ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/2005/CT-UB | TP. Cần Thơ, ngày 26 tháng 01 năm 2005 |
CHỈ THỊ
V/V TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP KHẨN CẤP PHÒNG, CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM VÀ BỆNH VIÊM PHỔI DO NHIỄM VI RÚT CÚM A Ở NGƯỜI
Hiện nay, dịch cúm gia cầm đang xuất hiện trở lại và có chiều hướng lây lan nhanh ở nhiều địa phương, nhất là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, ven biển miền Trung và đồng bằng sông Hồng. Trong thời gian ngắn đã có một số bệnh nhân cúm bị tử vong do nhiễm vi rút cúm A (H5N1). Tình hình này là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến chăn nuôi gia cầm và sức khỏe của nhân dân.
Tại thành phố Cần Thơ, từ ngày 01/01/2005 đến hết ngày 24/01/2005 đã có 56 hộ chăn nuôi ở 22 phường, xã thuộc 7/8 quận, huyện xảy ra dịch với số gia cầm bị bệnh là 17.300 con. Dịch bệnh lần này phát ra chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ, trong đó tỷ lệ vịt chết tăng nhanh.
Thực hiện Công văn số 65/TTg-NN ngày 17/01/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch cúm gia cầm; để kịp thời ngăn chặn, dập tắt dịch, bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân dân, UBND thành phố chỉ thị:
1. Các Giám đốc Sở; Chủ tịch UBND quận, huyện, xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các cơ quan, Ban, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội các cấp thuộc thành phố phải xem công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và bệnh viêm phổi do nhiễm vi rút cúm A (H5N1) ở người là nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất, hàng đầu của đơn vị, địa phương mình.
Phải tập trung chỉ đạo, quán triệt và huy động các lực lượng thuộc thẩm quyền quản lý phối hợp chặt chẽ với ngành thú y và ngành y tế thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát, ngăn chặn, dập tắt dịch cúm gia cầm và không để bệnh viêm phổi do nhiễm vi rút cúm A xảy ra ở người; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ dân về sự nguy hại của dịch bệnh làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội và sức khỏe của cộng đồng để mọi người dân hiểu, tự giác, bình tĩnh và tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm và bệnh viêm phổi do nhiễm vi rút cúm A ở người trong các hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, buôn bán, giết mổ và tiêu thụ gia cầm; hướng dẫn cho người dân nuôi nhốt, không thả lan gia cầm, cách nhận biết, phòng ngừa dịch cúm gia cầm và bệnh viêm phổi do nhiễm vi rút cúm A. Khi phát hiện dịch, bệnh xảy ra phải báo ngay cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương và thực hiện ngay việc tiêu hủy, không vứt xác gia cầm bệnh, chết ra ngoài môi trường mà phải tiêu hủy theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
2. Nghiêm cấm việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra, vào ổ dịch, vùng dịch khi chưa được kiểm dịch; không được nuôi gia cầm trong khu đông dân cư; không vận chuyển gia cầm và sản phẩm từ gia cầm sống trên các phương tiện vận chuyển hành khách. Tịch thu, chôn hủy đối với các trường hợp vận chuyển, mua bán, giết mổ gia cầm và các sản phẩm gia cầm không có nguồn gốc, xuất xứ. Những trường hợp trên, chủ cơ sở chăn nuôi, chủ hàng hoặc chủ phương tiện vận chuyển, chủ cơ sở giết mổ (trong trường hợp không xác định được chủ hàng) không được hỗ trợ kinh phí và phải chịu chi phí cho việc tiêu hủy.
Xử lý nghiêm khắc các trường hợp cố tình bán chạy gia cầm bị nhiễm bệnh, vứt gia cầm chết bừa bãi làm phát tán dịch bệnh. Kiên quyết vận động nhân dân nuôi nhốt, không lùa vịt từ nơi này sang nơi khác.
3. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm thành phố chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp thành phố, Công an thành phố, Sở Thương mại, Sở Giao thông Công chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận, huyện và các Sở, ngành liên quan triển khai ngay công tác kiểm tra dịch bệnh đến từng hộ, cơ sở chăn nuôi, thôn, ấp. Khi trong đàn có gia cầm bị chết do nhiễm bệnh hoặc phát hiện có gia cầm bị nhiễm bệnh thì phải tiêu hủy ngay cả đàn (kể cả phân và các chất thải) bằng phương pháp đốt hoặc kết hợp đốt trước sau đó chôn; vệ sinh tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực có dịch, đảm bảo tiêu diệt nguồn vi rút gây bệnh; khoanh vùng cấm xuất nhập gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nơi có dịch. Mọi trường hợp vận chuyển không có giấy kiểm dịch thú y phải được xử lý triệt để. Tăng cường kiểm soát giết mổ gia cầm, hạn chế tối thiểu việc giết mổ gia cầm nhỏ lẻ. Việc vận chuyển gia cầm phải thực hiện bằng phương tiện đảm bảo không để rơi vãi phân và các chất thải khác trên đường đi.
- Thành lập ngay các tổ kiểm tra liên ngành gồm các ngành: thú y, y tế, công an, thương mại, giao thông công chính, tài nguyên và môi trường để tăng cường kiểm soát chặt chẽ vệ sinh thú y đối với các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia cầm và các sản phẩm gia cầm trên địa bàn, đặc biệt lưu ý các chợ và khu vực đông dân cư; thực hiện các biện pháp cần thiết để dập dịch nhanh chóng, hạn chế sự lây lan.
- Huy động tối đa phương tiện và lực lượng để tổ chức chiến dịch tiêu độc khử trùng 3 lần/tuần đối với tất cả các cơ sở chăn nuôi, đầu mối lưu thông, buôn bán gia cầm ở vùng có ổ dịch đã phát ra trong tháng 12/2004 và tháng 01/2005; mỗi tuần một lần đối với khu vực đã có dịch trước đây và những vùng chưa xảy ra dịch nhưng có mật độ nuôi gia cầm cao, chăn nuôi quy mô lớn; đặc biệt, chú ý bảo vệ đàn gia cầm giống. Công việc này phải được thực hiện triệt để từ nay đến cuối tháng 02/2005.
4. Bố trí đủ nhân lực, bảo đảm cung cấp đầy đủ trang thiết bị an toàn vệ sinh lao động và chế độ thù lao cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch; động viên khen thưởng kịp thời những người tích cực tham gia và có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo cấp kinh phí kịp thời để mua các loại vật tư, thiết bị, hóa chất khử trùng, tiêu độc, kinh phí cho tiêu hủy gia cầm và các yêu cầu phòng, chống dịch khác. Bảo đảm việc thanh toán chi phí hỗ trợ kịp thời và thuận tiện cho người dân có gia cầm bị tiêu hủy.
Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp và đề xuất kịp thời, trình UBND thành phố xem xét, giải quyết kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch.
5. Giao Giám đốc Sở Tài chính, căn cứ ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài chính tại Công văn số 462/TC-NSNN ngày 13/01/2005 về việc bố trí kinh phí phòng chống dịch cúm gia cầm năm 2005, chủ động, nghiên cứu, tham mưu kịp thời cho UBND thành phố giải quyết kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch cũng như chính sách hỗ trợ thiệt hại cho các cơ sở, các hộ chăn nuôi có gia cầm bị tiêu hủy.
6. Giao Giám đốc Sở Y tế phối, kết hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Sở, ngành, địa phương tổ chức thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách nhận biết và phòng, trị bệnh viêm phổi do nhiễm vi rút cúm A trên người; thực hiện giám sát việc tiêu hủy gia cầm bệnh, chết và tình hình vệ sinh dịch tễ; triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo Thông báo số 307/TB-BYT ngày 14/01/2005 của Bộ Y tế về tình hình bệnh viêm phổi do vi rút cúm A và các biện pháp phòng, chống dịch; phát hiện sớm, tổ chức cách ly, điều trị kịp thời ca bệnh, không để bệnh nhân tử vong.
7. Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm tổ chức giám sát, quản lý công tác bảo vệ môi trường trong việc chôn hủy gia cầm.
8. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm các cấp tổ chức phân công trực 24/24, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo dịch mỗi ngày một lần.
Yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp thành phố; các Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, Ban, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội; Chủ tịch UBND quận, huyện, xã, phường, thị trấn thuộc thành phố thực hiện nghiêm nội dung Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc và báo cáo kết quả về UBND thành phố./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TP. CẦN THƠ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.