ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2010/QĐ-UBND | Biên Hòa, ngày 11 tháng 01 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TUYỂN SINH CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết số 51/2005/NQ-HĐND ngày 21/7/2005 của HĐND tỉnh về phát triển nguồn nhân lực phục vụ kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;
Theo đề nghị của Ban Chủ nhiệm chương trình đào tạo sau đại học tại Tờ trình số 128/TTr-CT2 ngày 10/12/2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Đối tượng tham gia dự tuyển
1. Mở rộng và ưu tiên các đối tượng thuộc các ngành y tế, giáo dục, đào tạo dạy nghề; đối tượng là sinh viên năm cuối ở các trường đại học có đủ điều kiện được chuyển tiếp lên chương trình đào tạo sau đại học và đặc biệt là đối tượng con em gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, con em đồng bào dân tộc thiểu số. Quá trình tuyển chọn đối tượng đưa đi đào tạo, nếu điểm thi xét tuyển bằng nhau thì ưu tiên trúng tuyển cho đối tượng thuộc gia đình có công với cách mạng, đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số.
2. Ưu tiên đối tượng trong diện quy hoạch cán bộ chủ chốt của tỉnh ngoài các tiêu chuẩn chung phải đáp ứng các tiêu chuẩn là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ.
3. Đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức hoặc những người hợp đồng dài hạn hoặc từ 12 tháng trở lên đang công tác tại các trường đại học, cơ quan hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước có phẩm chất đạo đức và năng lực công tác tốt.
4. Sinh viên Đồng Nai có thành tích học tập khá, giỏi, xuất sắc tại các trường đại học trong và ngoài tỉnh, học viên đang theo học (bằng nguồn kinh phí tự túc) chương trình sau đại học với chuyên ngành phù hợp mục tiêu đào tạo của chương trình có nguyện vọng công tác lâu dài theo sự phân công của tỉnh Đồng Nai, có khả năng phát triển cao hơn trong điều kiện học tập và nghiên cứu thuận lợi.
5. Đối với các chuyên ngành: Công nghệ sinh học, y dược, công nghệ thông tin, giáo viên dạy ngoại ngữ và biên phiên dịch đối tượng dự tuyển mở rộng cho những trường hợp có hộ khẩu ngoài tỉnh.
Điều 2. Điều kiện và tiêu chuẩn
1. Điều kiện chung:
- Có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, có lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, có thành tích trong học tập khá, giỏi, xuất sắc (đối với sinh viên mới tốt nghiệp đại học) hoặc có thành tích tốt trong công tác (đối với những người đang làm việc); có khả năng trong công tác nghiên cứu khoa học hoặc quản lý xã hội, quản lý khoa học, quản lý sản xuất; có khả năng chỉ huy, điều hành, có triển vọng trở thành cán bộ chủ chốt, chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và quản lý.
- Có cam kết sau khi hoàn thành chương trình đào tạo sẽ trở về công tác, làm việc theo phân công của tỉnh.
- Phải có đủ hồ sơ tham gia dự tuyển.
2. Các điều kiện và tiêu chuẩn cụ thể:
a) Về độ tuổi: Tuổi không quá 45.
b) Về phẩm chất đạo đức:
- Những người dự tuyển phải có văn bản nhận xét của nhà trường hoặc nơi công tác. Người dự tuyển phải là người hiện không có tiền án, tiền sự.
- Đối với sinh viên mới ra trường phải là Đảng viên hoặc Đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
- Đối với những người đã làm việc phải có nhận xét của cơ quan đang công tác về phẩm chất đạo đức và năng lực công tác.
c) Về trình độ:
Đối với loại hình đào tạo trong nước: Đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy chế tuyển sinh sau đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đối với loại hình toàn phần ở nước ngoài và liên kết người dự tuyển phải đáp ứng được các tiêu chuẩn sau:
- Trường hợp học bằng tiếng Anh:
+ Loại hình đào tạo toàn phần ở nước ngoài: Yêu cầu đạt trình độ TOEFL®:PBT: ≥ 450 điểm hoặc TOEFL®:iBT: ≥ 45 điểm hoặc IELTS: ≥ 5.5 đối với sinh viên đại học và TOEFL®:PBT: ≥ 500 điểm hoặc TOEFL®:iBT: ≥ 61 điểm hoặc IELTS: ≥ 6.0 đối với sinh viên cao học và đáp ứng các yêu cầu của Quốc gia, trường đăng ký đến học.
+ Loại hình đào tạo liên kết: Yêu cầu đạt TOEFL® PBT: ≥ 500 điểm hoặc TOEFL®:iBT: ≥ 61 điểm hoặc IELTS: ≥ 6.0 và giai đoạn chuyển tiếp sang nước ngoài: TOEFL®:PBT: ≥ 550 điểm hoặc TOEFL®:iBT: ≥ 80 điểm hoặc IELTS: ≥ 6.5
và đáp ứng các yêu cầu của Quốc gia, trường đăng ký đến học.
- Trường hợp học bằng tiếng Việt: Yêu cầu đạt trình độ B tiếng Anh trở lên hoặc tương đương (đối với loại hình liên kết).
- Trường hợp học bằng tiếng Hoa: Trình độ HSK (Hán ngữ Quốc tế) ≥ cấp 9.
- Trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh sau đại học trong nước, hoặc điểm GRE ≥ 1000 với 3.5 Writing (đối với những ngành khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội nhân văn), hoặc điểm GMAT ≥ 450 với 10% Verbal và Quantitative (đối với ngành quản trị kinh doanh).
Những trường hợp sau không cần trúng tuyển kỳ thi cao học trong nước:
+ Giáo viên dạy ngoại ngữ, biên phiên dịch học sau đại học đúng chuyên ngành đang công tác.
+ Được nước ngoài cấp học bổng tối thiểu 50% kinh phí học tập.
Điều 3. Nguyên tắc xét tuyển
- Những người dự tuyển sẽ được Hội đồng Xét tuyển xét vòng sơ tuyển theo nguyên tắc lựa chọn tất cả những người dự tuyển có đủ tiêu chuẩn yêu cầu để tham dự thi tuyển. Những người được xét tuyển sẽ được đào tạo chuẩn bị trong thời gian phù hợp tại lớp đào tạo chuẩn bị của chương trình.
- Sau khi dự lớp đào tạo chuẩn bị, các học viên sẽ tham dự thi tuyển tại các trường đại học, viện nghiên cứu theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Những người trúng tuyển vào chương trình được xác định theo nguyên tắc có điểm thi cao nhất, xét từ trên xuống và theo chỉ tiêu đào tạo cụ thể hàng năm. Những người trúng tuyển đưa đi đào tạo ở nước ngoài được lựa chọn trong số những người trúng tuyển theo nguyên tắc có điểm thi cao nhất và đảm bảo đủ khả năng ngoại ngữ theo yêu cầu của các nước nhập học, xét từ trên xuống và theo chỉ tiêu đào tạo cụ thể hàng năm ở nước ngoài.
Điều 4. Quy trình sơ tuyển và thi tuyển
1. Những người có đủ các điều kiện và tiêu chuẩn quy định tại Điều 2 Quyết định này đều được tham dự sơ tuyển. Hồ sơ tham dự sơ tuyển gửi về Sở Khoa học và Công nghệ đúng thời gian quy định, hồ sơ gồm:
- Đơn xin dự tuyển (theo mẫu quy định).
- Lý lịch (có chứng nhận của địa phương).
- Bản sao các văn bằng (có chứng thực).
- Hồ sơ theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Sở Khoa học và Công nghệ sau khi nhận hồ sơ dự tuyển sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ của những người xin dự tuyển về Ban Chủ nhiệm chương trình (sau đây viết tắt là BCN) để xét vòng sơ tuyển.
3. BCN thực hiện việc xét tuyển dựa trên các điều kiện và tiêu chuẩn quy định tại Điều 2 của Quy định này; kết quả của vòng sơ tuyển sẽ được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi thông báo đến những người trúng tuyển.
4. Sau khi có kết quả của vòng sơ tuyển, những người trúng tuyển sẽ tham gia các lớp đào tạo bổ sung trong thời gian phù hợp do BCN quyết định và tự túc nộp hồ sơ thi tuyển tại các trường đại học, viện nghiên cứu theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
5. Căn cứ kết quả thi tuyển, BCN thực hiện việc tuyển chọn theo đúng nguyên tắc xét tuyển quy định tại Điều 3 của Quy định này, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định.
Điều 5. Quyền lợi và nghĩa vụ của người trúng tuyển
1. Quyền lợi:
Những người được đưa đi đào tạo trong chương trình sẽ được đảm bảo cho việc học tập theo các chế độ sau đây:
- Được vay toàn bộ kinh phí (không tính lãi) đảm bảo cho việc học tập. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo và nghiên cứu, những người có văn bằng tiến sĩ hoặc thạc sĩ:
+ Loại xuất sắc, giỏi: Được hỗ trợ 100% tiền vay và được UBND tỉnh khen thưởng.
+ Loại khá: Khối khoa học tự nhiên được hỗ trợ 100% tiền vay, khối khoa học xã hội và nhân văn được hỗ trợ 85% tiền vay.
+ Loại trung bình: Được hỗ trợ kinh phí học tập theo đề nghị của Ban Chủ nhiệm chương trình.
- Những người trúng tuyển đưa đi đào tạo ở nước ngoài nhưng chưa đảm bảo đủ khả năng tiếng Anh theo yêu cầu của nước nhập học sẽ được đào tạo bổ sung 01 học kỳ tiếng Anh từ 3 - 4 tháng tại nơi được cử đi học.
2. Nghĩa vụ:
a) Những người không hoàn thành việc học tập, nghiên cứu phải hoàn trả 100% kinh phí đã được chương trình cho vay cả chi phí đầu tư và lãi suất cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ (đối với nguyên nhân chủ quan), trường hợp do nguyên nhân khách quan sẽ xem xét tỷ lệ hoàn trả tùy theo mức độ.
b) Tất cả những người được trúng tuyển đưa đi đào tạo trong nước hay ngoài nước đều phải được thân nhân ở Việt Nam đứng ra bảo lãnh. Người đi học và thân nhân ở Việt Nam phải ký thỏa thuận cam kết mang tính pháp lý với các điều khoản cụ thể có liên quan đến việc được vay kinh phí.
c) Những người được vay kinh phí sau khi đã được hỗ trợ theo khoản 1 Điều này, khi hoàn tất chương trình đào tạo phải trở về và phục vụ theo phân công của tỉnh Đồng Nai.
- Đối với tiến sĩ: Sau khi tốt nghiệp về phục vụ theo phân công của tỉnh tối thiểu là 15 năm.
- Đối với thạc sĩ: Sau khi tốt nghiệp về phục vụ theo phân công của tỉnh tối thiểu là 10 năm.
- Nếu không trở về để phục vụ theo phân công của tỉnh sẽ phải bồi hoàn các chi phí đã được đào tạo từ chương trình cả chi phí đầu tư và lãi suất cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.
d) Các khoản nợ vay sau khi đã được hỗ trợ theo khoản 1 Điều này, người được đào tạo theo chương trình sau khi hoàn thành việc học tập, nghiên cứu trở về địa phương phục vụ được hoàn trả dần tiền vay với thời hạn không quá 15 năm đối với tiến sĩ và 10 năm đối với thạc sĩ.
đ) Đối với cán bộ trong diện quy hoạch là cán bộ chủ chốt của tỉnh được chương trình hỗ trợ 100% kinh phí học tập, nghiên cứu. Trường hợp không hoàn thành việc học tập, nghiên cứu sẽ phải bồi thường chi phí đào tạo theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 6. Giám sát học viên
- Những người được đi học trong chương trình phải gửi báo cáo kết quả học tập, nghiên cứu theo định kỳ 06 tháng cho BCN. Những vấn đề phát sinh trong thời gian học tập cần được thông báo kịp thời cho Sở Khoa học và Công nghệ.
- Thông qua các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, các trường đại học, viện nghiên cứu, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ theo dõi tình hình học tập, nghiên cứu và đời sống của các học viên tham gia chương trình nhằm tạo mọi điều kiện cho học viên đạt kết quả học tập, nghiên cứu tốt nhất.
Điều 7. Trách nhiệm của Sở Khoa học và Công nghệ
Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm thông báo tuyển sinh; tiếp nhận và tổng hợp hồ sơ dự tuyển; tổ chức Hội đồng Xét duyệt hồ sơ ứng viên dự tuyển; trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách ứng viên được tham gia chương trình. Căn cứ vào quyết định của UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện các hoạt động cần thiết trong việc đưa các học viên đi đào tạo ở các cơ sở đào tạo trong nước hoặc ngoài nước.
Điều 8. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Quyết định này thay thế Quyết định số 47/2007/QĐ-UBND ngày 18/7/2007 của UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quy định tuyển sinh của chương trình đào tạo sau đại học giai đoạn 2006 - 2010 và Quyết định số 96/2008/QĐ-UBND ngày 31/12/2008 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 Quy định về tuyển sinh của chương trình đào tạo sau đại học giai đoạn 2006 - 2010 ban hành kèm theo Quyết định số 47/2007/QĐ-UBND ngày 18/7/2007 của UBND tỉnh Đồng Nai.
Điều 9. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.