ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2012/QĐ-UBND | Hà Tĩnh, ngày 24 tháng 02 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI THI ĐUA, KHEN THƯỞNG VỀ ĐẢM BẢO TRẬT TỰ ATGT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Thi đua – Khen thưởng ngày 26/11/2003 và Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Thi đua – Khen thưởng;
Căn cứ Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông;
Xét đề nghị của Ban An toàn giao thông tỉnh và Ban Thi đua – Khen thưởng tỉnh.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định “Tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua, khen thưởng về đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”.
Điều 2. Ban An toàn giao thông, Ban Thi đua – Khen thưởng tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký;
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh căn cứ Quyết định thi hành.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI THI ĐUA, KHEN THƯỞNG VỀ ĐẢM BẢO TRẬT TỰ ATGT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 04/2012/QĐ-UBND ngày 24/02/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.
1. Quy định này Quy định tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các Quy định của pháp luật về trật tự ATGT nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
2. Kết quả đánh giá, xếp loại thi đua, khen thưởng về đảm bảo trật tự an toàn giao thông là một trong các tiêu chí để đánh giá xếp loại phong trào thi đua toàn diện về thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm của các địa phương, đơn vị, cá nhân người đứng đầu và xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” “Đơn vị văn hóa”.
Điều 2. Đối tượng áp dụng.
1. Đối với tập thể: Các huyện, thành phố, thị xã, các sở, ban, ngành, các cơ quan Đảng, đoàn thể, các xã, phường, thị trấn, đơn vị sự nghiệp, các Doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
2. Đối với cá nhân: Người đứng đầu các cấp chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Điều 3. Nguyên tắc đánh giá, xếp loại
1. Việc đánh giá, xếp loại thi đua, khen thưởng về đảm bảo trật tự ATGT của các địa phương, đơn vị căn cứ vào các Quy định hiện hành và của tiêu chí theo Quy định này và được thực hiện hàng năm.
2. Kết quả đánh giá, xếp loại thị đua, khen thưởng về đảm bảo trật tự ATGT là một tiêu chí để xét khen thưởng toàn diện hàng năm của tổ chức, đơn vị; chỉ xem xét khen thưởng đối với các tổ chức, đơn vị và người đứng đầu tổ chức đảm bảo trật tự an toàn giao thông đạt loại khá trở lên. Đối với cán bộ công chức, viên chức và người lao động chỉ xem xét khen thưởng cho các trường hợp chấp hành tốt các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
3. Kết quả thực hiện các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông của địa phương, đơn vị được xếp theo 4 loại như sau:
a. Loại Tốt;
b. Loại khá;
c. Loại trung bình;
d. Loại yếu;
Điều 4. Các hình thức khen thưởng.
Căn cứ vào kết quả xếp loại và thành tích của các tổ chức, cá nhân sẽ được đề nghị khen thưởng một trong các hình thức sau:
1. Đối với tập thể:
Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;
Bằng khen của Ủy ban ATGT Quốc gia;
Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh;
Giấy khen của Chủ tịch UBND cấp huyện;
2. Đối với cá nhân:
Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;
Bằng khen của Ủy ban ATGT Quốc gia;
Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh;
Giấy khen của Chủ tịch UBND cấp huyện;
Giấy khen của thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền.
Chương 2.
NHÓM TIÊU CHỈ ĐỐI VỚI CÁC SỞ, BAN, NGÀNH, ĐOÀN THỂ CẤP TỈNH, DOANH NGHIỆP
Điều 5. Công tác tuyên truyền.
Thực hiện nhóm giải pháp về tuyên truyền, các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và các doanh nghiệp phải bảo đảm các nội dung:
1. Có chương trình, nội dung tuyên truyền về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên thuộc quyền quản lý và tổ chức thực hiện có kết quả.
2. Hướng dẫn, chỉ đạo đưa văn hóa giao thông vào nội dung cuộc vận động “xây dựng cơ quan, công sở văn minh”.
3. Có văn bản ký cam kết của các tập thể, đơn vị trực thuộc về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, “Văn hóa giao thông”.
4. Tổ chức cho cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên thuộc quyền quản lý ký cam kết không vi phạm trật tự an toàn giao thông.
5. Có biện pháp xử lý cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý vi phạm trật tự An toàn giao thông một cách nghiêm minh và kiên quyết.
Điều 6. Công tác quản lý các hoạt động giao thông.
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, đơn vị để thực hiện nhóm giải pháp quản lý các hoạt động giao thông theo các nội dung:
1. Có chương trình hành động thực hiện giải pháp đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn quản lý và tổ chức thực hiện có hiệu quả.
2. Có văn bản phối hợp với các ngành liên quan để thực hiện đảm bảo trật tự an toàn giao thông theo chức năng nhiệm vụ được giao.
3. Đưa tiêu chí đảm bảo trật tự ATGT vào tiêu chí thi đua khen thưởng của ngành, đơn vị.
4. Xây dựng được các mô hình, điển hình về đảm bảo trật tự ATGT của ngành, đơn vị mình.
Điều 7. Kết quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương, trong đó số vụ và số người chết giảm trên 5% so với năm trước và không xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng (được quy định tại Thông tư số 58/2009/TT-BCA ngày 28/10/2009 của Bộ Công an). Ngoài ra còn xem xét các yếu tố như số vụ, số người chết trên tổng số cán bộ công chức, viên chức và người lao động tham gia giao thông.
Chương 3.
NHÓM TIÊU CHỈ ĐỐI VỚI HUYỆN, THÀNH PHỐ, THỊ XÃ
Điều 8. Công tác tổ chức, xây dựng Kế hoạch.
Có thành lập Ban An toàn giao thông và hoạt động theo Quy chế, có xây dựng đề án hoặc kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn cho cả giai đoạn và từng năm.
Điều 9. Công tác tuyên truyền.
Thực hiện nhóm giải pháp về tuyên truyền, các huyện, thành phố, thị xã phải bảo đảm các nội dung:
1. Có chương trình, nội dung tuyên truyền về công tác đảm bảo trật tự An toàn giao thông phù hợp với từng loại hình đối tượng trên địa bàn tổ chức thực hiện có kết quả cụ thể.
2. Hướng dẫn, chỉ đạo đưa “Văn hóa giao thông” vào nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
3. Có văn bản ký cam kết của các tập thể, đơn vị trực thuộc trên địa bàn về đảm bảo trật tự an toàn giao thông và nếp sống” Văn hóa giao thông”.
4. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức cho cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân tham gia giao thông ký cam kết không vi phạm Pháp luật An toàn giao thông.
Điều 10. Công tác quản lý Nhà nước về các hoạt động giao thông.
Thực hiện nhóm giải pháp quản lý các hoạt động giao thông phải bảo đảm 9 nội dung sau đây:
1. Lập và trình phê duyệt quy hoạch mạng lưới giao thông trên địa bàn.
2. Có chương trình hành động thực hiện giải pháp đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn quản lý và tổ chức thực hiện có hiệu quả.
3. Không để phát sinh trái phép ngoài các quy hoạch được phê duyệt và hiện trạng các đường đầu nối với đường Quốc lộ, đường sắt (đối với các địa phương có đường Quốc lộ và đường sắt đi qua).
4. Quản lý chặt chẽ bến xe, bến đò ngang trên địa bàn thuộc thẩm quyền theo quy định.
5. Bảo đảm hành lang an toàn giao thông trên địa bàn theo quy định.
6. Có văn bản phối hợp với các ngành liên quan về kiểm tra các phương tiện giao thông hoạt động trên địa bàn theo quy định.
7. Kịp thời duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường thuộc thẩm quyền quản lý; phối hợp với các tổ chức có liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình giao thông trên địa bàn.
8. Kiểm tra, phát hiện, cảnh báo các yếu tố gây mất an toàn giao thông, xử lý và báo cáo cơ quan thẩm quyền kịp thời khôi phục công trình giao thông khi bị thiên tai.
9. Đưa kết quả đánh giá, xếp loại đảm bảo trật tự ATGT vào tiêu chí thi đua khen thưởng của đơn vị.
Điều 11. Kết quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương, trong đó số vụ và số người chết giảm trên 5% so với năm trước và không xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng (được quy định tại Thông tư số 58/2009/TT-BCA ngày 28/10/2009 của Bộ Công an). Ngoài ra còn xem xét các yếu tố như số vụ, số người chết trên tổng số người dân, số phương tiện, số km đường Quốc lộ và Tỉnh lộ trên địa bàn.
Chương 4.
NHÓM TIÊU CHỈ ĐỐI VỚI CẤP XÃ
Điều 12. Công tác tổ chức, xây dựng kế hoạch.
Có thành lập Ban An toàn giao thông và hoạt động theo Quy chế, có kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn cho cả giai đoạn và từng năm.
Điều 13. Công tác tuyên truyền.
Thực hiện nhóm giải pháp về tuyên truyền, các xã, phường, thị trấn phải bảo đảm các nội dung:
1. Có chương trình, nội dung tuyên truyền về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông phù hợp với từng đối tượng trên địa bàn, bao gồm cả trong trường học và tổ chức thực hiện có kết quả cụ thể.
2. Có văn bản chỉ đạo đưa “Văn hóa giao thông” vào nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
3. Có văn bản ký cam kết của các thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn quản lý về đảm bảo trật tự an toàn giao thông và nếp sống “Văn hóa giao thông”.
4. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức cho cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động, học sinh, sinh viên trên địa bàn ký cam kết không vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Điều 14. Công tác quản lý các hoạt động giao thông.
Thực hiện nhóm giải pháp quản lý các hoạt động giao thông phải bảo đảm 9 nội dung:
1. Lập và trình phê duyệt quy hoạch mạng lưới giao thông trên địa bàn gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
2. Có chương trình hành động thực hiện giải pháp đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn quản lý và tổ chức thực hiện có hiệu quả.
3. Không để phát sinh trái phép ngoài các quy hoạch đã được phê duyệt và hiện trạng các đường đấu nối với đường Quốc lộ, đường sắt (đối với các địa phương có đường Quốc lộ và đường sắt đi qua).
4. Quản lý bến đò ngang trên địa bàn thuộc thẩm quyền theo quy định (đối với các địa phương có bến đò ngang).
5. Bảo đảm hành lang an toàn giao thông trên địa bàn theo quy định.
6. Phối hợp với các cơ quan chức năng trực tiếp quản lý giao thông và các lực lượng liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình giao thông.
7. Có văn bản phối hợp với các ngành liên quan về kiểm tra các phương tiện giao thông hoạt động trên địa bàn theo quy định.
8. Kiểm tra, phát hiện, cảnh báo các yếu tố gây mất an toàn giao thông, xử lý và báo cáo cơ quan có thẩm quyền kịp thời khôi phục công trình giao thông khi bị thiên tai.
9. Đưa kết quả đánh giá, xếp loại đảm bảo trật tự ATGT vào tiêu chí thi đua khen thưởng của đơn vị.
Điều 15. Kết quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương, trong đó số vụ và số người chết giảm trên 5% so với năm trước và không xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng (được quy định tại Thông tư số 58/2009/TT-BCA ngày 28/10/2009 của Bộ Công an). Ngoài ra còn xem xét các yếu tố như số vụ, số người chết trên tổng số cán bộ công chức, viên chức và người lao động tham gia giao thông.
Chương 5.
NHÓM TIÊU CHỈ ĐỐI VỚI CÁ NHÂN
Điều 16. Đối với người đứng đầu tổ chức, đơn vị.
Tổ chức các biện pháp thực hiện các tiêu chí bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên lĩnh vực, chức trách nhiệm vụ được phân công, cụ thể:
1. Thủ trưởng đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp: tổ chức các tiêu chí quy định tại các Điều 5, 6, 7 Chương 2 Quy định này.
2. Chủ tịch UBND cấp huyện tổ chức các tiêu chí quy định tại các Điều 8, 9, 10, 11 Chương III Quy định này
3. Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức các tiêu chí quy định tại các Điều 12, 13, 14, 15, Chương IV Quy định này.
Điều 17. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động
Gương mẫu chấp hành, tuyên truyền, vận động người khác chấp hành tốt các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Không vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Chương 6.
THANG ĐIỂM ĐÁNH GIÁ ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG
Điều 18. Thang điểm đánh giá
Thang điểm đánh giá thực hiện các tiêu chí đảm bảo trật tự an toàn giao thông đối với tổ chức, đơn vị là 100 điểm. Cụ thể như sau:
1. Đối với các cấp hành chính (huyện, thành phố, thị xã, xã phường, thị trấn)
Nhóm nội dung tổ chức, xây dựng kế hoạch: 10 điểm;
Nhóm nội dung công tác tuyên truyền: 20 điểm;
Nhóm nội dung công tác quản lý nhà nước về giao thông: 45 điểm;
Kết quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông: 25 điểm.
2. Đối với các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các doanh nghiệp:
Nhóm nội dung công tác tuyên truyền: 30 điểm;
Nhóm nội dung công tác quản lý về các hoạt động giao thông: 45 điểm;
Kết quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông: 25 điểm.
Điều 19. Xếp loại.
1. Loại tốt: đạt từ 85 đến 100 điểm;
2. Loại khá: đạt từ 70 đến 84 điểm;
3. Loại trung bình: đạt từ 51 đến 69 điểm;
4. Loại yếu: dưới 50 điểm.
Điều 20. Đối với cá nhân người đứng đầu.
Trên cơ sở đánh giá, xếp loại công tác đảm bảo trật tự an toàn của tổ chức, đơn vị, tổ chức đơn vị được xếp loại nào thì cá nhân người đứng đầu được xếp loại tương ứng để xét khen thưởng.
Không xét các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng hàng năm cho cán bộ công chức, viên chức và người lao động vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Chương 7.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 21. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban ngành, đoàn thể, các trường đại học, cao đẳng, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Giám đốc các doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai thực hiện và chỉ đạo cấp dưới thực hiện Quy định đánh giá đánh giá, xếp loại thi đua về bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho các đơn vị trực thuộc, đơn vị đóng trên địa bàn; đồng thời báo cáo kết quả xếp loại hàng năm về Ban An toàn giao thông tỉnh theo quy định.
Điều 22. Ban An toàn giao thông tỉnh có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và xếp loại đảm bảo trật tự An toàn giao thông đối với các địa phương, đơn vị; phối hợp với Ban Thi đua – Khen thưởng tỉnh để tham mưu UBND tỉnh khen thưởng.
Điều 23. Trong quá trình tổ chức thực hiện, các địa phương, cơ quan, đơn vị xét thấy có điểm nào chưa phù hợp thì có ý kiến bằng văn bản gửi về Ban Thi đua – Khen thưởng tỉnh để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh bổ sung, sửa đổi.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.