ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2006/QĐ-UB | Quy Nhơn, ngày 03 tháng 01 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN QUẢN LÝ VÀ KHAI THÁC YẾN SÀO BÌNH ĐỊNH
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 332A/2005/QĐ-UB ngày 18/5/2005 của UBND tỉnh về việc thành lập Ban Quản lý và Khai thác Yến sào Bình Định;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thuỷ sản và Giám đốc Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý và Khai thác Yến sào Bình Định.
Điều 2. Giám đốc Sở Thuỷ sản có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo Ban Quản lý và Khai thác Yến sào Bình Định tổ chức triển khai các hoạt động của Ban theo đúng nội dung quy định của Quy chế.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Nội vụ, Tài chính, Thuỷ sản, thủ trưởng các cơ quan liên quan, Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn và Giám đốc Ban Quản lý và Khai thác Yến sào Bình Định căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN QUẢN LÝ VÀ KHAI THÁC YẾN SÀO BÌNH ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2006/QĐ-UB ngày 03/01/2006 của UBND tỉnh Bình Định)
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Ban Quản lý và khai thác Yến sào Bình Định được thành lập theo Quyết định số 332A/2005/QĐ-UB ngày 18/5/2005 của UBND tỉnh trên cơ sở tổ chức lại Công ty trách nhiệm hữu hạn Yến sào Bình Định.
Ban Quản lý và khai thác Yến sào Bình Định (sau đây gọi tắt là Ban Quản lý Yến sào) là đơn vị sự nghiệp kinh tế trực thuộc Sở Thuỷ sản, có tư cách pháp nhân đầy đủ, thực hiện chế độ hạch toán độc lập, được sử dụng con dấu riêng và mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các Ngân hàng thương mại để hoạt động theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Ban Quản lý Yến sào thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, tự trang trải toàn bộ kinh phí để hoạt động.
Tên tiếng Anh: Binh Dinh Swiftlet’s Nest Managing and Exploiting Board (viết tắt là: BIDISNEST)
Trụ sở chính đặt tại số nhà 26, đường Phan Bội Châu, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Điều 2. Ban Quản lý Yến sào hoạt động trong lĩnh vực quản lý, khai thác, tiêu thụ sản phẩm Yến sào và tổ chức nghiên cứu phát triển đàn chim Yến.
Ban Quản lý Yến sào kế thừa các quyền lợi và các nghĩa vụ của Công ty trách nhiệm hữu hạn Yến sào Bình Định (cũ).
Chương 2:
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Điều 3. Nhiệm vụ của Ban Quản lý Yến sào:
1. Xây dựng kế hoạch quản lý, khai thác, tiêu thụ Yến sào; các chương trình, dự án phát triển nguồn lợi Yến sào báo cáo Giám đốc Sở Thuỷ sản trình UBND tỉnh phê duyệt;
2. Tổ chức việc quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi Yến sào theo kế hoạch, chương trình, dự án được phê duyệt;
3. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ trong quản lý, khai thác Yến sào, bảo đảm việc khai thác Yến sào đạt hiệu quả cao trên cơ sở duy trì, bảo vệ và phát triển đàn chim Yến;
4. Phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan của tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ môi trường sinh thái khu vực khai thác Yến sào thuộc phạm vi quản lý;
5. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, thực hiện chế độ tiền lương và các chính sách, chế độ đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đơn vị, cán bộ, viên chức và người lao động thuộc phạm vị quản lý theo phân cấp;
6. Quản lý về tài chính, tài sản được giao;
7. Thực hiện đầy đủ các chế độ hạch toán, kế toán, thống kê, báo cáo quyết toán, kiểm tra và công khai tài chính theo quy định của pháp luật hiện hành; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước;
8. Thực hiện một số nhiệm vụ khác do UBND tỉnh và Gíam đốc Sở Thủy sản giao hoặc uỷ quyền.
Điều 4. Quyền hạn của Ban Quản lý Yến sào:
1. Được trực tiếp quan hệ giao dịch với các đối tác trong và ngoài nước trong việc đầu tư nghiên cứu, phát triển nguồn lợi Yến sào theo qui hoạch, kế hoạch được duyệt; được ký kết các hợp đồng kinh tế về tiêu thụ sản phẩm Yến sào sau khi đã báo cáo và được cấp có thẩm quyền cho phép;
2. Được trực tiếp liên hệ với các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND các huyện, thành phố để giải quyết các công việc có liên quan đến hoạt động của Ban Quản lý Yến sào;
3. Đề xuất, kiến nghị với Giám đốc Sở Thủy sản về các phương án có liên quan đến việc kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực hoạt động của Ban Quản lý Yến sào nhằm thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, chương trình, dự án, nhiệm vụ được giao;
4. Đề xuất, kiến nghị với Giám đốc Sở Thủy sản trình UBND tỉnh ban hành các quy định về chế độ, chính sách có liên quan đến các mặt hoạt động của Ban Quản lý Yến sào.
Chương 3:
TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ VÀ TÀI CHÍNH
Điều 5. Lãnh đạo của Ban Quản lý Yến sào gồm Giám đốc và Phó Giám đốc:
5.1. Giám đốc Ban Quản lý Yến sào là người đại diện pháp nhân cho đơn vị, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Thủy sản và pháp luật về toàn bộ các mặt hoạt động của Ban Quản lý Yến sào.
Giám đốc Ban Quản lý Yến sào do Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Sở Thủy sản và Giám đốc Sở nội vụ.
5.2. Phó Giám đốc Ban Quản lý Yến sào là người giúp Giám đốc Ban Quản lý Yến sào trực tiếp điều hành một số công việc hoặc một số lĩnh vực công tác của Ban Quản lý Yến sào theo sự phân công của Giám đốc; chịu trách nhiệm trước Giám đốc Ban Quản lý Yến sào và liên đới chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Thủy sản, trước pháp luật về những công việc và lĩnh vực công tác được phân công.
Phó Giám đốc Ban Quản lý Yến sào do Giám đốc Sở Thủy sản bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Ban Quản lý Yến sào sau khi có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Giám đốc Sở Nội vụ.
Điều 6. Ban Quản lý Yến sào được bố trí người làm Kế toán trưởng để tổ chức thực hiện công tác kế toán, lập báo cáo tài chính theo quy định của Luật Kế toán.
Kế toán trưởng có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Kế toán và các quy định hiện hành của Nhà nước.
Kế toán trưởng Ban Quản lý Yến sào do Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Sở Thủy sản và Giám đốc Sở nội vụ sau khi có ý kiến thẩm định về nghiệp vụ chuyên môn của Giám đốc Sở Tài chính.
Điều 7. Các phòng nghiệp vụ chuyên môn trực thuộc Ban Quản lý Yến sào:
- Phòng Tổ chức - Hành chính;
- Phòng Tài chính - Kế hoạch;
- Phòng Quản lý và khai thác Yến sào;
- Phòng nghiên cứu phát triển đàn chim Yến.
Tùy theo yêu cầu nhiệm vụ, khối lượng công việc của Ban Quản lý Yến sào ở từng giai đoạn, Giám đốc Ban Quản lý Yến sào có thể xem xét kiện toàn, tổ chức lại các phòng nghiệp vụ chuyên môn trực thuộc sau khi báo cáo và được sự đồng ý của Giám đốc Sở Thủy sản.
Chức năng, nhiệm vụ cụ thể và mối quan hệ công tác của các phòng nghiệp vụ chuyên môn do Giám đốc Ban Quản lý Yến sào quy định.
Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật các chức danh Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng các phòng nghiệp vụ chuyên môn do Giám đốc Ban Quản lý Yến sào quyết định sau khi báo cáo và được sự đồng ý của Giám đốc Sở Thủy sản.
Điều 8. Quản lý và sử dụng biên chế:
Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ, khối lượng công việc được giao và khả năng nguồn thu của đơn vị, Giám đốc Ban Quản lý Yến sào xây dựng kế hoạch biên chế và tiền lương hàng năm báo cáo Giám đốc Sở Thủy sản đề nghị cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Căn cứ chỉ tiêu biên chế được phê duyệt, Giám đốc Ban Quản lý Yến sào được quyền chủ động bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, viên chức và lao động theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, bảo đảm tinh gọn, hiệu qủa.
Việc tuyển dụng viên chức và lao động của Ban Quản lý Yến sào thực hiện theo quy định của Pháp lệnh cán bộ, công chức, Bộ luật Lao động và các quy định hiện hành khác của Nhà nước.
Điều 9. Cơ chế quản lý tài chính, sử dụng tài sản; việc lập và chấp hành dự toán thu, chi; chế độ kế toán thống kê, báo cáo quyết toán, kiểm tra công khai tài chính của Ban Quản lý Yến sào thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp có thu, tự trang trải toàn bộ kinh phí và hoạt động.
Giám đốc Ban Quản lý Yến sào xây dựng Quy chế quản lý, sử dụng tài chính báo cáo Giám đốc Sở Thuỷ sản trình UBND tỉnh ban hành làm cơ sở thực hiện.
Chương 4:
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 10. Chế độ làm việc.
Ban Quản lý Yến sào làm việc theo chế độ thủ trưởng và bảo đảm thực hiện các quy định của Quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính sự nghiệp ban hành kèm theo Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08/9/1998 của Chính phủ;
Giám đốc Ban Quản lý Yến sào là người chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của Ban Quản lý Yến sào theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Điều 11. Mối quan hệ công tác
1. Đối với Sở Thuỷ sản: Ban Quản lý Yến sào chịu sự chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Giám đốc Sở Thủy sản.
Giám đốc Ban Quản lý Yến sào có trách nhiệm báo cáo Giám đốc Sở Thủy sản chương trình, kế hoạch công tác hàng năm, qúy, tháng và kết qủa thực hiện chương trình kế hoạch công tác theo qui định;
2. Đối với các phòng nghiệp vụ chuyên môn và các đơn vị trực thuộc Sở Thuỷ sản, Ban Quản lý Yến sào có mối quan hệ phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao và theo Quy chế làm việc của Sở Thuỷ sản;
3. Đối với các cơ quan chức năng của tỉnh, Ban Quản lý Yến sào chịu sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan chức năng trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực hoạt động. Ban Quản lý Yến sào có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan chức năng thực hiện việc thanh tra, kiểm tra theo qui định.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Quy chế này thực hiện có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Mọi hoạt động của Ban Quản lý Yến sào phải theo đúng những nội dung quy định của Quy chế này và quy định khác của pháp luật.
Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề phát sinh hoặc vướng mắc, Giám đốc Ban Quản lý Yến sào có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Giám đốc Sở Thủy sản trình UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp ./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.