VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /QĐ-VKSTC | Hà Nội, ngày tháng năm 2018 |
DỰ THẢO |
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT YÊU CẦU BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG HÌNH SỰ THUỘC TRÁCH NHIỆM CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
Căn cứ Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017;
Căn cứ Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình giải quyết yêu cầu bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân và phụ lục các biểu mẫu dùng cho công tác bồi thường của Nhà nước trong Ngành kiểm sát nhân dân.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.
Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | VIỆN TRƯỞNG |
QUY TRÌNH
GIẢI QUYẾT YÊU CẦU BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC TRONG HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG HÌNH SỰ THUỘC TRÁCH NHIỆM CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
(Ban hành kèm theo Quyết định số /QĐ-VKSTC ngày tháng năm 2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao)
I. Bước tiếp nhận, thụ lý và cử người yêu cầu bồi thường
1. Tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường (Điều 41, 42 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước)
Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm bồi thường phân công kiểm sát viên, kiểm tra viên chuyên trách tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường của người yêu cầu bồi thường.
Khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường, kiểm sát viên, kiểm tra viên kiểm tra căn cứ, thời hiệu yêu cầu bồi thường, các tài liệu, giấy tờ chứng minh thiệt hại về vật chất và tinh thần và các giấy tờ khác liên quan (nếu có) và ghi vào Sổ nhận hồ sơ (theo mẫu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao).
Trường hợp người yêu cầu bồi thường trực tiếp nộp hồ sơ và sau khi kiểm tra thấy có đủ các giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu, kiểm sát viên, kiểm tra viên đề nghị Lãnh đạo viện cấp Giấy xác nhận đã nộp hồ sơ cho người yêu cầu bồi thường.
Trường hợp hồ sơ gửi qua đường bưu điện, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, kiểm sát viên, kiểm tra viên đề nghị Lãnh đạo viện thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận hồ sơ cho người yêu cầu bồi thường.
Trường hợp hồ sơ yêu cầu bồi thường chưa đầy đủ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ/vào Sổ nhận hồ sơ, kiểm sát viên, kiểm tra viên đề nghị Lãnh đạo viện ra bản yêu cầu bổ sung hồ sơ.
Lưu ý:
Nếu các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ yêu cầu bồi thường là bản sao thì phải có bản chính để đối chiếu hoặc bản sao phải có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền. Đối với các bản án, quyết định có trước năm 2005 mà người yêu cầu bồi thường không cung cấp được bản chính hoặc bản sao có chứng thực thì kiểm sát viên, kiểm tra viên phải tiếp nhận và kiểm tra tính hợp pháp của bản án, quyết định đó khi có yêu cầu.
2. Thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường (Điều 43 khoản 1, khoản 2 và khoản 4)
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu bồi thường hợp lệ, kiểm sát viên, kiểm tra viên thụ lý hồ sơ và vào Sổ thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường (theo mẫu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao) để theo dõi quá trình tiếp nhận và giải quyết yêu cầu bồi thường.
Lưu ý:
Trường hợp sau khi kiểm tra thấy hồ sơ yêu cầu bồi thường không thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát nhân dân, kiểm sát viên, kiểm tra viên phải báo cáo Lãnh đạo viện không thụ lý hồ sơ, trả lại hồ sơ và hướng dẫn người yêu cầu bồi thường gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường.
Trường hợp hồ sơ có một trong các căn cứ quy định tại Điều 43 khoản 2 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, kiểm sát viên, kiểm tra viên báo cáo lãnh đạo viện không thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường và nêu rõ lý do bằng văn bản.
3. Cử người giải quyết yêu cầu bồi thường (Điều 43 khoản 3)
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm bồi thường ra Quyết định cử người giải quyết bồi thường. Quyết định cử người giải quyết bồi thường ghi rõ số quyết định, ngày tháng năm; họ tên, chức vụ, chức danh của người được phân công giải quyết bồi thường; phạm vi, trách nhiệm của người giải quyết bồi thường và hiệu lực của Quyết định.
Lưu ý:
Ngoài yếu tố kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực phát sinh yêu cầu bồi thường nhà nước, người giải quyết bồi thường phải là người không có quyền và lợi ích liên quan tới người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc người bị thiệt hại hoặc người có đơn yêu cầu; và không phải là người thân thích của người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc người bị thiệt hại hoặc người có đơn yêu cầu.
II. Bước phục hồi danh dự, tạm ứng kinh phí yêu cầu bồi thường
1. Phục hồi danh dự (Điều 56, 57, 58 và 59 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước)
1.1. Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm bồi thường (Viện kiểm sát nhân dân trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại) chịu trách nhiệm thực hiện việc phục hồi danh dự đối với người bị thiệt hại. Căn cứ vào yêu cầu, đề nghị của người bị thiệt hại, Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm bồi thường thực hiện việc phục hồi danh dự bằng cách “Trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai” hoặc “Đăng báo xin lỗi và cải chính công khai” hoặc bằng cả hai hình thức trên.
1.2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường, Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm bồi thường thông báo bằng văn bản và mời người bị thiệt hại để trao đổi, thống nhất thực hiện việc phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại. Nội dung trao đổi, thống nhất bao gồm: hình thức, địa điểm, thời gian tổ chức phục hồi danh dự; việc đăng báo, cải chính công khai; thành phần tham dự và các vấn đề khác có liên quan (nếu có).
Trường hợp người bị thiệt hại từ chối việc phục hồi danh dự thì người giải quyết yêu cầu bồi thường phải lập biên bản và ghi rõ nội dung từ chối yêu cầu phục hồi danh dự.
Trường hợp người bị thiệt hại không đến tham gia được, Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm bồi thường gửi thông báo bằng văn bản đến người người bị thiệt hại và đề nghị người bị thiệt hại nêu rõ ý kiến, đề nghị cụ thể về việc phục hồi danh dự.
Trường hợp người bị thiệt hại không trả lời hoặc không có đề nghị cụ thể thì việc phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại chỉ được thực hiện khi người bị thiệt hại có yêu cầu.
1.3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày người bị thiệt hại đồng ý việc phục hồi danh dự hoặc kể từ ngày nhận được văn bản đồng ý phục hồi danh dự của người bị thiệt hại, Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm bồi thường (Viện kiểm sát nhân dân trực tiếp quản lý người thi hành công vụ) tổ chức phục hồi danh dự (bao gồm trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai hoặc đăng báo xin lỗi và cải chính công khai) theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Nghị định số … của Chính phủ.
2. Tạm ứng kinh phí bồi thường (Điều 44 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước)
2.1. Sau khi được phân công giải quyết hồ sơ yêu cầu bồi thường, người giải quyết yêu cầu bồi thường xác định những thiệt hại về vật chất, tinh thần có thể tính ngay mà không cần phải xác minh để thực hiện việc tạm ứng kinh phí bồi thường và mức tạm ứng kinh phí trên cơ sở yêu cầu tạm ứng kinh phí của người yêu cầu bồi thường (nếu có).
2.2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo đề xuất tạm ứng kinh phí, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm bồi thường quyết định việc tạm ứng kinh phí và mức tạm ứng kinh phí. Mức kinh phí tạm ứng từ 50% giá trị thiệt hại đã được xác định mà không cần phải xác minh.
2.3. Trên cơ sở cân đối tổng mức kinh phí phục vụ cho công tác bồi thường và mức kinh phí tạm ứng (theo quyết định), Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm bồi thường thực hiện việc chi trả kinh phí tạm ứng cho người yêu cầu bồi thường.
III. Bước xác minh thiệt hại, thương lượng
1. Xác minh thiệt hại (Điều 45 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước)
1.1. Kiểm sát viên, kiểm tra viên được phân công giải quyết có trách nhiệm nghiên cứu kỹ hồ sơ yêu cầu bồi thường, xây dựng kế hoạch xác minh, đề xuất và báo cáo bằng văn bản các loại thiệt hại cần phải xác minh, định giá và giám định theo đề nghị của người yêu cầu bồi thường (nếu có); kinh phí xác minh thiệt hại trong các trường hợp cần phải giám định và định giá tài sản; thành phần tham gia việc xác minh thiệt hại.
1.2. Yêu cầu người yêu cầu bồi thường cung cấp, bổ sung các tài liệu, chứng cứ làm cơ sở để xác minh thiệt hại (nếu có).
1.3. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các tài liệu, chứng cứ làm cơ sở để xác minh thiệt hại trong trường hợp người yêu cầu bồi thường không cung cấp được hoặc có yêu cầu.
1.4. Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm bồi thường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tiến hành định giá hoặc giám định các thiệt hại theo quy định của pháp luật khi thấy cần thiết.
Lưu ý: giá trị thiệt hại được bồi thường được tính tại thời điểm thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường (Điều 43); khoảng thời gian tính thiệt hại được tính từ ngày phát sinh thiệt hại cho đến ngày thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường, trừ một số trường hợp pháp luật có quy định riêng.
1.5. Kết thúc việc xác minh thiệt hại, trong thời hạn 03 ngày làm việc, Kiểm sát viên hoàn thành báo cáo xác minh thiệt hại để làm cơ sở cho việc thương lượng.
2. Tổ chức thương lượng (Điều 46, Điều 47 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước)
2.1. Sau khi hoàn thành báo cáo xác minh thiệt hại, trong thời hạn 02 ngày làm việc, Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm bồi thường mời người yêu cầu bồi thường đến trụ sở để tiến hành việc thương lượng. Địa điểm thương lượng được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận với người yêu cầu bồi thường. Tùy theo tính chất của vụ việc, thời hạn thương lượng không được quá 15 ngày làm việc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với người yêu cầu bồi thường.
2.2. Khi tiến hành thương lượng, người yêu cầu bồi thường trình bày ý kiến, bổ sung tài liệu, chứng cứ (nếu có); Kiểm sát viên được phân công giải quyết bồi thường công bố báo cáo kết quả xác minh thiệt hại; các bên trao đổi, thỏa thuận nội dung thương lượng; các thành phần tham gia thương lượng trình bày ý kiến.
2.3. Quá trình thương lượng, Kiểm sát viên, kiểm tra viên phải lập biên bản thương lượng. Trường hợp phải thương lượng nhiều lần, Kiểm sát viên, kiểm tra viên phải lập biên bản từng lần thương lượng. Biên bản phải có đầy đủ chữ ký của những người tham gia thương lượng.
2.4. Sau khi kết thúc việc thương lượng, Kiểm sát viên, kiểm tra viên phải lập Biên bản kết quả thương lượng, ghi rõ nội dung các yêu cầu bồi thường thương lượng thành và không thành. Biên bản kết quả thương lượng có chữ ký của những người tham gia thương lượng và được giao cho mỗi người 01 bản.
2.4. Sau khi thương lượng thành, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm bồi thường ra Quyết định giải quyết bồi thường và gửi cho người yêu cầu bồi thường.
Nếu thương lượng không thành, Kiểm sát viên được phân công giải quyết yêu cầu bồi thường yêu cầu người yêu cầu bồi thường khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết yêu cầu bồi thường.
IV. Bước chi trả tiền bồi thường (Điều 62 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước)
1. Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm bồi thường lập hồ sơ đề nghị cấp kinh phí và gửi về Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 7) trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định giải quyết bồi thường. Hồ sơ được lập thành 3 bộ.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự chịu trách nhiệm kiểm tra, thẩm định hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường đảm bảo đúng quy định của pháp luật và lập công văn đề nghị cấp kinh phí, gửi kèm theo 02 bộ hồ sơ đến Cục Kế hoạch - Tài chính Viện kiểm sát nhân dân tối cao để Bộ Tài chính cấp kinh phí.
Trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm bồi thường bổ sung hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp kinh phí không đúng quy định của pháp luật và không thể khắc phục được thì trả hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm bồi thường và nếu rõ lý do bằng văn bản, đồng thời hướng dẫn giải quyết theo trình tự thủ tục tố tụng.
3. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí, Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm bồi thường phải thông báo và thực hiện việc chi trả tiền bồi thường một lần cho người yêu cầu bồi thường.
4. Sau khi chi trả tiền bồi thường, Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm bồi thường gửi văn bản kèm theo biên bản giao nhận tiền bồi thường (3 bộ) về Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự Viện kiểm sát nhân dân tối cao để thực hiện việc quyết toán và quản lý nhà nước về công tác bồi thường.
V. Bước hoàn trả kinh phí bồi thường (Điều 66 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước)
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày chi trả xong tiền bồi thường, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân đã chi trả tiền bồi thường ra quyết định thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả.
Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ gây thiệt hại ở nhiều cơ quan khác nhau thì trong thời hạn 01 ngày làm việc, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân đã chi trả tiền bồi thường gửi văn bản đề nghị thủ trưởng các cơ quan có liên quan cử người tham gia Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả.
2. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày ra Quyết định, Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả phải hoàn thành việc xét xét mức độ lỗi, trách nhiệm hoàn trả, mức hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây thiệt hại và kiến nghị thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ đã gây thiệt hại ra quyết định hoàn trả.
3. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân đang quản lý người thi hành công vụ đã gây thiệt hại có trách nhiệm ra quyết định hoàn trả và thực hiện việc thu tiền hoàn trả theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Sau khi ra quyết định hoàn trả, trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc trường hợp được hoãn thực hiện việc hoàn trả, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân đang quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại ra quyết định hoãn thực hiện việc hoàn trả.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.