/ĐK);
2. Danh sách công khai các trường hợp đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Mẫu số 05/ĐK);
3. Danh sách công khai các trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Mẫu số 06/ĐK);
4. Phiếu chuyển thông tin địa chính để xác định nghĩa vụ tài chính (Mẫu số 07/ĐK);
5. Tờ trình về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Mẫu số 08/ĐK);
6. Đơn xin cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Mẫu số 15/ĐK).
Điều 4. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:
1- Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt nam định cư ở nước ngoài (trừ trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở), tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
2- Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt nam định cư ở nước ngoài mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Chương II
ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Điều 5. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất:
1- Hộ gia đình, cá nhân:
1.1- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định, được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận không có tranh chấp mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất:
- Những giấy tờ về quyền sử dụng đất đai trước ngày 15/10/1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính;
- Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất, giấy tờ giao nhà tình nghĩa gắn liền với đất;
- Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15/10/1993 nay được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15/10/1993;
- Giấy tờ về thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở theo quy định của pháp luật;
- Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất.
1.2- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại điểm 1.1 khoản 1 Điều này mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác kèm theo giấy tờ về chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên liên quan nhưng đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật, nay được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.
1.3- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn ở miền núi, nay được UBND xã nơi có đất xác nhận đất sử dụng ổn định, không có tranh chấp thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.
1.4- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại điểm 1.1 khoản 1 Điều này nhưng đất đã được sử dụng ổn định trước ngày 15/10/1993, nay được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch (đối với nơi đã quy hoạch sử dụng đất), kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.
1.5- Hộ gia đình, cá nhân được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
1.6- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại điểm 1.1 khoản 1 Điều này nhưng đất đã được sử dụng từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2004, nay được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại Nghị định số 198/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất .
1.7- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2004 mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trường hợp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
2- Cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có các công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau:
2.1- Có đơn đề nghị xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
2.2- Được UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất xác nhận là đất sử dụng chung cho cộng đồng và không có tranh chấp.
Điều 6. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất xây dựng nhà chung cư, nhà tập thể:
1- Đất xây dựng nhà chung cư và các công trình trực tiếp phục vụ nhà chung cư thuộc chế độ đồng quyền sử dụng của những người sở hữu căn hộ chung cư; trường hợp nhà chung cư và các công trình trực tiếp phục vụ nhà chung cư cho thuê thì quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu nhà chung cư.
2- Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà chung cư theo quy định sau:
2.1- Chủ đầu tư sử dụng đất để thực hiện dự án xây dựng kinh doanh nhà chung cư được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
2.2- Trường hợp toàn bộ nhà chung cư thuộc quyền sở hữu của một chủ sở hữu hoặc nhóm các chủ sở hữu là tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp mới hoặc chỉnh lý để giao cho chủ sở hữu hoặc nhóm chủ sở hữu nhà chung cư đó;
2.3- Trường hợp chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu nhà chung cư bán căn hộ của nhà chung cư thì người mua căn hộ của nhà chung cư được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với hình thức sử dụng đất là sử dụng chung; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu nhà chung cư được chỉnh lý cho phù hợp với hình thức sử dụng đất là sử dụng chung.
3- Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất để xây dựng các công trình trực tiếp phục vụ nhà chung cư hoặc cho nhiều nhà chung cư thì được cấp riêng cho chủ sở hữu công trình hoặc tổ chức quản lý công trình; trường hợp không có chủ sở hữu hoặc không có tổ chức quản lý công trình thì giao cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất quản lý diện tích đất có công trình.
4- Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất xây dựng nhà tập thể được quy định như sau:
4.1- Đất xây dựng nhà tập thể bao gồm đất để xây dựng nhà tập thể, đất sân, vườn và đất xây dựng công trình trực tiếp phục vụ sinh hoạt của người sống trong nhà tập thể;
4.2- Nhà tập thể thuộc sở hữu của tổ chức kinh tế để bố trí chỗ ở cho người lao động hoặc nhà tập thể của tổ chức hoạt động đào tạo, nghiên cứu để bố trí chỗ ở cho học viên thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho tổ chức đó;
4.3- Nhà công vụ của các cơ quan, tổ chức của Đảng và Nhà nước để bố trí chỗ ở cho cán bộ, công chức thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho cơ quan, tổ chức đó.
5- Không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất sử dụng làm sân, vườn, nơi vui chơi công cộng hoặc các công trình công cộng khác phục vụ chung cho nhiều nhà chung cư, nhà tập thể, nhà công vụ mà giao cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất quản lý.
Điều 7. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người có nhà thuộc sở hữu chung:
1- Nhà ở thuộc sở hữu chung mà các chủ sở hữu tự thoả thuận phân chia toàn bộ diện tích đất thành từng thửa đất sử dụng riêng thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp theo từng thửa đất đó.
2- Nhà ở thuộc sở hữu chung mà các chủ sở hữu tự thoả thuận phân chia phần diện tích đất sử dụng riêng và có phần diện tích sử dụng chung thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho từng chủ sở hữu nhà; trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi phần diện tích đất sử dụng chung và phần diện tích đất sử dụng riêng.
3- Nhà ở thuộc sở hữu chung mà các chủ sở hữu không tự thoả thuận phân chia diện tích đất sử dụng riêng thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho từng chủ sở hữu nhà; trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi diện tích đất là sử dụng chung.
Điều 8. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất sử dụng cho kinh tế trang trại:
1- Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn rà soát hiện trạng sử dụng đất và báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố thuộc tỉnh đối với đất sử dụng cho kinh tế trang trại mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo nội dung sau:
1.1- Hiện trạng sử dụng đất so với hồ sơ địa chính và quy hoạch sử dụng đất chi tiết đã được xét duyệt;
1.2- Kết quả đầu tư sản xuất, kinh doanh và dịch vụ phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản của trang trại;
1.3- Diện tích đất được Nhà nước giao, cho thuê, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho, nhận góp vốn của hộ gia đình, cá nhân khác; nhận khoán của tổ chức.
2- Trên cơ sở báo cáo của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn và quy hoạch sử dụng đất chi tiết đã được xét duyệt, Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố thuộc tỉnh quyết định xử lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định sau:
2.1- Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp cho kinh tế trang trại mà sử dụng không đúng mục đích; tự ý xây dựng nhà ở, công trình sử dụng vào mục đích kinh doanh phi nông nghiệp, các công trình kiến trúc khác thì phải tự khắc phục, tháo dỡ công trình để sử dụng đất đúng mục đích đã được xác định; trường hợp không tự khắc phục, tháo dỡ thì Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố thực hiện biện pháp cưỡng chế hoặc thu hồi;
2.2- Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản được Nhà nước giao đất mà đã sử dụng để làm kinh tế trang trại thì được tiếp tục sử dụng trong thời hạn còn lại đối với diện tích đất không vượt quá hạn mức quy định tại Điều 70 của Luật Đất đai năm 2003; diện tích đất vượt hạn mức thì xử lý theo quy định tại Điều 67 của Luật Đất đai;
2.3- Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, được Nhà nước giao đất mà đã sử dụng để làm kinh tế trang trại thì phải chuyển sang thuê đất; thời hạn thuê đất là thời hạn còn lại của thời hạn giao đất;
2.4- Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất để làm kinh tế trang trại do được Nhà nước cho thuê đất hoặc do nhận khoán của tổ chức, nhận góp vốn của hộ gia đình, cá nhân khác thì được tiếp tục sử dụng theo hợp đồng đã ký kết;
2.5- Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất để làm kinh tế trang trại do nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho thì xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 71 của Luật Đất đai.
3- Diện tích đất quy định tại các điểm 2.2, 2.3, 2.4 và 2.5 khoản 2 Điều này (trừ trường hợp nhận khoán của tổ chức) mà có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn là không có tranh chấp thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Điều 9. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước đang sử dụng đất nông nghiệp:
1- Tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước đang sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải tự rà soát, kê khai việc sử dụng đất báo cáo UBND tỉnh, Sở Tài nguyên - Môi trường và cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp;
2- Căn cứ vào kết quả rà soát hiện trạng sử dụng đất; đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Chính phủ; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương đã được xét duyệt; quy hoạch phát triển ngành. Tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước có trách nhiệm lập quy hoạch sử dụng đất chi tiết. Nội dung quy hoạch sử dụng đất chi tiết phải xác định rõ diện tích từng loại đất được giữ lại sử dụng, phương án sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, diện tích đất bàn giao cho địa phương;
3- Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND tỉnh xét duyệt quy hoạch sử dụng đất chi tiết của tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước sử dụng đất;
4- Căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất chi tiết đã được xét duyệt, UBND tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với diện tích đất mà tổ chức được giữ lại sử dụng;
5- Diện tích đất đã lấn, chiếm; bị lấn, bị chiếm; đang có tranh chấp thì UBND tỉnh giải quyết dứt điểm để xác định người sử dụng đất;
6- UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc xác định cụ thể ranh giới, mốc giới sử dụng đất, đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức sử dụng đất;
7- Việc xử lý đối với đất không thuộc quy hoạch chi tiết sử dụng đất của tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước sử dụng đất nông nghiệp của tổ chức bị giải thể được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Điều 10. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp:
1- Các tổ chức đang sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đã được Nhà nước giao đất để xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải tự rà soát, kê khai việc sử dụng đất báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường và cơ quan cấp trên trực tiếp.
2- Trên cơ sở báo cáo của tổ chức, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp UBND tỉnh kiểm tra thực tế việc sử dụng đất của tổ chức và báo cáo UBND tỉnh quyết định xử lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với từng trường hợp cụ thể theo quy định sau:
2.1- Diện tích đất đã được Nhà nước giao mà nay đang sử dụng đúng mục đích thì được tiếp tục sử dụng và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
2.2- Diện tích đất không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, diện tích đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, bị chiếm, thất thoát; diện tích đất đã cho các tổ chức khác, hộ gia đình, cá nhân thuê hoặc mượn sử dụng; diện tích đất đã liên doanh, liên kết trái pháp luật thì Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định thu hồi;
2.3- Đất ở thì bàn giao cho Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố thuộc tỉnh quản lý; trường hợp người sử dụng đất ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định tại Nghị định số 198/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất.
2.4- Diện tích đất đã lấn, chiếm; bị lấn, bị chiếm; đang có tranh chấp thì Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết dứt điểm để xác định người sử dụng đất.
Điều 11. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất do doanh nghiệp đang sử dụng làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh:
1- Doanh nghiệp đang sử dụng đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải tự rà soát, kê khai việc sử dụng đất và báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường.
2- Trên cơ sở báo cáo của doanh nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp UBND tỉnh kiểm tra thực tế việc sử dụng đất của doanh nghiệp và báo cáo UBND tỉnh quyết định xử lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với từng trường hợp cụ thể như sau:
2.1- Diện tích đất đã được Nhà nước cho thuê, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác hoặc được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất mà tiền đã trả cho việc nhận chuyển nhượng hoặc tiền sử dụng đất đã nộp cho Nhà nước không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước đang sử dụng đúng mục đích thì được tiếp tục sử dụng và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
2.2- Diện tích đất đã được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng hợp pháp từ người khác hoặc được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất mà tiền đã trả cho việc nhận chuyển nhượng hoặc tiền sử dụng đất đã nộp cho Nhà nước có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước đang sử dụng đúng mục đích nhưng chưa chuyển sang thuê đất thì phải chuyển sang thuê đất; trường hợp lựa chọn hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất thì phải nộp tiền sử dụng đất;
2.3. Diện tích đất không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, diện tích đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, bị chiếm, thất thoát, diện tích đất cho tổ chức khác, hộ gia đình, cá nhân thuê hoặc mượn sử dụng; Diện tích đất liên doanh, liên kết trái pháp luật thì Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định thu hồi;
2.4- Đất ở thì bàn giao cho Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố thuộc tỉnh quản lý; trường hợp đất ở phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt thì người sử dụng đất ở được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định tại Nghị định số 198/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất;
2.5- Diện tích đất đã lấn, chiếm, bị lấn, bị chiếm; đang có tranh chấp thì Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết dứt điểm để xác định người sử dụng đất.
3- Diện tích đất quy định tại điểm 2.2 khoản 2 Điều này thì doanh nghiệp phải lập phương án sản xuất, kinh doanh trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xét duyệt; mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất phải được xác định trong phương án sản xuất, kinh doanh. Sau khi phương án sản xuất, kinh doanh được cấp có thẩm quyền xét duyệt thì doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Điều 12. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất do Hợp tác xã đang sử dụng:
1- Hợp tác xã đang sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải tự rà soát, kê khai việc sử dụng đất và báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường.
2- Trên cơ sở báo cáo của Hợp tác xã, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp UBND tỉnh kiểm tra thực tế việc sử dụng đất của hợp tác xã và báo cáo UBND tỉnh quyết định xử lý, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với từng trường hợp cụ thể sau:
2.1- Diện tích đất đã được Nhà nước cho thuê, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng hợp pháp từ người khác hoặc được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất mà tiền đã trả cho việc nhận chuyển nhượng hoặc tiền sử dụng đất đã nộp cho Nhà nước không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, đất do xã viên góp vào Hợp tác xã đang sử dụng đúng mục đích thì được tiếp tục sử dụng và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
2.2- Diện tích đất đã được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng hợp pháp từ người khác hoặc được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất và tiền đã trả cho việc nhận chuyển nhượng hoặc tiền sử dụng đất đã nộp cho Nhà nước có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước đang sử dụng đúng mục đích nhưng chưa chuyển sang thuê đất thì phải chuyển sang thuê đất; trường hợp lựa chọn hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất thì phải nộp tiền sử dụng đất.
Đối với diện tích đất của Hợp tác xã nông nghiệp xây dựng trụ sở, nhà kho, sân phơi, xây dựng các cơ sở dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản thì được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất;
2.3- Diện tích đất không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, diện tích đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, bị chiếm, thất thoát; diện tích đất đã cho tổ chức khác, hộ gia đình, cá nhân thuê hoặc mượn sử dụng, liên doanh, liên kết trái pháp luật thì Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định thu hồi;
2.4- Đất ở thì bàn giao cho Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố thuộc tỉnh để quản lý; trường hợp đất ở phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt thì người sử dụng đất ở được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định tại Nghị định số 198/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất.
2.5- Diện tích đất đã lấn, chiếm; bị lấn, bị chiếm; đang tranh chấp thì Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết dứt điểm để xác định người sử dụng đất.
3- Diện tích đất quy định tại điểm 2.2 khoản 2 Điều này thì Hợp tác xã phải lập phương án sử dụng đất gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định về mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Điều 13. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp khi chuyển đổi tư cách pháp nhân:
1. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân thành lập doanh nghiệp tư nhân và chuyển quyền sử dụng đất của mình cho doanh nghiệp tư nhân sử dụng thì doanh nghiệp tư nhân được tiếp tục sử dụng; nếu doanh nghiệp tư nhân có đơn yêu cầu thì Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chỉnh lý biến động về tên người sử dụng đất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp của hộ gia đình, cá nhân.
2. Trường hợp hợp tác xã giải thể để thành lập doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần thì phải thực hiện thủ tục Nhà nước thu hồi đất đối với đất do Nhà nước đã giao cho hợp tác xã không thu tiền sử dụng đất và thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với pháp nhân mới thành lập theo quy định của pháp luật đất đai; đối với các loại đất khác thì xử lý theo quy định tại Điều 109 của Nghị định 181.
3. Trường hợp doanh nghiệp tư nhân giải thể để thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần thì thực hiện việc chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc chỉnh lý biến động về tên người sử dụng đất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp hoặc cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi có thay đổi về thửa đất.
Điều 14. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất có di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh:
Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất có di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định bảo vệ thực hiện theo quy định sau:
1- Đất có di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh độc lập thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho tổ chức trực tiếp quản lý di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh.
2- Đất có di tích lịch sử - văn hoá mà di tích lịch sử - văn hoá đó thuộc sở hữu của tư nhân thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho chủ sở hữu tư nhân.
3- Đất có di tích lịch sử - văn hoá của cộng đồng dân cư thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho cộng đồng dân cư.
4- Trường hợp di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh là một khu vực rộng, có các loại đất khác xen kẽ thì không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho toàn bộ khu di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh mà cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng người sử dụng các loại đất trong khu vực.
Người sử dụng đất phải tuân theo các quy định về bảo vệ di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh.
Điều 15. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất do cơ sở tôn giáo đang sử dụng:
1- Cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất có chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động và đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải tự rà soát, kê khai việc sử dụng đất và báo cáo UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường theo các nội dung sau:
1.1- Tổng diện tích đất đang sử dụng và ranh giới thửa đất theo hiện trạng sử dụng;
1.2- Diện tích đất mà cơ sở tôn giáo đã cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mượn, ở nhờ, thuê;
1.3- Diện tích đất mà cơ sở tôn giáo đã mượn, đã nhận tặng cho của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân;
1.4- Diện tích đất đã bị người khác lấn, chiếm;
1.5- Diện tích đất mà cơ sở tôn giáo được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao để mở rộng cơ sở tôn giáo;
1.6- Diện tích đất mở rộng cơ sở tôn giáo mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.
2. Trên cơ sở báo cáo của cơ sở tôn giáo, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp UBND tỉnh kiểm tra thực tế việc sử dụng đất của cơ sở tôn giáo, xác định ranh giới cụ thể của thửa đất và báo cáo UBND tỉnh quyết định xử lý theo quy định sau:
2.1- Diện tích đất mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng ổn định trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 thì căn cứ vào nhu cầu sử dụng đất của cơ sở tôn giáo và tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó để giải quyết nhằm bảo vệ quyền lợi về sử dụng đất của các bên phù hợp với thực tế;
2.2- Diện tích đất mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 thì giải quyết như đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân mượn đất, thuê đất của hộ gia đình, cá nhân khác cụ thể như sau:
a- Trường hợp hộ gia đình cá nhân cho mượn, cho thuê đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại điểm 1.1, 1.2 và 1.5 khoản 1 Điều 5 quy định này và có văn bản thoả thuận về việc mượn đất, thuê đất thì được giải quyết như sau:
+ Quyền sử dụng đất là tài sản của người cho mượn, cho thuê đất;
+ Nhà xưởng sản xuất, kinh doanh gắn liền với đất là tài sản của người cho mượn, cho thuê nhà xưởng;
+ Quyền sử dụng đất; nhà xưởng sản xuất, kinh doanh gắn liền với đất; nhà ở gắn liền với đất không thuộc danh sách các trường hợp đã thực hiện các chính sách cải tạo của Nhà nước về đất đai, nhà xưởng, nhà ở;
b- Trường hợp hộ gia đình, cá nhân mượn đất, thuê đất của hộ gia đình, cá nhân khác mà không có văn bản thoả thuận về việc mượn đất, thuê đất, nay tự nguyện trả lại đất đã mượn, đã thuê thì việc trả lại đất phải được UBND huyện, thành phố quyết định công nhận.
2.3- Diện tích đất mở rộng cơ sở tôn giáo mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép; bị lấn, bị chiếm; đang có tranh chấp thì Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết dứt điểm để xác định người sử dụng đất.
3. Diện tích đất của cơ sở tôn giáo sau khi đã xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều này và có đủ điều kiện sau đây thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:
3.1- Cơ sở tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động;
3.2- Có đề nghị bằng văn bản của tổ chức tôn giáo có cơ sở tôn giáo đó;
3.3- Có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất về nhu cầu sử dụng đất của cơ sở tôn giáo đó.
Điều 16. Những trường hợp không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:
1- Đất do Nhà nước giao để quản lý quy định tại Điều 3 Nghị định số 181 như sau:
1.1- Người đứng đầu của tổ chức chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc quản lý đất trong các trường hợp sau:
- Tổ chức được Nhà nước giao quản lý các công trình công cộng như: Đất để xây dựng đường giao thông, cầu, cống, vỉa hè, bến phà; hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước, hệ thống công trình thuỷ lợi, đê, đập; quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm;
- Tổ chức kinh tế được giao quản lý diện tích đất để thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT);
- Tổ chức được giao quản lý đất có mặt nước của các sông lớn và đất có mặt nước chuyên dùng;
- Tổ chức phát triển quỹ đất được giao quản lý quỹ đất đã thu hồi theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
1.2- Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc quản lý đất sử dụng vào mục đích công cộng được giao để quản lý, đất chưa giao, đất chưa cho thuê tại địa phương, đất đã thu hồi thuộc khu vực nông thôn quy định tại khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 và 12 Điều 38 của Luật Đất đai cụ thể như sau:
- Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất;
- Sử dụng đất không đúng mục đích, sử dụng đất không có hiệu quả;
- Người sử dụng đất cố ý huỷ hoại đất;
- Đất được giao không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền;
- Đất bị lấn, chiếm trong các trường hợp: Đất chưa sử dụng bị lấn, chiếm; Đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn chiếm;
- Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế;
- Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất;
- Người sử dụng đất cố ý không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước;
- Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn mà không được gia hạn khi hết thời hạn;
- Đất trồng cây hàng năm không được sử dụng trong thời gian mười hai tháng liền; đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn mười tám tháng liền; đất trồng rừng không được sử dụng trong thời hạn hai mươi bốn tháng liền;
- Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn mười hai tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn hai mươi bốn tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép.
1.3- Người đại diện của cộng đồng dân cư chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với đất lâm nghiệp được giao cho cộng đồng dân cư để bảo vệ, phát triển rừng theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng.
2- Đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích do UBND xã, phường, thị trấn quản lý sử dụng;
3- Người sử dụng đất do thuê, thuê lại của người khác mà không phải là đất thuê, thuê lại trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế;
4- Người đang sử dụng đất mà không đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14 và Điều 15 quy định này;
5- Người nhận khoán đất trong các nông trường, lâm trường;
6- Người nhận giao khoán đất rừng phòng hộ đầu nguồn với Ban quản lý rừng phòng hộ để bảo vệ, phát triển rừng;
7- Người nhận giao khoán ngắn hạn đất rừng đặc dụng trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, Người nhận giao khoán đất rừng đặc dụng thuộc phân khu phục hồi sinh thái với Ban quản lý rừng đặc dụng để bảo vệ và phát triển rừng;
8- Đất thuộc khu vực phải thu hồi theo quy hoạch mà đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Chương III
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Điều 17. Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất tại xã, thị trấn:
1- Hộ gia đình, cá nhân nộp tại UBND xã, thị trấn nơi có đất một (01) bộ hồ sơ gồm có:
1.1- Đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Mẫu số 04/ĐK );
1.2- Một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại điểm 1.1, 1.2 và 1.5 khoản 1 Điều 5 quy định này (nếu có);
1.3- Quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2004 và chứng từ đã thực hiện nghĩa vụ tài chính (nếu có);
1.4- Hợp đồng thuê đất đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất;
1.5- Văn bản ủy quyền xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nếu có);
2- Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được quy định như sau:
2.1- UBND xã, thị trấn có trách nhiệm thẩm tra, xác nhận vào đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất về tình trạng tranh chấp đất đai đối với thửa đất; trường hợp người đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại điểm 1.1, 1.2 và 1.5 khoản 1 Điều 5 quy định này thì thẩm tra, xác nhận về nguồn gốc sử dụng đất, thời điểm sử dụng đất, tình trạng tranh chấp đất đai đối với thửa đất, sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt; công bố công khai danh sách các trường hợp đủ điều kiện (Mẫu số 05/ĐK) và danh sách các trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Mẫu số 06/ĐK ) tại trụ sở UBND xã, thị trấn trong thời gian mười năm (15) ngày; xem xét các ý kiến đóng góp đối với các trường hợp xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; gửi hồ sơ đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường (các huyện chưa thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thì Phòng Tài nguyên và Môi trường trực tiếp thực hiện);
2.2- Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ; xác nhận vào đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ghi ý kiến đối với trường hợp không đủ điều kiện; trường hợp đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì làm trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với nơi chưa có bản đồ địa chính, trích sao hồ sơ địa chính; gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế (Mẫu số 02-05/VPĐKQSDĐ) để xác định nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; gửi hồ sơ những trường hợp đủ điều kiện và không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kèm theo trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính, trích sao hồ sơ địa chính đến Phòng Tài nguyên và Môi trường;
2.3- Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, trình UBND huyện (Mẫu số 08/ĐK) quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; ký hợp đồng thuê đất đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất (Mẫu số 10a/ĐĐ);
2.4- Thời gian thực hiện các công việc quy định tại điểm 2.1, 2.2, 2.3, khoản này không quá năm mươi năm (55) ngày làm việc (không kể thời gian công bố công khai danh sách các trường hợp xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thời gian người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính) kể từ ngày UBND xã, thị trấn nhận đủ hồ sơ hợp lệ cho tới ngày người sử dụng đất nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
3- Đối với trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho trang trại thì trước khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải thực hiện rà soát hiện trạng sử dụng đất của trang trại và báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố theo quy định tại Điều 8 quy định này.
Điều 18. Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất tại phường:
1- Hộ gia đình, cá nhân nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường) thành phố một (01) bộ hồ sơ gồm có:
1.1- Đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Mẫu số 04/ĐK );
1.2- Một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại điểm 1.1, 1.2 và 1.5 khoản 1 Điều 5 quy định này (nếu có);
1.3- Quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2004 và chứng từ đã thực hiện nghĩa vụ tài chính (nếu có);
1.4- Hợp đồng thuê đất đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất;
1.5- Văn bản ủy quyền xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nếu có).
2- Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được quy định như sau:
2.1- Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành phố có trách nhiệm thẩm tra, xác minh thực địa khi cần thiết; lấy ý kiến xác nhận của UBND phường về tình trạng tranh chấp đất đai đối với thửa đất; trường hợp người đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại điểm 1.1, 1.2 và 1.5 khoản 1 Điều 5 quy định này thì lấy ý kiến của UBND phường về nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất, tình trạng tranh chấp đất đai đối với thửa đất, sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt; công bố công khai danh sách các trường hợp đủ điều kiện (Mẫu số 05/ĐK) và không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Mẫu số 06/ĐK) tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trong thời gian mười năm (15) ngày; xem xét các ý kiến đóng góp đối với các trường hợp xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xác nhận vào đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với những trường hợp đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ghi ý kiến đối với trường hợp không đủ điều kiện; trường hợp đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì làm trích lục bản đồ địa chính, trích sao hồ sơ địa chính; gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế (Mẫu số 02-05/VPĐKQSDĐ) để xác định nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; gửi hồ sơ những trường hợp đủ điều kiện và không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kèm theo trích lục bản đồ địa chính, trích sao hồ sơ địa chính đến Phòng Tài nguyên và Môi trường;
2.2- Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, trình UBND thành phố (Mẫu số 08/ĐK) quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; ký hợp đồng thuê đất đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất;
2.3- Thời gian thực hiện các công việc quy định tại điểm 2.1, 2.2 khoản này không quá năm mươi năm (55) ngày làm việc (không kể thời gian công bố công khai danh sách các trường hợp xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thời gian người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính) kể từ ngày Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất nhận đủ hồ sơ hợp lệ cho tới ngày người sử dụng đất nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Điều 19. Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất:
1- Tổ chức nộp một (01) bộ hồ sơ gồm có:
1.1- Đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Mẫu số 04/ĐK );
1.2- Một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại điểm 1.1, 1.2 và 1.5 khoản 1 Điều 5 quy định này (nếu có);
1.3- Báo cáo tự rà soát hiện trạng sử dụng đất theo quy định tại các Điều 9, 10, 11, 12 quy định này;
1.4- Quyết định của UBND tỉnh về việc xử lý đất của tổ chức đó (nếu có);
1.5- Quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2004 và chứng từ đã thực hiện nghĩa vụ tài chính (nếu có);
1.6- Hợp đồng thuê đất trong trường hợp được Nhà nước cho thuê đất;
1.7- Văn bản uỷ quyền xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nếu có).
2- Cơ sở tôn giáo nộp một (01) bộ hồ sơ gồm có:
2.1- Đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Mẫu số 04/ĐK kèm theo quy định này);
2.2- Một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại điểm 1.1, 1.2 và 1.5 khoản 1 Điều 5 quy định này (nếu có);
2.3- Quyết định giao đất đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2004 (nếu có);
2.4- Giấy phép hoạt động do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp;
2.5- Văn bản đề nghị của tổ chức tôn giáo có cơ sở tôn giáo đó;
2.6- Xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn về nhu cầu sử dụng đất của cơ sở tôn giáo đó;
2.7- Báo cáo tự rà soát hiện trạng sử dụng đất theo quy định tại Điều 15 quy định này;
2.8- Quyết định của UBND tỉnh về việc xử lý đất của cơ sở tôn giáo đó (nếu có).
3. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được quy định như sau:
3.1- Hồ sơ nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất căn cứ vào quyết định xử lý đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc xác định diện tích đất mà tổ chức, cơ sở tôn giáo được tiếp tục sử dụng, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với nơi chưa có bản đồ địa chính, trích sao hồ sơ địa chính và gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế (Mẫu số 02-05/VPĐKQSDĐ) để xác định nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp tổ chức sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; gửi trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính, trích sao hồ sơ địa chính kèm theo hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến Sở Tài nguyên và Môi trường;
3.2- Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm trình Uỷ ban nhân dân tỉnh (Mẫu số 08/ĐK ) ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; ký hợp đồng thuê đất đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất;
3.3- Thời gian thực hiện các công việc quy định tại điểm 3.1, 3.2 khoản này không quá năm mươi năm (55) ngày làm việc (không kể thời gian người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính) kể từ ngày Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất nhận đủ hồ sơ hợp lệ cho tới ngày người sử dụng đất nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Điều 20. Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đơn vị vũ trang nhân dân đang sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh:
1- Đơn vị vũ trang nhân dân đang sử dụng đất nộp một (01) bộ hồ sơ gồm có:
1.1- Đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Mẫu số 04/ĐK );
1.2- Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an về vị trí đóng quân hoặc địa điểm công trình;
1.3- Bản sao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh trên địa bàn các quân khu, các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, trên địa bàn tỉnh mà có tên đơn vị xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc có giấy tờ xác minh là đất tiếp quản hoặc có tên trong sổ địa chính xã, phường, thị trấn được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là đã sử dụng ổn định và không có tranh chấp;
1.4- Văn bản ủy quyền xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nếu có).
2- Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được quy định như sau:
2.1- Hồ sơ nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; trong thời hạn không quá ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính khu đất đối với nơi chưa có bản đồ địa chính (chỉ đo bao ranh giới thửa đất, không đo vẽ công trình quốc phòng, an ninh, công trình kiến trúc trên khu đất); trích sao hồ sơ địa chính; gửi trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính, trích sao hồ sơ địa chính kèm theo hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến Sở Tài nguyên và Môi trường;
2.2- Trong thời hạn không quá bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm trình Uỷ ban nhân dân tỉnh (Mẫu số 08/ĐK) ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
2.3- Trong thời hạn không quá bảy (07) ngày làm việc kể từ ngày nhận được tờ trình, Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và gửi cho Sở Tài nguyên và Môi trường giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã ký;
2.4- Trong thời hạn không quá sáu (06) ngày làm việc kể từ ngày nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường gửi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc để trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đơn vị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Điều 21. Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người trúng đấu giá quyền sử dụng đất, trúng đấu thầu dự án có sử dụng đất:
1- Tổ chức đã thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất có trách nhiệm nộp thay người trúng đấu giá, đấu thầu một (01) bộ hồ sơ gồm có:
1.1- Văn bản công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất, trúng đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất;
1.2- Trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính khu đất đối với nơi chưa có bản đồ địa chính;
1.3- Chứng từ đã thực hiện nghĩa vụ tài chính (nếu có).
2- Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được quy định như sau:
2.1- Hồ sơ nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường đối với tổ chức; nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với hộ gia đình, cá nhân; trường hợp sử dụng đất tại xã, thị trấn thì nộp hồ sơ tại UBND xã, thị trấn nơi có đất; trong thời hạn không quá ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBND xã, thị trấn có trách nhiệm chuyển hồ sơ cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường (trong khi chưa thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thì Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện trực tiếp tiếp nhận hồ sơ);
2.2- Trong thời hạn không quá năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy của UBND tỉnh, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy của UBND huyện, thành phố; làm trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với nơi chưa có bản đồ địa chính, trích sao hồ sơ địa chính và gửi kèm theo hồ sơ đến Sở Tài nguyên và Môi trường; Phòng Tài nguyên và Môi trường để thụ lý hồ sơ theo thẩm quyền.
2.3- Trong thời hạn không quá mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm trình Uỷ ban nhân dân tỉnh (Mẫu số 08/ĐK ) ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm trình Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố (Mẫu số 08/ĐK ) ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường gửi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã ký cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc để trao cho người trúng đấu giá, đấu thầu.
Điều 22. Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nhận quyền sử dụng đất theo kết quả hoà giải thành về tranh chấp đất đai được UBND cấp có thẩm quyền công nhận; thoả thuận trong hợp đồng thế chấp, bảo lãnh để xử lý nợ; quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai; quyết định hoặc bản án của Toà án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật; văn bản về việc chia tách quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật đối với hộ gia đình hoặc nhóm người có quyền sử dụng đất chung; tổ chức là pháp nhân mới được hình thành:
1- Người nhận quyền sử dụng đất nộp một (01) bộ hồ sơ gồm có:
1.1- Một trong các loại văn bản gồm biên bản về kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được UBND cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận xử lý nợ theo hợp đồng thế chấp, bảo lãnh; quyết định hành chính giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, trích lục bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật; văn bản về việc chia tách quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật đối với hộ gia đình hoặc nhóm người có quyền sử dụng đất chung; quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc chia tách hoặc sáp nhập tổ chức kinh tế phù hợp với pháp luật;
1.2- Chứng từ đã thực hiện nghĩa vụ tài chính (nếu có).
2- Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được quy định như sau:
2.1- Hồ sơ nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường đối với tổ chức; nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với hộ gia đình, cá nhân; trường hợp sử dụng đất tại xã, thị trấn thì nộp hồ sơ tại UBND xã, thị trấn nơi có đất; trong thời hạn không quá ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBND xã, thị trấn có trách nhiệm chuyển hồ sơ cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường;
2.2- Trong thời hạn không quá năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy của UBND tỉnh, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy của UBND huyện, thành phố; làm trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với nơi chưa có bản đồ địa chính, trích sao hồ sơ địa chính và gửi kèm theo hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến Sở Tài nguyên và Môi trường; Phòng Tài nguyên và Môi trường để thụ lý hồ sơ theo thẩm quyền.
2.3- Trong thời hạn không quá mười (10) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm trình Uỷ ban nhân dân tỉnh (Mẫu số 08/ĐK ) ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm trình Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố (Mẫu số 08/ĐK) ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường gửi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã ký cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc để trao cho người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Chương IV
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CẤP LẠI, CẤP ĐỔI, CHỈNH LÝ GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Điều 23. Trình tự, thủ tục cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở:
1- Người sử dụng đất có nhu cầu cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nộp một (01) bộ hồ sơ gồm có:
1.1- Đơn xin cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Mẫu số 15/ĐK );
1.2- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp xin cấp đổi.
2- Việc cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được quy định như sau:
2.1- Hồ sơ nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường; trường hợp sử dụng đất tại xã, thị trấn thì nộp hồ sơ tại UBND xã, thị trấn nơi có đất; trong thời hạn không quá ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBND xã, thị trấn có trách nhiệm chuyển hồ sơ cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường;
2.2- Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; làm trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với nơi chưa có bản đồ địa chính, trích sao hồ sơ địa chính; xác nhận vào đơn xin cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; gửi trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính, trích sao hồ sơ địa chính kèm theo hồ sơ xin cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến Phòng Tài nguyên và Môi trường;
2.3- Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm trình Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
2.4- Thời gian thực hiện các công việc quy định tại điểm 2.2, 2.3 khoản này không quá hai mươi tám (28) ngày làm việc kể từ ngày Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất nhận đủ hồ sơ hợp lệ cho đến ngày người sử dụng đất nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
2.5- Trường hợp xin cấp lại do mất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất được thêm thời gian không quá bốn mươi (40) ngày làm việc, trong đó mười (10) ngày để thẩm tra nội dung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã bị mất và ba mươi (30) ngày để niêm yết thông báo về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã mất tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất.
Điều 24. Trình tự, thủ tục cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (trừ trường hợp mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở), tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài:
1- Người sử dụng đất có nhu cầu cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nộp một (01) bộ hồ sơ gồm có:
1.1- Đơn xin cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Mẫu số 15/ĐK );
1.2- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp xin cấp đổi.
2- Trình tự thực hiện:
2.1- Hồ sơ nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; làm trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với nơi chưa có bản đồ địa chính, trích sao hồ sơ địa chính; xác nhận vào đơn xin cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; gửi trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính, trích sao hồ sơ địa chính kèm theo hồ sơ xin cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến Sở Tài nguyên và Môi trường;
2.2- Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
2.3- Thời gian thực hiện các công việc quy định tại điểm 2.1, 2.2 khoản này không quá hai mươi tám (28) ngày làm việc kể từ ngày Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất nhận đủ hồ sơ hợp lệ cho đến ngày người sử dụng đất nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
2.4- Trường hợp xin cấp lại do mất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất được thêm thời gian không quá bốn mươi (40) ngày làm việc, trong đó mười (10) ngày để thẩm tra nội dung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã bị mất và ba mươi (30) ngày để niêm yết thông báo về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã mất tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất.
Điều 25. UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường: Hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện việc chỉnh lý trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo số liệu Bản đồ địa chính đối với các xã, phường, thị trấn đã hoàn thành việc đo đạc lập bản đồ, hồ sơ địa chính.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 26. Trách nhiệm của người sử dụng đất:
Các tổ chức, cơ sở tôn giáo, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều phải thực hiện kê khai đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định này.
Điều 27. Trách nhiệm của các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố:
1. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm kiểm tra thực hiện và đề xuất giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định này.
2. UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo các ngành chức năng trực thuộc và UBND xã, phường thị trấn thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định này.
3. Trong quá trình thực hiện có vướng mắc phản ánh kịp thời về Sở Tài nguyên và Môi trường để xem xét trình UBND tỉnh giải quyết./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.