ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2014/QĐ-UBND | Nhà Bè, ngày 12 tháng 3 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN BỒI THƯỜNG, GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG HUYỆN NHÀ BÈ
ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN NHÀ BÈ
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Quyết định số 27/2003/QĐ-UB ngày 05 tháng 3 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố về cho phép Ủy ban nhân dân quận - huyện thành lập tổ chức chuyên trách về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại quận - huyện;
Căn cứ Quyết định số 80/2008/QĐ-UBND ngày 11 tháng 11 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố về kiện toàn tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng thuộc Ủy ban nhân dân quận - huyện;
Căn cứ Quyết định số 40/2011/QĐ-UBND ngày 16 tháng 6 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về điều chỉnh khoản 2 Điều 6 Quy chế (mẫu) tổ chức và hoạt động của Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng quận - huyện (ban hành kèm theo Quyết định số 80/2008/QĐ-UBND ngày 11 tháng 11 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố);
Căn cứ Quyết định số 67/2011/QĐ-UBND ngày 24 tháng 10 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quy định về trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân các cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Quyết định số 43/QĐ-UB.TC ngày 18 tháng 3 năm 2003 của Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè về việc thành lập Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè;
Xét đề nghị của Trưởng Phòng Nội vụ tại Tờ trình số 76/TTr-PNV ngày 10 tháng 3 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 07 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 02/2009/QĐ-UBND ngày 15 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện, Trưởng phòng Nội vụ, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã - thị trấn và Trưởng ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN BỒI THƯỜNG, GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG HUYỆN NHÀ BÈ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 02/2014/QĐ-UBND ngày 12 tháng 3 năm 2014 của Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng:
Quy chế này quy định về tổ chức và hoạt động của Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè.
Điều 2. Vị trí pháp lý
Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè là đơn vị sự nghiệp công lập; được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ.
Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè do Ủy ban nhân dân huyện thành lập và chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban nhân dân huyện, đồng thời chịu sự hướng dẫn nghiệp vụ của các sở - ngành đối với các hoạt động liên quan.
Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo quy định.
Chương II
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC
Điều 3. Chức năng, nhiệm vụ
Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè có chức năng, nhiệm vụ:
1. Lập phương án về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, báo cáo Hội đồng Bồi thường dự án thông qua thẩm định và trình duyệt theo quy định;
2. Giúp Hội đồng Bồi thường của dự án thực hiện nhiệm vụ tại điểm a khoản 4 Điều 41 của Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định số 35/2010/QĐ-UBND ngày 28 tháng 5 năm 2010 của Ủy ban nhân dân Thành phố; chịu trách nhiệm trước Hội đồng Bồi thường của dự án về tính chính xác, sự phù hợp chính sách của phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;
3. Hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của người sử dụng đất về những vấn đề liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư; kiểm kê thực tế so sánh với tờ khai có sự tham gia của người được bồi thường và chủ sử dụng đất. Xác định tổng mức phải bồi thường cho toàn bộ diện tích đất thu hồi, toàn bộ tài sản hiện có trên đất và các khoản bồi thường, hỗ trợ khác. Xác định mức bồi thường, hỗ trợ cho từng đối tượng, lưu trữ hồ sơ bồi thường, hỗ trợ của dự án theo quy định;
4. Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, báo cáo, đề xuất Hội đồng Bồi thường của dự án hoặc Ủy ban nhân dân huyện xem xét giải quyết;
5. Thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ và phối hợp với các đơn vị có liên quan để bố trí tái định cư cho người bị thu hồi đất chính xác, đúng đối tượng;
6. Phối hợp các ban, ngành, Ủy ban nhân dân xã, thị trấn và các đơn vị có liên quan trên địa bàn huyện để nghiên cứu, đề xuất giải quyết các trường hợp xin cứu xét hoặc khiếu nại về bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đồng thời chịu trách nhiệm báo cáo, giải trình theo chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đối với các dự án trên địa bàn huyện do Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện thực hiện;
7. Phối hợp với các cơ quan có liên quan lập dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (nếu có) báo cáo thẩm định và trình duyệt theo quy định;
8. Hợp đồng thuê các đơn vị tư vấn có chức năng đo vẽ hiện trạng nhà đất để làm cơ sở xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoặc thuê đơn vị tư vấn có chức năng thực hiện;
9. Tổng hợp nhu cầu tái định cư của các dự án công ích trên địa bàn huyện cho từng giai đoạn và kế hoạch giải quyết tái định cư cho các dự án này;
10. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện thực hiện việc chào mua công khai nhu cầu về quỹ nhà, đất tái định cư theo quy định của Ủy ban nhân dân Thành phố;
11. Thường xuyên cập nhật đơn giá liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (nhà ở, đất ở, giá vật liệu xây dựng...) theo quy định của pháp luật;
12. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn liên quan thuộc Ủy ban nhân dân huyện rà soát quỹ đất do Nhà nước trực tiếp quản lý, quỹ đất dôi dư sau khi xử lý thu hồi từ các doanh nghiệp, tổ chức; các dự án phát triển nhà thương mại có sử dụng quỹ đất công để xác định quỹ nhà, đất có thể sử dụng bố trí tái định cư;
13. Kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công các dự án tái định cư và các dự án đã ký kết hợp đồng theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện, báo cáo các khó khăn, vướng mắc và đề xuất hướng tháo gỡ;
14. Phối hợp các cơ quan chuyên môn liên quan thuộc Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân xã, thị trấn và các sở - ngành Thành phố, để theo dõi, hỗ trợ các hộ dân ổn định cuộc sống sau khi di dời theo Quyết định số 156/2006/QĐ-UBND ngày 27 tháng 10 năm 2006 của Ủy ban nhân dân Thành phố về thành lập Quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố;
15. Thực hiện chế độ báo cáo sơ kết định kỳ hàng tháng, hàng quý, sáu tháng, tổng kết năm của công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư trên địa bàn và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện và các sở - ngành liên quan;
16. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật, do Ủy ban nhân dân Thành phố quy định và do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo.
Điều 4. Cơ cấu tổ chức
1. Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo:
Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện do Trưởng ban phụ trách, có từ 02 đến 03 Phó Trưởng ban giúp việc Trưởng ban.
Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện làm việc theo chế độ thủ trưởng.
2. Cơ cấu các phòng chức năng, nghiệp vụ trực thuộc:
a) Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện được tổ chức các Phòng chức năng sau:
- Phòng Tổ chức - Hành chính quản trị;
- Phòng Kế toán tài vụ;
- Phòng Nghiệp vụ 1 phụ trách công tác lập hồ sơ bồi thường;
- Phòng Nghiệp vụ 2 phụ trách công tác lập hồ sơ bồi thường;
- Phòng Nghiệp vụ 3 phụ trách công tác lập hồ sơ bồi thường;
- Phòng Nghiệp vụ 4 phụ trách công tác lập hồ sơ bồi thường;
- Phòng Tái định cư;
- Phòng Tiếp dân, tuyên truyền, vận động và giải quyết khiếu nại tố cáo;
- Phòng Kiểm tra hồ sơ bồi thường;
- Phòng Xây dựng dự án bồi thường.
b) Các Phòng chức năng có 01 Trưởng phòng và 01 đến 02 Phó Trưởng phòng.
3. Thẩm quyền thành lập, sáp nhập và sắp xếp các Phòng chức năng thuộc Ban; thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ các chức danh:
a) Thành lập, sáp nhập và sắp xếp các Phòng chức năng thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện.
b) Thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ các chức danh:
- Trưởng ban, Phó Trưởng ban, Kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán, thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện;
- Trưởng phòng, Phó trưởng phòng các Phòng chức năng, thuộc thẩm quyền của Trưởng ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Chương III
CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH, TIỀN LƯƠNG
Điều 5. Chế độ chính sách, tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức
Chế độ tiền lương của cán bộ, công chức và viên chức Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng áp dụng theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Nghị định 17/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004.
Điều 6. Chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp kế toán
1. Chế độ phụ cấp chức vụ:
a) Lãnh đạo Ban:
- Trưởng ban hưởng mức phụ cấp chức vụ: 0,40.
- Phó Trưởng ban hưởng phụ cấp chức vụ: 0,30.
b) Viên chức quản lý Phòng chuyên môn:
- Trưởng phòng chuyên môn, nghiệp vụ hưởng mức: 0,20.
- Phó Trưởng phòng chuyên môn, nghiệp vụ hưởng mức: 0,15.
2. Chế độ phụ cấp kế toán:
- Kế toán trưởng được hưởng mức phụ cấp: 0,30.
- Phụ trách kế toán được hưởng mức phụ cấp: 0,20.
Chương IV
ĐỊNH MỨC BIÊN CHẾ VÀ CƠ CHẾ TÀI CHÍNH
Điều 7. Định mức biên chế
1. Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc hệ thống các đơn vị sự nghiệp nhà nước, được giao định mức biên chế khung và được sử dụng nguồn thu theo quy định để chi lương, phụ cấp và các hoạt động hành chính khác.
2. Tùy theo tình hình, đặc điểm công tác, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện quyết định định mức biên chế trong tổng số biên chế sự nghiệp khác của huyện được Ủy ban nhân dân Thành phố giao hàng năm.
3. Ngoài định mức biên chế nêu trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện cho phép Trưởng Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng được hợp đồng lao động (theo Bộ Luật Lao động), hợp đồng thuê, khoán công việc đối với những công việc không cần bố trí biên chế thường xuyên để đáp ứng yêu cầu công tác của đơn vị.
Điều 8. Cơ chế tài chính
Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện là đơn vị sự nghiệp công lập; áp dụng cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, được quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ; Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP và Thông tư số 113/2007/TT-BTC ngày 24 tháng 9 năm 2007 về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 09 tháng 8 năm 2006.
Điều 9. Nguồn kinh phí
Kinh phí hoạt động của Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện được trích từ 02% (hai phần trăm) chi phí phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của các dự án trên địa bàn huyện.
Trường hợp đặc biệt kinh phí trích từ 02% (hai phần trăm) chi phí phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của các dự án trên địa bàn huyện không đủ chi, thì Ủy ban nhân dân huyện căn cứ vào cân đối ngân sách huyện để bổ sung kinh phí hoạt động theo quy định.
Chương V
PHÂN CÔNG, CHẾ ĐỘ TRÁCH NHIỆM CỦA TRƯỞNG BAN, PHÓ TRƯỞNG BAN VÀ CÁC PHÒNG CHỨC NĂNG
Điều 10. Phân công, chế độ trách nhiệm
1. Trưởng ban:
- Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện về toàn bộ hoạt động của Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng đồng thời chịu sự hướng dẫn của các sở - ngành đối với các hoạt động liên quan;
- Điều hành hoạt động của Ban; chỉ đạo cán bộ, viên chức, nhân viên của Ban lập, trình duyệt phương án tổng thể hoặc phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của các dự án trên địa bàn huyện;
- Tham gia thành viên Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của các dự án trên địa bàn huyện và thực hiện vai trò tham mưu, giúp việc theo quy định tại chức năng, nhiệm vụ của Quy chế này;
- Giúp Ủy ban nhân dân huyện xây dựng và ban hành quy trình giải quyết hồ sơ thủ tục liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
2. Các Phó Trưởng ban:
Phó Trưởng ban là người giúp việc cho Trưởng ban, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo lĩnh vực công tác do Trưởng ban phân công và chịu trách nhiệm trước Trưởng ban, liên đới chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã được giao. Phó Trưởng ban được Trưởng ban ủy quyền thực hiện một số công việc cụ thể theo quy định.
3. Các Phòng chuyên môn, nghiệp vụ:
- Tham mưu, giúp việc cho Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban về các lĩnh vực được phân công;
- Soạn thảo và tham mưu cho Trưởng ban ký ban hành nội quy, chức năng, nhiệm vụ cụ thể và chế độ trách nhiệm của từng Phòng thuộc đơn vị;
- Thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động của đơn vị;
- Tham mưu cho lãnh đạo đơn vị giải quyết những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị;
- Xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ hàng năm cho đơn vị;
- Thực hiện các công tác khác theo sự chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị.
4. Cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên:
Cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên làm việc tại Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng phải có trình độ chuyên môn phù hợp với công việc, là người có phẩm chất, đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan trong thi hành công vụ và chấp hành nghiêm túc sự phân công của lãnh đạo Ban, Phòng.
Chương VI
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 11. Chế độ làm việc và hội họp
1. Chế độ làm việc:
Thực hiện theo quy định chung của Nhà nước và của huyện.
Cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên của Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện đều có chức danh, nhiệm vụ cụ thể và đeo thẻ theo quy định.
Cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên phải có thái độ, phong cách làm việc lịch sự, hòa nhã, tận tụy, khiêm tốn, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân cũng như của đồng nghiệp.
2. Chế độ hội họp:
Định kỳ hàng tuần họp giao ban giữa lãnh đạo Ban với các Trưởng phòng để kiểm điểm công tác trong tuần qua và triển khai công tác tuần tới.
Hàng tháng họp toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên của đơn vị một lần để kiểm điểm tình hình thực hiện công tác trong tháng qua và đề ra công tác cho tháng tiếp theo; đồng thời, phổ biến các chủ trương, chính sách, chế độ mới của Nhà nước, nhiệm vụ mới phát sinh ở địa phương và có văn bản báo cáo cho Ủy ban nhân dân huyện và sở - ngành liên quan.
Hàng quý, 6 tháng và cuối năm, báo cáo sơ, tổng kết công tác theo quy định.
Ngoài ra, có thể tổ chức họp đột xuất để triển khai các công việc cần thiết và cấp bách theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện.
Điều 12. Quan hệ công tác
Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện có các mối quan hệ công tác như sau:
1. Đối với Sở Tài chính và các sở - ngành liên quan:
- Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện chịu sự hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Tài chính và các sở - ngành liên quan về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để huyện Nhà Bè thực hiện đồng bộ, thống nhất.
- Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện thực hiện việc báo cáo kết quả công tác định kỳ, đột xuất và chuyên đề theo yêu cầu của Hội đồng Thẩm định Bồi thường Thành phố và các sở - ngành liên quan.
2. Đối với Ủy ban nhân dân huyện:
Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện chịu sự lãnh đạo và quản lý trực tiếp, toàn diện của Ủy ban nhân dân huyện. Trưởng ban trực tiếp nhận chỉ đạo của
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện và báo cáo Ủy ban nhân dân huyện việc thực hiện những mặt công tác đã được phân công.
3. Đối với Hội đồng Bồi thường của dự án:
Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện là cơ quan Thường trực của Hội đồng, tham mưu cho Hội đồng trong công tác lập phương án và phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tổ chức thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư.
4. Đối với các cơ quan khác thuộc Ủy ban nhân dân huyện:
Thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp và hợp tác bình đẳng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được quy định.
Khi phối hợp giải quyết công việc thuộc lĩnh vực mình phụ trách, nếu chưa nhất trí với ý kiến của các cơ quan khác, Trưởng ban chủ động tập hợp các ý kiến và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện quyết định.
5. Đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể và tổ chức xã hội huyện:
Phối hợp với các ngành, đoàn thể có liên quan trong việc tuyên truyền, vận động các tổ chức và cá nhân thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật, quy định của Nhà nước để giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án đầu tư đã được phê duyệt.
Khi các tổ chức trên có yêu cầu, kiến nghị những vấn đề thuộc chức năng của Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện, Trưởng ban có trách nhiệm trình bày, giải quyết hoặc trình Ủy ban nhân dân huyện giải quyết các yêu cầu đó theo quy định.
6. Đối với Ủy ban nhân dân xã, thị trấn:
Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng huyện phối hợp Ủy ban nhân dân xã, thị trấn nơi có dự án đầu tư trong việc điều tra, khảo sát hiện trạng, cung cấp các tài liệu, thông tin cần thiết thực hiện tính toán giá trị bồi thường, hỗ trợ và chi trả tới từng hộ dân để phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện theo quy định của Nhà nước.
Khi phối hợp giải quyết công việc thuộc lĩnh vực mình phụ trách, nếu chưa nhất trí với ý kiến của Ủy ban nhân dân xã, thị trấn, Trưởng ban tập hợp các ý kiến và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện quyết định.
Chương VII
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng và các cơ quan liên quan thuộc huyện có trách nhiệm thực hiện Quy chế này.
Giao Trưởng ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng xây dựng ban hành quy chế hoạt động nội bộ của Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng để đơn vị hoạt động có hiệu quả.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, Trưởng Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện bổ sung hoặc sửa đổi Quy chế, sau khi có sự trao đổi thống nhất với Trưởng Phòng Nội vụ./.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.