ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2013/QĐ-UBND | Tây Ninh, ngày 25 tháng 02 năm 2013 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, THU, NỘP, SỬ DỤNG QUỸ PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 08 tháng 3 năm 1993 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 24 tháng 8 năm 2000;
Căn cứ Nghị định số 50/CP, ngày 10 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ Ban hành Quy chế về thành lập và hoạt động của Quỹ phòng, chống lụt, bão của địa phương;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 354/TTr-SNN, ngày 04 tháng 02 năm 2013,
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về Quản lý, thu, nộp, sử dụng Quỹ phòng, chống lụt, bão trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài chính; thủ trưởng các sở, ban, ngành; Thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ, THU, NỘP, SỬ DỤNG QUỸ PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2013/QĐ-UBND, ngày 25 tháng 02 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về quản lý, thu, nộp, sử dụng Quỹ phòng, chống lụt, bão trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
2. Đối tượng áp dụng
a) Công dân Việt Nam cư trú trên địa bàn tỉnh Tây Ninh: Nam từ đủ 18 tuổi đến hết 60 tuổi; nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 55 tuổi;
b) Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đóng tại địa bàn tỉnh;
c) Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; huyện, thị xã;
d) Các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan;
e) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn.
Điều 2. Quỹ phòng, chống lụt, bão
1. Quỹ phòng, chống lụt, bão là một tổ chức tài chính độc lập, do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập và quản lý.
a) Giao Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn (viết tắt PCLB và TKCN) tỉnh giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý, điều hành Quỹ phòng, chống lụt, bão tỉnh và là chủ tài khoản Quỹ phòng, chống lụt, bão tỉnh.
b) Giao Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã (viết tắt là cấp huyện) quản lý, điều hành Quỹ phòng, chống lụt, bão huyện, thị xã và là chủ tài khoản Quỹ phòng, chống lụt, bão cấp huyện.
2. Quỹ phòng, chống lụt, bão là nguồn tài chính do các tổ chức và cá nhân cư trú trên địa bàn tỉnh đóng góp hàng năm theo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh và các khoản tự nguyện ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định tại Nghị định số 50/CP, ngày 10 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ Ban hành Quy chế thành lập và hoạt động của Quỹ phòng, chống lụt, bão của địa phương (viết tắt là Nghị định số 50/CP).
3. Quỹ phòng, chống lụt, bão được sử dụng trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão, thiên tai trên địa bàn tỉnh và hỗ trợ các địa phương khác khi có lụt, bão, thiên tai xảy ra.
4. Quỹ phòng, chống lụt, bão được mở tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước.
Điều 3. Nguyên tắc quản lý, điều hành Quỹ phòng, chống lụt, bão
1. Việc sử dụng Quỹ phòng, chống lụt, bão phải đảm bảo đúng mục đích, đúng chế độ theo quy định của pháp luật và tại Quy định này. Nghiêm cấm việc sử dụng Quỹ phòng, chống lụt, bão sai mục đích dưới bất kỳ hình thức nào.
2. Trường hợp nguồn Quỹ phòng, chống lụt, bão trong năm không sử dụng hết sẽ được chuyển nguồn sang năm sau để tiếp tục sử dụng, không được sử dụng vào mục đích, nhiệm vụ khác.
3. Trường hợp trong năm tài chính, nguồn Quỹ phòng, chống lụt, bão đã được sử dụng hết, để đảm bảo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đột xuất phát sinh trong năm đối với công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai, Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ động báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Chương II
LẬP DỰ TOÁN, THU, NỘP, SỬ DỤNG QUỸ PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO
Điều 4. Lập dự toán Quỹ phòng, chống lụt, bão
1. Đối với Quỹ phòng, chống lụt, bão tỉnh
a) Kế hoạch hàng năm
- Tháng 10 hàng năm, các địa phương, đơn vị báo cáo đề xuất danh mục, nội dung cần hỗ trợ kinh phí để thực hiện những công việc quy định tại Điều 10 Quy định này từ nguồn Quỹ phòng, chống lụt, bão tỉnh cho năm sau, thông qua cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh.
- Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tiến hành rà soát, kiểm tra nội dung đề xuất của các địa phương, đơn vị; tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
b) Kế hoạch phát sinh khi xảy ra sự cố đột xuất, thiệt hại do thiên tai gây ra
- Các địa phương, đơn vị báo cáo tình hình thiệt hại do lụt, bão, thiên tai gây ra và đề xuất hỗ trợ kinh phí để khắc phục.
- Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra thực tế nơi xảy ra sự cố, lập biên bản đánh giá thiệt hại, nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục.
- Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định chi hỗ trợ từ nguồn Quỹ phòng, chống lụt, bão tỉnh để kịp thời tổ chức khắc phục.
c) Sau khi có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân tỉnh, cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy PCLB và TKCN lập thủ tục chi tạm ứng cho các địa phương, đơn vị theo đúng nội dung và kinh phí được duyệt.
2. Đối với Quỹ phòng, chống lụt, bão cấp huyện
Ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân cấp huyện lập kế hoạch, cân đối các khoản chi phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai từ Quỹ phòng, chống lụt, bão của cấp huyện (sau khi đề xuất danh mục, nội dung cần hỗ trợ từ nguồn Quỹ phòng, chống lụt, bão tỉnh), bảo đảm thực hiện có hiệu quả phương châm “Bốn tại chỗ”.
Điều 5. Giao chỉ tiêu
Hàng năm, trong quý I Trưởng Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh tổng hợp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định giao chỉ tiêu thu, nộp Quỹ phòng, chống lụt, bão trên cơ sở mức đóng góp một năm đối với đối tượng quy định tại điểm a, điểm b, khoản 2 Điều 1 Quy định này.
Điều 6. Mức đóng góp
1. Công dân trong độ tuổi quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 1 Quy định này, mỗi năm đóng góp số tiền tính theo giá thóc thu thuế sử dụng đất nông nghiệp tại thời điểm thu: 01 kg thóc (một kilôgam thóc) đối với thành viên hộ nông nghiệp; 02 kg thóc (hai kilôgam thóc) đối với các đối tượng khác.
2. Các doanh nghiệp quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 1 Quy định này, mỗi năm có trách nhiệm đóng góp hai phần vạn (2/10.000) trên tổng số vốn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhưng không quá 5.000.000 đồng (năm triệu đồng) và được hạch toán vào giá thành sản phẩm hoặc phí lưu thông để nộp vào Quỹ phòng, chống lụt, bão.
Điều 7. Miễn, tạm hoãn đóng góp Quỹ phòng, chống lụt, bão
Thực hiện theo quy định tại Điều 7 Quy chế thành lập và hoạt động của Quỹ phòng, chống lụt, bão của địa phương ban hành kèm theo Nghị định số 50/CP.
Điều 8. Phân bổ Quỹ phòng, chống lụt, bão
1. Trích 3% trên tổng số thu để trả thù lao cho những người trực tiếp đi thu ở phường và thị trấn, 5% cho những người trực tiếp đi thu ở xã.
2. Số còn lại (quy thành 100%) được phân bổ như sau: 40% nộp vào Quỹ phòng, chống lụt, bão huyện, thị xã; 60% nộp vào Quỹ phòng, chống lụt, bão tỉnh.
Điều 9. Thu quỹ
Việc thu Quỹ phòng, chống lụt, bão thực hiện theo quy định tại Điều 12 Quy chế thành lập và hoạt động Quỹ phòng, chống lụt, bão của địa phương ban hành kèm theo Nghị định số 50/CP.
Điều 10. Sử dụng Quỹ phòng, chống lụt, bão
Quỹ phòng, chống lụt, bão được thực hiện theo quy định tại Điều 14 Quy chế thành lập và hoạt động của Quỹ phòng, chống lụt, bão của địa phương ban hành kèm theo Nghị định số 50/CP và Điều 29 của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 24 tháng 8 năm 2000 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão và được sử dụng cho các công việc sau đây:
1. Tập huấn cho các đối tượng tham gia hộ đê;
2. Diễn tập các phương án phòng, chống lụt, bão;
3. Hỗ trợ xử lý sự cố đê điều (cho tất cả các cấp đê hiện có);
4. Tuần tra, canh gác đê trong mùa mưa bão;
5. Hỗ trợ tu sửa trường học, bệnh viện, trạm xá và các công trình công cộng khác ở địa phương để khắc phục hậu quả do bão, lụt gây ra;
6. Mua sắm trang thiết bị cần thiết cho việc cứu hộ, cứu trợ người bị nạn do lụt, bão gây ra;
7. Cứu hộ người và tài sản, cứu hộ công trình bị sự cố do lụt, bão gây ra;
8. Quy hoạch, xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình phòng, chống lụt, bão; trang bị phương tiện kỹ thuật cho công tác dự báo, cảnh báo và chỉ đạo, chỉ huy về phòng, chống lụt, bão;
9. Hoạt động chỉ đạo, chỉ huy, tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ về phòng, chống lụt, bão;
10. Khắc phục hậu quả lụt, bão.
Điều 11. Báo cáo, công khai tài chính Quỹ phòng, chống lụt, bão
1. Việc thu Quỹ phòng, chống lụt, bão phải thực hiện Quy chế công khai tài chính ban hành kèm theo Quyết định số 192/2004/QĐ-TTg, ngày 16 tháng 11 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 03/2005/TT-BTC, ngày 06 tháng 01 năm 2005 của Bộ Tài chính và thông báo công khai cho nhân dân và doanh nghiệp biết.
2. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện chế độ báo cáo quyết toán thu, chi Quỹ phòng, chống lụt bão theo quy định tại Điều 16 Quy chế thành lập và hoạt động Quỹ phòng, chống lụt, bão của địa phương ban hành kèm theo Nghị định số 50/CP.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Điều khoản thi hành
Các quy định khác liên quan đến việc quản lý, thu nộp, sử dụng Quỹ phòng, chống lụt, bão không được quy định trong Quy định này thì áp dụng theo quy định của Quy chế thành lập và hoạt động của Quỹ phòng, chống lụt, bão của địa phương ban hành kèm theo Nghị định số 50/CP./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.