BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2004/QĐ-BXD | Hà Nội, ngày 12 tháng 03 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH TIÊU CHUẨN XÂY DỰNG VIỆT NAM TCXD VN 303: 2004 "CÔNG TÁC HOÀN THIỆN TRONG XÂY DỰNG - THI CÔNG VÀ NGHIỆM THU. PHẦN I. CÔNG TÁC LÁT VÀ LÁNG TRONG XÂY DỰNG"
BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG
Căn cứ Nghị định số 36/2003/NĐ-CP ngày 04 / 04 / 2003 của Chính Phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng.
Căn cử biên bản số 72/BXD-KHCN ngày 14 / 7 / 2003 của Hội đồng Khoa học kỹ thuật chuyên ngành nghiệm thu tiêu chuẩn " Công tác hoàn thiện trong xây dựng - Thi công và nghiệm thu. Công tác lát và láng trong xây "
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Xây dựng.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1 : Ban hành kèm theo quyết định này 01 Tiêu chuẩn Xây dựng Việt Nam TCXD VN 303: 2004 '' Công tác hoàn thiện trong xây dựng - Thi công và nghiệm thu. Phần I. Công tác lát và láng trong xây dựng "
Điều 2 : Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo .
Điều 3 : Các Ông : Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ , Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Xây dựng và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.
Nơi nhận : | KT/BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG |
Soát xét lần 1
MÃ SỐ: TC 03 - 01
HÀ NỘI 2004
Lời nói đầu
TCXDVN 303 : 2004 do Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng biên soạn, Vụ Khoa học Công nghệ trình duyệt, Bộ Xây dựng ban hành theo Quyết định số .......
Soát xét lần 1
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật chính và hướng dẫn trình tự để thi công, kiểm tra và nghiệm thu chất lượng công tác lát và láng trong các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp.
2. Tiêu chuẩn viện dẫn
2.1 TCVN 1450 : 1986 “Gạch rỗng đất sét nung”
2.2 TCVN 1451 : 1986 “Gạch đặc đất sét nung”
2.3 TCVN 6065 : 1995 “Gạch xi măng lát nền”
2.4 TCVN 6074 : 1995 “Gạch lát granito”
2.5 TCVN 6414 : 1998 “Gạch gốm ốp lát – Yêu cầu kỹ thuật”
2.6 TCVN 6476 : 1999 “Gạch bê tông tự chèn”
2.7 TCXD 85 : 1981 “Gạch lát lá dừa”
2.8 TCXD 90 : 1981 “Gạch lát đất sét nung”
2.9 TCVN 4340 : 1994 “Ván sàn bằng gỗ”
2.10 TCVN 4314 : 1986 “Vữa xây dựng. Yêu cầu kỹ thuật”
3. Các thuật ngữ và định nghĩa
3.1 Vật liệu lát: gạch lát và tấm lát.
3.2 Gạch lát: gạch xi măng, gạch đất nung, gạch ceramic, gạch granit, đá tự nhiên, đá nhân tạo v.v... dùng để lát.
3.3 Lớp nền: lớp nằm ngay dưới lớp lát hoặc láng.
3.4 Mặt lát: bề mặt lớp lát sau khi đã hoàn thiện.
3.5 Mặt láng: bề mặt lớp láng sau khi đã hoàn thiện.
3.6 Vật liệu gắn kết: vật liệu dùng để gắn kết vật liệu lát với lớp nền.
3.7 Mạch lát: mạch giữa các viên gạch lát hoặc tấm lát kề nhau.
3.8 Chất làm đầy mạch: vật liệu liên kết làm đầy mạch lát.
4. Công tác lát
4.1 Yêu cầu kỹ thuật
4.1.1 Vật liệu:
4.1.1.1 Gạch lát, tấm lát phải đạt yêu cầu kỹ thuật về chất lượng, chủng loại, kích thước, màu sắc.
4.1.1.2 Vật liệu gắn kết phải đảm bảo chất lượng, nếu thiết kế không quy định thì thực hiện theo yêu cầu của nhà sản xuất vật liệu lát.
4.1.2 Lớp nền:
4.1.2.1 Mặt lớp nền phải đảm bảo phẳng, chắc chắn, ổn định, có độ bám dính với vật liệu gắn kết và được làm sạch tạp chất.
4.1.2.2 Cao độ lớp nền phù hợp với vật liệu lát phủ bên trên. Độ dốc của lớp nền theo yêu cầu kỹ thuật.
4.1.2.3 Với vật liệu gắn kết là keo, nhựa hoặc tấm lát đặt trực tiếp lên lớp nền thì mặt lớp nền phải đảm bảo thoả mãn yêu cầu nêu trong bảng 1 của tiêu chuẩn này.
4.1.2.4 Trước khi lát phải kiểm tra và nghiệm thu lớp nền và các bộ phận bị che khuất (chi tiết chôn sẵn, chống thấm, hệ thống kỹ thuật v.v¼).
4.1.3 Chất lượng lớp lát:
4.1.3.1 Mặt lát phải đảm bảo các yêu cầu về độ cao, độ phẳng, độ dốc, độ dính kết với lớp nền, chiều dày vật liệu gắn kết, bề rộng mạch lát, màu sắc, hoa văn, hình dáng trang trí v.v¼
4.1.3.2 Nếu mặt lát là các viên đá thiên nhiên, nên chọn đá để các viên kề nhau có màu sắc và đường vân hài hoà.
4.1.3.3 Với gạch lát dùng vữa làm vật liệu gắn kết thì vữa phải được trải đều trên lớp nền để đảm bảo giữa viên gạch lát và lớp nền được lót đầy vữa.
4.1.3.4 Mặt lát của tấm sàn gỗ không được có vết nứt, cong vênh. Mặt lát của tấm lát mềm không được phồng rộp, nhăn nheo.
4.1.3.5 Với các viên lát phải cắt, việc cắt và mài các cạnh phải bảo đảm đường cắt gọn và mạch ghép phẳng, đều.
4.1.3.6 Mạch giữa các viên gạch lát và giữa gạch lát với tường phải được lấp đầy chất làm đầy mạch.
4.1.3.7 Dung sai trên mặt lát không vượt quá các giá trị yêu cầu trong bảng 1 và 2.
Bảng 1 - Dung sai cho phép
Loại vật liệu lát | Khe hở với thước 3m | Dung sai cao độ | Dung sai độ dốc |
Gạch xây đất sét nung | 5mm | 2cm | 0,5% |
Gạch lát đất sét nung | 4mm | 2cm | 0,5% |
Đá tự nhiên không mài mặt | 3mm | 2cm | 0,5% |
Gạch lát xi măng, granito, ceramic, granite, đá nhân tạo | 3mm | 1cm | 0,3% |
Các loại tấm lát định hình | 3mm | 1cm | 0,3% |
Bảng 2 – Chênh lệch độ cao giữa hai mép vật liệu lát
Loại vật liệu lát | Chênh lệch độ cao |
Gạch xây đất sét nung | 3mm |
Gạch lát đất sét nung | 3mm |
Đá tự nhiên không mài mặt | 3mm |
Gạch lát xi măng, granito, ceramic, granite, đá nhân tạo | 0,5mm |
Các loại tấm lát định hình | 0,5mm |
4.1.4 An toàn lao động khi lát:
4.1.4.1 Khi lát phải tuân theo các quy định hiện hành về an toàn lao động, an toàn phòng chống cháy nổ.
4.1.4.2 Với vật liệu lát dễ bắt lửa như: gỗ, thảm, keo dán ... phải có biện pháp phòng cháy trong quá trình thi công.
4.1.4.3 Môi trường làm việc phải thông thoáng, có biện pháp chống nhiễm độc do hơi của vật liệu lát, vật liệu gắn kết gây ra.
4.2 Quy trình thi công
4.2.1 Thi công lát gạch:
4.2.1.1 Chuẩn bị lớp nền
Dùng dây căng, ni vô hoặc máy trắc đạc kiểm tra cao độ, độ phẳng, độ dốc của mặt lớp nền.
Gắn các mốc cao độ lát chuẩn, mỗi phòng có ít nhất 4 mốc tại 4 góc, phòng có diện tích lớn mốc gắn theo lưới ô vuông, khoảng cách giữa các mốc không quá 3m.
Cần đánh dấu các mốc cao độ tham chiếu ở độ cao hơn mặt lát lên tường hoặc cột để có căn cứ thường xuyên kiểm tra cao độ mặt lát.
4.2.1.2 Chuẩn bị gạch lát
Gạch lát phải được làm vệ sinh sạch, không để bụi bẩn, dầu mỡ, các chất làm giảm tính kết dính giữa lớp nền với gạch lát.
Với gạch lát có khả năng hút nước từ vật liệu kết dính, gạch phải được nhúng nước và vớt ra để ráo nước trước khi lát.
Gạch lát phải được nghiệm thu theo các tiêu chuẩn vật liệu tương ứng. Trong tiêu chuẩn này gạch lát là các chủng loại sau đây:
+ Gạch xây đất sét nung - TCVN 1450 : 1986 , TCVN 1451 : 1986 .
+ Gạch lát đất sét nung - TCXD 85 : 1981 , TCXD 90 : 1981.
+ Gạch lát gốm tráng men - TCVN 6414 : 1998 .
+ Gạch lát xi măng, granito - TCVN 6065 : 1995 , TCVN 6074 : 1995
+ Gạch bê tông tự chèn - TCVN 6476 : 1999 .
+ Đá lát thiên nhiên và nhân tạo – lấy theo các yêu cầu của thiết kế.
4.2.1.3 Chuẩn bị vật liệu gắn kết
Việc pha trộn, sử dụng và bảo quản vật liệu gắn kết phải tuân theo yêu cầu của loại vật liệu. Vật liệu gắn kết có thể là vữa xi măng cát, vữa tam hợp, nhựa polyme hoặc keo dán.
Với vật liệu gắn kết là vữa phải tuân theo TCVN 4314 : 1986.
4.2.1.4 Dụng cụ lát
Cần chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cần thiết cho công tác lát như: dao xây, bay lát, bay miết mạch, thước tầm 3m, thước rút, búa cao su, máy cắt gạch, máy mài gạch, đục, chổi đót, giẻ lau, ni vô hoặc máy trắc đạc.
Dụng cụ cần đầy đủ và phù hợp với yêu cầu thi công cho từng thao tác nghề nghiệp. Dụng cụ đã hư hỏng và quá cũ, bị mòn, không đảm bảo chính xác khi thi công không được sử dụng.
4.2.1.5 Tiến hành lát
Nếu vật liệu gắn kết là vữa thì vữa phải được trải đều lên lớp nền đủ rộng để lát từ 3 đến 5 viên, sau khi lát hết các viên này mới trải tiếp cho các viên liền kề.
Nếu vật liệu gắn kết là keo dính thì tiến hành lát từng viên một và keo phải được phết đều lên mặt gạch gắn kết với nền.
Nếu mặt lát ở ngoài trời thì cần phải chia khe co dãn với khoảng cách tối đa giữa hai khe co dãn là 4m. Nếu thiết kế không quy định thì lấy bề rộng khe co dãn bằng 2cm, chèn khe co dãn bằng vật liệu có khả năng đàn hồi.
Trình tự lát như sau: căng dây và lát các viên gạch trên đường thẳng nối giữa các mốc đã gắn trên lớp nền. Sau đó lát các viên gạch nằm trong phạm vi các mốc cao độ chuẩn, hướng lát vuông góc với hướng đã lát trước đó. Hướng lát chung cho toàn nhà hoặc công trình là từ trong lùi ra ngoài.
Trong khi lát thường xuyên dùng thước tầm 3 m để kiểm tra độ phẳng của mặt lát. Độ phẳng của mặt lát được kiểm tra theo các phương dọc, ngang và chéo. Thường xuyên kiểm tra cao độ mặt lát căn cứ trên các mốc cao độ tham chiếu.
Khi lát phải chú ý sắp xếp các viên gạch đúng hoa văn thiết kế.
4.2.1.6 Làm đầy mạch lát
Công tác làm đầy mạch lát chỉ được tiến hành khi các viên gạch lát đã dính kết với lớp nền. Trước khi làm đầy mạch lát, mặt lát phải được vệ sinh sạch sẽ. Mạch làm đầy xong, lau ngay cho đường mạch sắc gọn và vệ sinh mặt lát không để chất làm đầy mạch lát bám dính làm bẩn mặt lát.
4.2.1.7 Bảo dưỡng mặt lát:
Sau khi làm đầy mạch lát không được va chạm mạnh trước khi vật liệu gắn kết đủ rắn.
Với mặt lát ngoài trời và vật liệu gắn kết là vữa, phải có biện pháp che nắng và chống mưa xối trong (1¸3) ngày sau khi lát.
4.2.2 Thi công sàn gỗ:
4.2.2.1 Chuẩn bị lớp nền
Lớp nền phải được chuẩn bị theo đúng thiết kế. Trong trường hợp tấm sàn gỗ gắn kết trực tiếp lên gối đỡ hoặc con kê thì các chi tiết này phải được cố định chắc chắn bằng vít hoặc chôn sẵn lên sàn.
Bề mặt lớp nền phải khô ráo.
4.2.2.2 Chuẩn bị tấm sàn gỗ
Tấm sàn gỗ phải đúng chủng loại gỗ, kích thước, màu sắc, độ ẩm theo thiết kế. Tấm sàn gỗ có thể được hoàn thiện bề mặt trước hoặc sau khi lát.
Ván sàn gỗ tự nhiên phải được nghiệm thu theo TCVN 4340 : 1994.
4.2.2.3 Chuẩn bị vật liệu gắn kết
Vật liệu gắn kết phải đúng chủng loại, đảm bảo chất lượng theo thiết kế, nếu thiết kế không quy định thì thực hiện theo yêu cầu của nhà sản xuất vật liệu lát. Với ván sàn gỗ tự nhiên vật liệu gắn kết có thể là đinh hoặc vít.
4.2.2.4 Dụng cụ lát
Cần chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cần thiết cho công tác lát như: búa, khoan, thước tầm 3m, thước rút, êke bào, đục, cưa, chổi đót, giẻ lau, ni vô hoặc máy trắc đạc.
Dụng cụ cần đầy đủ và phù hợp với yêu cầu thi công cho từng thao tác nghề nghiệp. Dụng cụ đã hư hỏng và quá cũ, bị mòn, không đảm bảo chính xác khi thi công không được sử dụng.
4.2.2.5 Tiến hành lát
Trước khi lát tấm sàn gỗ tự nhiên phải định vị các vị trí đặt con kê hoặc bắn vít bằng cách đánh dấu trên lớp nền. Khoảng cách giữa các con kê và đinh vít phụ thuộc vào kích thước tấm sàn gỗ. Nếu dùng con kê thì bề mặt các con kê phải đảm bảo phẳng, ổn định. Trước khi gắn kết tấm sàn gỗ với lớp nền phải tiến hành ghép mộng với các tấm liền kề và phải đảm bảo mạch lát kín khít, sau đó gắn kết tấm sàn với lớp nền bằng đinh hoặc bắt vít.
Khi lát tấm sàn gỗ nhân tạo có các lớp cấu tạo đi kèm vật liệu tấm lát phải tuân thủ theo đúng chỉ định của nhà sản xuất, keo dính phải được phết đều tại các mép tấm lát, sau đó ghép mạch lát phải đảm bảo kín khít.
4.2.2.6 Hoàn thiện mặt lát
Trong trường hợp sử dụng tấm sàn gỗ chưa hoàn thiện bề mặt thì sau khi ghép xong mặt sàn gỗ phải được bào phẳng, nạo nhẵn sau đó đánh giấy nháp từ thô đến mịn và cuối cùng đánh xi bóng, véc ni hoặc sơn.
Với tấm sàn gỗ đã hoàn thiện bề mặt thì có thể đánh bóng hoặc sơn ngay sau khi lát.
4.2.2.7 Bảo dưỡng mặt lát
Mặt lát phải được bảo vệ, không để đi lại hoặc va chạm trong giai đoạn thi công làm bong xước mặt hoặc mất bóng.
4.2.3 Thi công tấm lát mềm:
Tấm lát mềm có thể là tấm nhựa tổng hợp, thảm nhựa dạng cuộn, tấm thảm, thảm dạng cuộn.
4.2.3.1 Chuẩn bị lớp nền:
Lớp nền phải cứng, ổn định, được làm phẳng, vệ sinh sạch sẽ theo đúng thiết kế.
Trong trường hợp dùng keo dán hoặc băng dính để dán các tấm nhựa hoặc thảm dạng cuộn thì mặt dán phải được mài phẳng và làm sạch bụi trước khi phết lớp keo dán.
4.2.3.2 Chuẩn bị tấm lát: tấm lát phải đúng chủng loại, kích thước, màu sắc.
4.2.3.3 Chuẩn bị vật liệu gắn kết
Vật liệu gắn kết phải đúng chủng loại, đảm bảo chất lượng theo thiết kế, nếu thiết kế không quy định thì thực hiện theo yêu cầu của nhà sản xuất vật liệu lát.
Trong trường hợp sử dụng vật liệu gắn kết là keo dính thì phải được bảo quản và sử dụng theo yêu cầu của nhà sản xuất vật liệu.
4.2.3.4 Tiến hành lát
Khi lát sàn bằng thảm nhựa dạng cuộn, keo dán nên phết lên nền theo chiều ngang của cuộn nhựa lát. Việc dán thực hiện từng dải tương đương với khổ tấm lát. Dán mép cuộn thảm đúng vào cạnh chuẩn, dùng lực ép mạnh lên chỗ vừa dán cho tấm nhựa dính chắc với lớp nền. Sau đó lăn dỡ cuộn thảm ra, lăn đến đâu dùng tay hay búa cao su miết cho dính với lớp nền đẩy không khí về phía trước tránh phồng rộp do hơi không thoát được. Hai tấm nhựa dán kề nhau phải song song và ghép kín, không cho các mép tấm chồng lên nhau.
Trường hợp dùng đinh ghim hoặc nẹp để gắn kết tấm nhựa hoặc thảm với lớp nền thì tấm lát phải được trải căng trước khi cố định bằng ghim hoặc nẹp.
Khi lát sàn bằng tấm thảm hoặc nhựa, mép hai tấm liền kề phải phẳng mép, khít. Phải chú ý sắp xếp cho đúng hoa văn.
5. Công tác láng
5.1 Yêu cầu kỹ thuật
5.1.1 Vật liệu: Vật liệu láng phải đạt yêu cầu kỹ thuật về chất lượng, màu sắc.
5.1.2 Lớp nền:
5.1.2.1 Lớp nền phải đảm bảo phẳng, ổn định, có độ bám dính với vật liệu láng và được làm sạch tạp chất. Trong trường hợp lớp nền có những vị trí lõm lớn hơn chiều dày lớp láng 20mm thì phải tiến hành bù bằng vật liệu tương ứng trước khi láng. Với những vị trí lồi lên cao hơn mặt lớp nền yêu cầu thì phải tiến hành san phẳng trước khi láng.
5.1.2.2 Khi cần chia ô, khe co dãn thì công việc này phải được chuẩn bị trước khi tiến hành công tác láng. Nếu thiết kế không quy định thì (3¸4) m lại làm một khe co dãn bằng cách cắt đứt ngang lớp láng, lấy chiều rộng khe co dãn là (5¸8) mm, khi hoàn thiện khe co dãn sẽ được chèn bằng vật liệu có khả năng đàn hồi hoặc tự hàn gắn.
5.1.2.3 Trước khi láng phải kiểm tra và nghiệm thu lớp nền và các bộ phận bị che khuất (chi tiết chôn sẵn, chống thấm, hệ thống kỹ thuật v.v¼).
5.1.3 Chất lượng lớp láng:
5.1.3.1 Mặt láng phải đảm bảo yêu cầu về màu sắc như thiết kế.
5.1.3.2 Dung sai trên mặt láng không vượt quá các giá trị yêu cầu trong bảng 3.
Bảng 3 - Dung sai cho phép
Loại vật liệu láng | Khe hở với thước 3m | Dung sai cao độ | Dung sai độ dốc |
Tất cả các vật liệu láng | 3mm | 1cm | 0,3% |
5.1.3.3 Với mặt láng có yêu cầu đánh màu thì tuỳ thuộc vào thời tiết, độ ẩm và nhiệt độ không khí mà sau khi láng xong lớp vữa cuối cùng có thể tiến hành đánh màu. Đánh màu tiến hành bằng cách rải đều một lớp bột xi măng hay lớp mỏng hồ xi măng và dùng bay hoặc máy xoa nhẵn bề mặt. Việc đánh màu phải kết thúc trước khi vật liệu láng kết thúc quá trình đông kết.
5.1.3.4 Trường hợp mặt láng có yêu cầu mài bóng, quá trình mài bóng bằng máy được tiến hành đồng thời với việc vá các vết lõm cục bộ và các vết xước gợn trên bề mặt. Khi bắt đầu mài phải đảm bảo vật liệu láng đủ cường độ chịu mài.
5.1.3.5 Công việc kẻ chỉ thực hiện sau khi hoàn thành công tác láng. Đường kẻ cần đều về chiều rộng, chiều sâu và sắc nét. Nếu dùng quả lăn có hạt chống trơn cũng lăn ngay khi lớp xi măng màu chưa rắn.
5.1.4 An toàn lao động khi láng:
5.1.4.1 Khi láng phải tuân theo các quy định hiện hành về an toàn lao động, an toàn phòng chống cháy nổ.
5.1.4.2 Nếu sử dụng máy xoa bề mặt để thực hiện công tác láng thì công nhân phải được đào tạo về vận hành máy trước khi thi công. Lưu ý an toàn điện và chống các vật thải mài văng bắn vào cơ thể.
5.2 Quy trình thi công
5.2.1 Chuẩn bị lớp nền:
Lớp nền phải được chuẩn bị theo thiết kế, nếu thiết kế không quy định thì theo yêu cầu của nhà sản xuất vật liệu láng nền. Lớp nền phải đảm bảo phẳng, ổn định.
Lớp nền phải có độ bám dính, làm sạch và tưới ẩm trước khi láng.
Trường hợp láng bằng thủ công, trên mặt lớp nền phải gắn các mốc cao độ láng chuẩn với khoảng cách giữa các mốc không quá 3m.
5.2.2 Chuẩn bị vật liệu láng:
Vật liệu láng phải đúng chủng loại, chất lượng, màu sắc. Việc pha trộn, sử dụng và bảo quản vật liệu láng phải tuân theo yêu cầu của nhà sản xuất vật liệu. Vật liệu láng có thể là vữa xi măng cát hoặc vữa polyme.
Với vật liệu láng là vữa phải tuân theo TCVN 4314 : 1986 .
5.2.3 Dụng cụ láng gồm bay xây, bay đánh bóng, thước tầm 3m, thước rút, ni vô hoặc máy trắc đạc, bàn xoa tay hoặc máy xoa, bàn đập, lăn gai.
5.2.4 Tiến hành láng:
Dàn đều vật liệu láng trên mặt lớp nền, cao hơn mặt mốc cao độ lát chuẩn. Dùng bàn xoa đập cho vật liệu láng đặc chắc và bám chặt vào lớp nền. Dùng thước tầm cán phẳng cho bằng mặt mốc. Sau đó dùng bàn xoa để xoa phẳng.
Với mặt láng có diện tích lớn phải dùng máy để xoa phẳng bề mặt. Việc xoa bằng máy thực hiện theo trình tự sau: dùng máy trắc đạc định vị đường ray của máy xoa trên phạm vi láng, điều chỉnh chân máy ở cao độ thích hợp, cấp vật liệu láng vào phạm vi láng, điều khiển máy dùng quả lu nhỏ lăn trên bề mặt láng và cánh xoa để xoa phẳng.
Với những mặt láng trên nền bê tông có yêu cầu như: tăng cứng bề mặt chống mài mòn, a xít ... phải tuân theo thiết kế hoặc yêu cầu kỹ thuật của nhà sản xuất vật liệu. Nếu thiết kế không chỉ định, thi công theo trình tự: sau khi đổ bê tông nền từ (1¸2) giờ rải đều chất làm cứng bề mặt. Đợi đến khi chất làm cứng se mặt, dùng máy xoa nền xoa bóng bề mặt. Sau khi xoa bóng bề mặt có thể phun lớp bảo dưỡng.
Trường hợp lớp láng cuối cùng bằng vữa xi măng cát thì kích thước hạt cốt liệu lớn nhất không quá 2mm, xoa phẳng mặt theo độ dốc thiết kế.
5.2.5 Bảo dưỡng:
Khi thời tiết nắng nóng, khô hanh sau khi láng xong (1¸2) giờ, phủ lên mặt láng một lớp vật liệu giữ ẩm, tưới nước trong 5 ngày.
Không đi lại, va chạm mạnh trên mặt láng trong 12 giờ sau khi láng.
Với mặt láng ngoài trời cần có biện pháp che nắng và chống mưa xối trong (1¸3) ngày sau khi láng.
6. Kiểm tra và nghiệm thu
6.1 Kiểm tra
6.1.1 Công tác kiểm tra chất lượng lát và láng các công trình xây dựng theo trình tự và bao gồm các chỉ tiêu trong bảng 4.
Bảng 4 - Đối tượng, phương pháp và dụng cụ kiểm tra công tác lát, láng
Thứ tự kiểm tra | Đối tượng kiểm tra | Phương pháp và dụng cụ kiểm tra |
1 | Bề mặt lớp nền | Đo trực tiếp bằng thước, ni vô, máy trắc đạc |
2 | Vật liệu lát, láng | Lấy mẫu, thí nghiệm theo tiêu chuẩn của vật liệu |
3 | Vật liệu gắn kết | Lấy mẫu, thí nghiệm theo tiêu chuẩn của vật liệu |
4 | Cao độ mặt lát và láng | Đo trực tiếp bằng thước, ni vô, máy trắc đạc |
5 | Độ phẳng mặt lát và láng | Đo trực tiếp bằng thước tầm, ni vô, máy trắc đạc |
6 | Độ dốc mặt lát và láng | Đo bằng nivô, đổ nước thử hay cho lăn viên bi thép đường kính 10mm |
7 | Độ đặc chắc và độ bám dính giữa vật liệu lát, vật liệu láng với lớp nền | Dùng thanh gỗ gõ nhẹ lên bề mặt, tiếng gõ phải chắc đều ở mọi điểm Với mặt lát gỗ hoặc tấm lát mềm đi thử lên trên |
8 | Độ đồng đều về màu sắc, hoa văn, các chi tiết đường viền trang trí và độ bóng của mặt láng | Quan sát bằng mắt |
9 | Các yêu cầu đặc biệt khác của thiết kế | Theo chỉ định của thiết kế |
6.1.2 Mặt lát (láng) phải phẳng, không ghồ ghề, lồi lõm cục bộ, sai số về cao độ và độ dốc không vượt quá các giá trị trong bảng 1 và bảng 3.
6.1.3 Chênh lệch độ cao giữa hai mép của vật liệu lát liền kề không vượt quá giá trị trong bảng 2.
6.1.4 Độ dốc và phương dốc của mặt lát (láng) phải theo đúng thiết kế, nếu có chỗ lồi hoặc lõm quá mức cho phép thì đều phải được lát (láng) lại.
6.1.5 Độ bám dính và đặc chắc của vật liệu gắn kết hoặc vật liệu láng với lớp nền kiểm tra bằng cách gõ nhẹ lên bề mặt lát (láng) nếu có tiếng bộp thì phải bóc ra sửa lại.
Với mặt lát gỗ đi lên không rung, không có tiếng kêu.
Với tấm lát mềm, mặt lát không phồng, không nhăn, không cong mép, không có biểu hiện trượt.
6.2 Nghiệm thu
Nghiệm thu công tác lát (láng) được tiến hành tại hiện trường. Hồ sơ nghiệm thu gồm có:
- Biên bản nghiệm thu chất lượng của vật liệu lát (láng).
- Biên bản nghiệm thu chất lượng của vật liệu gắn kết.
- Các biên bản nghiệm thu lớp nền.
- Hồ sơ thiết kế hoàn thiện hoặc các chỉ dẫn về hoàn thiện trong hồ sơ thiết kế công trình.
- Bản vẽ hoàn công của công tác lát (láng).
- Nhật ký công trình.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.