BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/QĐ-BCĐ389 | Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2017 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH “QUY CHẾ CUNG CẤP THÔNG TIN PHỤC VỤ CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN CỦA BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA CHỐNG BUÔN LẬU GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ”
TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA
CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ
Căn cứ Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 19 tháng 3 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;
Căn cứ Quyết định số 09/QĐ-TTg ngày 06 tháng 1 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 389/QĐ-TTg về thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;
Căn cứ Quyết định số 31/QĐ-BCĐ389 ngày 23 tháng 5 năm 2014 của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả về ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng thường trực,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố, Bộ, Ngành, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. TRƯỞNG BAN |
QUY CHẾ
CUNG CẤP THÔNG TIN PHỤC VỤ CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN CỦA BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 01/QĐ-BCĐ389 ngày 25 tháng 01 năm 2017 của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia )
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng, phạm vi điều chỉnh
1. Quy chế này quy định chế độ, nội dung, hình thức cung cấp thông tin về vụ việc, tình hình, kết quả phát hiện, bắt giữ, xử lý vụ việc vi phạm của các Bộ, ngành, địa phương để phục vụ công tác tuyên truyền của Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) trên các cơ quan thông tấn, báo chí.
2. Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan chịu trách nhiệm chấp hành chế độ cung cấp thông tin này.
Điều 2. Nguyên tắc
1. Chủ động cung cấp thông tin tuyên truyền để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
2. Chủ động cung cấp chính xác, kịp thời, đúng yêu cầu về nội dung, hình thức, thời hạn.
3. Việc đăng tải, trích dẫn, sử dụng thông tin phải ghi rõ thông tin về tác giả, nguồn của thông tin.
4. Chấp hành chế độ bí mật nhà nước theo quy định.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Chế độ cung cấp thông tin định kỳ
1. Nội dung thông tin cung cấp cho báo chí định kỳ
a) Chủ trương, chính sách, pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
b) Thông tin chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương.
c) Tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (phương thức, thủ đoạn, địa bàn, tuyến trọng điểm, hiện tượng, vụ việc nổi cộm...).
2. Hình thức cung cấp thông tin định kỳ
a) Cung cấp thông tin cho báo chí bằng văn bản hoặc thông tin trực tiếp tại các cuộc họp báo.
b) Tổ chức họp báo ít nhất 3 tháng một lần để cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí.
c) Cung cấp thông tin về Ban chỉ đạo 389 quốc gia (qua Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia) tại địa chỉ Email: bcd389- tinnhanh@customs.gov.vn.
3. Thẩm quyền cung cấp thông tin
a) Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia là Người phát ngôn của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, truyền thông thực hiện theo Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
b) Trong từng trường hợp cụ thể, Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương quyết định việc cung cấp thông tin thuộc phạm vi quản lý hoặc ủy quyền cho đầu mối (qua Cơ quan thường trực) cung cấp thông tin cho báo chí.
Điều 4. Chế độ cung cấp thông tin trong trường hợp đột xuất
1. Việc cung cấp thông tin đột xuất thực hiện trong các trường hợp:
a) Các thông tin, sự kiện hoạt động, văn bản chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương; thông tin về tình hình, hiện tượng, vụ việc vi phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả do các đơn vị kiểm tra, thanh tra, phát hiện, bắt giữ, xử lý,...
b) Khi thấy cần thiết phải thông tin trên báo chí về các sự kiện, vấn đề quan trọng thuộc lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm răn đe, phòng ngừa chung.
c) Khi có căn cứ cho rằng báo chí đăng tải thông tin chưa chính xác, sai sự thật về lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thì người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn yêu cầu cơ quan báo chí đó phải đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định của pháp luật.
2. Phương thức cung cấp thông tin
a) Trực tiếp cung cấp thông tin bằng văn bản, trao đổi, trả lời phỏng vấn...
b) Cung cấp thông tin về Ban Chỉ đạo 389 quốc gia thông qua Văn phòng thường trực (Email: bcd389-tinnhanh@customs.gov.vn). để phục vụ cho công tác tuyên truyền của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
3. Nội dung thông tin nhanh vụ việc cần đảm bảo các tiêu chí sau: thời gian, địa điểm xảy ra vụ việc; khái quát về đối tượng vi phạm, hành vi vi phạm, tang vật vi phạm, trị giá tang vật vi phạm, kết quả xử lý ban đầu; file hình ảnh, file video clip...
4. Thời hạn báo cáo thông tin; Ngay sau khi bắt giữ vụ việc, đơn vị hoặc lực lượng trực tiếp phát hiện, bắt giữ phải báo cáo cấp có thẩm quyền. Trong thời hạn 05 giờ làm việc kể từ thời điểm phát hiện, bắt giữ vụ việc, cơ quan có thẩm quyền phải báo cáo về Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia.
5. Thẩm quyền cung cấp thông tin đột xuất
a) Người có thẩm quyền quy định tại khoản 3, Điều 3 Quy chế này.
b) Lãnh đạo đơn vị trực tiếp phát hiện, bắt giữ, xử lý
Điều 5. Trách nhiệm của Ban chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương
1. Phân công đơn vị, cử cán bộ làm đầu mối báo chí thực hiện chế độ báo cáo, cung cấp thông tin quy định tại quy chế này. Danh sách đầu mối báo chí (họ và tên, đơn vị, chức danh, số điện thoại liên lạc) gửi về Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (qua Văn phòng Thường trực).
2. Chỉ đạo, đôn đốc công tác cung cấp thông tin, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.
Điều 6. Trách nhiệm của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia
1. Tổng hợp thông tin của Ban chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương để chủ động cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất, tổ chức liên quan.
2. Chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn đôn đốc việc thực hiện Quy chế này.
3. Định kỳ hàng quý, Văn phòng Thường trực tổng hợp tình hình cung cấp thông tin của Ban chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương để báo cáo Trưởng ban.
Điều 7. Khen thưởng, kỷ luật
1. Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Quy chế này, được đề nghị khen thưởng theo quy định hiện hành.
2. Các tập thể, cá nhân không làm tốt công tác cung cấp thông tin trong Quy chế này thì tùy theo mức độ sẽ xem xét xử lý trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan theo quy định hiện hành.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Điều khoản thi hành
1. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế các công văn hướng dẫn trước đây về công tác thông tin báo cáo phục vụ công tác thông tin tuyên truyền của Ban chỉ đạo 389 quốc gia. Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm quán triệt, thực hiện nghiêm túc Quy chế này.
2. Định kỳ 6 tháng tổng hợp kết quả thực hiện Quy chế này báo cáo về Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (qua Văn phòng Thường trực). Cung cấp thông tin định kỳ và đột xuất về Ban Chỉ đạo 389 quốc gia thông qua Văn phòng Thường trực (Email: bcd389-tinnhanh@customs.gov.vn) để phục vụ cho công tác tuyên truyền của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.